Anh kể em nghe về lịch sử game (P.8): Gaming Consoles Gen V – Gen VIII

Chủ xị

  

Tít: Quay trở lại với chuyên mục điểm mặt đặt tên 8 thế hệ máy console chơi game nhé. Lần này anh sẽ tiếp tục bắt đầu trước với thế hệ gen 5. Console đầu tiên của thế hệ này là máy 3DO và Atari Jaguar. Đặc điểm chung của 2 máy này là cấu hình mạnh hơn nhiều so với máy gen 4, hơn nữa nó cũng đe doạ sự thống trị của 2 ông trùm Sega và Nintendo. Khuyết điểm duy nhất nhưng cũng là lớn nhất của các máy này đó là về giá cả. Trong khi các ông lớn như Nintendo có thể dễ dàng hạ giá thành của máy xuống 1 chút để cạnh tranh thì 3DO với Jaguar được bán để kiếm lời. Chính vì sự chênh lệch này mà ban đầu, gen 5 vẫn chưa thể nổi trội trên thị trường game thế giới.

Atari Jaguar

Atari Jaguar

Mít: Nghe có vẻ sự cạnh tranh giữa máy đời gen 4 và gen 5 rất khốc liệt. Các hãng máy game lớn chắc chắn phải có cách gì để thay đổi cục diện chứ anh nhỉ?

Tít: Đương nhiên rồi! Có lẽ Nintendo muốn níu kéo dòng gen 4 và cũng vì để chế tạo được các máy gen 5 thì chi phí tăng lên rất nhiều. Nếu là ở thời điểm năm 1990 đó thì việc thay đổi phương án kinh doanh sẽ khá khó khăn cho Nintendo nên họ tung ra những game mới hấp dẫn nhằm cạnh tranh với máy gen 5. Điển hình có thể kể đến như Donkey Kong Country nhưng có độ phân giải lớn hơn kèm thêm nhiều màu sắc. Sega cũng học tập theo cách này, cho ra đời 1 số game như Vectorman, Virtua Racing. Tuy vậy cũng không thể phủ nhận cuộc cách mạng lên gen 5 cũng mang lại một số thay đổi quan trọng. Trong đó không thể không nói tới việc bắt đầu sử dụng đĩa CD để đọc và chơi game trong máy. Không lâu sau, Sega cũng quyết định gia nhập gen 5 bằng việc cho ra đời hệ máy Saturn. Khổ nỗi, tuy Saturn là công nghệ đời mới, xịn hơn nhưng lại quá phức tạp để làm game trên nó. Chiếc máy duy nhất đạt được thành công và cũng chiếm trọn toàn bộ thị phần của gen 5 lại chính là PlayStation, một sản phẩm kết hợp giữa Sony và Nintendo. Chiếc máy sử dụng công nghệ đồ hoạ 3D cho ra đời biết bao dòng game làm cho người chơi ngẩn ngơ, đến nỗi PlayStation là hệ máy đầu tiên bán được trên 100 triệu chiếc. Sau cùng của gen 5 là máy Nintendo 64 với 2 game nổi tiếng là Super Mario 64 và The Legend of Zelda: Ocarina of Time.

Nintendo 64 với tay cầm kiểu...tàu vũ trụ

Nintendo 64 với tay cầm kiểu…tàu vũ trụ

Mít: Đến em rồi phải không. Gen 6 bắt đầu vào khoảng thời gian năm 1998. Ngoài cải tiến từ sử dụng đĩa CD lên đĩa DVD, gen 6 cũng là một cuộc cách mạng lớn trong ngành game khi console bắt đầu được kết nối để chơi game online. Máy đầu tiên của thế hệ gen 6 là Dreamcast của Sega lần đầu tiên chào bán tại Nhật năm 1998, tiếp đó 1 năm sau là thị trường châu Âu. Đây cũng là console cuối cùng của hãng. Về sau Sega chỉ tập trung vào phát triển phần mềm là chính, có lẽ lý do bởi sản phẩm của Sega không thực sự nổi bật và cũng không cạnh tranh được trên thị trường với Nintendo cùng ông lớn mới nổi là Sony. Nhắc đến Sony, tiếp nối thành công của PlayStation, máy PlayStation 2 được ra mắt vào năm 2000 trên cả thị trường Bắc Mĩ và châu Âu. PS2 là hệ máy đầu tiên sử dụng DVD để chơi game, vì thế dung lượng cũng như chất lượng các game chơi trên PS2 tốt hơn các hệ máy cùng đời rất nhiều. Năm 2004, Sony cải tiến PS2 thành phiên bản nhỏ gọn hơn, trở thành console chơi game tại nhà phổ biến nhất thế giới. Tính đến thời điểm năm 2011, có đến 140 triệu máy PS2 được bán ra, xô đổ kỉ lục 100 triệu của người anh em PS1. Gia nhập muộn hơn 1 chút, cả Nintendo và Microsoft đều gia nhập thị trường console gen 6 với những sản phẩm riêng. Nintendo cho ra mắt GameCube nhưng cũng sống không thọ. Tới năm 2007 thì GameCube bị ngừng phát triển mà thay vào đó là Wii. Còn sản phẩm Xbox của Microsoft thì quá nổi tiếng, rất nhiều người biết đến rồi. Tuy không có lượng bán khủng như PS2 nhưng thực sự mà nói, Xbox mới chính là sự thay đổi tuyệt vời nhất của gen 6. Không chỉ tích hợp ổ cứng ngoài máy để save game, Xbox còn có cổng cắm Ethernet để kết nối dịch vụ Xbox Live cho phép người chơi chơi trực tuyến một số game. Nổi bật nhất trong số này phải nói tới dòng game Halo.

Mấy khi sưu tầm đủ bộ gen 6 thế này

Mấy khi sưu tầm đủ bộ gen 6 thế này

Tít: Trong số mấy máy này thì thực sự anh cũng mới chỉ nhìn tận mắt được Xbox và PS2 thôi. Thế còn các máy chơi game cầm tay thì sao nhỉ?

Mít: À suýt thì em quên. Ở phân khúc thị trường máy chơi game cầm tay, Nintendo vẫn xưng hùng xưng bá với Game Boy Advance. Những thay đổi của Nintendo trong gen 6 cũng chỉ xoay quanh các nâng cấp của Game Boy như Game Boy Advance SP hay Game Boy Micro. Đến lượt gen 7 của anh đó!

Tít: Cho đến gen 7 thì máy chơi game console đã phát triển cực thịnh rồi. Ước tính có đến 25% số máy tính là các console chơi game. Thực ra đến gen 7, các hệ máy không còn có những thay đổi đặc biệt nào nữa mà chủ yếu là tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm thành công trước đó của họ. Năm 2005 là khởi đầu của gen 7 với việc Microsoft tung ra sản phẩm Xbox 360. Chiếc máy chơi game này ngay khi ra mắt đã tạo nên một cơn sốt cực lớn trên cả thị trường Mỹ lẫn châu Âu. Nhưng không lâu sau, PlayStation 3 ra đời lại chễm chệ trên đỉnh bảng xếp hạng các console gaming phổ biến nhất. Vấn đề lớn nhất mà Xbox 360 gặp phải đó là nó không có ổ cứng trong để lưu game. Máy cũng không hỗ trợ sử dụng đĩa Bluray nên một số game nặng như Battefield hay Wolfenstein cần tới hơn 2 đĩa để chơi game, một sự bất tiện lớn mà không game thủ nào muốn gặp phải. Sản phẩm của Sony hỗ trợ không chỉ cả đĩa Bluray chơi game mà còn có thể xem phim nữa nên PS3 nhỉnh hơn Xbox 360 khá nhiều. PS3 cũng là máy đầu tiên hỗ trợ cổng cắm HDMI, sử dụng độ phân giải full HD 1080p. Nếu như Xbox 360 hỗ trợ 4 tay cầm kết nối trên dải tần 2.4GHz thì PS3 có thể chơi được tới 7 tay cầm kết nối qua Bluetooth. Nhiều sản phẩm nâng cấp của PS3 cũng nâng mức hỗ trợ dung lượng ổ cứng lên đến tối đa là 320GB. Ngoài ra Sony còn cho phép sử dụng thêm các loại thẻ nhớ nhưng là ở các phiên bản cũ mà hiện nay không được hãng hỗ trợ nữa. Một sản phẩm khác tuy không phát triển mạnh mẽ như 2 ông lớn vừa rồi, đó là Wii của Nintendo mà lúc nãy em có nhắc tới. Wii cũng không hỗ trợ ổ cứng trong mà chỉ có thẻ nhớ Flash 512 MB cùng độ phân giải mặc định là 480p khiến hệ máy này trở thành máy gen 7 duy nhất không hỗ trợ game đồ hoạ chất lượng cao. Điểm khiến nó đặc biệt là chiếc điều khiển Wii Remote cho phép người dùng chơi game từ xa trên màn hình TV. Sản phẩm này của Nintendo có lẽ hướng đến đối tượng là các gia đình nhiều hơn là những game thủ với những trò chơi hiện đại phổ biến trên thế giới. Nhưng nếu chỉ sống nhờ các máy Wii giá rẻ thì không ổn, Nintendo tiếp tục cải tiến sản phẩm máy chơi game cầm tay của mình lên Nintendo DS thay thế cho Game Boy. Đặc điểm của sản phẩm này là có 2 màn hình với màn hình cảm ứng ở dưới như một menu điều khiển còn màn trên để hiển thị chơi game. Tuy vậy, NDS cũng không đơn độc trong phân khúc này nữa khi mà Sony cũng bắt đầu nhảy vào cuộc chơi với sản phẩm PlayStation Portable của mình ra mắt cuối năm 2004. Ước tính có đến hơn 150 triệu bản NDS được bán, còn số lượng tiêu thụ PS Portable cũng không hề nhỏ, 80 triệu trên tổng thị trường Nhật, Mĩ, Âu.

PS3 được thiết kế hiện đại hơn PS2 rất nhiều

PS3 được thiết kế hiện đại hơn PS2 rất nhiều

Mít: Để em chốt gen 8 nào! Thế hệ gen 8 không chỉ giới hạn ở việc chơi game nữa mà xa hơn, nó kết nối với các thiết bị truyền thông khác. Ví dụ điển hình như tính năng share hình ảnh của PlayStation 4 lên các mạng xã hội chẳng hạn. Xbox 360 được cải tiến thành Xbox One còn Wii được nâng cấp  thành Wii U. Những cải tiến này đều được ra mắt cho người dùng vào năm 2013. Không chỉ cạnh tranh lẫn nhau, các hệ máy gen 8 còn phải đối mặt với sự phát triển tốc độ chóng mặt của các thiết bị điện thoại. Số lượng tiêu thụ mặt hàng PS4 cho đến nay mới chỉ khoảng gần 40 triệu máy, 10 triệu đối với Xbox One, Wii U là 3 triệu. Nintendo cùng Sony cũng tiếp tục dắt tay nhau trong thị trường game cầm tay. Lần đầu tiên được giới thiệu vào E3 2010, Nintendo 3DS là một tín hiệu đáng mừng với các fan của dòng máy. PlayStation Vita cũng được chào bán năm 2011 nhưng nhận được ít sự quan tâm hơn. Gen 8 cũng không có nhiều thông tin như các gen trước, chủ yếu là bởi sự thay đổi của công nghệ quá nhanh nên quá trình chuyển đổi từ gen 7 lên gen 8 chỉ như một sự nâng cấp các đời máy, thêm nữa là thiết bị di động cùng máy tính PC thu hút nhiều người sử dụng hơn là console gaming.

Xbox One S đẹp nhỏ gọn mà tinh tế

Xbox One S đẹp nhỏ gọn mà tinh tế

Kết thúc cuộc nói chuyện của 2 anh em Tít và Mít cũng là kết thúc cho series tìm hiểu lịch sử trò chơi điện tử của Hiệp Sĩ Bão Táp. Bởi vì nội dung về lịch sử không phải là dễ đọc nhưng chúng mình đã cố gắng tổng hợp nhiều nguồn, biến nó thành những đoạn hội thoại sao cho phù hợp với các độc giả hơn. Mong rằng sau series này, bạn đọc đã có nhiều hơn những kiến thức chính về quá trình hình thành, phát triển game nói chung. Hẹn gặp lại các bạn trong những series tiếp theo thú vị hơn của chúng mình nhé!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện