Assassin’s Creed Lược Sử – Phần 5: Về Hội Dòng Đền

Khách quen

  

*Phần trước*

*Kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về Hội Dòng Đền, đối thủ truyền kiếp của những Sát Thủ, cũng như tư tưởng, mục tiêu và tầm nhìn của họ. Đồng thời ta cũng biết được họ có vai trò gì trong lịch sử, cũng như tại sao họ lại có sự ám ảnh với các Bảo vật Địa Đàng. Mong các hiệp sĩ có những phút giây vui vẻ với bài viết này.*

Hội Hiệp sĩ Dòng Đền (Order of the Knights Templar), hay còn gọi là Hiệp sĩ Đền Thánh, hoặc Những Chiến hữu Nghèo của Chúa Kitô và đền Solomon, nguồn gốc là một dòng tu quân đội và trở thành một hội đồng bí mật núp bóng các chính phủ, lãnh đạo. Hội Dòng Đền vốn đã có nguồn gốc từ thời xa xưa, được biết đến với những cái tên như là Những Đứa con của Cain, Hội Kosmos hay Hội Cổ Nhân. Cũng như Hội Sát Thủ, các Templar cũng tìm cách tạo ra một thế giới hoàn hảo, tuy nhiên bởi vì có sự xung đột về ý thức hệ và tư tưởng, nên 2 tổ chức này sớm trở thành kẻ thù không đội trời chung và thường xuyên cạnh tranh lẫn nhau, kéo dài hàng ngàn năm từ thời lịch sử bắt đầu được viết lên cho đến tận bây giờ.

Hội những người Cổ Đại, tiền thân sớm nhất của Hội Dòng Đền

Nguồn gốc của Hội Dòng Đền vẫn được coi là một bí ẩn, tuy nhiên, người ta tin rằng bản chất của các Templar đã có manh nha từ thời xa xưa, ít nhất là từ khi loài người tuyên bố tự do khỏi sự nô lệ từ Nền Văn Minh Đầu tiên. Một thời gian sau Đại Thảm Họa vào năm 75000 TCN, Cain con trai Adam và Eva, đã giết Abel anh trai mình để chiếm lấy Quả Táo Địa Đàng, và coi như là người đầu tiên phạm tội trong lịch sử. Vì tội ác trên, Cain được gắn cho với hình ảnh một chữ thập đỏ, mà sau này chính là biểu tượng Hội Dòng Đền, và tạo ra một nhóm là Những Đứa con của Cain. Một số tiền thân được biết đến sớm nhất của Hội Dòng Đền chính là Hội Cổ Nhân được thành lập vào triều đại thứ 18 của Ai Cập, hay Hội Kosmos ở thế kỉ thứ 6 TCN tại Hy Lạp cổ đại, tuy nhiên vẫn có rất ít những thông tin ghi chép lại về những tổ chức bí ẩn này trong lịch sử. Mãi đến năm 1129, thì sự tồn tại của Hội Dòng Đền mới được biết đến trong lịch sử, khi mà tổ chức quân sự của Hội được Tòa Thánh công nhận, với vai trò bảo vệ người châu Âu hành hương, và tham gia các cuộc Thập Tự Chinh bảo vệ đất thánh Jerusalem. Và theo thời gian, Hội Hiệp sĩ Dòng Đền ngày càng lớn mạnh, nắm giữ rất nhiều tiền bạc lẫn quyền lực. Tuy nhiên, vào đầu thế kỉ 14, Hội Dòng Đền đã bị thất sủng bởi vua Philip IV của Pháp và Giáo Hoàng Clement V, và các Hiệp sĩ Dòng Đền bị bắt bớ và đưa lên giàn thiêu, trong đó có Đại Sư cuối cùng của Hiệp Sĩ Dòng Đền Jacques de Molay. Kể từ đó, Hội Dòng Đền hầu như không còn xuất hiện trong lịch sử công khai nữa, mà len lỏi sâu khắp thế giới, thường nằm trong những giai cấp lãnh đạo thống trị nhằm đeo đuổi mục tiêu của mình, và đến tận này nay Hội Dòng Đền núp bóng các tổ chức chính phủ và các tập đoàn đa quốc gia, mà Tập Đoàn Abstergo là một đại diện tiêu biểu, ra sức săn lùng sở hữu các Báu Vật Địa Đàng nhằm phục vụ cho việc xây dựng một Trật tự Thế giới Mới, đồng thời lại nỗ lực nghiên cứu về Isu và các Sage với nỗ lực tổng hợp lại gen của Những Người Đến Trước nhằm nghiên cứu các bí mật của họ.

Những kẻ đứng đầu Tập Đoàn Abstergo

Mục tiêu chung tối cao của Hội Dòng Đền là xây dựng một Trật tự Thế giới Mới. Đó là một khái niệm về thế giới hòa bình, một xã hội không tưởng, nhân loại phát triển, nhưng đặt dưới sự kiểm soát và giám sát của Hội Dòng Đền. Tin rằng bản chất loài người vốn hỗn loạn và man rợ rất cần quy tắc và kỷ luật, Hội Dòng Đền mong muốn được dẫn dắt và soi sáng nhân loại, làm tinh sạch nhân loại để trở nên khôn ngoan và hài hòa hơn, và để phát triển một xã hội văn minh. Trái với niềm tin rằng loài người sẽ tự học hỏi không ngừng để tiến bộ thông qua Ý chí Tự do, qua đó phát triển một xã hội tốt đẹp như Hội Sát Thủ, Hội Dòng Đền cho rằng sự tự do chính là nguồn cơn của mọi biến động và hỗn loạn, và sẽ đe dọa nền móng của văn minh nhân loại. Và họ nghĩ rằng bản chất của loài người không thể tự học hỏi và tiến bộ, bởi vì lòng tham quá dễ để làm mờ mắt, nên trách nhiệm của Hội Dòng Đền là dẫn dắt loài người giác ngộ một thế giới hòa bình bằng kỉ cương và luật lệ để áp chế sự hỗn loạn, và điều này là cần thiết trong một thế giới vốn tàn nhẫn. Do đó, Hội Dòng Đền luôn có một sự cạnh tranh dai dẳng đối với Hội Sát Thủ. Theo thời gian, Hội Dòng Đền cũng có một sự tập trung vào việc tìm kiếm và thu thập các Báu Vật vườn Địa Đàng hơn là những hành động để cải cách và biến đổi xã hội, vì tin rằng với quyền lực đến từ nó, Hội Dòng Đền mới có thể thống nhất và kiểm soát thế giới, tiến lại gần hơn với một “Trật tự Thế giới Mới” một cách dễ dàng. Nói chung rằng, xét về mặt cốt lõi, tư tưởng và mục tiêu của Hội Dòng Đền và Hội Sát Thủ cũng không mấy khác nhau, chẳng qua một bên tin rằng loài người cần phải có một ai đó khai sáng dẫn lối, còn bên còn lại thì cho rằng loài người có thể tự khai sáng bản thân để tạo ra một xã hội hoàn hảo.

Đại Sư Haytham Kenway, một trong những Templar vĩ đại nhất lịch sử và các thành viên Nghi lễ Thuộc Địa

Kỷ Luật, Mục Tiêu, Dẫn Lối, đây chính là các chìa khóa của Hội Dòng Đền để thực hiện lý tưởng của mình. Bởi vì thế, họ có niềm tin vào một Đấng tối cao gọi là Cha Toàn Tri (Father of Understanding). Có lẽ đây chỉ là một hình ảnh ẩn dụ cho tư tưởng của Hội Dòng Đền, khi các Templar thường hay nói: “Mong Cha Toàn Tri khai sáng cho chúng ta” để làm một lời chúc phúc, tuyên thệ, chào hỏi, cầu nguyện cũng như là nhắc nhở để giữ vững và kiên định trên con đường của mình. Ngoài ra, Hội Dòng Đền cũng có một niềm tin tôn giáo sâu sắc, tin vào Thiên Chúa dẫn lối và bản thân họ chính là đại diện của Chúa để làm những gì cần phải làm mà thôi. Vì thế, Hội Dòng Đền nguyên thủy thường không ngả về một thế lực nào, mà thường kiên định với con đường và mục đích họ đã chọn. Từ một niềm tin đó, Hội Dòng Đền đã đưa ra 3 điều răn thiêng liêng:

1. Luôn giữ vững những nguyên tắc cốt lõi, cũng như tất cả những gì mà chúng ta đại diện.

2. Không bao giờ hé lộ những bí mật của chúng ta, cũng như làm vấy bẩn ý nghĩa của những gì ta làm.

3. Tuân thủ đến chết, bằng mọi giá.

Có lẽ vì hệ tư tưởng này, Hội Dòng Đền luôn nằm trong những tầng lớp giai cấp phía trên thống trị và quản lý xã hội, cũng như là những người đứng đầu một lĩnh vực nào đấy trong xã hội đó, hay là những chức sắc cao của tôn giáo. Và như thế, rất dễ có sự nhầm lẫn về việc Hội Dòng Đền theo đuổi sự kiểm soát hay theo đuổi quyền lực. Đành rằng rất nhiều Templar ham mê quyền lực một cách khát khao, bản chất căn bản của Hội chính là giúp loài người vượt qua bản chất của họ, để trở nên hoàn hảo hơn trong sự thông thái và hòa bình. Chính nhờ sự quản lý của Hội Dòng Đền, mà một số thành phố và quốc gia trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế và giáo dục, và phát triển mạnh mẽ về mọi mặt như Rome, London, New York, Paris,… Thực tế, Hội Dòng Đền có xu hướng đồng cảm với Hội Sát Thủ trong việc tìm kiếm “hòa bình”, nhưng lại ghét bỏ việc mưu cầu “sự tự do” của họ. Trong lịch sử, vẫn có lúc Hội Dòng Đền và Hội Sát Thủ đã có có cơ hội để đạt được hòa bình, như vào năm 1789 tại Paris, khi Đại Sư François de la Serre lãnh đạo Hội Dòng Đền, cùng với đối tác là Cố Vấn Honoré Mirabeau của Hội Sát Thủ đã có một sự thỏa thuận thống nhất cả 2 tổ chức, để xây dựng một xã hội hòa bình bằng tự do và sự kỷ luật song hành. Tiếc thay, cả 2 người đều bị giết bởi những kẻ bảo thủ dưới quyền khi mọi sự còn dở dang.

Cha con Rodrigo và Cesare Borgia, vết nhơ của Hội Dòng Đền

Mặc dù tư tưởng cao quý như vậy, thực tế những việc Hội Dòng Đền đã làm thường mang nhiều tiếng xấu như lạm dụng, thao túng con người một cách phi đạo đức như lao động trẻ em, can thiệp vào những sự kiện tồi tệ, cũng như đứng đằng sau những cuộc chiến tranh. Và các Templar thường biện hộ rằng nhiều hành động tàn bạo của họ thường vì một lợi ích lớn lao hơn. Chính Hội Dòng Đền đã đứng đằng sau châm ngòi cho 2 cuộc Thế Chiến, xây dựng những chế độ có phần chuyên chế. Hay thậm chí như Henry Ford, một Templar, đã thông báo trả 5 đô la mỗi ngày cho các công nhân, trong khi thực tế đó chỉ là một ảo tưởng bằng cách sử dụng Quả Táo Địa Đàng để đảm bảo lợi nhuận và năng suất. Hội Dòng Đền cũng ko cảm thấy có vấn đề gì với việc kiểm duyệt tư tưởng, như Templar cũng cố gắng loại bỏ Nicolaus Copernicus và giết Alan Turing, bởi vì một số kiến thức họ mang lại không có lợi cho Hội Dòng Đền. Thêm nữa, bởi vì bản chất Hội Dòng Đền phải tiếp cận quyền lực, nên làm cho các Templar rất dễ bị sa ngã và cám dỗ bởi nó, trở nên kiêu ngạo và tham nhũng, vụ lợi. Một số người lợi dụng vỏ bọc Templar, để thỏa mãn những ham muốn ích kỉ và tham vọng của bản thân, hay để có một cuộc sống xa hoa và trù phú, mà tiêu biểu là cha con Rodrigo Borgia và Cesare Borgia, vốn thực tế là một vết nhơ của Hội Dòng Đền. Thật sự, những người sống quên thân vì lý thưởng cao đẹp như Đại Sư Haytham Kenway và Hoàng tử Ahmet là rất hiếm. Một số Templar như Đại tá George Monro là một người bảo vệ nhân từ đối với những người dân của mình và có một niềm tin trong sáng vào lý tưởng Hội Dòng Đền, đã ra sức cố gắng phát triển và cải thiện chất lượng sống của người dân khu vực thuộc địa Bắc Mỹ, và vì thế mới có thể cảm hóa Shay Cormac từ một Sát Thủ trở thành một thành viên đắc lực của Hội Dòng Đền. Ở một số thời điểm khác nhau, Hội Dòng Đền cũng đã phản đối việc đối xử phi đạo đức và giết hại người vô tội, dù định nghĩa “vô tội” của họ hơi khác biệt. Nhưng đôi khi họ vẫn coi việc làm hại người vô tội vì lợi ích lớn lao hơn, là một vấn đề không to tác mấy, miễn sao đạt được mục đích thôi.


Nội Thánh, hội đồng lãnh đạo Hội Dòng Đền Hiện Đại và Hắc Thập Tự, điều tra viên nổi tiếng đáng sợ của họ

Ban đầu, Lãnh đạo Hội Dòng Đền được gọi là Đại Sư (Grand Master). Trong thời Trung Cổ, khi các Templar còn hiện diện công khai, thì Đại Sư được coi là chỉ huy tối cao của họ. Tuy nhiên, khi tổ chức được trải rộng ra toàn cầu, và thiết lập ra nhiều chi nhánh khu vực, gọi là Nghi lễ. Ở mỗi Nghi lễ đấy có một Đại Sư lãnh đạo, bên dưới là 9 cấp bậc với Master Templar là cao nhất. Đến thế kỷ 21, để gắn kết và lãnh đạo các Nghi lễ với nhau, một hội đồng cấp cao được thành lập với tên gọi Nội Thánh (Inner Sanctum), bao gồm 9 Templar ưu tú và sáng giá nhất để đề ra các quyết sách của Hội Dòng Đền và giám sát các Đại Sư các khu vực, có thể coi là hạt nhân của tổ chức. Sở dĩ có 9 người bởi vì đó là con số linh thiêng của Hội Dòng Đền, bắt nguồn từ 9 Templar đi tìm Quả Táo Địa Đàng thời Thập Tự Chinh. Hiện giờ Nội Thánh chính là hội đồng quản trị của Tập đoàn Abstergo và trên lý thuyết, họ có nhận thức đầy đủ về tất cả kế hoạch và dự án của toàn bộ Hội Dòng Đền. Tuy nhóm người này là cánh tay điều hành của Hội, nhưng lại có 3 trong số họ là các Giám Hộ, có quyền lực cao hơn, cũng như có trách nhiệm xem xét những việc hệ trọng của Inner Sanctum, sau đó đệ trình lên cho lãnh đạo tối cao của Hội Dòng Đền thông qua, chính là Thập Tự Đại Tướng Quân (General of the Cross). Ngoại trừ 3 Giám Hộ, không một ai biết đến danh tính thực sự của Thập Tự Đại Tướng Quân kể cả các thành viên của Nội Thánh, và nhân vật này có quyền chấp thuận hoặc phủ quyết bất cứ quyết định nào của Hội Dòng Đền. Bên cạnh đó, còn có Hội đồng Trưởng bối, có quyền lực cao hơn cả Giám Hộ, là một trong các cơ quan chủ quản của Hội Dòng Đền. Thật sự hệ thống phân cấp lãnh đạo của Hội Dòng Đền Hiện Đại là chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn một điều, hiện tại Tướng Thập Tự là thống lĩnh tối cao của Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền. Ngoài ra, dưới trướng Nội Thánh còn có Hắc Thập Tự (Black Cross), đặc vụ riêng kiêm điều tra viên nổi tiếng đáng sợ của họ, với trách nhiệm chính là thẩm tra và kiểm soát các Đại Sư của các Nghi lễ khác nhau. Hắc Thập Tự chỉ chịu nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hội đồng này, và được trao bất cứ quyền và phương tiện cần thiết, thậm chí là một đội đặc nhiệm giết người luôn sẵn sàng dưới quyền chỉ huy, để giải quyết những thành viên sa ngã của Hội Dòng Đền kể cả các Đại Sư nếu cần, thanh trừng những căn cứ của Hội Sát Thủ, và theo dõi và săn lùng những Báu Vật Địa Đàng cho Nội Các. Hiện giờ, danh hiệu Hắc Thập Tự thuộc về Juhani Otso Berg, một thành viên Nội Thánh và lãnh đạo Đội Sigma, đội đặc nhiệm bán quân sự của Tập đoàn Abstergo.

Juhani Otso Berg, Black Cross của Hội Dòng Đền

*Kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về lịch sử cuộc chiến giữa Hội Sát Thủ và Hội Dòng Đền từ lúc xa xưa, cho đến trước những sự kiện xảy ra trong series game. Đồng thời cũng đề cập đến những mốc thời gian thăng trầm đáng nhớ giữa hai tổ chức này. Mong sớm sẽ gặp lại các bạn sớm. Peace!!!*

 

*Phần sau*


Cùng Series

Quang Huy Nguyễn

Khách quen

  
Không có máu M hay cuồng mòe. Không theo team Triss. Có chơi To the Moon :))

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện