Bạn đã từng nghe về Chinese RPG hay chưa?

Khách quen

  

Khái niệm Chinese RPG xuất hiện ở Việt Nam dưới cái tên “game Á Châu”. Nếu lật lại hơn 15 năm về trước thì chắc chắn nhắc đến Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp các kiểu thì dân chuyên chép game lậu đều biết đến. Một bộ đĩa cài ít nhất cũng 2 đĩa, nhiều nhất thì 4 đĩa và luôn có đính kèm một file txt hướng dẫn cài bởi vì bộ cài thường là chữ Tàu rất khó chịu. Còn mà nói về chơi, hiểu nội dung rồi viết ra hướng dẫn thì hiếm có chỗ nào bì lại box game Á Châu tọa lạc ở forum Gamevn.com cả.

Tóm lại C-RPG (not Classic RPG) là gì?

Chinese RPG là một game được thực hiện bởi các nhà phát triển người Đài Loan (hầu hết) bởi vì người Đài chịu ảnh hưởng văn hóa rất lớn của xứ sở hoa anh đào và cũng vì các anh lập trình viên Đài Loan đã bắt tay phát triển game từ đầu thập niên 90 rồi.

Như đã đề cập bên trên, C-RPG chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Nhật Bản nên hầu như các tựa game C-RPG có lối chơi không khác gì một tựa game J-RPG thông thường. Nó cũng bao gồm các yêu tố như phân bổ đội hình, tung kỹ năng theo lượt, lên cấp mua đồ thay đổi chỉ số. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn nhất của C-RPG chính là hệ thống võ công vô cùng phong phú mà phải nhắc đến công to lớn của thế hệ cây bút vàng Kim Dung, Cổ Long.

Như lai thần chưởng là có thật?

Nếu bên phương Tây, họ để tâm đến khả năng chịu đựng của nhân vật, gọi nôm na là kháng thông qua vài thông số đơn giản thì hệ thống kháng, gây/nhận sát thương của C-RPG liên kết với nhau khá phức tạp. Đối với đại hiệp giang hồ, không phải chỉ có nhiều kinh nghiệm là đủ phải còn có những thứ gọi là “tố chất”, quan hệ bằng hữu – để nhận nhiệm vụ, độ thiện-ác, thú vị nhất chắc là sự tương sinh tương khắc với nhau khi thi triển võ công. Mặc dù ở thời điểm mới ra đời thì C-RPG không qui mô như hiện tại nhưng cũng đủ làm hài lòng biết bao người mộ điệu.

Hoa Sơn luận kiếm tương truyền chỉ diễn ra đúng 3 lần

Dựa trên các bộ kiếm hiệp khuấy đảo cộng đồng châu Á, hàng loạt tựa game mang tên ăn theo các tác phẩm này hầu hết gặt hái nhiều thành công trong khu vực… “nội địa”. Đó chính là rào cản lớn nhất để C-RPG có tiếng nói với thế giới, các dòng game C-RPG giai đoạn mới thịnh hành đều thuần tiếng Trung, không có một game nào hỗ trợ tiếng Anh dù cho cả khâu cài đặt mà không có tiếng Trung cũng không cho cài (Điển hình là game Thiên Long Bát Bộ phải setting lại ngôn ngữ hiển thị trong Windows sang Chinese PRC). Điểm trừ thứ hai không thể không nhắc đến chính là con game luôn yêu cầu cấu hình vượt trội so với các game cùng thời đại, nguyên do chính là C-RPG được làm bởi chất liệu FLASH là chính, tối ưu hóa kém, không phải code thuần C/C++ như các anh trên thế giới.

Dĩ nhiên vì được làm bằng FLASH nên chất lượng hình ảnh thì đẹp miễn bàn luôn! Người chơi sẽ được thưởng thức trọn vẹn sức mạnh uy lực của Giáng Long Thập Bát Chưởng, cũng như bí tịch Hấp Tinh Đại Pháp nức tiếng giang hồ của Nhật Nguyệt band… nhầm Nhật Nguyệt phái. Đó là nói đến riêng tác phẩm của Kim Dung thôi, một số nhà phát triển vẽ riêng cho mình một kịch bản khác và vẫn mang màu sắc của nguyên bản như Fantasy Sango series. Và đó cũng là nơi tạo cảm hứng cho bao thế hệ trẻ từng ước mơ theo nghề dev game dù chỉ vọc vach vài ba tấm Sprite có sẵn trên mạng, và đó cũng là một thời đã xa khi nhắc về diễn đàn Makegameviet.com đi kèm với sản phẩm Nam Quốc Sơn Hà suýt thành công một thời khi chỉ mới ra mắt bản demo.

Một điểm độc đáo nữa mà (hình như) chỉ có fan C-RPG chấp nhận được. Đó chính là việc sử dụng lại các tài nguyên mà trước đó một game khác đã sử dụng rồi. Ví dụ dễ thấy nhất là World Map của các game Kim Dung. Đồng ý là bản đồ Võ lâm không có thay đổi nhưng không hiểu sao chỉ có đúng một tấm bản đồ mà dùng cho nhiều game khác nhau, khác cả nhà phát triển nhưng ai nấy đều thích thú không bận tâm gì về bản quyền?

Bên dưới là đoạn clip của một game Flash có sử dụng tài nguyên của series Tale of Wuxia hãng Heluo Studio và Sprite Char/Skill của game Thiên Long Bát Bộ. Một trường hợp khác là tựa game Anh Hùng Quần Hiệp Truyện mới nổi gần đây lại sử dụng Worldmap của chính game Thiên Long Bát Bộ năm nào dù khác nhà phát triển. Nhưng không phải vì thế mà mất hứng thú của các con game này.

Thái độ vô cùng tích cực của cộng đồng đã khiến cho hàng loạt nhà phát triển C-RPG nâng cao chất lượng dòng game hơn và cho đến hiện tại thì phải nói là đang đạt độ chín muồi để vươn ra tầm thế giới rồi. Hiện có khá nhiều sản phẩm chất lượng về cốt truyện, hình ảnh và gameplay xuất hiện trên hệ thống Steam. Không còn cứng nhắc thể loại S-RPG nữa mà giờ đây còn có thế giới mở như Võ lâm chí, hành động thời gian thực như Thiên Mệnh Kỳ Ngự (Cả hai sản phẩm này đều rục rịch việt hóa bởi các bác bên group Hội chơi game tiếng Trung Việt Hóa). Bất chấp giá cả các game có đầu tư đều nhận vô số phiếu vote tích cực. Cộng đồng chỉ mong muốn rằng sẽ hỗ trợ nhiều ngôn ngữ hơn ngoài tiếng Trung mà thôi còn giá cả thì hẳn không phải là vấn đề quá lớn.

Fantasy Sango: Một hướng đi khác khi cải biên nội dung Tam Quốc

Bên lề: Vậy thì liệu có những con game mang đúng nghĩa là Chinese RPG không?

Câu trả lời là có! Rõ ràng trong quá khứ đã từng xuất hiện nhưng nó không được đón nhận như ở xứ sở Đài Loan. Vì một lý do nào đó, họ yêu thích những tựa game mang tính kết nối trực tuyến với nhau hơn là ngồi một mình tự xử dẫn đến sự ra đời của tượng đài Võ Lâm Truyền Kỳ mà ai cũng biết rồi đó. Dĩ nhiên không chỉ VLTK mà còn có Phong Thần, Thiên Long Bát Bộ, Thế Giới Hoàn Mỹ… rồi đến giai đoạn thoái trào đến nỗi chỉ còn tồn tại dưới hình thức các tựa game mỳ ăn liền trên smartphone, trên nền tảng HTML… Nếu xét về kỹ thuật làm game thì chúng không hề tệ nhưng cách tiếp cận người chơi, cách giữ người chơi thì đã có gì đó không đúng mất rồi. Thế thì giới trẻ vội vàng phán xét rằng game Trung Quốc là rác rưởi liệu có quá vội vàng hay không? Thiết nghĩ chính người dân Trung Quốc đã đẩy các nhà làm game không thể nào tung toàn bộ công lực thực hiện sản phẩm siêu chất lượng được nữa. Nghe có hơi chạnh lòng một xíu.

Tóm lại, chúng ta còn chờ gì nữa mà không trải nghiệm thử một con C-RPG khi mà đã quá nhàm chán với thể loại tranh/phim Nhật Bản?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện