Chúng ta nhận được gì từ Game?

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Với mỗi gamer như chúng ta, chắc hẳn câu nói gây khó chịu nhất mà chúng ta thường xuyên phải nghe, đó là “Game là thứ vô bổ và ta chẳng nhận được gì từ nó”. Câu nói đó đúng hay sai, tôi nghĩ mỗi gamer chúng ta đã có câu trả lời chính xác nhất rồi. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ một điều – Game không phải thứ vô bổ, và chúng ta có nhận được gì từ game không? Có đấy, nhiều thứ là đằng khác. Bài viết này sẽ phần nào nói lên những điều ấy, những điều tốt đẹp mà game đã mang lại. Tôi không nghĩ bài viết này có thể thay đổi suy nghĩ của đa số mọi người về game, nhưng tôi cũng phần nào mong muốn, ít ra họ có thể nhìn game và gamer chúng ta với một con mắt khác đi một chút. Vì suy cho cùng, game không phải thứ gì đó xấu xa, vô bổ, nó đẹp hơn chúng ta nghĩ nhiều.

Điều nhận được từ game là sự giải trí.

Điều đầu tiên mà chúng ta nhận được từ game, không gì khác ngoài sự giải trí. Thật vậy chứ, chẳng phải mục đích ban đầu khi con người tạo ra game cũng là để thỏa mãn nhu cầu giải trí sao? Khi sách vở, âm nhạc, phim ảnh, v.v đã dần quen thuộc, lẽ tất yếu là con người muốn có thêm những loại hình giải trí khác, và dần dần, game ra đời. Từ những tựa game “cụ tổ” như Pong, Spacewar đến những game máy thùng như Galaga, Space Invader, Pacman rồi đến thế hệ của NES, SNES, Atari rồi sau đó là Playstation, Xbox, Gamecube, v.v Game đã trải qua hàng chục năm phát triển và lớn mạnh không ngừng. Và đi cùng với chúng luôn là sự vui vẻ, thư giãn của mọi người khi chơi game.

Bạn có từng cùng chơi Contra với bạn bè một cách vui vẻ thoải mái, hay cùng nhau làm một ván Mario Kart đầy sảng khoái? Hay rồi lớn lên, bạn có từng đắm chìm vào những trận DOTA căng như dây đàn, những trận CSGO có thể xoay bạn như chong chóng? Hoặc đơn giản hơn, chơi những tựa game offline và tận hưởng chúng một mình, nào những Call of Duty, The Witcher hay Life is Strange? Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình chơi game? Lý do đầu tiên, tôi nghĩ luôn là giải trí, bạn muốn thư giãn, bạn muốn vui vẻ, bạn muốn tận hưởng một điều gì đó thật tuyệt? Nào, chơi game thôi, đơn giản quá phải không? Mục đích chúng ta tạo ra game là để giải trí, đó là mục đích đầu tiên và quan trọng nhất. Bạn luôn có thể tìm kiếm niềm vui trong bất kỳ một tựa game nào đó, dù là những game “casual” nhẹ nhàng vui vẻ như Mario, Splatoon hay Legend of Zelda, hay những tựa game “nặng ký” hơn như Bioshock, Metal Gear Solid hay The Witcher, rồi có thể đến những tựa game dành cho gamer máu M như Dark Souls hay Ninja Gaiden, hay riêng biệt hơn là những game multiplayer nơi bạn và đồng đội lúc vui vẻ, lúc chửi nhau như muốn nhảy xổ vào đấm cho thằng kia một phát. Tất cả chúng đều ẩn chứa một niềm vui, một sự giải trí nhất định, bạn có tìm ra nó hay không? Đó là điều mà bạn cần tự mình tìm hiểu.

Nhưng tôi biết rằng, khi chơi một game nào đó, dù dễ, dù khó, dù dễ nhai hay khó nhằn, dù đơn giản hay phức tạp, bạn sẽ luôn tìm được một sự thỏa mãn, một điều gì đó níu kéo bạn chơi cho hết game đó, đó có thể là sự cuốn hút đến từ gameplay, cốt truyện hay đồ họa, đó có thể là một sự quyết tâm muốn chinh phục game đó, hoặc đơn giản là đồng đội bạn quá tạ và bạn phải gánh chúng nó cho hết trận. Khi chơi, bạn có thể la hét, chửi thề, bực mình hay thậm chí muốn cầm cái gì đó ném thẳng vào màn hình cho đỡ tức, nhưng tôi cá 99% sau khi chơi xong, bạn sẽ thấy vui, thấy sướng và thấy thỏa mãn. Đó chính là điều đầu tiên mà game đem lại – giải trí.

Game mang dáng hình của một tác phẩm nghệ thuật, có thể nghệ thuật trong đồ họa, hoặc từ cốt truyện và game play

Nhưng này, liệu game có còn đơn thuần là một công cụ giải trí đơn thuần mà chẳng hề có ý nghĩa gì sâu sắc hay không? Tôi không cho là vậy, tôi, và có lẽ rất nhiều gamer khác, vốn từ lâu đã coi game còn hơn là một công cụ giải trí thông thường rồi. Giống như phim ảnh chẳng hạn, có những phim xem đơn thuần để giải trí, lại cũng có những phim được làm ra để thể hiện sức sáng tạo và óc nghệ thuật của con người – những bộ phim nghệ thuật. Game, suy cho cùng cũng giống vậy chứ, có những tựa game đơn thuần để giải trí và chơi xong chúng ta ít còn có thể ngẫm về game đó nhiều. Nhưng cũng có những tựa game đem lại cho chúng ta những cung bậc cảm xúc khác nhau, những suy ngẫm, những trải nghiệm không thể nào quên. Đó chính là những tựa game mang dáng hình của một tác phẩm nghệ thuật, có thể nghệ thuật trong đồ họa, hoặc từ cốt truyện và game play.

Bạn không tin rằng một tựa game cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật ư?

Vậy thì bạn hãy một lần ngồi xuống và chơi những To the Moon, Okami, Shadow of the Colossus, Life is Strange, Metal Gear Solid hay The Journey, tôi tin rằng bạn sẽ nghĩ khác đi. Không phải vì tôi khăng khăng chúng là nghệ thuật và bắt bạn thừa nhận thì những tựa game ấy là nghệ thuật, không phải đâu, chúng là nghệ thuật, vì chúng đem lại cho tôi cũng như nhiều gamer khác những trải nghiệm thật sự đặc biệt. Những trải nghiệm mà khi nói ra khó ai mà nghĩ một tựa game có thể làm được.

Đó là một câu chuyện về tình yêu đẹp làm sao, nhưng cũng buồn làm sao, tiếc nuối làm sao của To the Moon. Đó là một tựa game đẹp như một bức tranh cổ của Nhật Bản, một tựa game nhìn vào đã biết đó là nghệ thuật – Okami. Đó là một câu chuyện thật buồn về sự cô đơn và tình yêu đến mù quáng trong Shadow of the Colossus, đáng thương thay, và cũng cao thượng thay. Hoặc đó là một câu chuyện về cuộc đời của những con người đặc biệt gắn kết với nhau bởi nhiều điều đặc biệt trong một cuộc đời kỳ lạ, một Life is Strange. Và đó cũng có thể là một bản trường ca bất hủ về những người lính và lý tưởng của họ, số phận của họ trong Metal Gear Solid. Hoặc đơn giản chỉ là một cuộc hành trình cô độc trên một sa mạc mênh mông như The Journey, không lời nhưng thực sự đáng giá hơn có lời. Và còn nhiều, còn nhiều những tác phẩm nghệ thuật như thế nữa mà có nói đến cả buổi cũng không hết, và thật sự rất khó để có thể truyền tải cái đẹp của chúng chỉ qua lời nói.

Vì vậy, còn gì tốt hơn là bạn hãy tự mình thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt ấy? Tôi tin rằng chúng sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Vì chúng đều là những tựa game đã làm lay động trái tim của biết bao nhiêu gamer theo nhiều phương thức khác nhau cùng một lúc. Tôi có thể nói rằng cảm nghệ thuật trong game có phần dễ hơn là cảm một bức tranh hay một tác phẩm điêu khắc. Vì sao ư? Bạn chơi game, bạn tương tác với nhân vật, bạn trực tiếp tìm hiểu câu chuyện của tựa game đó, bạn nghe, bạn nhìn, bạn tự mình cảm nhận, chẳng phải dễ hơn việc nhìn một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc người khác làm hay sao?

Bạn có thể học hỏi nhiều điều từ game

Có một điều tưởng chừng như nghịch lý: bạn có thể học hỏi nhiều điều từ game. Khoan đã nào, chơi game để giải trí là chính mà, đúng không? Thế thì có thể học được những gì đây chứ? Thực ra, chúng ta không học “kiến thức” từ game, mà chúng ta học những thứ khác, mà những thứ ấy, đôi khi còn quan trọng hơn cả kiến thức. Hãy để tôi nêu ra một vài ví dụ ở đây: bạn có thấy sự hứng thú với các nhân vật và sự kiện lịch sử tăng lên khá đáng kể khi bạn chơi Assassin’s Creed hay Age of Empires không? Tất nhiên là tôi không khuyên các bạn học lịch sử từ game, chí ít là với những game chỉ lấy lịch sử làm nền chứ tính chính xác không cao, nhưng ít ra, trong bạn cũng đã có hứng thú tìm tòi, học hỏi để hiểu hơn về tựa game mình chơi và những sự kiện trong game. Nhưng cũng còn có những tựa game khiến bạn thật sự phải học và dùng kiến thức chính quy để chơi game, nghe khó tin ư? Vậy hãy chơi thử Kerbal Space Program – tựa game mà nếu bạn muốn chơi tốt, thì tốt nhất bạn nên giở sách vở ra mà học, học theo đúng nghĩa đen!

Đó là phần có thể tạm coi là “kỹ năng cứng” mà ta học được từ game, vậy còn các “kỹ năng mềm” thì sao, game có thể dạy chúng ta điều gì không? Thực ra, khá nhiều, nếu chúng ta để ý kỹ. The Witcher 3 chẳng hạn, một thế giới giả tưởng, một xã hội giả tưởng nhưng mang hình bóng của xã hội thật với những vấn đề thật sự. Đó là phân biệt chủng tộc, đó là sự xung đột giữa các quốc gia, đó là sự tàn bạo đến bất ngờ giữa người và người. Geralt hay bất cứ một Witcher nào cũng đều có hai thanh kiếm, một để giết quái thú, một để giết người, nhưng mà, suy cho cùng, cả hai đều là quái vật. Chẳng phải thế giới của chúng ta cũng vậy sao? Ẩn dưới lớp vỏ bọc đẹp đẽ là cả núi vấn đề, cả tá xung đột khác nhau đã và đang lan rộng, chơi The Witcher 3 rồi, tôi tin bạn sẽ phần nào nhận ra điều đó.

Bạn chưa học được sự quan trọng của mỗi một quyết định, dù là nhỏ nhất có thể ảnh hưởng thế nào đến mọi việc, thậm chí ảnh hưởng đến sống chết? Mass Effect có thể dạy bạn điều đó. Chơi Mass Effect, bạn nói chuyện, bạn chọn lựa những hành động khác nhau, bạn quyết định câu chuyện của bạn sẽ diễn ra theo hướng nào. Và bạn, chứ chẳng ai khác, phải tự mình quyết định, tự mình chịu trách nhiệm cho những hành động của mình trong game. Để rồi đến khi game kết thúc, bạn có thể vui sướng, bạn có thể buồn bã, bạn có thể cay đắng, tất cả tùy thuộc vào bạn. Đó là một bài học nho nhỏ đến từ game, nhưng ngoài đời thật thì lại là những bài học đắt giá.

Cũng có những tựa game có thể dạy ta những giá trị cơ bản của một con người theo một cách rất dễ tiếp thu mà không hề giáo điều, sáo rỗng. Bạn có từng khóc khi chơi To the Moon hay That Dragon, Cancer không? Bạn có từng dằn vặt lương tâm, không nỡ làm điều gì đó khi chơi This War of Mine không? Bạn có từng thấy đồng cảm với số phận những con người bình thường trong chiến tranh khi chơi Valiant Hearts: The Great War không? Đó chính là một món quà giá trị mà game có thể dạy cho chúng ta – biết trân trọng cuộc sống, biết cảm thông, đồng cảm với số phận con người. Nghe thì có vẻ hơi khó tin, nhưng nếu bạn đã từng một lần trải qua những cảm xúc như vậy với những tựa game trên, hẳn bạn hiểu điều tôi muốn nói, và nếu bạn chưa chơi? Hãy một lần thử ngồi xuống với những tựa game bình thường, giản dị ấy, để hiểu, để cảm thông, để chia sẻ, và có thể là để khóc với những nhân vật trong game. Kỳ lạ thay, chỉ là những dữ liệu ảo vô hồn, nhưng lại có thể khiến một tâm hồn thực sự xao động, chẳng phải đó là điều đặc biệt của game đó sao?

Game giúp bạn kích thích sự sáng tạo, tìm tòi

Một điều nữa khá hay khi chơi game, đó là có những game giúp bạn kích thích sự sáng tạo, tìm tòi và tốt cho não bộ. Tôi đang nói đến những game giải đố, những game khiến bạn phải tìm ra nhiều hướng giải quyết khác nhau để vượt qua một chướng ngại vật nào đó, Portal, Minecraft hay Limbo chẳng hạn. Đó chính là lúc các bạn sáng tạo đấy, đúng không nào? Đó là chưa kể đến những game chiến thuật hại não cực kỳ như Civilization hay Total War nữa, chúng giúp bạn lập các kế hoạch, các chiến thuật vô cùng đa dạng để đánh bại đối phương, và bạn có thể học được một điều khá quan trọng: bạo lực không phải cách duy nhất để chiến thắng (hãy hỏi gamer Civilization ấy, họ hiểu rõ hơn ai hết).

Chưa hết, ở đâu bạn có thể học được tinh thần không ngại khó, tinh thần “không bỏ cuộc” và quyết tâm đến cùng hữu hiệu hơn game chứ? Phải, tôi đang nói đến những tựa game sinh ra để hành hạ gamer – Dark Souls, Nioh, Ninja Gaiden, Aragami, v.v Dù sẽ có lúc bạn muốn bỏ cuộc, muốn buông xuôi, nhưng rồi đa số sẽ vẫn tiếp tục thử lại, thử lại để có thể thành công. Và đến cuối hành trình khổ ải đó, bạn sẽ thấy thật thỏa mãn và thật tự hào với công sức và nỗ lực bạn bỏ ra để có thể vượt qua.

Thêm một điều nhỏ nữa, gamer vẫn hay bị nói là những “nerd”, những người có xu hướng anti-social và không biết cách giao tiếp xã hội. Điều này không hoàn toàn đúng, vì khi chơi những game multiplayer như DOTA, như Overwatch chẳng hạn, chúng ta vẫn phải giao tiếp với đồng đội, đúng chứ? Ừ thì chúng ta có thể cãi nhau, thậm chí chửi nhau, cũng có lúc động viên nhau, vui vẻ với nhau. Vẫn biết là giao tiếp xã hội thì phức tạp hơn thế nhiều, nhưng suy cho cùng, có lẽ tôi vẫn thích sự chân thật và thẳng thắn giữa những gamer, những người hầu hết chẳng biết ai thật sự là ai hơn. Và nhân nói về multiplayer, chúng ta có thể học được gì đây? Quá nhiều thứ, kỹ năng teamwork, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để cùng chiến thắng, dù đa phần có những lúc đồng đội bóp nhau, nhưng không hề gì, vì dù sao thì đó cũng là những bài học đắt giá cả. Và nghe có vẻ không thực tế, nhưng biết đâu bạn sẽ tìm được những người bạn thực sự thông qua game?

Game đem lại cho chúng ta khả năng hóa thân thành bất cứ ai, bất cứ nhân vật nào.

Và cũng không thể không nhắc đến một điều cực kỳ tuyệt vời mà game có thể đem lại cho chúng ta: đó là khả năng hóa thân thành bất cứ ai, bất cứ nhân vật nào, điều mà ngoài đời thật gần như không thể có. Bạn muốn trở thành một vị thần, một đấng tối cao điều khiển cuộc sống của mọi người? Hãy chơi The Sims. Bạn muốn trở thành một chiến binh mạnh mẽ có thể hạ gục mọi kẻ thù? Hãy chơi Dark Souls… à nhầm, chơi những game hack-n-slash như Devil May Cry, Metal Gear Rising hay God of War đi nào. Bạn muốn mình trở thành những người lính trên chiến trường khốc liệt và tham gia những chiến dịch hào hùng, hoành tráng? Hãy chơi Call of Duty hay Battlefield. Bạn muốn trở thành một sát thủ, một mật vụ với khả năng ẩn mình như ninja ngầu lòi bá cháy ư? Hãy chơi Assassin’s Creed, Hitman hoặc Metal Gear Solid. Bạn muốn trở thành một người hùng và đi trừ gian diệt ác? Hãy chơi Batman Arkham hay Spider-Man. Hoặc bạn muốn trở thành mafia, gangster hay đơn giản muốn quậy tung thành phố? Grand Theft Auto, Mafia hay Saints Row là game dành cho bạn. Và còn vô vàn những vai diễn, những nhân vật khác nhau mà chúng ta có thể hóa thân thành.

Việc hiện thực hóa mơ ước chỉ đơn giản là mở game ra và tận hưởng mà thôi, thật dễ dàng, đúng không? Vả lại, song song bên cạnh việc hóa thân thành những nhân vật khác nhau, hiển nhiên chúng ta có thể đến bất kỳ nơi đâu, quá khứ, hiện tại, tương lai, các hành tinh khác, thậm chí là những thế giới giả tưởng nữa! Đó là cái mà game đã cho chúng ta – ước mơ sống lại, và phần nào thành hiện thực nhờ game.


Cái quan trọng nhất – đó là những cảm xúc vô giá khi chơi game

Game cho chúng ta nhiều điều, đúng, nhưng cái quan trọng nhất – đó là những cảm xúc vô giá khi chơi game. Vui vẻ, nóng nảy, tức giận, buồn bã, bồi hồi, hào hứng, sợ hãi, có lúc khóc, lúc cười, mọi cung bậc cảm xúc, chúng ta đều có thể có được từ game. Chúng ta hứng khởi khi chơi những game action/adventure như Uncharted hay The Legend of Zelda. Chúng ta có thể choáng ngợp khi chơi những tựa game open world tuyệt vời như Horizon Zero Dawn hay Skyrim. Chúng ta sợ hãi khi chơi những game horror như Fatal Frame hay Silent Hill. Chúng ta xúc động, thậm chí có thể bật khóc khi chơi những tựa game như Valiant Hearts hay To the Moon. Chúng ta có thể cười đến nghẹt thở khi chơi những tựa game thật vui như Mario Kart hay Super Smash Bros. Chúng ta có thể xoắn tai hại não với những tựa game như Bioshock Infinite hay NieR Automata. Và còn nhiều, còn nhiều những tựa game thật đặc biệt nữa mà tôi xin phép không kể ra ở đây. Và tôi tin rằng, ai cũng có cho mình những tựa game thật đặc biệt.


Vậy đó, game cho chúng ta quá nhiều thứ, cũng như một bộ phim, một cuốn sách, một vở nhạc kịch hay một bài hát, game cũng đẹp đến thế, tuyệt vời đến thế. Chúng ta đã coi điện ảnh, hội họa, kiến trúc, âm nhạc,… là nghệ thuật, vậy cớ sao game không thể trở thành một môn nghệ thuật nữa, một môn nghệ thuật thứ 8? Tôi biết rằng hành trình thay đổi suy nghĩ của những người xung quanh về game là thật sự rất khó. Tôi cảm giác gamer chúng ta là những hiệp sĩ, những hiệp sĩ lang thang trên con đường đối đầu với những Colossus khổng lồ là những định kiến về game vậy. Nhưng các bạn, chúng ta là những gamer đích thực, chúng ta hiểu vẻ đẹp của game, chúng ta học được nhiều điều từ game, chúng ta biết game không hề vô bổ, vì vậy, đừng bao giờ rời bỏ niềm tin sẽ có một ngày người khác nhìn game không còn bằng con mắt khinh bỉ nữa.

Hãy tin rằng sẽ có một ngày game chính thức được công nhận rộng rãi là một môn nghệ thuật để tôn vinh. Tôi tin rằng ngày đó sẽ tới, còn các bạn thì sao, liệu các bạn có đủ niềm tin và đủ hy vọng để mong chờ?

Câu hỏi đó, thời gian sẽ trả lời. Nó có thể thành sự thật, cũng có thể không, nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta là những hiệp sĩ, chiến đấu vì một “chén thánh”, đó là những giá trị của game. Dẫu có thế nào, thì những hiệp sĩ đích thực vẫn sẽ chiến đấu đến cùng, đúng không? Vì như vậy, mới là true knight, chính game chứ không gì khác, đã dạy tôi như thế.

Những lời chân thành nhất từ Hải Stark, gaming name Ezio Skywalker, một Jedi, một kẻ mộng mơ, và một gamer.

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


13 cụng ly

  • Trunghieu - 09.04.2018

    masterpiece ;-;


  • Trần Nguyên Phúc - 09.04.2018

    Beer ngon,chỉ có 1 vấn đề là quá dài
    những người có ý kiển bảo thủ về game e.g phụ huyên, thầy cô có khi nên đọc,chỉ 1 vấn đề là gamer viết thì ngta lại bảo “ko khách quan”


    • Hải Stark - 09.04.2018

      Thì đấy, khổ thế, gamer viết thì bảo kém khách quan, biết sống sao giờ 🙁


  • Trunghieu - 09.04.2018

    viết quá hay ;-; *im cry*


  • Zik - 10.04.2018

    Mình cũng mong muốn game cũng được công nhận như một bộ môn nghệ thuật, nó đầy đủ các yếu tố chỉ còn quan điểm nhìn nhận của số đông nữa. Bên cạnh đó, esport cũng được nhìn nhận như một môn thể thao thực thụ được đầu tư từ nhà trường đến phòng net lol.


  • - 10.04.2018

    Viết hay! Tui muốn like nhưng không thấy nút đó ở đâu!


  • Ủng hộ quan điển của bác Hải T.T bài này phải là beer ngon 😀


  • Ken Longbottom - 10.04.2018

    Cảm xúc <3


  • - 12.04.2018

    very good~!


  • Minh Mai - 19.04.2018

    Good good


  • Hùng Lý - 02.06.2018

    Nghĩ sao mà nói được là chơi Contra “vui vẻ thoải mái”? =))


    • Ba Vo - 13.06.2018

      Cần t gợi lại ký ức không nào? =)))


  • Nya~~ - 26.07.2019

    Beer này ngon đấy mà thiếu mấy pha r18 :))