50 years, game chiến thuật “3 phút” hay nhất thế giới

Huyền thoại ★

  

50 years là game chiến thuật có giá chỉ bằng một cốc trà sữa. Tuy nhiên với việc dành hơn 20 giờ chơi thì người viết bài (vốn là một fan cứng cựa của thể loại chiến thuật) khẳng định rằng trò chơi xứng đáng hơn giá tiền rất nhiều lần. Bắt đầu từ một dự án game mã nguồn mở trên Github và đã trải qua rất nhiều phiên bản, 50 years nay đã đến Steam với giá 70 nghìn và chỉ khoảng vài nghìn đến chục nghìn trong các dịp sale lớn. Vậy phiên bản Steam có gì? Liệu chúng ta có nên bỏ 40k để chơi một trò chơi vốn miễn phí ở các định dạng khác?

Vừa chơi game vừa ghi chép

Đầu tiên phải nói rằng, 50 years có bản chơi thử miễn phí ở đây. Phiên bản Steam đưa trò chơi từ dạng dot-com lên hình ảnh 2D. Nếu bạn trông chờ vào những trận chiến trời long đất lở hay những căn cứ đẹp kinh-hoàng thì bạn sẽ thất vọng sớm thôi, 50 years chẳng có cái vinh dự hầu hạ đôi mắt bạn cái thú đó. Trái lại, 50 years sẽ bắt bạn phải lấy giấy vở ra để ghi chép và suy tính, rồi chơi đi chơi lại đến khi có phương án tối ưu nhất để chiến thắng thì thôi.

Chơi-đi-chơi lại? Giấy-bút? Không-đồ-họa-rực-rỡ? Madness?

Không, không hề. Một ván chơi chỉ có vài phút đến chục phút. Nhưng người viết bài đã chơi cả trăm ván đến nghìn ván như thế. Bởi vì 50 years có một thứ tối thượng cho những con chiên ngoan đạo của thể loại chiến thuật: Đó là tính tối ưu hóa.

50 years – Nhanh, gọn và… nghiện

Bạn sẽ lãnh đạo một đất nước trong 50 năm. Trong những năm nhất định (thường cách vài năm một lần) sẽ có một đạo quân xâm lược kéo đến. Nhiệm vụ của bạn là đánh bại những đạo quân đó và sống đến năm thứ 50. Nghe thì đơn giản nhưng để chơi tốt và phá đảo những mức khó (Hard và Hardest), người chơi cần phải suy tư và tính toán đến từng nước một.

Ở mỗi năm người chơi sẽ phải suy tính giữa việc phát triển kinh tế hay nâng cấp lính. Cả trò chơi sẽ là việc tối ưu hóa nền kinh tế và tính toán hợp lý làm sao để bảo toàn lực lượng phòng thủ. Và nếu bạn chơi mức Hard hay Hardest thì việc thêm hay thiếu 1 nông dân hay chết quá 1-2 người lính sẽ khiến bạn phải chơi lại. Tưởng tượng nhé, đội quân của bạn có 10 người. Ở đợt phòng thủ đó bạn chết 2 người. Đúng rồi chỉ 2 người thôi nhưng bạn phải chơi lại từ đầu nhé! Còn không chơi lại thì chơi tiếp sẽ thua thôi, mình chơi cả trăm lần rồi mình biết.

Việc phát triển kinh tế cũng yêu cầu bạn phải “thông minh”. Không đơn thuần là cứ “đẻ full dân” là thắng như mấy game khác, trong 50 years bạn phải ki cóp từng đồng tài nguyên (vàng) và dựa vào thế mạnh riêng của từng đạo mà chọn hướng phát triển thích hợp. Xây nhà gì trước, nâng cấp đến đời bao nhiêu, phát triển đến mức độ nào… luôn là những câu hỏi cần tính toán và… ghi chép lại. Thử-sai-làm lại nhiều lần, bạn sẽ nghiện lúc nào không hay.

Đối với những người chơi game chiến thuật, cảm giác hứng thú nhất không phải xây dựng một đạo quân “đẹp” hay một đế chế “nhìn hay ho” mà là cảm giác “tối ưu hóa” đất nước mình qua từng giai đoạn và đưa nó vượt qua những thử thách của trò chơi. Cái cảm giác suy tư, lo lắng cay cú rồi chơi đi chơi lại đến lúc hoàn thành trò chơi sẽ làm bạn cuốn vào nó lúc nào không biết.

Ưu điểm

  • Vài phút một game. Click Click Click Restart Click Click… liên tục. Bạn sẽ có cảm giác như chuyên gia phân tích thị trường tài chính thứ thiệt. Chỉ việc Click và suy nghĩ.
  • Gây nghiện cực kì. Bạn chỉ cần cái đầu và vài phút rảnh, việc còn lại là ngồi bấm… quên thời gian.

Nhược điểm

  • Dễ gây ức chế. Ở mức Hardest thì việc chơi đi chơi lại cả trăm lần là bình thường.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện