Đánh giá Detroit: Become Human

Vào luôn bài, bắt đầu từ đồ họa. Detroit: Become Human (Detroit) là con game thứ 5 của hãng Quantic Dream, và là con game đầu tiên được thiết kế hoàn toàn trên nền hệ máy PS4. Nếu ai đã từng chơi những game trước cũa hãng như là Heavy Rain hay Beyond: Two Souls thì sẽ thấy rằng chúng đều đạt một tiêu chuẩn rất cao về mặt technical so với các game graphics adventure khác, và DBH đương nhiên không phải ngoại lệ. David Cage cùng đồng đội đã xây dựng nên thành phố Detroit tương lai không quá gần mà cũng không quá xa vời. Khi chơi Detroit, người chơi gần như có thể cảm nhận rằng những gì hiện trên màn hình hoàn toàn có thể đến với loài người trong một tương lai không xa: android, xe oto, xe buýt tự động, vân vân…

Về mặt technical của game, Detroit gần như hoàn hảo. Texture sắc nét, animation chân thật, đặc biệt là biểu cảm khuôn mặt của các nhân vật. Các chi tiết nhỏ nhặt cũng được chăm chút rất kĩ lưỡng như giọt mưa trên áo và mặt các nhân vật, hiệu ứng nước,… Game chạy khá ngọt trên con PS4 Slim của mình với khung hình giữ được 30fps 85% game, không quá thất vọng lắm khi mà với đồ họa như thế này. Mình nói là gần như hoàn hảo thôi, bởi vì có vài thứ như là hiệu ứng vật lý chưa được xử lý tốt. Quần áo của các nhân vật đều được áp dụng hiệu ứng vậy lý khá trôi chảy, thế mà không hiểu sao một vài thứ nhỏ khác lại không được áp dụng. Nhưng nói chung những lỗi như vậy hiếm khi người chơi phải thấy nên có thể bỏ qua. Nói chung là về mặt production value thì Quantic Dream thật sự vẫn là một cái tên đáng để chú ý trong làng game.

Sang đến phần gameplay, chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay là một game như Detroit đây thì gameplay sẽ có cái gì để bàn. Đúng là Detroit nó vẫn dùng rất nhiều QTE để gây sự tương tác cho người chơi giống như các game khác cùng thể loại, nhưng cách áp dụng cũng như sự khác nhau về mặt xử lý thì Detroit mình phải nói là trên các game graphics adventure khác vài bậc. Người chơi sẽ được điều khiển 3 nhân vật chính của game đó là Connor, Kara và Markus. 3 nhân vật đều có những cảnh riêng của nhau, và cách chơi cũng hoàn toàn khác biệt so với nhau. Connor là một android được sinh ra với vai trò là một thám tử điều tra. Nếu ai đã chơi serie Batman Arkham rồi thì sẽ thấy cách chơi ở một số màn của Connor sẽ giống như vậy: một hologram sẽ hiện ra, người chơi dùng hai nút trigger để tua đi tua lại và tìm ra những manh mối chính.

Ở một số màn game còn yêu cầu người chơi tìm hết các chứng cứ ở hiện trường vụ án để có thể đưa ra một kết luận chính xác. Với những cảnh của Markus, thì với vai trò dẫn dắt một nhóm deviant (giải thích ngắn gọn là android muốn làm người) để tìm lại sự công bằng cho họ, thì người chơi sẽ phải đưa ra những quyết định rất lớn, có thể ảnh hưởng gần như toàn bộ cấu trúc cốt truyện của game, nó khiến cho người chơi nhiều lúc có cảm giác như là đang chơi một game chiến thuật vậy. Với Kara thì chắc những màn chơi của cô là nó bình thường nhất, vì cốt truyện của Kara xoay quanh yếu tố drama nhiều hơn nên các cung đoạn QTE và multiple choice đương nhiên sẽ là những gì người chơi sẽ gặp phải.

Với một game dựa vào yếu tố multiple choice nhiều như Detroit đây thì Quantic Dream đã không hề gây thất vọng với người chơi, khi họ đã tạo ra một câu truyện mà có thể dẫn đến vô số các cái kết khác nhau. Không chỉ có cái kết mà những nhánh nhỏ khác trong kịch bản cũng có thể bị thay đổi hoàn toàn dựa vào những gì mà người chơi đã lựa chọn trong suốt quá trình của game, dẫn đến những cung đoạn hoàn toàn mới được mở ra ở những lần chơi mới tiếp theo.

Về mặt story thì rất là khó để nói vì có chủ đề chính của Detroit đã được làm rất nhiều lần trong các bộ phim sci-fi hay các bộ phim về chủ đề nô lệ khác. Nhưng để công bằng thì mình sẽ cố gắng xét phần story của Detroit dưới cái nhìn của một người không tiếp cận nhiều với những bộ phim hay những cuốn sách có đề tài như thế. (Trừ nô lệ ra vì nó đã từng là một phần trong lịch sử con người rồi, nên cái đấy chắc ai cũng biết rõ)

Câu truyện của Detroit là một câu chuyện về những android có khát vọng được tự do, khát vọng được sống như một con người. Từ những con robot gần như chỉ biết nghe răm rắp theo lệnh của con người, chúng đã dần nhận ra được giá trị thật sự của bản thân, rằng chúng có quyền được làm người, được hưởng những đặc quyền như con người, và có quyền được đối xử như một con người. Như đã nói ở trên, đề tài nô lệ và phân biệt đối xử cũng là một cái được đề cập rất kĩ trong Detroit. Con người chúng ta đã tự tay sản sinh ra những android với bộ dạng và suy nghĩ gần như giống như con người, với mục đích trợ giúp chúng ta trong công việc cũng như cuộc sống. Nhưng chúng ta lại không dành cho chúng sự trân trọng, mà chúng ta lại hành hạ chúng, ngược đãi và vứt bỏ chúng đi khi chúng đã hết công dụng. “Treat people like animals long enough, they’ll start acting like animals.” – Đó là lời của Adam Jensen, nhân vật chính trong một game cũng có chủ đề phân biệt đối xử khác là Deus Ex: Mankind Divided, và mình nghĩ câu nói đó cũng rất phù hợp với những gì diễn ra trong Detroit đây.

Ngoài những chủ đề đó ra, Detroit còn như là một lời cảnh báo đến người, một lời nhắn nhủ rằng những gì người chơi được thấy trong Detroit sẽ sớm trở thành hiện thực. Vừa mới bấm new game chơi lần đầu tiên, nàng android Chloe xinh đẹp ngoài menu đã nói ngay với chúng ta rằng: “This is not just a story, this is our future.” – một tương lai trong đó con người chúng ta càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ cao. Một tương lai với tỉ lệ thất nghiệp tăng cao khi dần dần các công việc yêu cầu độ chính xác cao sẽ được thực hiện bởi robot, android, con người chúng ta sẽ bị đẩy ra đường. Một tương lai hiện đại nhưng đầy rủi ro. Rất nhiều những câu hỏi và những sự tiên đoán về tương lai, và Quantic Dream đã làm rất tốt để thể hiện chúng qua những hình ảnh trong game, qua những cuộc đối thoại của game.

3 nhân vật chính của game đều là những android, nhưng 3 người họ đều có những sự ảnh hưởng nhất định đến với story của game cũng như là đến với chính bản thân nhau. Connor là một android chuyên về việc điều tra và bắt các deviant về để cải tạo hoặc phân hủy; Markus, tuy chỉ là một android phục vụ công việc nhà nhưng số phận đã chỉ anh đến một con đường lớn lao hơn, đó là trở thành một người tiên phong dẫn đường để giải phóng android khỏi sự bất công của con người; và Kara, đơn giản cô chỉ như là một người mẹ cố gắng bảo vệ con mình khỏi hiểm nguy. Như đã nói ở phần gameplay, kết cục của game có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và những quyết định trong game sẽ góp phần rất lớn để định đoạt số phận của các nhân vật chính trong game. Bởi vậy mà nói Markus là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến story của game, vì những quyết định của anh có thể thay đổi số phận của toàn bộ những android, hay thậm chí cả của loài người nữa. Nhưng cũng vì thế mà mình thấy nhân vật của Markus là yếu nhất trong 3 người vì story của anh tập trung hơi nhiều quá vào mục tiêu lớn lao mà game muốn đề ra, khiến cho phần character development của Markus chưa được làm kĩ lưỡng. Connor có lẽ là nhân vật mình thích nhất trong Detroit, chính vì nhờ có nhân vật đồng hành là trung úy Hank. Sự đối lập ban đầu giữa hai người dẫn đến những cuộc đụng độ khá thú vị, nhưng về sau khi những sự khác biệt đó dần được xóa nhòa thì những cung đoạn hay nhất của Connor mới dần lộ ra, với những cuộc đối thoại nhiều cảm xúc và đáng nhớ.

Nhân vật của Connor cũng là nhân vật có nhiều những mâu thuẫn nội tâm, khi anh phải có sự quyết định về phe ai trong cuộc đấu tranh sống còn giữa android và con người. Kara cũng là một nhân vật với story mình rất thích, khi mà cô luôn phải đương đầu với nhiều những hiểm nguy và drama trong quá trình của Detroit. Trong quá trình đó cô cũng dần nhận ra được mục đích sống của mình đó là gì, và cái mà gần như android nào chắc cũng có cùng câu hỏi, đó là “What it means to be human”?. Trong quá trình chơi Detroit sự lo lắng của mình luôn hướng về phía Kara vì bộ dạng chân yếu tay mềm của cô (cũng là vì Kara rất là xinh hehe), và cũng là vì mình mong được thấy hình ảnh cô và Alice có được một cuộc sống bình yên và an toàn, vì họ xứng đáng có được điều đó.

Tóm lại, tuy rằng cốt truyện của Detroit có đến 3 nhánh nhân vật khác nhau, nhưng chúng đều được xử lý khá là tốt. Nhưng tất nhiên không phải là Detroit không có sạn trong mảng này. David Cage bấy lâu nay vấn hay bị chỉ trích vì những yếu tố rất khó hiểu và đôi lúc khó tin trong kịch bản, và Detroit đôi lúc cũng không thiếu những khoảnh khắc như vậy. Như là nhân vật Markus, có một cung đoạn gần cuối game khi anh cần phải chỉ đạo đoàn quân android để giải phóng một trại tập trung. Lúc có vẻ đang vào thế bí thì game bỗng cho phép Markus thực hiện hàng loạt những pha takedown 1v10 trông giống y như là John Wick vậy, tuy đẹp mắt nhưng rất là khó hiểu vì cơ bản Markus không phải là một android được sinh ra với khả năng như vậy.

Đáng lẽ ra Quantic Dream nên đề cao gameplay ở những đoạn như vậy để đặt gánh nặng lên vai người chơi, một quyết định sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thay vì quá dựa dẫm vào QTE để thoát thân cho người chơi như vậy, và cái vấn đề này cũng xảy ra khá nhiều trong game. Hay là một câu hỏi lớn hơn là tại sao khi Markus mới giải phóng được mỗi Detroit thôi mà toàn bộ nước Mỹ đã đầu hàng luôn rồi? Hay là ở các thành phố cũng có những cuộc bạo loạn tương tự diễn ra? Trong game không có nói gì đến điều đó mà lập tức đưa ra kết luận ngay, khiến mình có chút gì đó hơi hụt hẫng.

Nói một chút đến phần soundtrack của game. Mình chỉ muốn nói là tuyệt vời. Mỗi một nhân vật của game đều có một soundtrack riêng rất là hợp với tông của mỗi nhân vật đó. Connor với bộ soundtrack kiểu synth đậm tính futuristic, Kara với bộ soundtrack có những nhịp violin dài, nốt cao. Và cuối cùng là của Markus với dàn orchestra, như là để thể hiện độ epic mà mục tiêu của anh nhắm tới. Nói chung là hãy nghe và cảm nhận.

Kara: https://www.youtube.com/watch?v=UQtZ0ZL-X14
Connor: https://www.youtube.com/watch?v=QnA5xPYYVYk
Markus: https://www.youtube.com/watch?v=jt0C5AZEiNw


Nói chung, Detroit: Become Human là một tựa game thuộc hàng đỉnh của thể loại graphics adventure như thế này. Với một cốt truyện có độ lớn như thế này, chắc chắn người chơi sẽ không ngần ngại để restart lại từ đầu và cố gắng mở hết những nhánh story khác mà lượt chơi đầu chưa chứng kiến được, làm tăng giá trị chơi lại của game lên ít nhất tầm 30-40h. Cộng thêm graphics tuyệt vời, một soundtrack tuyệt vời nữa, chất lượng của Detroit thật sự xứng đáng với số tiền phải bỏ ra, kể cả với giá 60$.

Nếu phải chấm thì mình sẽ chấm Detroit: Become Human điểm 8.5/10.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện