Đánh giá Nioh

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Nioh – “Khó chết mẹ Sengoku”

Trước khi Souls series trở thành biểu tượng của độ khó trong game và là đích đến cho bao nhiêu gamer có sở thích khổ dâm thì vị trí này trước đó thuộc về Ninja Gaiden, series đến từ Team Ninja. Tất nhiên là không để cái danh “Game khó như quỷ” bị From Software độc chiếm hoàn toàn, sau khi Dark Souls 3 ra mắt vào năm 2016 thì đến đầu năm 2017, Team Ninja đã cho ra mắt Nioh – một tựa game mà thoạt nhìn rất giống Dark Souls, nhưng thực ra lại có nét riêng khá đặc biệt.

Điểm đầu tiên

Khiến người ta liên tưởng đến một bản sao của Dark Souls ở Nioh chính là gameplay – cũng xoay quanh việc đánh, né và lăn lộn khắp nơi, rồi thì chết phát về Shrine (giống Bonfire bên Souls), mọi đòn đánh đều tốn Ki (chính là Stamina). Nhưng chính xác thì cái sự giống nhau giữa Nioh với Dark Souls chỉ đến thế thôi, gameplay của Nioh khác hẳn. Đầu tiên chính là việc thế tấn công của Nioh có tất cả ba thế – Thượng, Trung và Hạ. Thế thượng có lượng sát thương gây ra lớn nhất nhưng tốn nhiều Ki nhất. Thế hạ sát thương thấp nhất nhưng bù vào là tốc độ đánh nhanh và tốn ít Ki nhất. Thế trung là trung bình của thượng và hạ. Và với mỗi loại địch thủ thì sẽ có cách đối phó khác nhau, điều này khiến bạn phải linh hoạt trong việc đổi thế và tấn công.

Giống Bloodborne

Nioh cũng tạm biệt mấy cái khiên vì chúng ta có đầy đủ các loại cung và súng: súng trường, súng hỏa mai, pháo cầm tay! Bộ vũ khí của Nioh tất nhiên cũng toàn là các loại vũ khí của Nhật Bản thời Chiến Quốc với đủ loại và đủ tên gọi, lắm lúc bạn sẽ chả thể nào nhớ hay phân biệt được cái gì với cái gì. Giáp trụ của Nioh cũng là giáp của Nhật Bản thời Chiến Quốc, nên dĩ nhiên độ đẹp thì khỏi bàn. Giáp của samurai, giáp của shogun, giáp của lính, hay bộ đồ của các ninja hoặc các Onmyoji (Âm Dương Sư), rất đa dạng. Một điểm khá hay nữa là chúng ta có thể thay đổi hình dạng của giáp trụ hay vũ khí tùy theo sở thích nên bạn không cần lo bộ giáp có chỉ số cao nhưng nhìn không ưa mắt nữa. Và giáp trụ, vũ khí, item hỗ trợ các loại đều rơi ra như mưa sau mỗi lần một kẻ địch bị hạ, cái này hoàn toàn ngẫu nhiên nên sẽ có lắm lúc đập quái cấp thấp mà ra vũ khí level… 70! Chưa bao giờ đi loot đồ lại sướng như vậy!

Thế giới của Nioh thuộc loại… open world một nửa

Nghĩa là game sẽ chia ra các mission chính, phụ rõ ràng chứ không quăng ta vào một thế giới mở hoàn toàn. Nhưng mỗi khu vực của một mission lại cho chúng ta tự do khám phá chứ không tuyến tính. Và ơn trời, game có mini map, có tutorial đàng hoàng, có NPC chỉ dẫn và… có thể pause được! Vì thế nên phần nào đỡ lạc lối hơn và dễ dàng tìm đến nơi cần đến hơn. Bộ skill của Nioh cũng cực kỳ đa dạng với ba bộ skill của Samurai – Ninja – Onmyoji ứng với bộ skill của vũ khí, item tầm xa và item phép, điều này khiến cho game không quá khó chịu và gameplay có phần đa dạng và đẹp mắt hơn Dark Souls.

Về độ khó

Nhưng mà về độ khó của Nioh thì… khá là buồn cười. Tất nhiên là kẻ địch vẫn mạnh cực kỳ và đôi khi… mạnh một cách vô lý, như kiểu máu bạn gần 2500 mà gặp thằng Oni to đùng nó vả cho bạn 2 phát thì sấp mặt! Nên là đôi khi phải rất cẩn trọng nếu không muốn ra đi quá sớm. Nhưng có cái khá là kỳ cục là sau này nếu bạn học được nhiều kỹ năng và mở khóa được các item hỗ trợ cao cấp để tăng sức mạnh thì bạn mới trở thành đứa mạnh một cách vô lý khi mà có khi vả cho boss 10-15 nhát là xong, kể cả boss máu trâu (tất nhiên nếu bạn không bị boss đập sấp mặt trước), đấy là chưa kể bạn còn có thể sử dụng sức mạnh của các Tinh Linh để nâng mức sát thương lên. Kẻ địch trong Nioh có thể là người (lính của các gia tộc đối nghịch với gia tộc mà bạn phục vụ) hoặc yêu quái – Yokai. Thiết kế các Yokai thì đương nhiên là bê từ truyền thuyết Nhật Bản ra rồi, khá là quen thuộc. Boss trong Nioh thì cũng đủ loại hình dạng, từ người đến Yokai, và tất nhiên boss cuối chắc chắn là con quái vật huyền thoại của Nhật Bản – con rồng 8 đầu Yamata no Orochi.

Cốt truyện

Nioh cũng có một cốt truyện được xây dựng khá dễ hiểu, các nhân vật cũng dựa trên các nhân vật có thật trong lịch sử như Tokugawa Ieyasu hay Hattori Hanzo và các tộc trưởng các gia tộc Nhật Bản thời Chiến Quốc, đặc biệt là nhân vật chính William cũng là một nhân vật thực sự có thật. Cốt truyện Nioh khá đơn giản: bạn có một Tinh Linh gắn bó với mình, bỗng một ngày bị một thằng cha xăm trổ đầy mình là Kelley bắt mất. Thằng cha đó đến Nhật Bản để thao túng nơi đây, William đuổi theo và biết Kelley đang phục vụ lãnh chúa Misunari – thủ lĩnh của liên minh Tây quân, thế là William phục vụ cho Tokugawa Ieyasu – thủ lĩnh Đông quân để tìm cách đập sấp mặt Kelley và lấy lại Tinh Linh của mình. Sơ qua là vậy, chi tiết ra sao mời anh em chơi game để biết thêm.

Các phiên bản của Nioh

Nioh nguyên gốc là phát hành cho PS4 rồi đến cuối năm 2017 được port lên PC. Bản port của PC thì tạm ổn khi hoạt động tốt và không có bug hay glitch, nhưng việc game thiếu hụt các tùy chỉnh đồ họa cao cấp đã khiến nhiều người không hài lòng, chưa kể chất lượng đồ họa cũng chưa thật sự được như bản PS4 (à nếu bật 4K lên thì lại là chuyện khác). Ban đầu game thậm chí còn không thèm hỗ trợ chuột, nhưng sau khi dân tình ca thán nhiều quá thì cuối cùng Koei Tecmo cũng tung ra bản update hỗ trợ chuột và bàn phím, nhờ vậy mà việc chơi game trở nên thoải mái hơn. Và dù chất lượng đồ họa không quá lung linh thì vẻ đẹp huyền ảo của nước Nhật thế kỷ XVI cũng hiện lên đầy chân thực và hấp dẫn, facial animation của Nioh ở tầm khá, khuôn mặt hay cử động các nhân vật tạm ổn, trừ một vài ngoại lệ với… các nhân vật nữ (phân biệt đối xử!). Dù vậy âm nhạc lại là một điểm cộng lớn khi những bản nhạc của Nioh rất hay, rất cuốn hút và đậm chất Nhật Bản truyền thống. Thực sự bộ soundtrack của Nioh rất đáng nghe và bài nào cũng hay cả.

Nhìn chung

Bảo là Nioh dễ hơn Dark Souls thì cũng có phần đúng, nhưng dễ hơn là dễ hơn Dark Souls chứ Nioh vẫn thừa sức khiến bạn chửi thề và muốn đập màn hình bất cứ lúc nào. Đến như tôi dù đã chinh chiến ở ba phần Dark Souls đến 400-500 giờ chơi mà vào Nioh lúc đầu vẫn khá là căng, đến tầm giữa game khi bộ skill đa dạng và kho item cũng nhiều lên thì mới dễ thở hơn. Và game gốc đã khó thì bộ ba DLC – Defiant Honor, Bloodshed’s End và Dragon of the North còn khó hơn. Một thử thách không tồi nếu bạn chưa muốn chạm vào Dark Souls mà vẫn muốn một tựa game hardcore.


Nioh (PC/PS4): 8/10

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện