Kingdom Come Deliverance – một tựa game đặc biệt (P.1)

Khách quen

  

Khi bắt đầu với một tựa game thì những gì mà người chơi muốn để chọn ra một tựa game ưng ý sẽ là gì? Đó có thể chỉ đơn giản là một tựa game nhẹ nhàng như stardew valley để thư giãn sau một ngày dài làm việc hay sau những giờ học căng thẳng. Hay có thể là một tựa game walking simulator với hình ảnh đẹp và một cốt truyện đủ hay.

Thế nhưng dù sự lựa chọn có là gì đi chăng nữa thì những thử thách trong game sẽ luôn là một yếu tố cực kì quan trọng để níu giữ người chơi vì nếu không có chúng thì chỉ sau vài tiếng trải nghiệm người chơi sẽ chán mửa vì thiếu động lực để cố gắng.

Thử thách có là lẽ yếu tố quan trọng nhất cả trong cuộc sống thực ngoài đời lẫn thế giới ảo trong game vì nhờ có những thử thách mà chúng ta mới có những trải nghiệm mới để rồi thất bại và rồi trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn qua từng ngày. Cho đến một ngày, một ngày đẹp trời chúng ta chinh phục được những thử thách khó khăn đấy. Chúng ta vỡ òa trong sự sung sướng tột độ và lại bắt đầu một hành trình chinh phục những thử thách mới.

Thử thách khiến chúng ta phát triển. Thử thách khiến chúng ta hoàn thiện bản thân hơn.

Ngoài những thử thách dưới dạng là những nhiệm vụ hay những yêu cầu cầu rõ mồn một cần thực hiện trong game thì có lẽ ĐỘ KHÓ của game là thử thách lớn nhất với mọi người chơi. Nó là thứ luôn hiện hữu thế nhưng chẳng ai biết hình dáng của nó tròn méo ra sao. Đâu có một cái chuẩn nào cho độ khó. Làm game quá khó thì kén người chơi và khó bán chăng?

Trong lịch sử phát triển game, lúc đầu trò chơi được phát triển ở dạng game thùng. Chính vì lẽ đó, trò chơi phải làm cực kỳ khó để người chơi tiếp tục thả “xèng” vào máy mỗi khi ấn nút chơi tiếp. Sau một thời gian, nhiều người phát triển trong ngành công nghiệp điện tử đã chuyển từ game thùng sang các hệ máy console khác mới như NES, Gameboy và mang theo cả những tư tưởng của họ sang các hệ máy này.

Thời gian thấm thoát trôi qua, chi phí sản xuất game bắt đầu tăng theo và những nhà sản xuất bắt đầu có xu hướng mang game của mình tới với đông người chơi nhất có thể. Độ khó của game lúc này có phần giảm đi. Thế nhưng trong một thị trường game bão hòa với những tựa game hướng đến đại chúng thì những tựa game khó đến phát khóc – những con cừu đen – từ những kẻ lạc loài bỗng nhiên có một sức hút mãnh liệt vì sự khác biệt của mình.

Độ khó của game có thể đến từ những thứ thử thách kĩ năng của người chơi: sự nhanh nhạy, khả năng quan sát, ghi nhớ,…v.v. Những tựa game thử thách kĩ năng của người chơi điển hình nhất phải kể đến dòng game Soul với màn hình You died – không khuyến khích cho những người nóng tính và có xu hướng đập phá (mặc dù các công ty bán phần cứng cực kì thích điều này). Rồi thì Cuphead, Celeste hay cực kì ức chế như Game khó nhất thế giới – WORLD’S HARDEST GAME.

Độ khó của game có thể đến từ sự phức tạp và chiều sâu thiết kế của những cơ chế trong game yêu cầu người chơi phải tìm tòi nghiên cứu cũng như thử thách cái đầu lạnh và óc phán đoán của người chơi. Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến Darkest dungeon, dòng game Divinity original sin chúng mình đã có dịp phân tích trước đây, dòng game Sid Meier’s Civilization nổi tiếng với sự phức tạp và đỉnh cao là Sid Meier’s Civilization Sid V với hệ thống AI cân bằng và cực kì thông minh. Hay dòng game Xcom với chế độ Iron man chỉ dành cho những người đàn ông đích thực. Với chế độ này thì chỉ cần một sai lầm dù chỉ là rất nhỏ cũng có thể khiến kẻ địch Snow ball và càng ngày càng cuốn bạn sâu hơn vào vòng xoáy thất bại, trừ phi bạn hiểu rõ việc bạn cần làm để phục hồi là gì. Thế nhưng vấn đề là nếu bạn đã biết rõ việc bạn cần làm đó, thì bạn đã không phạm phải sai lầm gây ra hiệu ứng tuyết lăn đó ngay từ đầu.

Ngoài ra độ khó của game có thể đến từ sự mô phỏng siêu thực tế. Chúng ta đến với thế giới game để trở thành những người hùng, những người được chọn, thế nhưng sẽ thế nào nếu có một tựa game cho chúng ta trở thành một người bình thường những Other guys như bộ phim hài nhảm cùng tên của Mark Wahlberg và Will Ferrell.

Chào mừng đến với Kingdom Come: Deliverance – tựa game tái hiện lại thời kì trung cổ siêu thực tế.

Studio, Engine đồ họa, sơ lược bối cảnh

Kingdom Come: Deliverance là sản phẩm đầu tay của Warhorse Studios được xây dựng bằng Cry engine  – một Engine đã đã tạo nên Series Crysis có tuổi và cực kì nặng nề thế nhưng chất lượng đầu ra phải nói là thực sự đáng kinh ngạc.

Cũng như Series Crysis sát thủ phần cứng một thời, đồ họa của Kingdom Come: Deliverance thực sự sẽ khiến bạn phải chóng ngợp khi tái hiện lại một thế giới trung cổ quá đẹp, quá sức chân thực. Từ những ngọn núi, rừng cây, con suối cho đến những thành trì, làng xóm.,…phải nói là chẳng kém thực tế là bao. Nếu như chỉ xem video gameplay hay một ảnh Screenshot được tắt hết HUD thì chắc chắn rằng bạn sẽ chẳng thể nào nghĩ rằng đây là những hình ảnh được lấy ra từ một trò chơi điện tử.

Cái cảm giác đi trong những rừng cây đầy tiếng chim với ánh nắng lấp ló xuyên qua những tán lá hay những trường đoạn cưỡi trên lưng ngựa qua những cánh đồng bạt ngàn hoa phải nói là vô cùng đáng nhớ.

Bối cảnh của game được đặt trong bối cảnh vùng đất Bohemia thế kỉ thứ 15 (ngày nay là 2/3 lãnh thổ của cộng hòa Séc) trong thời khắc mà cuộc nội chiến bùng nổ khiến đất nước bị giày xéo bằng bạo lực sau khi hoàng đế Wenceslaus Đệ Tứ bị giam cầm bởi chính anh trai mình, Sigismund. Đây cũng là lúc mà các lãnh chúa kết bè kéo cánh và bận rộn với những mưu đồ của riêng mình.

Những anh hùng hào kiệt đơn giản là không tồn tại trong mốc thời gian này, và chúng ta dưới góc nhìn được đặt vào Henry – con trai của một thợ rèn có tiếng tại ngôi làng Skalitz, đơn giản chỉ là một quân tốt vô tình được chọn để đặt vào một phe trên bàn cờ chính trị mà thôi.

Không có những  pháp sư phóng cầu lửa, không có những phù thủy triệu hồi người chết, không có orc người lùn hay yêu tinh, càng không có rồng và những hầm ngục để cày cuốc.

Warhorse Studios, đã bỏ qua những lời miêu tả đầy sáo rỗng về một thời kì Trung Cổ huy hoàng của những hiệp sỹ với lòng tự tôn cao cả và hành sự với một tôn chỉ duy nhất là danh dự. Kingdom Come: Deliverance đào sâu vào bức tranh tàn bạo của nó, và không mất quá nhiều thời gian để chứng minh cho bạn thấy cuộc sống đầu thế kỉ 15 khó khăn như thế nào. Mọi khái niệm về “lãng mạn” của thời đại này chỉ tồn tại thông qua các câu chuyện được kể lại, và một bối cảnh mà vòng đời của mỗi người có lẽ chỉ tồn tại trong khoảng 30 năm – nếu như đủ may mắn.

Thế nhưng nhà phát triển cũng biết cân bằng giữa một bức tranh đầy ảm đạm của một thời kì loạn lạc với giọng văn đầy tính trào phúng.

Chúng ta đang nói đến một tựa game khởi đầu bằng cảnh tượng lính Cuman tàn sát dân thường dã man và buộc nhân vật chính chôn cất người thân của mình dưới cơn mưa lạnh lẽo, thế nhưng 30 giờ sau và anh đứng trên bục thuyết giáo bên trong một nhà thờ nhỏ, chỉ trích Công Giáo bằng cách trích dẫn triết gia Jan Hus sau khi tỉnh dậy khỏi trạng thái say xỉn tột độ.


Còn tiếp…

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện