Subnautica – Đánh Thức Máu Khám Phá Trong Bạn

Khách mới

  

Hè là thời điểm mà nhiệt độ tăng cao nhất trong năm, là lúc mà bạn chỉ muốn tìm đến một nơi nào đó thật mát mẻ thôi nhỉ. Những giữa chốn thành thị đông đúc này, mình đành chọn Subnautica làm điểm đến cho mùa hè này.

Bật điều hòa lên và cùng “nhảy” vào thế giới mênh mông toàn là nước của Đen Vâu…à nhầm của Subnautica, mình hoàn toàn bỡ ngỡ trước những gì mình từng trải nghiệm ở các tựa game sinh tồn khác.

Cốt truyện siêu gây tò mò

Mở màn rất ấn tượng với pha tai nạn nho nhỏ trong kén cứu sinh, mình lò mò làm quen với các chức năng trong game và chui ra khỏi kén, đập vào mắt là cảnh tượng một con tàu mẹ siêu to khổng lồ đang bốc cháy ở xa xa kia, mình thấy sợ, nhưng lại thấy tò mò muốn đến gần nó lắm chứ, nhưng mình sẽ không nói gì về con tàu đó cả cũng như sẽ không spoil gì về cốt truyện game, vậy nên đừng lo vì mình không nói mục đích thật sự của game đâu 😉

Biển cả rộng lớn đầy nguy hiểm

Biển luôn là nơi chứa đựng nhiều điều bí ẩn nhất mà loại người vẫn chưa thể khám phá hết được, nhưng trong Subnautica bạn có thể khám phá biển cả của một hành tinh khác, xem như thỏa mản phần nào thích thú của bạn về biển.

Bán kính 100 mét xung quanh khu vực kén cứu sinh là bán kính an toàn nhất, ra khỏi đó, mình có cảm giác như đang đi vào vô tận, tầm nhìn của game cho phép bạn nhìn được rất xa, đủ để thấy phía trước không có gì cản bạn lại ngoài nỗi sợ của chính bạn, như lúc còn bé mình hay đi vào nhưng con đường lạ, chỉ đi thôi chứ chẳng biết mình đi đâu. Bạn lại là người có bệnh mù đường? Đừng lo, game không có hệ thống bản đồ đâu 😉 nhưng các mục tiêu quan trọng trong game đều được đánh dấu sẵn ngay trên tầm nhìn của bạn, bạn cũng có thể đánh dấu các mục tiêu tự do như “chỗ này có nhiều khoáng sản”, “chỗ này có mảnh”, “chỗ này chưa đi”,…bằng hải tiêu. Đồ họa của game thật sự rất chất lượng và chi tiết đến bất ngờ, rất dễ nhìn và chân thật, bạn có thể tương tác với hầu hết mọi thứ trong tầm mắt ví dụ như bắt cá, hái nấm, cắt san hô và làm nông trại nữa.

Mặc dù nói toàn là biển nhưng thực ra game cũng có những hòn đảo đấy, cố gắng tìm hết các hòn đảo để khám phá bí ẩn bên trong chứ đừng tra wiki nhé, thế thì mất vui lắm. Hệ thống cốt truyện cũng sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc khám phá xung quanh nhưng cái quan trọng vẫn là lá gan của bạn có dám đi xa và đi sâu xuống đáy biển hay không thôi, vì càng xuống sâu mọi thứ càng tối, cảm giác nỗi sợ bao trùm lấy bạn vì chẳng biết có con gì sẽ lao ra tấn công bạn từ bóng tối đấy cả.

Không gây nhàm chán giữa chừng

Điểm mình thích nhất ở Subnautica chính là mớ “đồ chơi” mà bạn có thể chế tạo trong game, cho đến khi phá đảo game rồi mình biết chắc là mình chưa chế tạo hết hay khám phá hết chức năng của các vật phẩm trong game, bạn phải đi thật xa và xuống thật sâu để scan những bản vẽ đồ mới rồi lại phải đi xa đi sâu để tìm tài nguyên chế tạo, không bao giờ ngưng bận rộn trong Subnautica. Đến một lúc nào đó bạn nghĩ mình hết thứ để làm rồi thì hãy kiểm tra lại xem, bạn đã check hết Radio chưa? Bạn còn chỗ nào chưa đi được hoặc đã nghịch đủ các món đồ vừa chế chưa?…tin mình đi, không thiếu việc để làm đâu, nhưng đến lúc bạn thật sự không còn thứ để làm là khi đó bạn đã phá đảo game mất rồi đấy!!

Những bí ẩn chờ bạn giải đáp

Ví dụ nhẹ nhàng về một trong những bí ẩn của game là tại sao tàu lớn của bạn bị hư hỏng kinh khủng đến như vậy, và phải chăng bạn là người duy nhất còn sống? Đó là một bí ẩn nho nhỏ thôi, còn rất rất nhiều bí ẩn nữa ở dưới đáy biển và cả trên các hòn đảo đang chờ đợi bạn, dù muốn dù không thì cốt truyện cũng sẽ dẫn dắt bạn giải mã một số, số còn lại thì tùy hứng của bạn, nhưng bạn nên tìm hiểu thông quá những bảng PDA bạn nhặt được, mặc dù game có hỗ trợ tiếng Việt nhưng để “húp trọn” hết tinh túy của game thì bạn cần biết tiếng Anh đấy (hoặc google dịch).

À phải rồi, bản dịch hiện tại bị sai sót ở chỗ là nếu bạn khát nước lúc đúng trong căn cứ, bản dịch sẽ báo là “lỗ hổng tràn nước”.

Các quy tắc sinh tồn

Đừng đi quá xa mặt nước nếu bạn không có tàu ngầm và đừng đi qua xa tàu ngầm khi bình oxy của bạn chưa được nâng cấp. Bởi vì một trong những lý do dễ chết nhất game là thiếu oxy, hệ thống sẽ báo cho bạn khi chỉ còn 30s chịu đựng nhưng đừng xem thường, có rất nhiều thứ khiến bạn chết vì thiếu oxy ví dụ như chui vào các ngóc ngách xong quên đường ra, hoặc đi quá xa xong hoảng loạn không thấy tàu đâu…

Đừng đi xa mà quên đem theo nước, vì là game sinh tồn nên bạn sẽ có 3 thanh chỉ số, máu, thức ăn và nước uống. Máu chỉ mất khi bạn va chạm với các sinh vật hung hăng hoặc bị nóng, thức ăn giảm khi bạn bị thiếu máu (đầy thanh thức ăn sẽ tự heal) hoặc tự động giảm sau một khoảng thời gian, đặc biệt nước uống rất nhanh hết và nó sẽ làm bạn mất máu khi quá khát nước, chết vì khát nước mà không kịp chạy về nhà thì hơi vô duyên nhỉ?

Solo với các sinh vật khác cũng là điều mà nhiều người máu chiến rất thích làm, bạn nên thử để biết anh chàng nhân vật chính của chúng ta “menly” tới mức nào. Và nên nhớ rằng bạn là “thợ lặn” không phải võ sư 😉

Nổ tàu cũng là một trong số những nguyên nhân dễ chết nhất, nên hãy thường xuyên chăm sóc phương tiện di chuyển dưới nước của bạn nhé.

Một cuộc hành trình khác

Hãy tham gia Subnautica mà đừng suy nghĩ quá nhiều, kể cả khi đã phá đảo thì bạn cũng nên thấy thoải mái vì sau Subnautica chúng ta vẫn còn một người anh em đáng mong chờ đó là Subnautica: Below Zero, một cuộc hành trình khác đang được xây dựng và bạn cần hoàn thành kẻ đi trước để chờ đón người đến sau, vậy nhé. Chúc may mắn trong chuyến lặn của bạn.

Bảo Phan

Khách mới

  
Một cu cậu thích chơi game và vẽ vời đang trên con đường trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện