Watch Dogs review: Hay nhưng sao lại hờ hững tới vậy!

Khách quen

  

Watch Dogs là tựa game hành động thế giới mở do Ubisoft phát triển trong vòng 5 năm và chính thức được ra mắt đến đông đảo quần chúng vào tháng 05 năm 2014. Trước đó vào E3 năm 2013 tựa game đã ra thêm một đoạn demo gameplay nữa khiến những người chứng kiến phải trầm trồ vì độ hoành tráng và rực rỡ của nó. Câu truyện trong game theo chân gã hacker bụi bặm Aiden Pearce hoạt động trong thành phố Chicago trong cuộc hành trình trả thù cho người cháu gái của mình. Đặt người chơi vào thân phận của một Hacker với đầy những thủ thuật mang đậm tính công nghệ, Watch Dogs đã bước đầu thu hút được sự chú ý của game thủ toàn cầu.

Tưởng đâu mọi chuyện sẽ thuận lợi và thỏa mãn nhu cầu của người chơi và tham vọng của nhà phát triển. Nhưng không, vừa ra mắt game đã dính phốt downgrade đồ họa nặng nề khác hẳn so với những gì đã được trình chiếu ở E3 và game còn gặp vô số bug và glitch từ lớn đến nhỏ, nhưng bỏ qua những điều đó, Watch Dogs thật sự không phải là một game dở và nó thú vị hơn những gì chúng ta nghĩ nhiều.

Đề tài hacker là một thứ hiếm có và mới mẻ trong các trò chơi và có khá ít game lấy đề tài này, trong đó có Watch Dogs. Cơ chế hack trong game khiến người chơi như có thể làm chủ cả thành phố Chicago vậy, xem thông tin cá nhân của từng npc, lấy trộm tiền trong tài khoản, nghe trộm các cuộc gọi hay thậm chí là điều khiển một cây cầu và phá một chiếc trực thăng… thú vị hơn bạn có thể sử dụng nó để trêu trọc những người dân xung quanh. Nhưng hay đấy, nhiều đấy, thú vị đấy nhưng thật sự cơ chế hack trong game còn khá đơn điệu và thô sơ giống như mấy trò giải đố cho con nít khi bạn chỉ cần canh thời gian và ấn một nút trên bàn phím, nếu như Ubisoft chịu bỏ thời gian làm nó phức tạp hơn một chút sẽ khiến cho giá trị cốt lõi của game được đẩy lên cao hơn nhiều.

Câu truyện game xoay quanh Aiden Pearce, một tin tặc ở thành phố Chicago viễn tưởng vào năm 2014. Lúc này đây, cả một thành phố rộng lớn đang bị chi phối bởi một hệ thống quản lý với tên gọi là “ctOS”, Aiden Pearce và cộng sự phát hiện ra một lỗ hổng trong mạng lưới quản lý ctOS và quyết định khai thác nó để ăn cắp thông tin. Công cụ nguy hiểm nhất của gã không phải là kho vũ khí đồ sộ mà chính là chiếc điện thoại thông minh, với khả năng điều khiển được mọi thiết bị kết nối với ctOS. Tưởng chừng như “bất khả chiến bại”, Aiden nhanh chóng nhận ra rằng mình đã vô tình “chọc phải ổ kiến lửa” và kết quả là cô cháu gái đã bị ám hại trong một vụ mưu sát có chủ ý.

Hận chính mình và kẻ đứng sau “giật dây”, Aiden quyết định trừng trị cho bằng được kẻ chủ mưu ẩn mặt. Cốt truyện của game theo mình cảm nhận thì thấy rất nhiều yếu tố hành động của các bộ phim trên thị trường vì ngay phần mở đầu của game đã tạo ra cảm giác bí ẩn và hành động, nhưng những yếu tố này cũng không thật sự khiến cho cốt truyện của game hay hơn khi mà cốt truyện không có tính liên kết, các nhân vật trong game thật sự rất ít và không có sự phát triển gì cả, kể cả nhân vật chính. Xuyên suốt game Aiden cũng chỉ có một tính cách từ đầu tới cuối, vì vậy khi kết game chúng ta cũng chỉ nhớ cơ chế hack hũng của game chứ không nhớ đến một nhân vật nào cả. Có thể nói yếu tố cốt truyện là phần làm cẩu thả và sơ sài và gần như làm cho có vậy.

Về phần đồ họa của game, như mình đã nói ở trên game dính phải phốt downgrade đồ họa, game không giống với những gì mà Ubisoft giới thiệu ở E3 khi mà mọi thứ đều thật sống động và hào nhoáng, những chiếc xe hơi hiện đại, gương mặt của những người đi trên phố, các tòa nhà, hiệu ứng ánh sáng, cử động của Aiden hay các cảnh cháy nổ… Mọi thứ trong trò chơi đều sẽ khiến cho người chơi có cảm giác giống như mình đang tham gia một bữa tiệc thịnh soạn đầy màu sắc, nhưng khi xem xét lại và so sánh với những tựa game cùng thời điểm với nó, đồ họa của Watch Dogs không đến nỗi tệ và có phần nhỉnh hơn khi mà nó đã xây dựng được một thành phố Chicago rộng lớn với các tòa kiến trúc đồ sộ với hàng tá NPC và xe cộ đi lại cả ngày đêm, thời tiết trong game làm cũng không tệ khi mà thời tiết thay đổi theo ngày khi mưa khi nắng.

Gameplay của Watch Dogs được thiết kế để mang lại lối chơi theo nhiều hướng khác nhau bởi vì nó là game thế giới mở giống như GTA hay Red Dead Redemption nên người chơi có thể tự quyết định lối chơi của mình, nếu bạn muốn trở thành một hacker thực thụ và ẩn mình trong bóng tối hoặc bạn muốn sự chết chóc và cháy nổ, game đều cung cấp cho bạn những tính năng và công cụ để phù hợp với lối chơi của mình. Thậm chí có những nhiệm vụ chỉ cần sử dụng khả năng hacking để giải quyết mọi thứ mà không cần phải dính máu, và hơn hết thành phố Chicago trong game rất rộng lớn với hằng hà sa số các nhiệm vụ phụ, các mini game, easter egg để cho người chơi có thể khám phá như diệt băng nhóm tội phạm, chặn đứng tội ác…

Hệ thống nhiệm vụ phụ của Watch Dogs khiến người viết cảm thấy hứng thú nhất là game có một loại nhiệm vụ xâm nhập, loại nhiệm vụ này nằm rải rác khắp Chicago và nội dung chính của nó là yêu cầu người chơi hack vào hệ thống an ninh cá nhân của cư dân thành phố và xem hết các bí mật của họ. Thông qua nhiệm vụ này, có thể người chơi sẽ một phần nào đó hiểu thêm được sự nguy hiểm của các hacker và tại sao họ luôn bị dè chừng. Một điểm trừ ở phần gameplay của Watch Dogs đó là lái xe quá nhiều, khi mà đa số các nhiệm vụ đều kết thúc với một màn tẩu thoát bằng xe hơi, nhưng không vì thế mà mình ghét cơ chế lái xe của game khi mà mình có thể lấy một chiếc moto để lượn khắp thành phố.

Âm nhạc của game sử dụng các bài nhạc của các nghệ sĩ sáng tác nên thật sự rất cuốn với nhiều thể loại nhạc khác nhau và có nhiều bài hợp gu âm nhạc của mình, cảm giác khi bạn đang lái xe để lượn vài vòng thành phố rồi chọn một bài nhạc để nghe cảm giác rất chill. Phần âm nhạc là vậy, còn về phần âm thanh không có gì đáng nói cả khi nó đã làm tròn phần vai trò của nó và không có gì đặc biệt để khen hoặc chê.

Tổng kết lại

Có thể nói rằng Watch Dogs là đứa con cưng được Ubisoft đầu tư rất nhiều tâm huyết và công sức, vậy nên thành thật mà nói thì đây vẫn là một sản phẩm có chất lượng. Watch Dogs có định hướng phát triển rất tốt khi mục đích của nó là đem lại cho game thủ cảm giác trở thành diễn viên chính trong một bộ phim hành động bom tấn, và ở khía cạnh nào đó thì game cũng đã thành công đạt được những gì được đề ra, dù rằng không trọn vẹn.

Ubisoft có lẽ đã quá tham vọng trong việc tạo nên một thế giới có đủ yếu tố mà mọi người muốn chơi để rồi sau đó lại không thực sự cân bằng được tất cả những gì có ở trong đó dẫn đến việc sản phẩm thiếu hẳn đi chiều sâu cần thiết. Ngoài ra thì việc hạ cấp đồ họa (downgrade) có phần “quá đáng” vốn được nhìn nhận như một lời nói dối khủng khiếp từ chính phía nhà phát hành cũng khiến cho Watch Dogs phải gánh chịu những cái nhìn xét nét và hà khắc từ giới game thủ và vô hình trung khiến nó không được đánh giá đúng mực so với những gì bản thân đang sở hữu.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Origamist - 09.08.2022

    Mình cũng đồng ý với quan điểm của bạn vì tựa game mình cũng đã phá đảo phần main story và nhận thấy game cũng k đến nỗi tệ. Nhưng có vấn đề nhỏ là bài viết sai chính tả khá nhiều và bạn nên cải thiện một xíu để các bài viết sau được tốt hơn nha
    – Đặc người chơi -> Đặt người chơi
    – Khác hẵn -> khác hẳn
    – Chở thành -> Trở thành


    • Sm1yle - 12.08.2022

      cảm ơn bạn rất nhiều vì ủng hộ bài viết, mình sẽ rút kinh nghiệm lần sau