Mobile Game ký sự – Phần 2: Ba loại gamer

Chủ xị

  

Đã bao giờ quý vị từng ngồi ngả lưng sau ghế tay lướt lướt cái điện thoại rồi buột miệng thở dài “Chài ơi, phải chi giờ trên Hiệp Sĩ Bão Táp có bài chỉ mình cách chọn game hay thì hay biết mấy!” chưa? Dĩ nhiên là rồi, phải không nào? Nếu vậy thì cho phép tui hướng dẫn quý vị trên con đường học vấn, ờ khoan, game-vấn đi cho ngầu, con đường game-vấn đầy cam go.

Đầu tiên, là quý vị phải hiểu được mình thích kiểu game gì. Game bây giờ nó có cực kì, CỰC KÌ, nhiều chủng loại, nhiều dòng game, nhiều cách chơi. Phần thể loại nó cũng có thể loại con, mà trong thể loại con đó còn có thêm thể loại con khác nữa, nên liệt kê hết có mà tới Tết Congo. Bây giờ tui sẽ nói vào ba thể loại gamer chính, và từ đó, tui sẽ cố gắng (cố gắng thôi) tìm hiểu kiểu game mà từng loại thích. Và sau khi ta tìm hiểu được thì tui sẽ recommend một số game chắt lọc từ vốn game có hạn của mình!

LOẠI 1: CASUAL MOBILE GAMER

casual-mobile-game-gui-8045_imgs_8045_2

Loại này theo tui thì khá là easy-going, có gì thấy nổi nổi ngộ ngộ là chơi, nên trải nghiệm game của họ rất đa dạng. Thường họ chiếm số đông, nên điện thoại của họ thường có những game khá là điển hình của người-bình-thường (normie) như My Talking Tom, Subway Surfer, Liên Quân, đôi khi là Plants vs. Zombies. Do họ là người phụ thuộc vào số đông nên hơi khó để tìm hiểu được thực sự họ thích cái gì, và hơn nữa nếu quý vị thuộc số đó thì chắc quý vị cũng không đọc được bài viết này đâu. Dù sao thì, ờm, quay lại vấn đề mấu chốt. Các game thuộc loại endless runner hay farming sẽ thú vị cho loại gamer này do thường họ thích những trò không cần quá nhiều suy nghĩ mà cần kĩ năng và cày cuốc hơn. Ngoài ra, multiplayer là yếu tố buộc phải có cho nhóm này, do họ thường hay khoe chiến tích với bạn bè.

Một số game hay cho thể loại này:

  • Time Surfer: Kẻ Lướt Thời Gian (dịch nghe hơi chuối) là một game khá cũ nhưng nó cũng thuộc thể loại endless runner nên tui cũng thêm vô đây luôn, vì thú thật là tui nghiện nặng trò này! Bản thân người viết bài (tui á) rất là thích mấy game có nhạc hay, mà nhạc của trò này, nói sao ta, nó tuyệt vời. Rất đáng thử. Control của nó hơi là lạ, nhưng khi bạn đã biết được các bí quyết thì nó sẽ là endless runner thú vị nhất quý vị từng chơi.
  • Magic Touch: Wizard for Hire: Game của Nitrome đều có một cái vibe rất là sống động và đôi khi kì cục, và tui thực sự ngưỡng mộ điều đó. Một endless mà sẽ làm tay quý vị khỏe hơn Lý Đức, do phải vẽ hàng chục mẫu hình liên tục để đập bong bóng! Game rất vui và cũng hơi có tính cày cuốc, theo tui rất hợp với Casuals.

LOẠI 2: HARDCORE GAMER

Rốp rẻng rốp rẻng ối giời ơi, thứ mà tui không mong chờ nhất đã đến. Hardcore gamer là thứ game thủ mobile khó làm hài lòng nhất. Họ như Anton Ego của nền “ẩm thực” điện thoại vậy á, nên mấy game mà casuals chơi thường được xem là “barely playable”. Thấy ghét thiệt, nhưng mà phải nể họ ở chỗ họ biết cách chọn lọc game. Thường thì loại này không có game nhất quán nhưng thường mà game nào họ chơi thường là port của PC hoặc một game thực sự, THỰC SỰ đáng thời gian chơi. Họ hơi bị ảnh hưởng bởi game PC nên họ thường là những kẻ tìm kiếm sự hoàn hảo. Bản thân tui cũng không có trò nào mà cảm thấy xứng đáng với họ, nên tui sẽ xin kiếu tại đây. Nói chung là, đừng có dây vào!

casual-mobile-game-gui-8045_imgs_8045

LOẠI 3: INDIE-ANS

Không phải dân da đỏ.

Indie-ans có thể được coi là một hỗn hợp hoàn hảo của Casuals và Hardcores. Họ có thể chơi game casual (nhiều lúc trong khinh bỉ) hay cắm đầu vào những game hardcore của các dòng máy khác. Nhưng, cũng như cái tên, indie game là món chính mà các “thổ dân” này thích nhất. Cái thú vị của dòng game indie là cách chơi của nó đa dạng hơn cả các hương vị của KitKat bên Nhật. Game indie nó có một cái charm rất đặc biệt, do cách chơi thường là không giống ai, nên không có game nào quá giống game nào. Indie-ans thường là những người rất thích sự thay đổi trong gameplay mà đồng thời cũng có thể thấm nhuần được cốt truyện game.

Một số game hay cho loại này:

  • The Battle of Polytopia: Không hiểu sao mà tui thích trò này kinh khủng. Nó vừa thú vị, nó vừa khó, nó đòi hỏi tính chiến thuật cao, và nói chung là nó tuyệt vời. Trong game, bạn là kẻ lãnh đạo một bộ lạc, thay trời hành đạo. Game theo loại chiến thuật turn-based (nếu ai đã từng chơi qua Revival Deluxe trên điện thoại Java hồi đó chắc hẳn sẽ quen với thể loại này). Cũng đầy đủ lắm chứ đâu giỡn, có hệ thống tech tree, có khai thác tài nguyên, có đào tạo binh lính, v.v… Theo tui đây là một game cực kì cực kì đáng chơi thử một lần. Nhỏ mà có võ đó.
  • Card Thief: Có lẽ đây là trò mà tui nghĩ là đáng tìm hiểu nhất. Card Thief đưa quý vị trở về thời Trung cổ và trở thành một nữ siêu trộm tài ba. Cách chơi của trò này không phải là quá khó, nhưng nếu muốn hoàn toàn thống trị thì sẽ cần rất nhiều thời gian mày mò đấy. Sân chơi của quý vị là một bàn 3×3, và trên đó sẽ là những thẻ bài. Nhiệm vụ của quý vị là di chuyển quân bài nhân vật của mình đến điểm thoát an toàn nhất và được nhiều kho báu nhất có thể. Với lại, đây là game của Arnold Rauers, nên đừng xoắn vụ chất lượng, cỡ nào cũng 10/10 thôi!
  • Thomas Was Alone: Đừng để đồ họa đơn giản lừa mình, Anh Tôm Ở Một Mình là một game vô cùng, vô cùng kì lạ. Kì lạ ở chỗ làm sao mà một trò chơi tầm thường, thậm chí không có được cả mặt nhân vật, thân hình, giọng nói (ờ thì có giọng nói nhưng cứ bỏ qua đi) lại có thể đạt được hàng chục giải thưởng như vậy. Không phải tự nhiên mà IGN đã nói tựa game này là tự game hay nhất về vài hình chữ nhật nhảy nhót mà họ đã từng chơi đâu.

Đó, đó có lẽ là tổng kết của 3 loại gamer và một số trò vui vui tui muốn giới thiệu. Nếu quý vị độc giả có gì hay thì cứ comment, tui sẽ sẵn sàng chơi thử!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện