Những điều cổ điển về video game mà có thể bạn cũng chẳng còn nhớ

Huyền thoại ★

  

Khi bài viết này ra mắt thì đã là năm 2018, công nghệ đồ họa và kỹ thuật làm game đã phát triển đến mức tột đỉnh và vẫn không hề có dấu hiệu ngừng lại. Có lẽ đây cũng là một lúc phù hợp để nhìn lại những điều xưa cũ về video game mà chúng ta đã từng cùng lớn lên để thấy rõ rằng chúng ta đã tiến xa thế nào.

1. Cục save/ Memory card

Có lẽ các game thủ gắn liền với hệ máy PlayStation sẽ đang hồi tưởng nhiều lắm đây. Trên Xbox thì save như thế nào không biết chứ, khi còn chơi PlayStation thì xin thề với trời đất cục save chính là cả gia tài của bạn. Ở PS1 thì hình như chúng chỉ có 1MB, còn PS2 thì hình như 8MB thì phải. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hồi xưa mỗi khi chơi game mà muốn save chúng ta phải đi tìm một cái save point cho tử tế, và quên save một cái là tạch liền công sức bao lâu chơi. Quan trọng hơn, nếu như bạn mất cái cục vuông chết tiệt này, cả quá trình chơi game của bạn từ đầu chí cuối cũng về miền cực lạc luôn! Hãy cảm ơn hệ thống Save cloud của ngày nay đi các gamer!

 

2. Password để save

Trước khi có cục save, việc cực kỳ cần thiết để có thể giữ lại những gì mình đã từng chơi được ở một game nào đó (NES, PC, SNES) chính là hoặc mở máy chạy 24/24 hoặc nhập vào dòng lệnh dài loằng ngoằng kiểu như UEB73NWO628… Vui hơn, ở những tựa game có tính “trẻ con” hơn thì sẽ sử dụng các icon có liên quan đến game để làm password. Thế nên tuổi thơ thể nào cũng sẽ phải có một quyển tập hay sổ tay viết chi chít các mẫu tự hoặc mấy cái code hình ảnh kiểu như ” Chó cha- dâu- chuối- kim cương- kim cương- chó con- chó cha” (Goof Troop). Nhân nói đến việc viết đầy sổ thì…

 

3. Cheatcode

Huyền thoại của những huyền thoại luôn, ai nhớ GTA San Andreas nào? Ngày đó thì cheatcode- dù đúng với tên gọi của nó là một trò ăn gian- mới chính là điểm “vui nhất” của game. Đôi khi chúng ta chơi game không phải chỉ để thử thách bản thân lăn lộn vèo vèo ăn 2 hit là màn hình hiện lên 2 chữ “You died” như trêu ngươi, mà chỉ là để vui mà thôi, thế nên cheatcode thật sự là thứ để chúng ta có thể tận hưởng lẫn đẩy niềm vui đó lên cao hơn nữa. Ngoài ra, ở các game cổ điển thì password cũng có thể là 1 dạng cheatcode. Thậm chí, có những cheatcode đã đi vào lịch sử như Konami Code: Up Up Down Down Left Right Left Right B A Start.

 

4. Sổ tay hướng dẫn

Cả một bầu trời ký ức. Lại một lần nữa thì các bạn hãy cảm ơn Google và Youtube đi vì bạn hoàn toàn có thể tìm hướng dẫn với walkthrough rõ ràng từ các video hay các forum game của Steam hay Gamefaq hay IGN. Còn ngày xưa hả, đọc cả một cuốn dày cui hướng dẫn chơi game thật sự là một điều vô cùng may mắn (vì chỉ có game bản quyền mới có cái đó thôi), còn đa số là chúng ta sẽ phải đi mua hoặc photocopy những quyển dịch lậu hoặc hướng dẫn của 1 người khác đã chơi qua game. Chưa hết, những quyển manual “hàng xịn” này không chỉ là hướng dẫn chúng ta chơi game mà còn là một quyển giớ thiệu về lore game và cả các nhân vật một cách tóm tắt trước khi có wiki nữa.

5. Thật sự co-op cùng nhau/ Couch co-op

Với Internet tốc độ cao ngày nay thì việc co-op với nhau chỉ cần là tạo một room và mỗi người một máy, đeo tai nghe hoặc dùng Discord rồi chiến với nhau. Còn ngày ấy, để thật sự chơi với nhau thì phải xách máy qua nhà bạn, đôi khi phải vất vả tìm cái tay cầm hoặc ngồi chỉnh lại keyboard để 2 người có thể chơi chung. Và đó thật sự là quãng thời gian kết nối thâm tình lẫn… hủy diệt tình bạn cực kỳ hiệu quả.

6. CGI Rendered và FMV Cutscene


Cutscene ngày nay là một thứ được sử dụng phải nói là tối đa để có thể dẫn dắt cốt truyện trong game, tất cả âu cũng do công nghệ đã quá tiên tiến để người ta hoàn toàn có thể sử dụng engine in-game để tạo ra những đoạn cắt cảnh cực kỳ chất lượng. Còn hồi đấy, FMV cutscene (quay người thật lồng vào khung cảnh game) tuy cực kỳ tệ hại khi nhìn lại nhưng vẫn khiến chúng ta cảm giác thật sự như đang xem phim; còn các CGI cutscene kiểu như của Final Fantasy VII, Final Fantasy VIII thật sự là một món quà dành cho những ai đã nhẫn nại vượt khó vì thường là phải đến đoạn gì đấy đặc biệt lắm lắm thì mới có cutscene cho mà xem. Đã thế, chất lượng “kể chuyện” của cutscene CGI hồi đó thật lòng mà nói khá là tốt vì vốn video không có giọng lồng tiếng, chỉ có âm nhạc và hình ảnh nhưng chúng vẫn kể được một câu chuyện cụ thể.

7. Xoay rồi mới chạy

Nói cái này thì ai chơi game 3rd person hồi đó mới hiểu và thấm được cái nỗi đau điên rồ này. Nói cụ thể như Tomb Raider đi: Ngày nay thì Lara có thể di chuyển cực kỳ linh hoạt, chuyển hướng camera rồi chạy, lăn lộn tất cả chỉ trong khoảng 2 thao tác; rồi nhớ lại lúc còn chơi Tomb Raider 3 thì phải chỉnh 2 nút mũi tên trái hoặc phải để Lara “từng bước” xoay qua 1 bên, rồi mũi tên lên mới từng bước chạy đi- thế nên mỗi lần mà quýnh quáng quên một cá là ăn hành như chơi. Thậm chí, nhìn Resident Evil 2 Remake so với Resident Evil 2 ngày đó mà xem, hãy cảm ơn cái camera góc nhìn qua vai của Resident Evil 4 đi mọi người.

8. Waypoint là cái gì?

Tôi từng nói game bây giờ đã dễ dãi cho chúng ta lắm rồi, và cái waypoint này chính là một minh chứng. Bây giờ các bạn hoàn toàn có thể bỏ qua hết thoại, cutscene v.vv… vì khi mở bản đồ hay bấm nút log của nhiệm vụ (hay thậm chí xài mấy cái cheat-vision nữa) là bạn sẽ biết ờ nhiệm vụ tiếp theo của mình nằm ở đâu; ở các game thế giới mở còn giúp bạn phân biệt đâu là nhiệm vụ chính và phụ. Ngày ấy, tìm đường để đi là một công đoạn cực kỳ trời ơi đất hỡi vì bạn hoàn toàn chả biết mình phải làm cái gì kể cả đã chú ý câu chuyện rất kỹ, cả game side scroll cũng lạc đường như chơi. Đã thế phải thật sự biết đọc bản đồ lẫn nhớ rõ nơi nào có nhiệm vụ chính hay phụ (Zelda, FInal Fantasy) vì nếu không bạn sẽ vô tình nhận nhiệm vụ khi chưa sẵn sàng hoặc bỏ lỡ những điều giúp làm dày thêm về game ấy vô cùng đáng tiếc.


Thậm chí, dù có hiện lên “Uh nhiệm vụ ở đó” thì cũng không có chỉ đường lộ liễu như… cái mũi tên của Bioshock Infinite.

9. Vấp dây/ Gỡ rối dây tay cầm

Thật ra thì có lẽ PC gamer bây giờ vẫn còn bị cái vụ này (trừ trường hợp tay cầm wireless cho PC nếu bạn có khả năng mua)… Còn ở PS3 PS4 hay Xbox 360, One bây giờ tay cầm không dây đầy cả ra rồi, hơi hao pin thôi chứ bạn không cần phải trải qua cái cảm giác hồi hộp gần chết khi có người nào đi ngang qua TV vấp dây và bạn thì đang chơi ngon lành phải cụt hứng vì dây bị lỏng. Tệ hơn, mỗi lần dọn ra phải xử lý đám dây rối đó còn cực hơn là chơi game khó.

10. Đĩa mềm

Trời ơi cái đĩa này hồi đó chính là kho báu mỗi khi muốn tìm cách save một game nào đó đem về nhà, và dĩ nhiên cũng hãy cầu trời là game đó chỉ nằm trong khoảng 1.4 MB thôi. Ngoài ra, ở Việt Nam khi mà người ta muốn chơi game SNES thì không phải chơi băng cắm như bản quyền thật sự, mà là có một bộ giải mã và phải sử dụng đĩa mềm để chơi… Thế nên, cái khoảng thời gian chờ cho máy đọc được game là giai đoạn kinh khủng nhất hồi đó, vì nếu không đọc được là phải bỏ ra khoảng 10 ngàn (10 ngàn năm 1998 cũng là lớn với một đứa nhỏ đó) mà đi mua lại đĩa khác cho người ta chép.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Plus - 04.08.2018

    Dark Souls New game ++++++++++ chưa chắc đã khó bằng Dark Souls xoay rồi mới chạy 😀


  • evil255 - 04.08.2018

    mà các bác phải công nhận ko , riêng game hành động ko nói chứ game kinh dị nhờ cái khoảng ” xoay rồi mới chạy ” mà game kinh dị hồi sưa chời mệt tim hơn giờ nhiều :)))) . với mình game kinh dị làm animation nhân vật chính càng tệ là càng thành công ka ka ka