[Tản Mạn] Cutscene – Phim cắt cảnh hay nhiều hơn thế?

Khách quen

  

Trong làng Game hiện đại ngày nay thì đào ra một tựa Game không có đoạn phim cắt cảnh có lẽ còn khó hơn cả việc tìm một tựa Game có cutscene. Có thể nói, cutscene cũng là một trong những lý do mà Game được tôn lên ngang hàng với các loại hình giải trí khác mà tiêu biểu là phim ảnh vậy.

Mục đích đầu tiên mà bất cứ người chơi nào cũng có thể nhận thấy qua từng đoạn cắt cảnh có vẻ như là để phát triển cốt truyện. Như các bạn đã học ở chương trình Ngữ Văn lớp 7 hay lớp 8 gì đó định nghĩa. Cốt truyện chỉ có thể được triển khai khi có các tình tiết với mục đích cụ thể xảy ra. Và không có một thứ gì có thể thể hiện rõ các tình tiết bằng những đoạn cắt cảnh. Dù trước đó chúng ta làm điều đó với các đoạn hội thoại dialogue đơn giản như các Game thời NES/SNES, tất nhiên ai cũng phải thừa nhận nó không triệt để. Hãy thử đọc câu chuyện ví dụ ở dưới.

Có một cặp đôi đang yêu nhau. Người con trai rất yêu người con gái. Và người con gái cũng rất yêu người con trai.

Vâng, chỉ vỏn vẹn như thế, không có tình tiết nào xảy ra thì câu chuyện sẽ không bao giờ được triển khai và người mang câu chuyện tới cho người nghe, người đọc hoặc người xem cũng không hoàn thành được thông điệp mà mình muốn truyền tải. Hãy cùng tiếp tục câu chuyện với một vài loại nguyên tố Hóa Học xúc tác mang tên “Drama”.

Một ngày đẹp trời, người con trai bỗng gặp được một cô gái khác với cặp mắt không rõ là có đẹp hay không, làn da trắng muốt với mái tóc bạch kim với từng đường cong quyến rũ trải khắp từ đôi bầu ngực xuống cặp mông căng mọng. Vậy là người con trai quyết định chia tay bạn gái của mình để đâm đầu theo người con gái mới gặp kia.

Vậy là sau tình tiết bất biến, tính cách nhân vật được triển khai và tất cả chúng ta đều biết chàng trai kia là một gã đểu giả. Và từ đó, bài học rút ra mà mình (chuyển tải câu chuyện) cho các cô gái có bạn trai (người đọc) là đừng nên cho bạn trai của mình chơi NieR : Automata.

“Đây cũng là một hình ảnh mang tính chất minh họa”

Từ định nghĩa Ngữ Văn ở trên mà có thể suy ra được một định lý Toán Học là cách truyền tải sự việc càng tốt thì cốt truyện sẽ càng đi sâu vào tâm trí người chơi. Từ đó mà cuộc chạy đua của các Game có cốt truyện xuất sắc cùng với những đoạn cutscene biểu tượng đã được bắt đầu. Lấy mọi ưu điểm mà chúng ta có thể thấy được khi xem phim ảnh để tăng trải nghiệm cũng như sự lôi cuốn khi chơi Game. Kết hợp hoàn hảo giữa âm thanh và hình ảnh để chi phối cảm xúc của người chơi. Ví dụ tiêu biểu thì đây.

The Last of Us, một trong những Game mà theo bản thân mình nghĩ rằng nó đã làm rất tốt trong việc dẫn dắt sự tuyến tính của cốt truyện. Các đoạn cutscene và gameplay liên tục được lồng ghép vào với nhau để tạo sự liền mạch cho câu chuyện được kể, cũng như cả cảm xúc của người chơi. Game có một lợi thế hơn phim ảnh rất là nhiều trong việc khiến người chơi “nhập vai” vào nhân vật khiến cảm xúc của họ có thể được chơi tàu lượn siêu tốc, từ những khoảnh khắc xúc động, đau đớn đến những giây phút hài hước, vui vẻ và hại não như đoạn cutscene được trích trong “Tales from the Borderlands” ở dưới.

Bên cạnh những cảm xúc mang lại từ cốt truyện thì một phần cực quan trọng là phải làm sao để kết nối phần cảm xúc đó vào trong gameplay. Khá nhiều game đã làm rất xuất sắc khoản này, đặc biệt là những game Hack n’ Slash. Đúng rồi không thể không nhắc tới Devil May Cry với dàn trải cả series là những đoạn cutscene hoành tráng của Dante và đồng bọn xách vũ khí để chơi đùa với quỷ. Ví dụ như đây là một trong những đoạn cutscene hay nhất dòng game trích từ Mission 1 của phần 3. Đoạn cutscene này miêu tả rất tốt Dante từ tính cách đến phong cách chiến đấu rất ngầu và đặc biệt của anh. Trên hết là để khuyến khích người chơi sẽ “chơi” Dante đúng với phong cách và con người của anh như trong đoạn cutscene. Một số hành động như cưỡi lên quái lướt đi như một chiếc ván trượt cũng có thể làm được trong gameplay. Đây là ví dụ tiêu biểu nhất của việc gián tiếp dùng cutscene để định hình cách mà người chơi muốn chơi và sẽ chơi trong phần gameplay.

Còn nhiều hơn các loại lý do nữa như sử dụng trailer để giới thiệu nhân vật, giới thiệu boss, khoe độ mạnh mẽ, hoành tráng của đồ họa,… Nhưng suy cho cùng trên hết vẫn là để đánh vào tâm lý và cảm xúc của người chơi, chi phối họ để họ thực sự nhập tâm vào sản phẩm và tận hưởng mọi thứ tuyệt vời nhất của sản phẩm đó. Cảm xúc càng nhiều thì càng thành công. Và đây đã, đang và sẽ là một yếu tố chính để đánh giá một game có xuất sắc hay không.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly