5 (+3) pha đánh trùm tuyệt nhất series Devil May Cry, theo ý kiến của một Fanboi

Khách quen

  

Nếu các bạn đã và đang chơi Devil May Cry với những trải nghiệm chặt chém đã tay và đã mắt, thì các bạn sẽ thừa biết ai sẽ chắc chắn có mặt trong danh sách này. Không chỉ chiếm một, mà thậm chí sẽ là 3 slot lận. Nhưng để giữ tính công bằng cho những màn Boss Battle khác cũng rất xuất sắc không kém, mình sẽ xếp Vergil vào hẳn một xếp hạng riêng. Mình gọi đó là “Tier 0”.

0. Vergil

Nếu chỉ nói riêng về những trận đánh với nhân vật này, trong toàn bộ dòng game, chúng ta có tổng cộng 8 trận đánh khác nhau với 2 dạng khác nhau của Vergil. Mỗi trận đánh đều có sự khác nhau của nó, và cũng để phục vụ một mục đích khác nhau trong cốt truyện. Nhưng trên hết, đều là để phát triển các nhân vật trong trò chơi.

Với Devil May Cry, vào năm 2001 – thời điểm mà nó ra mắt, chẳng ai biết tới cái tên Vergil cả. Chỉ biết tới một tay kiếm sĩ thiện chiến, đầy kiêu hãnh mang tên Nelo Angelo. Dante đã phải chạm trán với tay kiếm sĩ này tới 3 lần, nhưng phải tới tận lần thứ 3, khi Nelo Angelo để lộ ra khuôn mặt không khác Dante là mấy, cũng như lộ ra nửa mặt dây chuyền ghép khớp với chiếc của nhân vật chính. Lúc ấy thì mối quan hệ giữa Dante và Nelo Angelo, hay nói cách khác là Dante và Vergil mới được xác nhận. Trận đánh này phô diễn hết toàn bộ sức mạnh của Nelo, lối đánh của hắn gần tương đồng với Dante trong DMC1 khi hầu hết là những pha combo từ thanh đại kiếm. Nhưng điểm nổi bật là những pha teleport bất ngờ cũng như những thanh kiếm màu xanh được triệu hồi và phóng thẳng vào Dante, định hình cực rõ phong cách chiến đấu của Vergil cho những bản Devil May Cry ra đời sau đó.

Phần thưởng của màn đấu Boss này là mảnh cuối cùng để biến thanh kiếm Force Edge trở thành Sparda, thanh kiếm huyền thoại có sức mạnh vô song mà tay kiếm sĩ bóng tối đã sử dụng để đánh bại vua quỷ Mundus. Trận đánh của Nelo Angelo với Dante chính là tiền đề để anh có thể lặp lại những gì cha anh đã làm được.

Trong Devil May Cry 3, lần đầu làng game mới được tiếp cận tới Vergil. Biết được hình dáng, tính cách, động cơ, và cả sức mạnh của nhân vật. Cũng như cơn ác mộng mang tên Mission 20, nơi mà Vergil đã đánh gục sự kiên nhẫn của rất nhiều người chơi, dù cho đó có là độ khó Normal đi chăng nữa. Sau toàn bộ quá trình phát triển của nhân vật, Vergil đã đạt tới ngưỡng sức mạnh cao nhất, không chỉ ở trong những đoạn cắt cảnh cốt truyện, mà cả ở gameplay nữa. Tần suất teleport, những pha combo và phản đòn dày đặc hơn hẳn hai trận đấu Boss trước. Thậm chí Vergil còn biết Cancel Animation khiến những đòn tấn công đều vô cùng khó đoán.

Và sự kinh hoàng chỉ thực sự bắt đầu khi Vergil chuyển sang dạng quỷ Devil Trigger cùng hàng loạt những nhát Judgment Cut ngập tràn màn hình. Điều này yêu cầu người chơi phải vận dụng được mọi thứ mình học được trong quá trình chơi game, cùng với một phản xạ vô cùng nhạy bén để có thể ăn miếng trả đòn cho Vergil một cách hiệu quả nhất. Chưa kể bản nhạc nền trong trận đánh Boss này cũng rất tuyệt. Khiến màn đấu trùm này được coi là một trong những màn đấu trùm hay và cảm xúc nhất của dòng game. Khi mà nó là điểm tổng kết cho mọi thứ từ khi người chơi bắt đầu DMC3 tới lúc này. Hoàn thành sự phát triển về mặt tính cách của Dante, của Vergil, và thúc đẩy câu chuyện để nó đi xa hơn trong toàn bộ series.

 Và cuối cùng là Devil May Cry 5. Ai cũng có thể công nhận, 3 mission cuối cùng không thực sự cần thiết trong mạch cốt truyện của trò chơi, khi mà Urizen, phần ác quỷ thèm muốn sức mạnh của Vergil đã bị đánh bại. Nhưng trận tái đấu giữa Vergil và Dante, khi cả hai đều ở trên đỉnh cao của sức mạnh, đều là thứ mà tất cả mọi người đều mong muốn. Dante đã có thanh quỷ kiếm Devil Sword Dante và Sin Devil Trigger, thì Vergil cũng có dạng Sin Devil Trigger của mình thông qua việc ăn trái cấm Forbidden Fruit mà cây quỷ Qliphort mọc ra. Nên là Mission 19 vẫn sẽ là màn đấu trùm hay và có ý nghĩa hơn nhiều nếu so với trận đấu giữa Nero và Vergil trong Mission 20 của DMC5.

Vergil vẫn giữ cho mình bộ kĩ năng từ DMC3, nhưng đã nương tay với Dante đi rất nhiều trong độ khó Devil Hunter trở xuống, nhưng dù thế thì việc đánh bại Vergil vẫn không hề dễ dàng. Không lạ nếu rất nhiều người chơi từ Mission 1 tới 18 không ngốn cục Gold Orb nào cả, nhưng lại bị Vergil chém bay một lượng kha khá Gold Orb ở Mission 19. Nếu bạn sử dụng style Royal Guard của Dante một cách thuần thục và chính xác thì việc đánh bại Vergil gần như là nằm trong lòng bàn tay. Nhưng ở các độ khó cao hơn, chỉ cần một sơ suất nhỏ sẽ khiến Dante phải trả giá bằng nửa thanh máu của mình, trong khi lượng máu của Vergil càng ngày càng khó nhai hơn. Đặc biệt, Vergil có trong mình rất nhiều chiêu 1-hit-KO ở các độ khó cao hơn Devil Hunter. Khiến người chơi lại càng phải tỉnh táo để đọc được từng chiêu mà Vergil sẽ sử dụng.

Bản thân nhân vật Dante cũng đã là một gánh nặng khá lớn với những người không phải pro trong DMC, việc chuyển style, chuyển vũ khí liên tục để phù hợp trong từng tình huống đã là một phần rất khó nếu so với Nero. Chưa kể nếu các bạn chơi Mission 20 sẽ thấy Vergil hiền hơn hẳn với thằng con củ tạ Nero nếu so với thằng chú. Nhưng dù sao thì chỉ với những lý do trên đã khiến Vergil trong DMC5 trở thành một trong những trận Boss Battle tuyệt vời và đáng nhớ nhất, không chỉ ở trong dòng game DMC, mà trong cả thế giới game nói chung nữa.

Bắt đầu với những màn đánh Boss “không phải Vergil” tuyệt vời nhất dòng Game Devil May Cry nhé.

5. Dante – The Legendary Devil Hunter
(Devil May Cry 4)

Lần đầu tiên trong từng ấy năm, dòng game Devil May Cry có cho mình một nhân vật chính mới. Nhưng không chỉ vậy, Capcom cũng như bác nhà Itsuno đã cho nhân vật mới này thẳng chân đạp vào mặt Dante – nhân vật mà ai cũng yêu quý. Điều này dấy lên một làn sóng phản đối cực kì dữ dội từ fan khi mà trailer DMC4 lần đầu được công bố. Nhưng dù sao thì việc biến Dante, tay thợ săn quỷ ấy trở thành một Boss trong trò chơi cũng là một trải nghiệm cực kì thú vị. Trong phần 4 chúng ta có 2 trận Boss Battle với Dante. Nhưng trận đấu đầu tiên ở Mission 1 chỉ mang giá trị tutorial hướng dẫn cho người chơi những điều cơ bản nhất của game khi điều khiển Nero, nên mình sẽ nói tập trung chủ yếu vào trận đánh thứ 2 ở Mission 10.

Điều không hoàn hảo của trận đánh Boss này là ở việc Dante đã thực sự không đánh hết sức với Nero. Ông chú chỉ nghịch ngợm trêu đùa một chút với thằng cháu, cơ mà vẫn hoàn toàn đánh trên cơ Nero, cả trong cốt truyện lẫn gameplay. Mọi đòn đánh của Nero đều bị Dante hóa giải dễ dàng. Từ chém kiếm, sử dụng súng bắn trả, hay thậm chí dùng Devil Bringer kéo cũng đều có thể bị phản đòn. Dante sẽ sử dụng những combo và kĩ năng cơ bản để đánh trả trong độ khó Human và Devil Hunter. Nhưng khi lên tới độ khó cao thì không cần tới Donguri (một trong những người sử dụng Dante tốt nhất thế giới), chỉ Dante của Capcom lập trình cũng sẽ khiến Nero phải khóc thét. Dante sẽ tận dụng hết tất cả những gì mình có, tất cả các vũ khí và các kĩ năng style để chơi với Nero. Đổi vũ khí liên tục, né đòn chuẩn xác và trả đòn ngay khi có thời cơ. Thậm chí là chuyển style đúng lúc như một người chơi Dante có kinh nghiệm thực thụ. Nên đừng lạ nếu bạn tấn công và bị Dante sử dụng Royal Guard phản đòn chết. Nên thật may mắn vì Dante không bị mất hình tượng là một con trùm yếu đuối trong dòng game do chính mình làm nhân vật chính.

4. Phantom – Destroyer of Ardor
(Devil May Cry 1-2)

Devil May Cry 1 có ít những trận đánh trùm hơn hẳn với các phần game sau đó. Nhưng mỗi con Boss đều có cho mình những ấn tượng rất riêng biệt. Một trong số đó là Phantom, con Boss đầu tiên của phần game. Người chơi sẽ phải chạm trán với Phantom 3 lần trong toàn bộ game, nhưng bộ kĩ năng và moveset của Phantom không có mấy khác biệt qua những lần chiến đấu với Dante trong cả DMC1 lẫn DMC2.

Bình thường thì các tựa game khác sẽ rất nhẹ tay với người chơi ở những con Boss đầu tiên để người chơi có thể làm quen được với nhịp độ của trò chơi. Nhưng điều đó không áp dụng với Devil May Cry. Phantom là một con nhện Magma khổng lồ với một cái đuôi như là đuôi bọ cạp, mỗi phát đánh của nó sẽ gây ra cho Dante một lượng sát thương khá lớn ngay cả ở độ khó Medium. Nếu chỉ đơn giản là đánh và né thì Phantom sẽ không xứng đáng với vị trí này một chút nào, vì bao quanh Phantom là một lớp vỏ ngoài khá cứng, khiến các nhát chém bằng Alastor hay Force Edge đều bị phản ra và trở nên vô hiệu. Phantom sẽ lợi dụng thế mạnh này khá đáng kể khi liên tục lấy chân để chắn lại điểm yếu trước mặt của nó. Chưa kể, Phantom còn có khả năng phóng ra các cột lửa và tia Magma, và sát thương của những đòn tấn công này cũng không yếu một chút nào. Tất cả những điều này đã khiến Phantom trở thành một trong những thử thách đáng nhớ nhất với một người đã theo Devil May Cry ngay từ phiên bản đầu tiên.

3. Cerberus – Ice Guardian (Devil May Cry 3)

DMC3 tiếp nối truyền thống không nhân nhượng với người chơi ngay từ trận đánh Boss đầu tiên của DMC1, và chúng ta có Cerberus. Để thẳng thắn mà nói, những trận đánh Boss của Devil May Cry 3 có chất lượng tuyệt vời hơn hẳn so với phần 2, hay thậm chí là phiên bản đầu tiên. Có thể kể đến Agni & Rudra, Nevan, Beowulf, hay đặc biệt nhất là Vergil. Nhưng lựa chọn của mình cho trận đánh ấn tượng nhất trong DMC3 (mà không phải Vergil), là Cerberus.

Cerberus được thiết kế như một con chó 3 đầu khổng lồ và mang trong mình sức mạnh của thuộc tính băng. Theo như concept ban đầu mà Hideaki Itsuno đề ra thì Cerberus sẽ có 3 thuộc tính ứng với 3 cái đầu của nó, băng – lôi – hỏa. Nhưng do giới hạn của công nghệ đã không hiện thực hóa được ý tưởng đó, và phải mãi tới năm 2019 chúng ta mới thấy King Cerberus sát với concept ban đầu nhất. Nhưng kể cả như vậy, Cerberus trong DMC3 cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho người chơi.

Vì là một con chó gác cổng cho tòa tháp Temen-ni-Gru, nhiệm vụ của nó là tấn công bất cứ ai có ý định xâm nhập. Bao quanh mình là những lớp băng mỏng để bảo vệ bản thân nó khỏi những sát thương vật lý từ bên ngoài, kể cả khi có bị chém bay lớp băng bảo vệ ấy thì nó vẫn sẽ biết tự khôi phục lại. Mỗi cái đầu của Cerberus sẽ có những đòn tấn công riêng. Một cái thì chuyên những đòn tấn công từ xa như khạc những mảnh băng ra từ miệng, triệu hồi băng từ trên trần nhà xuống. Có cái đầu thì chuyên về những đòn tấn công áp sát như giương vuốt cào, húc đầu hay dậm chân tạo ra những mảnh băng gây sát thương khắp sàn đấu. Cái đầu còn lại phụ trách việc phòng thủ, khởi tạo lớp băng bảo vệ quanh mình. Những cái đầu này sẽ liên tục thế chỗ cho nhau để thực hiện các chức năng của nó. Với lượng sát thương đủ lớn thì Dante sẽ có thể chém bay được 2 cái đầu của Cerberus cho tới khi hết máu, con chó giữ tháp này sẽ quy hàng và trở thành một vũ khí cùng tên cho Dante sử dụng.


Những đòn tấn công đa dạng của Cerberus sẽ khiến người chơi phải tận dụng hết tất cả những gì mà Dante có. Người chơi có thể sử dụng bất cứ style nào mà bạn cảm thấy thoải mái nhất vì nó đều tạo cảm giác hữu dụng khi đối đầu với Cerberus. Có thể dùng SwordMaster để nhảy lên tự tay gây sát thương, chơi theo phong cách an toàn hơn thì GunSlinger và tấn công tầm xa, TrickSter để né những đòn tấn công, hay bạn thực sự tự tin thì RoyalGuard để đỡ và phản hết các đòn tấn công. Về lý thuyết là vậy nhưng Cerberus vẫn gây rất nhiều khó khăn cho người chơi vì tốc độ tấn công nhanh lẹ với đa dạng các đòn đánh mà không có các dấu hiệu nhận biết. Và cũng đừng cảm thấy tệ khi mà dòng chữ “Easy Mode is now Selectable” vì Cerberus cũng đã gạt giò rất nhiều người chơi như vậy, dù chỉ là con Boss đầu tiên của Devil May Cry 3.

2. Cavaliere Angelo – Voltaic Black Knight
(Devil May Cry 5)

Các con Boss hay các con quái Angelo đều được thiết kế rất đẹp về hình dáng và rất hay về moveset. Vì theo cốt truyện, các con quái Angelo được tạo ra theo lệnh của Mundus dựa trên kĩ năng và sức mạnh của Sparda, Dante và Vergil. Ví dụ điển hình như Nelo Angelo, là Angelo mạnh mẽ nhất khi bản chất của nó chính là Vergil. Và thật may mắn khi chúng ta tiếp tục được đối đầu với nhiều các chủng loại Angelo khác nữa trong DMC5, trong đó có Cavaliere Angelo. Xuất hiện lần đầu trong tư cách là cái thằng cha cưỡi con ngựa Elder Geryon Knight đã gây kha khá khó khăn cho V, nhưng Cavaliere Angelo chỉ thực sự bộc lộ được sức mạnh của mình khi chạm mặt Dante trong Mission 11.

Trước khi bắt đầu nói sâu hơn về Cavaliere Angelo, thì vẫn phải “Honorable Mention” tới những con Boss mà bản thân mình cũng rất thích trong DMC5 như Goliath, Artemis, King Cerberus và Familiar Trio. Những con Boss của DMC5 đều được thiết kế rất hay, rất chi tiết và gây hứng thú cho người chơi rất nhiều.

Nếu như để miêu tả về Cavaliere Angelo, thì nó chính là một Dante phiên bản không cù lầy và bớt đẹp trai hơn bản gốc. Sức mạnh của Dante thế nào thì Cavaliere Angelo sẽ có y hệt như thế. Những đòn chém kiếm combo cũng có, bắn sét tấn công tầm xa cũng có, teleport chớp nhoáng có, thậm chí là đỡ và phản đòn cũng có luôn. Đó chính là sức mạnh chính của các style mà Dante có. Điều này khiến cho người chơi cảm thấy trận đánh sẽ thú vị hơn rất nhiều vì nó là một trận đấu ngang cơ mà bên nào cũng sẽ có khả năng chiến thắng (chứ không bị lừa lọc quá đà như những trận đánh Boss trong một vài tựa game vừa mới đạt giải GOTY nào nào đó).

Điều khác biệt duy nhất là ở kĩ năng của người chơi khi đối đầu với Cavalier Angelo. Khi mà bạn biết nhịp combo của Cavaliere rồi dùng chính thanh kiếm của mình chém cùng lúc vào đó để phản đòn, hiệu ứng slow-mo xuất hiện cùng với một loạt tia lửa bắn ra tung tóe cực kì thích mắt. Sát thương và độ biến hóa của các đòn tấn công cũng sẽ được tăng dần theo với độ khó của game, vì vậy Cavaliere khá dễ chịu nhưng sẽ là một thử thách cực kì khó khăn ở độ khó cao dành cho các thợ săn quỷ hardcore dày dặn kinh nghiệm thử sức.

Và điểm cộng cuối cùng của trận Boss Battle này mà bắt buộc phải nhắc tới là nhạc nền cực kì hay nữa. Hãy nghe và cảm nhận.


1. Credo Angelo – One-winged Dark Knight
(Devil May Cry 4)

Có rất nhiều lý do để Credo trở thành trận Boss Fight hay và đáng nhớ nhất với tất cả các fan của Devil May Cry. Một phần là vì những con Boss còn lại của DMC4 mà theo ý kiến cá nhân của mình là mờ nhạt dù nó hoàn toàn có tiềm năng để gây ấn tượng mạnh hơn. Bao gồm Berial, Bagon & Dagon, Echidna, Agnus và Sanctus.

Như Vergil với Dante, thì Credo là nhân vật đóng góp rất nhiều vào sự phát triển tính cách của Nero. Nero coi Credo như một người anh trai ruột khi cả Nero, Credo và em gái ruột của anh là Kyrie đều là trẻ mồ côi và rất thân thiết với nhau trong suốt tuổi thơ. Credo cũng là người đã đưa Nero vào hội Order of the Sword để bảo vệ loài người khỏi quỷ dữ, cũng như là người dạy kiếm kỹ và truyền tư tưởng về lẽ phải để anh không lầm đường lạc lối. Nhưng chính những hành động bất chính của Hội Kiếm cũng như những gì mà Sanctus, chủ hội giáo đã khiến Credo chấp nhận sức mạnh của quỷ để trở thành Credo Angelo, nhằm mục đích bảo vệ em gái anh cũng như tất cả mọi người. Credo bất chấp tất cả để đạt được mục đích đó, kể cả có là phải tấn công và giết Nero đi chăng nữa. Nhưng cho tới cuối cùng, khi mọi thứ đã sáng tỏ thì Credo hy sinh chính mình để cứu Nero và tạo tiền đề để Dante cũng như Nero đánh bại được Sanctus và cứu được Kyrie.

Một điểm cực kì thú vị trong tạo hình của Credo Angelo. Credo có hình dạng quỷ nhìn khá giống với một thiên thần, hay chính xác hơn là “một nửa thiên thần” khi mà chỉ có một bên cánh, hai sừng thì tạo thành giống hình Halo, vòng sáng mà các thiên thần hay có ở trên đầu. Ẩn dụ cho việc về bản chất Credo vẫn là một người tốt và nghĩa hiệp, nhưng bị vấy bẩn do ham muốn về sức mạnh để đạt được mục đích.

Về mặt gameplay, Devil May Cry luôn là một dòng game mà mục đích chính không phải là việc chặt chém quái vật, mà là chặt chém quái vật theo cách ngầu nhất có thể. Đặc biệt là với hệ thống gameplay cực kì tuyệt vời của DMC4 khiến cho combo trở nên biến hóa và vô cùng đẹp mắt. Tất cả những gì còn lại để hoàn thiện trải nghiệm cho người chơi là một đối thủ xứng tầm, và Credo Angelo là một Boss tuyệt vời nhất cho lý tưởng đó.

Credo Angelo có lối đánh cũng khá giống với Cavaliere Angelo, nhưng có chiều sâu hơn rất nhiều khi tương tác mà Credo mang lại phức tạp hơn hẳn. Mỗi đòn đánh của Credo đều rất nhanh, khoảng dừng giữa các đòn combo cũng rất ngắn, nhưng luôn có đủ thời gian để người chơi né tránh hay đỡ đòn nếu sử dụng Dante chẳng hạn. Ví dụ như một đòn đánh combo hất lên rồi chém kiếm xuống của Credo sẽ có 35 frames, trong khi một pha lăn né của Nero sẽ mất 37 frames để hoàn thành. Khoảng thời gian ngắn đến khó thở này sẽ khiến người chơi phải có phản xạ rất tốt và đòi hỏi người chơi phải bắt được nhịp ra đòn của Credo. Đặc biệt là khi bật Turbo Mode hay ở độ khó Dante Must Die. Và Credo sẽ trừng phạt người chơi rất nặng nếu không đủ tập trung.

Ngoài ra thì sẽ có những tương tác rất hay như khi Credo phóng thanh kiếm của mình về phía Nero thì người chơi hoàn toàn có các lựa chọn như chém lại đúng thanh kiếm đó để được hồi máu, Taunt Credo rồi né, hoặc dùng Buster Arm bắt lại thanh kiếm đang phóng tới và ném lại về phía Credo, gây một lượng sát thương khổng lồ. Ngoài ra thì Credo còn được trang bị cho mình một cái khiên mà theo như mô tả trong Character File là “chiếc khiên bên cánh tay phải đại diện cho niềm tin của Credo, có thể chống lại được mọi đòn đánh”. Và đúng là nó không ngoa thật, Credo không có Animation vỡ khiên mà chỉ có trúng đòn vì không giơ khiên ra đỡ. Mặc dù vậy, cách để khiến cho Credo không kịp giơ khiên cũng là cả một quá trình luyện tập lâu dài. Ở các mức độ Devil Hunter trở xuống thì người chơi nếu không có phản xạ nhanh nhạy vẫn còn thể đánh được Credo bằng cách là chịu đấm ăn xôi. Còn ở các độ khó cao thì suốt cả trận đấu với Credo sẽ là những pha trao đổi chiêu thức ăn miếng trả miếng liên tục, sẽ không có lúc nào Credo gục ngã và choáng như hầu hết các con Boss trong Devil May Cry cả.

Để miêu tả thì rất khó nhưng dưới đây sẽ là 2 video để ví dụ về việc thế nào là thiết kế một Boss Fight tuyệt vời. Credo Angelo làm tốt việc của mình khi là một Boss mang lại rất nhiều thử thách cho người chơi, nhưng mặt khác lại vô cùng đồng bộ với lối chơi mà DMC4 mang lại mà các Boss Fight khác đã không làm được. Và chính vì những điều đó nên Credo xứng đáng với vị trí đầu tiên này.

Đây là cách mà người chơi khá sẽ đối đầu với Credo

Còn đây là cách mà một thứ gì đó không phải là người đối đầu với Credo

Và tất nhiên đây chỉ là những ý kiến cá nhân của mình cũng như hy vọng các bạn đã tìm được một chút sự giải trí sau khi đọc bài viết này và mình sẽ trở lại với nhiều bài viết liên quan tới Devil May Cry hơn nữa.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện