Dota 2 Lore (P.14): Avada Kedavra!

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Trong một thế giới ngập tràn những sinh vật dị thường với quyền năng vô hạn như Dota 2, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc tới những pháp sư với ma lực khuynh thành đảo hải. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu những câu chuyện đằng sau các gương mặt lắm bùa nhiều phép trong thế giới Dota 2.

CARL* THE INVOKER, THIÊN CỔ PHÁP SƯ

Ma thuật – ở dạng sơ khai nhất, và theo lời một số người có lẽ là mạnh mẽ nhất, cơ bản là nghệ thuật của trí nhớ. Ma thuật không yêu cầu kỹ thuật, đũa phép hay bất cứ vật hỗ trợ nào khác ngoài trí tuệ của người pháp sư. Tất cả những vật dụng cần thiết để thi triển phép thuật chỉ đơn thuần là các thiết bị hỗ trợ ghi nhớ, những thứ cho phép người luyện phép nhớ lại đầy đủ chi tiết các công thức tâm linh đặc biệt để mở khóa sức mạnh của bùa chú. Những pháp sư vĩ đại nhất thời đại này là những người được trời phú cho trí nhớ thiên tài, dẫu vậy việc thi triển ma thuật vẫn quá phức tạp đến nỗi tất cả những người luyện phép buộc phải chuyên tâm tập luyện một vài bùa chú nhất định. Những người cả đời miệt mài khổ luyện có thể hy vọng thành thạo tri thức của ba, hay nhiều nhất là bốn bùa phép. Những thuật sĩ bình thường học được hai ấn chú đã là hạnh phúc lắm, và một pháp sư “cây nhà lá vườn” dù chỉ biết một ma thuật thôi cũng là điều không thể tin được – mà dù có thể thì tay pháp sư đó cũng phải xem hàng đống sách phép để nhớ lại những chi tiết đã quên vào những lần hiếm hoi anh ta được yêu cầu thi triển chúng. Nhưng vẫn có một ngoại lệ trong số những người luyện phép buổi ban sơ này, một thiên tài với trí thông minh vượt bậc và trí nhớ phi thường, được biết đến với danh hiệu Invoker.

Image result for invoker

Nguồn: Internet.

Thuở thiếu thời, vị pháp sư tuổi trẻ tài cao này tinh thông không chỉ bốn, năm hay thậm chí bảy câu chú: Cậu ấy có thể thuần thục không dưới mười ma thuật, và có thể thi triển chúng ngay lập tức. Cậu còn học được nhiều ma thuật hơn nữa nhưng tự thấy chúng vô dụng, và sau một lần thực hành, cậu xóa chúng khỏi tâm trí vĩnh viễn, để chừa chỗ cho những ma pháp hữu ích hơn. Một trong số những ma thuật hữu ích mà cậu biết là Vĩnh hằng Chú (Sempiternal Cantrap), một bùa chú trường thọ với năng lực giúp người thi triển dù đã sống vào những ngày đầu tiên của thế giới vẫn có thể tồn tại đến ngày nay (trừ khi họ bị nghiền nát thành từng nguyên tử). Hầu hết những thực thể gần-như-bất-tử này sống rất kín kẽ, họ sợ phải thừa nhận bí mật của mình. Nhưng Invoker không phải loại người thích che giấu tài năng. Ông là người thiên cổ, với sở học vượt trên tất cả, và bằng cách nào đó, đầu óc ông vẫn đủ không gian để chứa đựng cảm thức vô biên về chân giá trị của chính ông, cùng với những bùa chú mà ông dùng để thỏa mãn chính mình qua buổi hoàng hôn chậm chạp của thế giới đang chết dần chết mòn này.

Dota2 Invoker by Zerox-II

Nguồn: Zerox-II, Deviantart.com.

RUBICK THE GRAND MAGUS, THUẬT SƯ BẬC THẦY

Bất kỳ pháp sư nào cũng có thể thi triển một hoặc hai bùa chú, một số ít pháp sư thậm chí có thể nghiên cứu phép thuật đủ lâu để trở thành một thuật sĩ, nhưng chỉ một số ít những người tài năng nhất được phép mang danh hiệu Thuật sư (Magus). Dẫu vậy trong mọi hội nhóm phép thuật, ý thức cộng đồng chưa bao giờ đảm bảo cho sự cạnh tranh ôn hòa giữa các thành viên.

Vốn là một học giả với khả năng đấu tay đôi nổi tiếng trong thế giới ma thuật cấp cao, Rubick chưa bao giờ nghĩ tới việc trở thành Ma Thuật Sư cho đến khi anh bị người khác mưu toan ám sát đến lần thứ bảy. Khi anh tình cờ ném tên sát-thủ-chưa-thành-công thứ mười hai xuống khỏi một ban công cao chót vót, nắng hạ đã bừng lên trong anh khi anh nhận ra con đường tương lai của bản thân đã trở nên rõ ràng một cách không tưởng. Trái tim anh từng reo lên vui sướng khi đối đầu với những bùa chú và ma pháp khác, nhưng dần dà tất cả chúng đều quá dễ đoán. Anh khao khát những trận so tài vĩ đại hơn nữa. Thế nên, anh đeo vào một chiếc mặt nạ đấu sĩ, và bắt đầu một việc mà mọi thuật sĩ muốn thăng tiến lên vị trí cao hơn đều làm: anh tuyên bố sẽ giết một Thuật sư.

Nguồn: Internet.

Rubick nhanh chóng phát hiện ra rằng đe dọa một Thuật sư cũng đồng nghĩa với việc đe dọa toàn bộ các Thuật sư khác, và cả bọn kéo tới tấn công anh. Mỗi bùa chú họ tung ra đều mang khí lực vô song, và mỗi đòn tấn công đều là những cú chí mạng được tính toán cẩn thận. Nhưng ngay sau đó, có một chuyện mà những kẻ thù của Rubick không hề lường trước đã xảy ra: họ bị đánh trả bởi chính những ma thuật của mình. Trong vòng xoáy cuồn cuộn của ma thuật, Rubick mỉm cười khoái trá, nhẹ nhàng đọc vị và sao chép lại năng lực của từng người và vận dụng nó để chống lại những người khác, gieo rắc hỗn loạn vào hàng ngũ đồng minh của những kẻ tấn công anh. Nỗi nghi hoặc về sự phản bội bắt đầu lan ra, và chẳng chóng thì chầy các pháp sư bắt đầu quay sang đấu đá lẫn nhau mà không hề băn khoăn liệu ai mới thật sự là kẻ đứng sau mọi chuyện.

Khi trận chiến tiến tới hồi kết, tất cả các pháp sư đều bị thiêu đốt, đóng băng, nhấn chìm, bị cắt hoặc bị xuyên thủng. Không ít người trong số họ chết bởi chính ma thuật của đồng minh. Rubick đứng ngoài cuộc, đau đớn nhưng vui sướng trong lễ hội tàn sát kéo dài cả tuần này. Không ai đủ lý lẽ để phản bác lại yêu cầu thăng cấp của Rubick gửi tới Hội đồng Ẩn (Hidden Council), và hội Thập nhất Vô nhân (Insubstantial Eleven) đã thống nhất ban cho Rubick danh hiệu Đại Thuật sư (Grand Magus).

Dota 2 - Rubick's Cube by Lozeng3r

Nguồn: Lozeng3r, Deviantart.com.

ROTUND’JERE THE NECROPHOS, GIÁO HOÀNG BỆNH DỊCH

Trong thời kỳ dịch hạch bùng phát, một thầy tu bí ẩn với thiên hướng ma thuật hắc ám mang tên Rotund’jere đã được thăng tiến đến bậc Hồng Y nhờ những cái chết chóng vánh của tất cả các thầy tế cấp cao. Trong khi các thành viên khác của dòng tu đều lên đường để chung tay ngăn chặn bệnh dịch, tên hồng y mới được phong chức lại lẩn lút bên trong Thánh đường của Rumusque, bận rộn lên kế hoạch vơ vét tài sản của những quý tộc đang hấp hối ở đây. Hắn hứa hẹn sẽ trao cho họ các phần thưởng ở thế giới bên kia nếu họ đồng ý giao quyền thừa kế đất đai trên trần thế lại cho hắn. Khi cơn đại dịch rút lui và chỉ còn co cụm ở vài nơi, những hành vi của hắn bắt đầu khiến các thầy tế cấp cao chú ý. Họ kết hắn vào tội dị giáo và tuyên án hắn phải làm khổ sai trong vùng bệnh dịch, đồng thời yểm vào người hắn các bùa chú nhằm đảm bảo rằng hắn sẽ chết dần chết mòn trong bạo bệnh. Nhưng các thầy tế đã không tính đến khả năng miễn dịch bẩm sinh của hắn. Rotund’jere đã mắc bệnh, nhưng thay vì giết chết hắn, bệnh dịch lại nuôi dưỡng quyền năng của hắn, biến đổi hắn thành một đại dịch pháp sư hoàn thiện, một Giáo hoàng Bệnh dịch (Pope of Pestilence). Tự đặt cho mình danh hiệu Necrophos, hắn chu du khắp thế giới, lan truyền bệnh dịch ở bất cứ nơi nào hắn đi qua. Cứ mỗi ngôi làng tiêu tan vì bệnh dịch, quyền năng khủng khiếp của hắn lại gia tăng gấp bội phần.

Dota 2 - Necrophos set Loading screen by TrungTH

Nguồn: TrungTH, Deviantart.com.

ETHREAIN THE LICH**, BẠO CHÚA BĂNG GIÁ

Lúc còn sống, băng pháp sư Ethreain (vẫn chưa trở thành Lich) đã sử dụng quyền năng tàn phá của băng giá để đe dọa vô số các vương quốc làm nô lệ cho hắn. Các thần dân của hắn, với sự hỗ trợ của một số ít những pháp sư tuyệt vọng, cuối cùng đã thu hết can đảm để phục kích hắn. Với những sợi thừng được phù phép trói buộc vĩnh viễn, họ trói chặt băng pháp sư vào một quả nặng rồi thả hắn xuống một hồ sâu mà mọi người đều nghĩ là không đáy. Nhưng không phải vậy. Hắn chìm xuống khoảng một năm trời rồi bị mắc lại ở một mỏm đá nhô ra. Hắn nghỉ ngơi tại đó, chết nhưng không phân hủy, cho đến khi nhà địa lý Anhil tìm cách xác minh thực hư về huyền thoại Hồ Đen không đáy. Dây dẫn khí của Anhil bị mắc vào những sợi dây thừng trói tên băng pháp sư chết đuối, và anh ta kéo lên được một phần thưởng ngoài mong đợi. Nghĩ rằng sau khi hồi sinh xác chết, anh ta có thể hỏi Lich về những đặc tính của hồ không đáy, anh ta liền tháo bỏ dây trói trên cái xác và bắt đầu thực hiện một nghi lễ hồi sinh đơn giản. Thậm chí các hậu duệ của những người từng nổi loạn chống lại Ethreain cũng đã bị quên lãng từ lâu, nên không có ai ở đó để cảnh báo Anhil về sự bất cẩn của mình. Nhưng gần như ngay sau đó, anh ta đã nhanh chóng nhận ra sai lầm của bản thân khi Lich tháo bỏ xiềng xích và hấp thụ anh ta.

Nguồn: Cuong Le Manh, ArtStation.com.

MORE INFO


Theo lời Rubick, trước đây Invoker từng là một Vô hạn Thuật sư (Arsenal Magus), nhưng giờ không còn nữa. Lúc gặp nhau trong game, Rubick hay mỉa mai Invoker rằng “Invoker đúng không? Ngươi không còn là Vô hạn Thuật sư nữa sao?”

Item tối thượng của ma thuật, Ma trượng của Aghanim (Aghanim’s Scepter) luôn là thứ vũ khí mà các pháp sư khao khát. Người tạo ra quyền trượng này không ai khác hơn là Aghanim, một pháp sư vĩ đại và là cha của Rubick. Dù không phải là một pháp sư tầm thường, nhưng có vẻ Rubick vẫn chưa vượt qua được cái bóng quá lớn của người cha. Hero Dark Willow thường hỏi Rubick “Sống dưới cái bóng của cha mình có thú vị không?”, còn Hero Pangolier thì hay động viên Rubick “Bước ra khỏi cái bóng của cha mình đi, Rubick. Thế giới đang chờ đó.”.

6.84 Aghanim's scepter by keterok

Trượng thần quyền lực. Nguồn: keterok, Deviantart.com.

Không chỉ có lore bá đạo, mà Invoker còn là một trong những Hero khó chơi nhất Dota 2, với bộ skill đa dạng và bắt buộc phải “trộn” ba kỹ năng đầu tiên lại để ra chiêu. Dù khó nhưng có thể nói Invoker là Hero ra đòn hoa mỹ và mang tính giải trí nhất cho cả người chơi lẫn người xem, và dĩ nhiên nó chỉ hoa mỹ nếu bạn tung ra một bộ combo lốc lửa băng không hụt phát nào, còn ngược lại thì bạn chắc chắn sẽ gánh một loạt report và trash talk từ đồng đội.

Related image

Nhập môn kỹ năng Invoker. Nguồn: Steamcommunity.com.

*Trên trang Dota 2 chính thức của Valve (vốn không được chăm chút cho lắm) và cả trên Dota 2 wiki, Invoker không có tên riêng và không hề được nhắc đến tên trong tiểu sử. Tuy nhiên, trong các câu thoại in-game của Hero này, có những câu Invoker tự nhắc đến tên mình dù rất hiếm hoi, ngoài ra Undying và Mirana cũng có vài lần gọi tên Carl trong các câu thoại in-game của mình. Vậy nên người viết quyết định gán tên Carl cho Invoker, vì hầu hết các Hero khác đều có tên + danh hiệu, nếu vị pháp sư vĩ đại nhất Dota 2 không có một cái tên cho bằng anh bằng em thì khá là bất công.

**Theo Wikipedia, trong thế giới thần thoại, Lich là một “xác chết bất tử” do các pháp sư quyền năng tự phong ấn linh hồn mình vào một thân xác để đạt được cuộc sống vĩnh hằng. Giống như gargoyle, golem hay succubus, người viết nghĩ những danh từ này không dịch mà để nguyên gốc sẽ tốt hơn.


*Nguồn ảnh bìa: Pinterest.com.

 

Cùng Series

Oreo<3

Khách quen

  Thợ sửa ống nước
Giữa nước lọc và bia không cần phải có cà phê.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


5 cụng ly

  • minh - 09.02.2019

    khi nào xong dota mấy bạn có định viết bài lore của LOL không


    • - 09.02.2019

      Trước mắt là không nhe bạn, vì mình không có chơi LOL. :))


  • Thinh Snow - 16.03.2019

    Tưởng trong dota thì Invoker tên là Kael chứ nhỉ


    • - 16.03.2019

      Kael là tên trong DotA. Còn trong Dota 2 kha khá tướng đã bị bỏ tên cũ nên Invoker không còn mang tên Kael nữa. Như Rikimaru giờ chỉ còn là Riki, hay King Leoric bị đổi thành Ostarion the Wraith King vậy. :))) Lore của Dota 2 với DotA khác nhau, với lại mình chỉ viết về Dota 2 thôi nên không lấy tên Kael.

      P.s: Carl là một cách gọi trại từ chữ Kael của mấy dev bên Dota 2. :))


  • RyuAki - 05.11.2019

    Khi pick Invoker thì có 5% xuất hiện câu thoại
    “Throughout the aeons I have been known by many names…but my true name of power…is Carl”