Acknowledge. Stand by for Titanfall [2]

Chủ xị

  

Chút câu chuyện từ quá khứ. 3 năm trước, khi mà cỗ laptop cùn cằn của tôi còn không kéo FPS của trò World of Tanks cấu hình low-mid quá 40 fps, tôi đã làm một quả đầu tư khá mạo hiểm vào tựa game Titanfall 2 khi mới ra mắt. Nhưng đắng lòng thay, tôi không cầm nổi máu mắt khi nhìn không được gì khác ngoài những mảng pixel to chướng mắt và phải tạm dừng chơi game chỉ sau chưa được 10 tiếng tức vừa đủ phá đảo campaign và một ít multiplayer. Sau 2 năm tức, hiện tại khi đã có cỗ laptop ngon nghẻ hơn và đang tận hưởng trải nghiệm Apex Legend cùng thằng bạn khốn nạn tri kiếp của tôi, tôi chợt có lại cú nostalgia về tựa game này ngày xưa và… Cú nostalgia đó đâm tôi như một con xe tải đưa nhân vật chính đi Isekai.

Tổng quan:

Titanfall 2 là tựa game siêu phẩm nhưng chịu số phận hẩm hiu mà Respawn tạo ra. Nó cũng đồng thời là tựa game làm nên tên tuổi của hãng làm game duy nhất mà EA chưa siết cổ và đắp mộ như những studio khác (I miss you Dead Space…). Ra mắt vào giữa năm 2016, ngay sau Battlefield 1 đúng 1 tuần và trước ngày ra mắt của COD 2016 chỉ 2 tuần. Ai cũng biết EA “gửi” Titanfall 2 ra (viết tắt là TF2, đừng nhầm với Team Fortress nhé) để chết vì không lý gì những nhà kinh tế vạch định kế hoạch của EA lại ngu đến vậy để gửi một tựa game “Brand-new” ra mắt giữa 2 ông kẹ của làng game bắn súng.

Nhưng nó đã không chết. TF2 bằng một nhiệm màu nào đó, dù doanh thu thực tế chỉ bằng 1/3 so với kỳ vọng hão huyền ngu xuẩn của EA sau 2 tuần đầu ra mắt, vẫn tạo nên một cú “Home run”, vừa giữ được cái đầu cho Respawn mà vừa mang lại danh tiếng cho hãng. Và đến tận ngày nay tôi mới ngộ ra được vì sao TF2 vĩ đại như vậy, tuyệt vời đến thế và đáng buồn ra sao.

Hãy thẳng thật rành rạch như này: TF2 là tựa game FPS vĩ đại nhất trong thời đại công nghiệp game hiện nay và cái ngành công nghiệp này đã làm phụ lòng nó. Và nếu bạn tự nhận là fan game bắn súng mà chê nó, game trên Y8 có lẽ sẽ hợp với gu của bạn hơn đấy. 10/10 không bàn cãi. Giờ hãy đi sâu vào lý do chi tiết vì sao TF2 hay đến vậy.

Cốt truyện: Chiến tranh giữa các vì sao

Đặt tại bối cảnh giả tưởng vào thế kỷ 25 khi du hành vũ trụ và khai hóa thuộc địa vũ trụ đã là chuyện cơm bữa của nhân loại, người chơi vào vai một anh lính dù kiêm học viên có tên Copper của lực lượng “Frontier” đang theo học khóa đào tạo trở thành một loại chiến binh được gọi là “Pilot”. Đó là những siêu chiến binh có khả năng chiến đấu vượt trội hoàn toàn so với những tên lính quèn khác và có quyền điều khiển phương tiện chiến đấu làm nên thương hiệu cho TF2, Titan.

Frontier tự nhận bản thân họ là lực lượng cách mạng chống lại tổ chức IMC – Interstella Mining Cooperation tức chính Trái Đất nhưng đã trở thành một chế độ phát xít cùng đội lính đánh thuê “Apex Predator”, một tập hợp của những tên tội phạm chiến tranh đam mê tiền, quyền lực, chiến tranh, chinh phục và hơn hết, giết chóc. IMC đã tiến hành khai hóa một cách dã man và tàn bạo vũ trụ, bao gồm cả những hành tinh quê nhà của Frontier buộc họ phải cầm súng lên bảo vệ chính hành tinh của họ.

Richter – Một “Apex Predator” được cử đi săn nhân vật chính

Một vũ trụ và thế giới được giả tưởng nắm được cả 3 điểm logic, rõ ràng và ngắn gọn cho bạn tiếp tục tiến bước chiến đấu và dấn thân vào trò chơi mà trên hết, nó tạo cho bạn động lực để lái Titan hay cầm súng để giết hạ kẻ thù. Một điểm nhấn nữa đó là việc xây dựng nhân vật các nhân vật phản diện (ở đây là các Pilot đánh thuê cho IMC): Trước khi đối mặt chúng, bạn có thể nghe được đoạn hội thoại giữa chúng (Pilot địch) với chỉ huy, qua đó xây dựng chút về nhân vật phe phản diện cũng như làm đậm thêm bầu khí quyển cho cốt truyện game.

Xuyên suốt phần chơi chiến dịch của TF2 bạn sẽ song hành với “BT”, Titan của bạn và đồng thời là người bạn gắn kết với bạn. TF2 đã thành công mỹ mãn khi tìm cách liên kết cảm xúc của người chơi với cỗ Titan tưởng chừng vô tri vô giác. Kết hợp với lời hội thoại và cốt truyện được viết hết sức tài tình. Dù cho BT là một cỗ máy AI, bạn vẫn có thể cảm nhận được nhân cách và cái hồn của một AI đang học hỏi từ người Pilot chưa hoàn thành khóa học được thăng cấp ngay trên chiến trường.

Titanfall 2

“Nice catch buddy”

Các màn chơi nhiệm vụ trong TF2 cũng cực kỳ dễ nhận ra và có sự độc nhất vô nhị của chúng. Một trong số đó là nhiệm vụ “Effect And Cause” khi bạn tìm kiếm dấu tích của một món vũ khí VỀ THỜI GIAN mà IMC đang phát triển. Màn chơi này chỉ có thể nói một câu QUÁ ĐỈNH, NUT STUFF.

Đồ họa: Interstella

Một trong những điểm mạnh của TF2 là nó sử dụng một dòng engine đồ họa khá cũ nhưng tính hiệu quả sử dụng và tương thích lại rất cao. Ảnh đặt ở cấu hình High-end nhưng vẫn duy trì được fps ở trên 60/s, cực kỳ ấn tượng.

titanfall 2

titanfall 2

Âm thanh/Soundtrack: Dawn of War

Không thể than phiền về nó. Mỗi khẩu súng trong TF2 đều có âm thanh hết sức riêng biệt và dễ dàng phân biệt. Cộng với âm thanh feedback khi bắn trúng mục tiêu cho bạn một trải nghiệm rất thỏa mãn. Và soundtrack của game cũng hấp dẫn không hề kém với tông nền chủ yếu và violin và piano để tạo không khí đậm chất buồn và bi thương của chiến tranh – VÀ NÓ HỢP ĐẾN TUYỆT VỜI. Trong chiến đấu, mỗi khi người chơi bị đặt vào tình thế bất lợi hay vào giao tranh đầy gay cấn, Soundtrack của TF2 giúp giải phóng thêm adrenaline để trận chiến thêm gay cấn hơn nữa. Nhìn chung, nhạc vừa đẹp vừa hay nhưng không đến độ “Masterpiece” như những dòng game của Nhật được.

Gameplay: “Protocol 3. I will not lose another Pilot”

Tất cả video gameplay được lưu ở độ khí Hard (vì chơi ở độ khó Master thì nó sẽ thành CoD “You will (not) Survive” clone đúng nghĩa).

Xét riêng trong chế độ chơi chiến dịch, TF2 đầu tư rất mạnh vào yếu tố “Power Fantasy”, biến người chơi thành một Superman, một “One man Army” đúng nghĩa, khi đặt người chơi liên tục vào tình thế bất lợi trước số đông áp đảo của kẻ thù NPC. Những tình huống một mình người chơi cân cả một trung đội bộ binh địch chỉ trong nháy mắt là thường thấy trong game. Chia gameplay trong Campaign của TF2 ra 2 mảng: Bộ binh và Titan.

Hãy nói về bộ binh trước, kẻ địch bộ binh sẽ lấy số lượng để đè bạn với nhiều loại binh chủng khác nhau. Chẳng hạn với đám người máy thì chúng sẽ liên tục di chuyển thẳng về người chơi (trừ các đơn vị dùng súng máy/bắn tỉa), còn đám lính bộ binh sẽ chủ yếu giao tranh bạn từ xa (ngoại trừ các đơn vị tank shotgun), buộc người chơi phải liên tục ứng biến với tình thế trận đấu với 2 câu hỏi duy nhất: Di chuyển HAY Bắn nhau. Nói về di chuyển, TF2 xây dựng hệ thống Parkour làm xương sống cho TF2 cả Campaing lẫn Multiplayer rất linh hoạt và có chiều sâu lớn. Bạn sẽ phải liên tục “Wall-run”, nhảy đúp vừa để né tránh kẻ địch mà cũng vừa để di chuyển xuyên suốt bản đồ. Nếu chơi ở độ khó Normal hay Easy, Parkour chính là thứ “Power Fantasy” mà người chơi muốn hít, liên tục lả lướt quanh khu vực giao tranh để bắn giết kẻ địch từ đủ góc độ. Tuy nhiên trong mức độ khó cao thì nên cân nhắc vì bạn sẽ rất dễ chết chỉ sau vài phát đạn. Chi tiết bạn có thể xem gameplay sau:


Tuy nhiên TF2 có một vấn đề nho nhỏ: AI của kẻ địch trong TF2 có phần “A” nhiều hơn “I”. Trừ kẻ địch là người máy chỉ được thiết kế để đi thẳng về người chơi có thể cho ngoại lệ và chấp nhận được, lũ bộ binh người, gọi là “Grunt” trong game rất đần độn. Bạn sẽ liên tục bắt gặp cảnh chúng chạy loanh quanh tại một khu vực đối mặt bạn mà không thèm ẩn nấp chỉ đứng trơ ra như những bia tập bắn (nhưng biết bắn lại), chạy quay đầu khi đang giữa lúc bắn nhau và đặc biệt thi thoảng chạy cắm đầu vào tường vì chúng “quên” mất lệnh điều khiển của chúng. Điểm khó xử và khó bỏ qua nhất là khả năng phản ứng của chúng rất kém và chậm chạp. Ngay cả ở độ khó Hard khi bạn móc lốp được một tên “Grunt” thì chúng cũng phải mất đến 1 giây phản ứng rồi tốn cả một băng đạn súng tiểu liên viên mới giết được bạn.

Một điểm cộng nữa cho TF2 của phần chơi chiến dịch đó là thiết kế bản đồ. Mặc dù là một tựa game theo phong cách “Linear”, nó to một cách đáng ngạc nhiên nhưng lại được xây dựng rất tỉ mỉ để phục vụ mục đích vừa bắn súng vừa parkour, cải thiện và biến đổi gameplay không chỉ đơn thuần là vừa núp vừa bắn nữa. Khi xem ending credit cho thấy có rất nhiều người đã chơi thử cho TF2 cho thấy sự đầu tư tận tâm của Respawn cho đứa con của họ.

titanfall 2

Về Titan, đây là một yếu tố định nghĩa nên TF2. Trong phần chơi chiến dịch, các phiên bản Titan trong game đã được đem ra để làm boss ải như một cách thức hướng dẫn cơ bản về kỹ năng và sức mạnh cũng như cách đối phó với chúng và tôi cho rằng đây là một sáng kiến hết sức thông minh. Mặc dù vậy do yếu điểm của AI của TF2 là bị đần dẫn đến việc Boss Titan của kẻ địch được buff thêm máu để tăng độ khó lên một cách giả tạo nhưng vẫn có thể chấp nhận được vì như bạn thấy, tôi làm gỏi chúng 1v2v3 không hề gì. Đỉnh điểm của chiến tranh trong Titanfall, khi Respawn quyết định làm choáng ngợp người chơi hết sức có thể là ném toàn bộ mọi thứ họ có vào tâm trí bạn đó là màn chơi “Trial by Fire”: Không có gì có thể mô tả trải nghiệm này cả ngoài từ TUYỆT VỜI.

Sang Titan của Multiplayer, không biết Respawn bằng phép nhiệm màu nào đó mà đã cân bằng được yếu tố tâm lý của cả người bộ binh với người lái Titan. Người lái Titan hoàn toàn cảm nhận được sự hiện diện và áp lực từ họ qua sức mạnh và sự ảnh hưởng lên bản đồ (Pilot địch auto quay đầu chạy khi nhìn thấy Titan), đè bẹp dí lũ NPC được spawn ra chỉ trong nháy mắt và được so tài hết sức kịch tích với các Titan do phe đối nghich điều khiển. Ngược lại người chơi bộ binh hoàn toàn hiểu số phận của họ khi đối đầu trực diện hay vô tình bắt gặp Titan địch nhưng “Vì lý do nào đó” mà khó cưỡng lại được cơn thèm khát “Thọc gậy bánh xe”, “Ném đá giấu tay” lũ Titan địch vì nó vui kinh khủng.


Tiểu tiết cho đến sự hoàn hảo

Lý do nữa mà vì sao TF2 chất lượng và vĩ đại đến vậy là bởi nó được đầu tư và chăm truốt hết sức tỉ mỉ từ Respawn như một đứa con tinh thần. Từ những tiểu tiết vụn vặt như lip-sync (môi khi nói đồng bộ với câu từ) đến thiết kế súng và kính/tâm ngắm aesthetic đậm chất trừu tượng giả tưởng cho đến cả những chi tiết hài hước như này:

Titanfall 2

Gunplay: Spray and Pray EVERYWHERE

Một điểm đáng lưu ý của TF2 trong mảng này đó là việc “Hipfire” (bắn không ngắm) trong game cực kỳ bá đạo với độ chuẩn xác lên đến 70-80% (trừ bắn tỉa). Đây là chủ ý của Respawn bởi nó phối trộn hoàn hảo với lối chơi di chuyển cực nhanh và linh hoạt trong TF2. Vốn được thiết kế từ cựu thiết kế viên của COD, thời gian bắn gục người của TF2 rất nhanh nên người chơi không thực sự cần bận tâm quá về cân bằng vũ khí mà quan trọng hơn là khả năng đọc map và phản xạ của họ (chi tiết xem gameplay bên dưới).

Multiplayer: Your Titan is standing by Pilot.

Hầu hết các đặc tính của phần chơi chiến dịch đều có trong Multiplayer nên việc làm quen với nó rất dễ dàng. Mọi thứ trong Multiplayer của TF2 đều được xây dựng xung quanh việc di chuyển quanh map, bắt gặp đối phương, giết hắn và lặp lại cho đến khi bạn muốn gọi Titan xuống quẩy tung bành cả bản đồ lên, nếu Titan gục thì lặp lại từ đầu.

(Thật lòng tôi không hiểu làm thế quái nào chúng tôi cumback được sau khi thua tận 1k tiền địch mà tôi lại top 2 khi mới chơi lên cấp 10).

Titan mà tôi ưa thích nhất là Tone và Legion và tôi cảm thấy cân bằng các class Titan trong game khá là… ok? Tôi nghĩ vấn đề duy nhất của TF2 Multi đó là cân bằng Titan bởi có 2 class Titan là Scroch và Northstar khá yếu ngay cả trên lý thuyết bởi bộ kỹ năng của chúng không phù hợp với lối chơi của Titan. Đó là giữ khoảng cách gần nhưng an toàn nhất có thể (50-70m) hoặc đâm đầu vào nhau để đấu súng/kiếm.

Khi kết thúc trận đấu bạn sẽ kiếm được ít tiền mở khóa kỹ năng Titan hay trang điểm và đặc biệt là để lên cấp, bạn có thể thấy trong video khi lên cấp bạn mở khóa được súng mới, phụ kiện mới và cả tấn đồ trang trí súng/Titan/bản thân Pilot và cả thẻ tên (Dogtag).

titanfall 2 titanfall 2 titanfall 2

TF2 còn sở hữu chế độ PvE hỗ trợ coop 4 người 1 team. Gameplay rất đơn giản: Bảo vệ một mục tiêu duy nhất trước các Wave kẻ địch với độ khó (số lượng kẻ địch cũng như sự đa dạng hóa của chúng) tăng dần. Thật lòng nó không quá cuốn vì gameplay rất lặp lại. Mục đích duy nhất mà bạn nên cày chế độ PvE này là cày cấp để mở khóa đồ chơi cho cả bạn và Titan.

Microtransaction có tồn tại trong game nhưng chỉ dưới dạng mua DLC và bạn không bị áp lực quá quá đáng để mua chúng vì bạn mở khóa mọi thứ khá nhanh và chỉ là đồ trang trí, không ảnh hưởng quá lớn đến gameplay.

Tổng kết

Đáng buồn thay, EA và ngành công nghiệp game đã làm phụ lòng Respawn (cũng như Obsidian nhưng đấy là một câu chuyện khác), những nhà làm game hết sức có tài và có tâm. Titanfall 2 có lẽ đã có thể nổi tiếng và nuốt chửng tượng đài của công nghiệp mì ăn liền COD và thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của EA. Nhưng EA phải làm những gì EA phải làm: Phá hỏng bất kỳ thứ gì họ chạm vào.

9.5/10 ALMOST Flawless.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Nam - 11.10.2019

    Hiện tại bác chơi game trên laptop hiệu gì cấu hình ra sao? Giá bao nhiêu tiền. Bác viết bài trên laptop hay trên máy bàn mà sao hay thế.