Advance War – Kho tàng bị lãng quên

Khách mới

  

Với những ai đã từng có tuổi thơ gắn liền đến những máy chơi Gameboy đều biết đến Pokemon, hay Fire Emblem- Mộc đế và Kirby,…v.v… Tuổi thơ của tôi ngoài những kỷ niệm với gia đình, bạn bè, thì game cũng là một trong những số đó, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một tựa game có thể các bạn đã từng nghe hoặc nghe lần đầu. Một RPG tuy không thể so về độ nổi tiếng và thịnh hành như Series Final Fantasy nhưng cũng đã tỏa sáng mãnh liệt vào thời điểm nó ra đời, đó là Advance War.

Nói đến Intelligent System là nói đến một tượng đài của ngành công nghiệp game mà nổi tiếng nhất là Fire Emblem- Mộc đế với hơn 20 năm tuổi đời. Gắn liền với những chiến binh diệt rồng mang phong cách trung cổ – Fantasy. Tổng cộng hơn 16 phiên bản, và phiên bản Fire Emblem Heroes đem lại 3 triệu USD ngay trong ngày đầu tiên ra mắt là đã quá đủ để khẳng định sự nổi tiếng và chất lượng của thương hiệu này đem lại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng nhớ đến một người anh em khác của Fire Emblem là Series “War”, Advance War có bối cảnh và nội dung về chiến tranh nhưng với những khí tài hiện đại như máy bay, xe tăng, tàu chiến,… Trò chơi được lên lịch phát hành tại Mỹ và EU vào ngày 11/9 năm 2003 nhưng phải delay vì sự kiện khủng bố Tháp đôi, đến tận tháng 11 năm 2004 thì trò chơi mới chính thức được phát hành. Đây là lần đầu tiên series này được các game thủ phương Tây biết đến mặc dù game đầu tiên họ biết đã là phiên bản thứ 7 của dòng game này.

Chủ đề chiến tranh được khai thác ở Nhật vốn rất hạn chế. Vì từng là một nước thuộc phe phát xít và cũng trải qua đau khổ của chiến tranh, nên người dân Nhật vốn không mặn mà với những tựa game chiến tranh giống của phương Tây, thiên về tính chân thực và đề cập đến mất mát, đau khổ hay dính líu đến chính trị. Dòng game War đi theo một xu hướng khác, một góc nhìn về chiến tranh “tươi sáng” hơn khi yếu tố bạo lực đã gần như bị loại bỏ, và chỉ xoay quanh tính chiến thuật và giải trí.

Advance War 2 trên hệ máy Gameboy Advance có nội dung kể về một xung đột đa quốc gia trong một thế giới gọi là War World, bao gồm 4 nước và một phe Alien gồm: Orange Star, Blue Moon, Yellow Comet và Green Earth. Mỗi quốc gia đều lấy ý tưởng từ những quốc gia có thật. Nội dung game kể về một xung đột giữa hai quốc gia láng giềng là Orange và Blue về tranh chấp lãnh thổ. Bạn sẽ vào vai một Advisor để giúp đỡ các CO (Commanding Office) phe Orance giành chiến thắng.

Sau khi giải quyết được bất hòa giữa hai nước thì giờ đây hai thế lực còn lại là Yellow và Green lại bất ngờ gây chiến với Orange. Sau khi trải qua quá trình “giải thích bằng vũ lực” bằng cách đập te tua 3 phe thì tất cả nhận ra mình đang bị dắt mũi bởi một thế lực mới đến từ một chiều không gian khác là phe Black Hole. Giờ đây Liên minh thế giới – The Allied Nations được thành lập và tập trung chống lại mưu đồ thâu tóm thế giới của phe Black.

Là một turn base strategy tương đồng với Fire emblem nên việc làm quen rất dễ dàng nếu các bạn từng chơi FF. Mỗi đơn vị quân chỉ được di chuyển và tấn công (trong phạm vi cho phép) một lượt đi. Nếu bạn đã hoàn thành các nước đi thì End Turn để đến lượt địch, và lặp lại cho đến khi một phe chiến thắng. Các đơn vị quân trong game vô cùng đa dạng với tổng cộng 10 loại quân mặt đất, 4 loại không quân và 4 lớp tàu chiến. Mỗi đơn vị quân có sức mạnh khác nhau với cơ chế bao-kéo-búa rất cân bằng, và đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Hơn nữa khác với FF khi mỗi đơn vị là một Character, khi đánh sẽ lên LV và khi chết là mất, các đơn vị quân trong AW có thể sản xuất hàng loạt được và không lên LV khi tiêu diệt kẻ địch. Có nghĩa là bạn có thể triển khai các chiến thuật thoải mái mà không quá bị ràng buộc bởi cơ chế Permant-Death. Việc hi sinh một đơn vị rẻ tiền để các đơn vị mạnh nhưng đắt hơn tấn công hiệu quả hơn là chiến thuật phổ biến (ừ thì chiến tranh mà).

Bản đồ trong game tương ứng với độ dài của chiến dịch mà càng ngày càng lớn và yêu cầu các chiến thuật khác nhau, tùy theo từng Map mà mục tiêu chiến thắng khác nhau. Nhưng phần lớn một trận chiến sẽ kết thúc khi một một trong hai phe mất hết quân trên toàn bản đồ, hoặc Headquater-aka Nhà chính bị chiếm. Nghe thì rất đơn giản nhưng để giành chiến thắng là một cuộc đấu trí của hai bên. Mọi thủ đoạn và mánh khóe, cũng như dự liệu đối phương định làm gì để phản ứng là vô cùng thú vị và cũng rất thử thách. Đây là một trận chiến không khoan nhượng khi việc triển khai quân gần như liên tục. Và không chỉ nằm ở việc lựa chọn đơn vị tấn công, bạn còn phải để ý địa hình và thời tiết, một yếu tố thay đổi liên tục và có thể thay đổi cục diện chỉ trong một lượt, các loại địa hình bao gồm:

Đường xá : +1 di chuyển cho tất cả quân bộ, phòng thủ yếu nhất +0.

Đồng cỏ : +1 phòng ngự cho các đơn vị quân bộ, nhưng -1 bước đi với các đơn vị cơ giới xài bánh lốp.

Rừng: +2 phòng ngự cho mọi đơn vị quân bộ, -2 di chuyển với các loại cơ giới bánh lốp và -1 di chuyển của xe có xích. Đây là loại địa hình có thể che hoàn toàn sự hiện diện của một đơn vị quân, trừ khi bị quân địch tiếp cận ngay cạnh bên nên là chỗ Ambush cực hiệu quả cho các đơn vị tầm xa.

Đồi núi: +4 phòng ngự cho lính (chỉ lính mới leo được núi – ờ game nó thế mà), +2 tầm nhìn cho các đơn vị này.

Bãi san hô: tương tự như rừng, +1 phòng ngự nhưng cho các đơn vị hải quân và cũng che hoàn toàn quân bên trong nó.

Trước khi đi sâu vào các yếu tố thời tiết thì tôi sẽ đề cập đến 2 loại map chính: Normal map và Fog of War

Với normal map thì toàn bộ tầm nhìn bản đồ sẽ hiện ra hết, gần như loại bỏ yếu tố tầm nhìn cũng như bất ngờ khi triển khai tấn công (thường chỉ với một vài map đơn giản). Việc duy nhất bạn cần làm là quan sát nhất cử nhất động của kẻ thù, dự đoán xem địch định làm gì, tấn công vào đâu, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào để phản ứng và tận dụng như chơi cờ vậy.

Fog of war lại là một câu chuyện khác, tầm nhìn giờ đây bị giới hạn ở mức mà từng unit có thể thấy, và thời tiết giờ sẽ là một yếu tố quyết định đến thắng bại. Ở thời tiết thông thường, trời nắng đẹp thì không có bất cứ bonus hay penalty nào cho các unit, tầm nhìn và khả năng di chuyển ở mức bình thường cho từng loại quân. Trời mưa: khiến các đơn vị quân giảm 1 tầm nhìn. Trời tuyết: penalty cực mạnh cho phần lớn các CO, giảm 2 di chuyển cho toàn bộ unit, tầm nhìn vẫn được giữ nguyên. Yếu tố thời tiết gần như không thể dự đoán được, và khi bạn đã lên kế hoạch để tấn công vào một lượt, nhưng bùm, trời mưa, hoặc tuyết, là bạn đã phải tính lại từ đầu vì các đơn vị quân không còn khả năng tiếp cận mục tiêu hoặc tấn công hiệu quả khi thiếu tầm nhìn. Việc điều binh khiển tướng là thử thách rất lớn và khiến giá trị chơi lại của game là vô cùng cao.


Bạn sẽ được học các yếu tố cơ bản trong một trận chiến trong vài chap đầu của game, như là lợi dụng địa hình, thời tiết và khắc chế giữa các loại đơn vị quân. Một điều thú vị trong game là kể cả khi một đơn vị quân có giá tiền cách nhau vài lần nhưng nếu bị khắc chế vẫn bị tiêu diệt dễ dàng. Điều này càng làm người chơi phải tính toán sao cho sử dụng hợp lý nhất chứ không chỉ Quân đắt vô đối là đi càn được. Mua quân hợp lý, cắt đứt nguồn kinh tế của địch và nâng lượng thu nhập bên mình, tiến công thần tốc hay đánh chậm thắng chắc hoàn toàn là chiến thuật của người chơi.

Và từng CO có điểm mạnh yếu khác nhau nên sự lựa chọn của người chơi cũng vô cùng đa dạng, thậm chí một CO có thể đánh theo nhiều cách tùy theo sự pha trộn unit và chiến thuật. Tương tự như một cái cốc có thể pha nhiều loại rượu, siro khác nhau, có thể ngon nhưng cũng có thể dở. Chơi như thế nào thì là tùy thuộc người chơi.

Đặc sắc của game

Nếu như game chỉ xoay quanh một cốt truyện tuyến tính, các đơn vị quân dễ nhớ nhưng thay đổi màu và hình dáng tùy quốc gia kèm theo các chiến thuật chán ngắt thì đã không phải Advance War. Như đã nói ngay từ đầu, bạn là một Advisor cho các Commanding Office (CO) nên với từng quốc gia sẽ là các CO cực kỳ độc đáo, cả về ngoại hình, cá tính, nhạc nền đặc trưng, và quan trọng là khả năng kích hoạt Power Skill cũng như buff nhất định với từng loại (hoặc tất cả) các unit. Các CO tương tự như Playable Character, và giống như một game đối kháng thuần thúy, khi tấn công và bị tấn công thì các CO đều tích lại ở thanh Power và là điều kiện để kích hoạt Power Skill. Mỗi Power Skill đều có tác động rất lớn đến trận chiến và chiến thuật của từng CO, tương ứng với các điểm mạnh yếu của họ. Việc lựa chọn chiến thuật của bạn liên quan trực tiếp đến CO bạn lựa chọn, có các CO chuyên về không quân hoặc Hải quân thì bạn buộc phải dồn vào các điểm mạnh của họ thay vì triển khai các đơn vị không phải thế mạnh của họ (ừ thì nhân vô thập toàn mà).

Sau đây là một số CO theo từng quốc gia

ORANGE STAR   


 

 

Andy – CO đầu tiên mà bạn được chọn:

Đây là một CO không chuyên về bất cứ chủng quân gì, cũng như là một trẻ trâu cầm quân khi chưa đủ 18 tuổi. Power là sửa chữa các đơn vị quân và Super là sửa mạnh hơn cũng như buff 20% DMG cho tất cả các đơn vị. Một tướng khá bình thường nhưng lại có khả năng outplay cao khi Power hồi 50% HP toàn quân. Rất dễ làm quen cho người mới, và dễ dàng bị thay thế khi bạn khám phá ra các CO khác ngon hơn.

Nell – Lady luck

Sếp tổng của Orange Star và là một cựu CO, Playable nhưng bạn chỉ unlock được khi hoàn thành game. Một nữ chỉ huy “hay không bằng hên” khi có hidden buff là 5% may mắn cho toàn bộ quân. Và Super và tăng 50% may mắn cho toàn bộ quân, vô cùng khủng khiếp khi bạn có cơ hội tiêu diệt ngay lập tức một đơn vị địch chỉ với 50%. Đây là một tướng rất lỗi (nên không được đưa vào phần campaign).

Sami – Tướng chuyên lính

Một tướng chuyên về bộ binh khi buff 20% hỏa lực và +1 di chuyển cho tất cả các đơn vị lính và tăng khả năng chiếm cứ điểm. Các đơn vị lính khác trong game chỉ có khả năng chiếm đóng thành tương đương số máu của chúng trong 1 turn. Mỗi căn cứ có 20 point để chiếm vị chi là 1 đạo 10 HP mất 2 turn. Tuy nhiên, Sami chiếm được 15 với một đạo quân 10 HP. Đây là lợi thế vô cùng lớn khi quân của cô có thể chiếm được một thành phố trong 2 turn ngay cả khi quân chỉ còn 7 HP (với các đạo khác sẽ mất 3 turn). Power là buff thêm DMG và +1 di chuyển cho lính. Super cực bá là buff +2 di chuyển, +50% hỏa lực và lính có thể chiếm ngay lập tức một công trình chỉ trong 1 turn. Nếu bạn coi thường lính Sami thì bạn sẽ phải trả giá đắt vì khi Super, lính Sami có hỏa lực tương đương một đơn vị Tank nhưng lại được hưởng buff từ địa hình, đồng thời có thể chiếm nhà chính của bạn ngay trong một lượt. Tiềm năng vô cùng lớn của Sami khiến cô được tôi chọn trong phần Campaign rất thường xuyên.

Max – Ngu si tứ chi phát triển

Ấn tượng đầu tiên khi bạn chọn anh chàng này là một Hulk với IQ không cao cho lắm. Nhưng các đơn vị cận chiến đều được +20% hỏa lực. Và mọi đơn vị tầm xa đều bị giảm 20% hỏa lực cũng như tầm bắn. Khi chơi Max thì bạn nên tập trung vào các quân đội cơ giới, máy bay hay tàu chiến có khả năng áp sát, tấn công phủ đầu vì quân Max vô cùng khỏe trong Combat kiểu vậy. Nhưng các quân tầm xa lại rất tồi khi vừa mất đi tầm bắn và sức mạnh nên lựa chọn phòng ngự không có giá trị với Max, dễ dàng bị khắc chế với các chiến thuật phòng ngự từ xa. Power là +20% dmg cho các đơn vị cận chiến và Super là +50 dmg cũng như +2 ô di chuyển cho các đơn vị đó (càn quét mạnh vl).

BLUE MOON

Olaf – Không phải Olaf trong Liên minh đâu

Tổng tư lệnh của Blue Moon và là một lão tướng bảo thủ, luôn mặc bộ đồ mùa đông cả trong ngày hè. Một tướng không có đặc biệt về từng binh chủng nào nhưng lại rất mạnh khi có tuyết. Mọi đơn vị của Olaf đều không bị ảnh hưởng bởi tiết trời giá lạnh nhưng khi trời mưa lại bị trừ 20% di chuyển (mặc áo ấm quá mà). Cả power và Super của Olaf đều thay đổi thời tiết sang bão tuyết, nên đây là một CO tương đối khó chơi nhưng tiềm năng rất lớn.

Grit – The Sniper

Đối lập với chỉ huy bảo thủ và hằn học của mình, Grit là một già gân trung niên với tính cách điềm tĩnh và giỏi phân tích. Một tướng hoàn toàn thiện về các đơn vị tầm xa. Tất cả quân tầm xa của ông đều được +20% DMG và tầm bắn, Power và Super đều tăng tầm bắn cho các đơn vị này. Có thể nhận ra ngay Grit chính là khắc tinh của Max khi mọi đặc điểm về unit đều đối lập. Một CO cực khỏe ở các map Fog of War khi quân của bạn có thể bị tiêu diệt bởi đạn bắn từ tận bên kia bản đồ. Tuy quân tầm xa khỏe là thế nhưng tất cả quân cận chiến của Grit đều bị giảm 20% DMG nên lựa chọn duy nhất của bạn khi chơi Grit là chia nhỏ lực lượng kẻ địch, kéo máu từ xa đến khi các đơn vị cận chiến yếu hơn có thể dứt điểm kẻ địch. Mạnh về thủ hơn công.

Colin – Rickkid

Là một tướng có quân rẻ hơn mặt bằng chung 10%. Đồ rẻ là đồ ôi khi mọi đơn vị đều bị giảm 10% hỏa lực. Ấn tượng đầu tiên của tôi thì Colin rõ ràng là một CO yếu khi thua kém quá nhiều so với những CO chỉ có sức mạnh tầm trung, unit của Colin hoàn toàn không thể Solo 1-1 với bất cứ ai kể cả khi có lợi thế địa hình. Và ưu điểm có lẽ là triển khai quân nhanh hơn thông thường. Tuy nhiên đây lại là một tướng có thể coi là có Super mạnh nhất game khi tỉ lệ sức mạnh tỷ lệ thuận với tiền của cậu. Điều đó có nghĩa các unit Colin đều được buff rất khủng, gần như không có giới hạn nào.

Tôi đã từng test thử khi Colin Super với max tiền (999999) thì một đơn vị lính bazoka với 2 HP, giá tiền 2800 gold có thể KO một đơn vị Tank hạng nặng 10 HP giá 25000 gold chỉ với 1 hit. Cán cân sức mạnh không đong đếm được nữa khi lượng tiền giờ đây là quá lớn, không một đơn vị Full HP nào có thể chịu được 1 hit từ các đơn vị yếu hơn vốn chênh lệch sức mạnh từ 5 đến 10 lần, khiến Colin là tướng rất lỗi khi bạn tích đủ tiền để đè bẹp kẻ địch.

YELLOW COMET

Kanbei – The Shogun

Hoàng đế của đế quốc Yellow, và là một nhà độc tài thét ra lửa chỉ sợ con gái của mình. Một tướng đối lập hoàn toàn với Colin khi mọi đơn vị quân của ông đều được +10% dmg và 10% phòng thủ, nhưng cái giá phải trả là chúng đắt hơn 20% so với các tướng khác. Sức mạnh là không phải bàn cãi với quân Kanbei khi mọi unit của ông không ngán bất cứ đơn vị nào của tất cả CO khác khi solo 1-1.

Nhưng nhược điểm là triển khai quân chậm, khiến quân Kanbei không chi phối được bản đồ trong thời gian ngắn. Kanbei không phù hợp với lối chơi đánh nhanh thắng nhanh, vì mất nhiều tiền để triển khai nên thường khi quân địch có từ 2-3 đạo quân chia ra nhiều nơi cùng lúc thì bạn chỉ có một đạo. Nhưng đắt xắt ra miếng, kèm theo giá trên trời thì Super và Power buff cực mạnh cho unit cả công lẫn thủ. Với tỉ lệ phòng ngự và tấn công tăng 1.5 lần. Quân Kanbei giờ đây với số lượng ít hơn nhưng có sức mạnh gấp đôi kẻ địch, sẽ nghiền nát mọi đối thủ, nhất là khi kẻ địch tự tin áp đảo số lượng là thắng được lão.

Sonja – Chuyên gia du kích

Con gái của Kanbei, khác với lối tấn công trực tiếp áo đảo của cha mình thì cô lại thiên về chiến thuật phòng ngự. Một tướng hoàn hảo trong các map Fog of War, mọi đơn vị đều của cô đều +1 tầm nhìn so với kẻ địch và có khả năng counter attack rất mạnh. Power và Super đều cộng thêm tầm nhìn cho các unit và có thể nhìn xuyên qua các dạng địa hình vốn không nhìn thấu được như rừng và các rặng san hô. Sức mạnh của Sonja không nằm ở khả năng tấn công vũ bão và dứt điểm kẻ địch nhanh chóng. Một người chơi Sonja sẽ biết cách chi phối và dụ kẻ địch vào trận địa mai phục.

Tầm nhìn xa đã là một lợi thế lớn, nhưng khả năng Counter- attack lại khiến kẻ địch của cô bất ngờ hơn nữa. Vì mọi đơn vị quân của cô sẵn sàng để bị tấn công, nên sự kết hợp giữa những đơn vị tầm xa xen kẽ các đội hình cận chiến và tầm nhìn siêu việt khiến kẻ địch không thể phản ứng khi rơi vào bẫy, cũng như không có đường thoát khi luôn bị phát hiện liên tục. Là một tướng rất khó chơi khi có thiên hướng phòng ngự bị động để phản công, nhưng là khắc tinh rất mạnh với các tướng thiên hướng tấn công làm trọng khác.

Sensei – Gừng càng già càng cay

Một cụ già hom hem với sức mạnh kinh khủng từng được mệnh danh Yellow Evil lúc còn trẻ. Khi chiến tranh nổ ra lần nữa thì lão tướng đã trở lại và lợi hại hơn xưa. Sensei là một tướng cũng thiên về lính nhưng lại mạnh cả về các đơn vị trực thăng và không vận. Lính bộ của Sensei +20% hỏa lực, tuy không có khả năng cơ động và chiếm đóng nhanh như Sami nhưng sức mạnh của Sensei nằm ở khả năng triển khai độc đáo. Super của Sensei là thả các đơn vị lính tại nơi thành phố đã được chiếm, càng kiểm soát được nhiều thành phố thì Sensei lại càng có nhiều quân.

Là một tướng mạnh ở các map nhiều thành phố và có sân bay, lực lượng trực thăng của Sensei được +20% so với thông thường. Và +50% khi Super, lực lượng trực thăng vốn không có nhiều giá trị khi dễ dàng bị khắc chế, nhưng vào tay Sensei lại là câu chuyện khác. Với tổng cộng 70% sức mạnh khi Super thì chúng trở thành những cỗ máy hủy diệt, có thể gây thiệt hại lớn hoặc thậm chí 1 hit KO mọi đơn vị quân mặt đất. Khi triển khai với số lượng lớn thì thậm chí các đơn vị phòng không cũng không có cửa với trực thăng ngay trong cận chiến. Giá thành rẻ nhưng mạnh khiến bộ combo lính + trực thăng nhìn qua rất đơn giản nhưng là cơn ác mộng ngay cả với những kẻ địch mạnh nhất.

GREEN EARTH

Eagle – Thủ lĩnh của bầu trời

Nói đến Eagle là nói đến một tướng không quân mạnh nhất game khi mọi đơn vị không quân đều được +20% sức mạnh và hao tốn xăng ít hơn các CO khác. Không quân vốn là đơn vị có khả năng cơ động cao và gây sát thương lớn nhưng phòng ngự kém. Với Eagle cũng không ngoại lệ, nhưng anh lại sở hữu Super thuộc hàng tốt nhất game. Super Lighting Strike sẽ buff 50% công/phòng ngự cho mọi đơn vị không quân và +2 di chuyển cho chúng.

Nhưng chưa hết, mọi unit trừ lính đều sẽ được thêm một lượt tấn công. Chính Super Broken này khiến quân Eagle cực kinh khủng khi được triển khai với số lượng lớn, thêm một lượt tấn công là có gấp 2 lần cơ hội chiến thắng. Và khi không quân được buff 70% sức mạnh thì mọi nỗ lực phòng không đều không có giá trị nữa. Giờ đây các máy bay đều có sức hủy diệt kinh hoàng, thậm chí khiến các đơn vị phòng không địch phải e sợ. Eagle mạnh như vậy nhưng lại có nhược điểm chí mạng, các đơn vị hải quân của anh đều bị giảm 20% hỏa lực. Đó cũng là điều dễ hiểu vì Eagle không biết bơi mà.

Jess – Nữ hoàng cơ giới

Một NỮ tướng, mặc dù bề ngoài không khác gì đàn ông với mái tóc ngắn quân đội đặc trưng. Cô là chỉ huy các quân đoàn cơ giới khét tiếng nhất của phe Green, với bề ngoài cứng rắn không khác gì với cách chiến đấu của cô – táo bạo nhưng rất cẩn trọng. Các đơn vị cơ giới của Jess được +10% hỏa lực và tiêu tốn nhiên liệu ít hơn các CO khác. Power và Super của cô là buff mạnh cho các đơn vị cơ giới tương đương 20% và 50% sức mạnh hỏa lực, cộng thêm 2 ô di chuyển và Refill toàn bộ nhiên liệu cho toàn quân. Cô là một tướng phù hợp ở các map có diện tích lớn vì khả năng tiếp tế hậu cần cực tốt của cô.

Drake – Vua của biển cả

Với ngoại hình khá lực lưỡng, to béo và tác phong của một thuyền trưởng, tuy các đơn vị khác đều chỉ ở mức trung bình nhưng lực lượng tàu chiến của Drake ăn đứt toàn bộ các phe khác trong game. Bản thân các đơn vị này được +20% công thủ và tầm nhìn. Nhưng nếu chỉ có vậy thì vẫn quá yếu, Drake là một trong số ít những tướng có khả năng thay đổi thời tiết. Trong khi Power của anh chỉ đơn giản buff thêm tầm nhìn và hỏa lực cho hải quân, thì Super lại rất khủng – gọi một trận bão gây sát thương lên tất cả các đơn vị quân địch và tạo ra tiết trời mưa giảm tầm nhìn. Tất nhiên là quân của Drake không hề bị debuff gì. Nói gì thì một thuyền trưởng vẫn chỉ mạnh khi ở trên biển. Đối nghịch với Eagle thì Drake lại sợ độ cao, khiến toàn bộ không quân -20% hỏa lực. Nhân vô thập toàn mà.

BLACK HOLE

Lash – Bác học điên

Một con bé với style ăn mặc và ăn nói cực dị, đồng thời là thiên tài chế tạo những vũ khí điên rồ nhưng mạnh mẽ. Toàn bộ phần chơi Campaign các bạn sẽ chạm trán các ụ lô cốt, súng laze và đại pháo do chính con bé này tạo ra. Có khả năng sáng tạo mạnh mẽ nhưng đồng thời là một CO đáng sợ. Về sức mạnh cơ bản thì các đơn vị của Lash không có gì đặc biệt, nhưng Power và Super thuộc hàng OP. Với Super của mình, Lash tăng gấp đôi khả năng phòng ngự cho các unit và bonus DMG tỷ lệ thuận tỉ lệ thủ. Cô là một tướng phụ thuộc rất nhiều vào địa hình và có cách chơi phòng ngự. Lash rất mạnh ở các map có nhiều địa hình và hoàn toàn vô dụng khi gặp ở các map biển.

Hawke – Phó tướng lạnh lùng

Trái ngược với phong cách điên loạn của Lash thì Hawke lại cực ít nói và khó hiểu. Trong phần cốt truyện bạn sẽ gặp hắn trong 4 chap gần cuối và tin tôi đi, đây là một CO cực kỳ khó đối phó. Toàn bộ unit của Hawke đều được +5% hỏa lực ban đầu với giá mua ngang các CO khác. Không dừng lại ở đó, Power cũng như Super của hắn cũng thuộc hàng kinh khủng: Power là hút 1 HP từ toàn bộ địch và hồi lại cho team mình, Super hút 2 HP toàn bộ địch và hồi lại cho quân mình, đồng thời +20% sát thương/phòng ngự toàn quân luôn. Với các skill toàn bản đồ cũng như buff sức mạnh toàn quân thì Hawke hoàn toàn không có điểm yếu. Điểm trừ duy nhất chắc là style thời trang quá xấu xí của mình.

Sturm – Trùm cuối ác mộng   

Đến đây thì có lẽ bạn cũng biết tôi nói về CO bá đạo nhất của game, với sức mạnh vô đối và không thể thua khi solo 1-1, thậm chí là 1-3. Sturm là tổng tư lệnh phe Black, một sinh vật không phải người, luôn mặc một áo choàng đen và mặt nạ đụng hàng Dark Vader. Sự đáng sợ của Sturm thể hiện không chỉ ở ngoại hình mà còn ở sức mạnh vượt lên trên tất cả CO khác. Toàn bộ quân của Sturm được +15% sức mạnh ngay ban đầu nhưng với giá mua ngang các loại quân khác, và khả năng di chuyển không bị ảnh hưởng bởi địa hình. Triển khai quân nhanh và sức mạnh vượt trội thì bạn hoàn toàn không có cửa solo với hắn.

Toàn bộ các chap cuối khi đối đầu với Sturm, ngay cả khi bạn được điểu khiển 3 CO để hợp sức tiêu diệt hắn thì bạn vẫn hoàn toàn thua dễ dàng nếu không giỏi tính toán. Sturm luôn coi loài người là giòi bọ và muốn tiêu diệt tất cả. Một con quỷ với quyền năng khổng lồ, tuy không có Power như thông thường nhưng Super – đủ sức lật kèo ngay cả khi 1 vs 3. Hắn triệu một thiên thạch khổng lồ lao xuống nơi tập trung đông quân nhất, tiêu diệt 80% sinh lực địch và x2 toàn bộ công thủ cho toàn bộ unit. Đây là Super OP nhất trò chơi khi ngoài gây sát thương khổng lồ lên các đơn vị quân địch, quân của Sturm còn được buff quá khủng và Unstoppable. Không có cách nào để khắc chế và hoàn toàn không có điểm yếu nào. Khi muốn hạ một Sturm thì ta chỉ còn cách dùng một Sturm khác.

Tạm kết

Ở bài viết này tôi chỉ đề cập đến Advance War 2, một game gắn bó với thời trẻ trâu của mình. Nhưng Advance War 2 trên hệ máy GBA thì luôn là một viên ngọc quý, cô đọng những gì tinh túy nhất của dòng game này. Tuy vẫn còn các phiên bản khác với mechanic mới lạ hơn và cải tiến đồ họa, tuy nó bị phủ một lớp bụi dày của thời gian và gần như không còn ai nhắc đến nó nữa, nhưng từng đó là quá đủ cho tôi nhớ lại ngày xưa – những ngày cùng lũ bạn nghiền game mà quên đi thời gian. Có thể mọi người có những kỷ niệm đẹp khác về tuổi thơ, nhưng đối với tôi thì một buổi chiều hẹn những đứa trẻ con trong xóm cùng qua chơi game cùng, chuyền tay nhau chơi mỗi lượt của Advance War thì mãi không bao giờ có thể quên được. Với phiên bản sau cùng trên hệ máy DS từ 2008, cho đến hiện tại chưa hề có bất cứ thông tin gì về một phiên bản tiếp theo của dòng game này. Khả năng cao Inteligent System đã bỏ ngỏ tựa game tiềm năng này. Hy vọng một ngày nào đó tôi có thể được chứng kiến sự trở lại của Advance War PC hoặc hệ PS tiếp theo, để cảm giác như lần đầu chơi game sau khi chờ đợi hơn 10 năm sống lại một lần nữa.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


5 cụng ly

  • Abc - 29.11.2019

    Hồi xưa mình cũng hay chơi game này


  • Long - 02.12.2019

    Đây là một Game chiến thuật hay vào thời tiểu học khi việc có giải lập GBA là một niềm vui lớn cho những đứa chỉ dùng máy tính như mình thì thật hạnh phúc, vài điều vui về Sturm thì nói hắn giống Dark Vader cũng đúng nhưng hồi đó nhìn hắn thì mình lại liên tưởng tới mấy con Zaku bên Gundam nhiều hơn.


  • Hoursea - 14.07.2020

    Bài dài chưa đọc xong nhưng xin phép cám ơn thớt đã. Hồi nhỏ gọi trò này là “bắn bộ binh”. :))


  • - 21.06.2023

    Game này hiện có bản remake trên switch này :3


  • Tùng - 13.03.2024

    bài viết có tâm quá. Mình hôm nay tình cờ mò các game xưa, ngày bé mình chưa từng chơi. Nhưng trong những game cũ giả lập mình ấn tượng với nó đầu tiên vì đề tài chiến tranh và poster nó đậm chất mùa hè, vui chơi