Anh kể em nghe về lịch sử game (P.3): Game Online ra đời như thế nào?

Chủ xị

  

Sau lần đàm đạo với bác Nin về thế giới game được vực dậy sau cuộc khủng hoảng nhờ những thế hệ máy chơi game mới như Nintendo như thế nào và kết thúc cuộc trò chuyện bằng sự khởi đầu về game online, Mít càng tò mò muốn tìm hiểu hơn. Với sự phát triển của công nghệ thông tin nói chung và mạng Internet nói riêng thì sự phổ biến của game online là điều dĩ nhiên không phải bàn. Nhưng liệu bạn có thật sự biết về lịch sử phát triển của game online hay không? Câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu của Mít suốt mấy ngày vừa rồi và cậu quyết định sẽ tìm hiểu nó với anh trai Tít.

Hôm nay Tít được mẹ giao phó nhiệm vụ quan trọng là đạp xe chở Mít đi học. Hai anh em đi đường thì dài mà chả lẽ lại không có chuyện gì để nói? Mít quyết định gợi chuyện để hỏi Tít về game online.

Mít: Em thấy anh chơi cũng nhiều mấy game online như Dota với CS:GO nhỉ? Thế anh có rành về lịch sử của mấy game online kiểu đó không?

Tít: Haha, anh mày không những rành về mấy game “kiểu đó” mà lịch sử game online anh cũng thuộc làu làu nhé. Lại thích tìm hiểu về mấy cái lịch sử game chứ gì?

Mít:  Đúng là chỉ anh hiểu em. Lần trước nói chuyện với bác Nin em cũng được giới thiệu sơ qua về khởi nguyên của game online rồi. Nếu em không nhầm thì đấy là vào khoảng những năm 80 khi mà người ta vừa phát triển hệ thống bảng tin BBS. Những game thời kì đó không có đồ hoạ mà chỉ là text-game với mô típ quen thuộc là Multi User Dungeons hay gọi là MUD. Những đoạn text sẽ đại diện cho nhân vật, quái và các chướng ngại vật mà người chơi sẽ phải vượt qua. Còn hệ thống BBS thì sẽ kết nối người chơi với nhau nhờ một đường dây điện thoại và bộ modem. Một vài game nổi bật áp dụng hệ thống này có thể kể tới như Legend of the Red Dragon hay Tradewars 2002.

Tít: Khá lắm! Bác Nin mới kể một chút mà đã thuộc làu làu như vậy rồi. Được rồi vậy để anh kể tiếp bước phát triển của game online cho mà nghe: Sau thời kì có thể coi là “thời đồ đá” của game online với MUD và BBS thì nó phát triển lên “thời đồ đồng”. Chắc em cũng biết game DOOM 3 bom tấn vừa ra mắt đợt vừa rồi phải không. DOOM là một trong những game đầu tiên được coi là game online có đồ hoạ và được ra đời vào năm 1993 đấy. Với phong cách đồ hoạ “giả 3D” thời bấy giờ thì không phải ai cũng sở hữu một máy tính đủ cấu hình để chơi được DOOM đâu, cũng giống như bây giờ không phải ai cũng chơi được DOOM 3 ấy. Phong cách hành động bắn súng cuốn hút pha lẫn một chút kinh dị và máu me từ những con quái vật trong game thì người người mê DOOM, nhà nhà mê DOOM. Không dừng lại ở đó, các nhà làm game còn phát triển thêm đấu trường mạng cho nó. Xuất hiện đúng theo thời điểm phần chơi mạng đang là xu hướng mới, một dịch vụ chơi mạng kiểu như Xbox Live mang tên DWANGO giúp người chơi có khả năng tìm được những đối thủ khác có cùng trình độ với mình đã ra đời. Ngay sau đó là sự bùng nổ của các game FPS với các dịch vụ trực tuyến đều kéo nhau xuất hiện. Có lẽ vì FPS là một thể loại mới và cũng rất dễ gây nghiện, cùng với phần chơi mạng mới mẻ còn dễ gây nghiện hơn nên hầu như tất cả các sản phẩm như Duke Nukem 3D, DOOM 2 hay Shadow Warrior đều đạt được những thành công đến bây giờ người ta vẫn còn biết tiếng.

Mít: Hay quá! Em từng nghe nói về DOOM nhưng chưa chơi dòng này bao giờ, nhưng nghe nói Quake và một số sản phẩm sử dụng nền tảng trên game này đều cùng hãng phát triển của DOOM phải không anh?

Tít: Ừ. Nhà phát triển Id Software được đà thành công của DOOM nên đã sản xuất một tựa game FPS nữa là Quake với đồ hoạ 3D thật sự. Năm 1996 khi Quake ra đời, game không chỉ tồn tại ở các mạng nội bộ nữa mà giờ đây với khả năng sử dụng Internet để kết nối thì các máy tính cá nhân từ các gia đình cũng có thể chơi game. Nhưng đúng như giang hồ đã nói: ở đâu có game online thì ở đó có giật lag. Những ngày đầu đi vào hoạt động Quake cũng không thể tránh khỏi tình trạng này. Hệ thống máy chủ có sức chịu đựng giới hạn của nó và quá nhiều người chơi thì sẽ xảy ra tình trạng giật lag. May mắn là không lâu sau một phiên bản online khác của Quake là Quakeworld đã ra đời để giải quyết gấn như thành công tình trạng này.

Mít: Quake thì em đã từng nghe nói nhưng Quakeworld thì đúng là chưa nghe bao giờ. Nhưng anh mới nói về máy game offline được mở rộng thêm phần online đúng không? Vậy còn những game online thuần tuý thì sao anh?

Tít: À chắc ý em đang muốn nói đến những game kiểu MMORPG đúng không. Game đầu tiên của thể loại này tên là The Realm nhưng game thành công đầu tiên của thể loại này thì lại là Ultima Online ra mắt năm 1997 với lượng người chơi khi đạt đỉnh cao phải tới hàng trăm nghìn người. Tuy vậy đồ hoạ của game cũng không thực sự bắt mắt lắm với góc nhìn từ trên xuống. Game này cho phép người chơi giết bất cứ ai (như kiểu bật PK lên rồi đồ sát con nhà người ta ấy) rồi cướp các items của họ. Có lẽ chính nhờ lối chơi có phần hơi thô bạo này cùng khả năng với những người khác là rất lớn nên Ultima mới đạt được thành công đến vậy. Ngay tiếp sau đó là một MMO rất đình đám: EverQuest ra đời. EverQuest không chỉ mang lại sự tương tác thân thiện hơn cho người chơi (lập guild, nói chuyện bình thường chứ không phải vừa gặp đã đồ sát), người chơi còn có thể lập team coop để đi đánh quái săn boss giống những mô típ của các game online thường thấy bây giờ. Một điểm cộng nữa, EverQuest được thiết kế đồ hoạ 3D vô cùng bắt mắt cộng thêm những bản update được tổng hợp thường xuyên từ 6 đến 12 tháng mỗi lần. Chính vì vậy nên đã có tới hơn nửa triệu người chơi đã đăng kí game này.

Mít: EverQuest nổi tiếng quá luôn này, thậm chí đến thời điểm hiện tại em còn biết có rất nhiều người vẫn chơi game này nữa. Vậy còn hệ console thì sao anh? Em nghe nói SEGA là hãng đầu tiên cho ra mắt game trên console có khả năng chơi kết nối mạng, mở đầu cho kỉ nguyên vàng của PlayStation và Xbox sau này thì phải?

Tít: Đúng là SEGA đã bước vào thế giới game trực tuyến từ rất lâu, vào khoảng cuối năm 1999 đầu năm 2000. Hệ console cuối cùng của SEGA là Dreamcast là một bước tiến lớn khi tích hợp cả phần mềm dial-up và cả trình duyệt web. Những game khá nổi trên hệ thống này có thể kể đến như Quake III Arena hay Sega Phantasy Star Online, tuy rằng hiện nay cũng ít người nghe nói tới rồi. Đáng tiếc là chỉ sau 2 năm dấn thân vào “gamebiz” thì thanh niên này cũng cất bước ra đi do Sega đột ngột dừng hoạt động Dreamcast.

Mít: À đến thời kì này em cũng biết một chút. Những năm đầu thế kỉ 21 tức là vào khoảng năm 2000 người ta cũng bắt đầu phát triển và sử dụng mạng LAN như một công cụ để chơi game coop với nhau. Xuất phát điểm là nhu cầu giải trí ở các mạng cơ quan công sở. Mạng LAN xuất hiện cũng là lúc cả châu Âu và châu Mỹ đều rầm rộ hưởng ứng và theo đuổi phong trào này. Mặc dù chơi LAN vẫn tương đối phổ biến nhưng sự phát triển rầm rộ của các MMORPG và các game PvP thời hiện đại nên thời kỳ LAN Party cũng dần suy thoái. Chắc bây giờ mấy game LAN cũng chỉ chơi ngoài hàng net như đế chế hay CS các bản cũ thôi anh nhỉ?

Vừa nói hết về phần game LAN thì Tít cũng chở Mít đến nơi. Tít cũng đang chuẩn bị nói tiếp về sự phát triển của game online tại Việt Nam nên Mít tiếc lắm. Dù sao thì cũng phải vào trường để đi học rồi. Hẹn gặp lại các bạn trong phần sau với 2 anh em Tít và Mít để hiểu hơn về game online tại nước ta phát triển như thế nào và các thế hệ console online ra sao nhé!

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện