Assassin’s Creed Lược Sử – Phần 4: Về Hội Sát Thủ

Khách quen

  

*Phần trước*

*Sau một loạt bài về thời Isu cũng như các tạo vật của họ làm tiền đề, kỳ này chúng ta cuối cùng cũng sẽ được tìm hiểu về Hội Sát Thủ, vốn là chủ đề chính của series game, và chúng ta cũng sẽ biết được một cái nhìn tổng quan về ý thức hệ, đặc trưng, kỹ năng, và thể chế, cơ cấu của Hội. Bài viết này được viết theo kiến thức của bản thân tôi, và cũng có tham khảo nhiều nguồn khác nhau, nhưng vì khá nhiều thứ rối rắm cũng như hiểu biết có hạn nên cũng không tránh khỏi sai sót, có gì mong các bạn thông cảm và góp ý nhé*

Hội Sát Thủ (Assassin Order), tên đầy đủ là Hội Huynh Đệ Sát thủ (Assassin Brotherhood), Độc Ẩn Giáo (the Hidden One) trong thời gian mới sáng lập, Hashashin trong thời Thập Tự chinh; là một tổ chức Sát thủ bán tôn giáo và là kẻ thù không đội trời chung của Hội Dòng Đền. Và 2 tổ chức này được ghi nhận là đã có chiến tranh liên miên ngay từ khi lịch sử bắt đầu.

Pháo đài Masyaf lừng lẫy một thời của Hội Sát Thủ Levantine

Theo lịch sử, Adam và Eva có thể được coi là 2 người đầu tiên mang tư tưởng Sát thủ, bởi vì là người đầu tiên nảy ra ý thức hệ chính của Hội Sát Thủ, “Ý chí Tự do” khỏi sự lệ thuộc của Những Kẻ Đến Trước. Và mầm mống tư tưởng đó đã hình thành nên một vài cá nhân được coi là Tiền-Sát thủ. Qua đó cũng đã có những cuộc ám sát đầu tiên nhằm vào Xerxes I, Alexander Đại Đế, Tần Thủy Hoàng,… Tuy nhiên, mãi đến năm 47 TCN, thì Hội Sát Thủ chính thức được thành lập bởi Bayek vùng Siwa và Aya vùng Alexandria với tên gọi là Độc Ẩn Giáo. Sau đấy, Hội Sát Thủ tiếp tục phát triển và đạt giai đoạn cực thịnh nhất là vào thế kỉ 13, vào thời Thập Tự Chinh thứ 3, khi Hội Sát Thủ Levantine tại đây gần như là một tổ chức hiện diện công khai với pháo đài Masyaf vĩ đại làm trụ sở cùng với những cuộc ám sát tại chốn công cộng, đối đầu trực tiếp với Hiệp Sĩ Dòng Đền của Quân Thập Tự Chinh. Với sự phát triển mạnh mẽ nhờ vị lãnh đạo kiệt xuất Altair Ibn-La’Ahad, Hội Sát Thủ đã hoàn toàn được cải cách một cách hệ thống, và Sát thủ Levantine đã trở thành nhánh lâu đời và nền tảng nhất, và là nền móng cơ bản tiên phong để phát triển nhiều nhánh khác nhau sau này, từ giáo lý, tư tưởng, điều lệ cho đến các phương pháp, kỹ năng, phong cách. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau, vì quân Mông Cổ kéo về đập phá Masyaf nên Hội Sát Thủ Levantine đã tản ra khắp mọi nơi, trở thành một tổ chức toàn cầu, tuy nhiên đã rút vào bí mật, sống ẩn mình, thực hiện những công việc mang tính chất thầm lặng và kín đáo hơn. Hội Sát Thủ lan tỏa ra mọi thế giới, trở thành nhiều chi nhánh rời rạc khác nhau khắp quốc gia và châu lục, và đã đạt được những mốc huy hoàng nổi bật trong Ý thời Phục Hưng, Châu Mỹ thời Thuộc Địa, Cách mạng Hoa Kỳ, Cách mạng Pháp, Anh thời Công nghiệp Victoria,… Đến thời hiện đại, Hội Sát Thủ được tập hợp lại thành một tổ chức thống nhất, được lãnh đạo bởi một cá nhân gọi là Cố Vấn, chủ yếu phân ra làm các nhóm nhỏ hoạt động ngầm khắp mọi nơi, ít thực hiện đi những cuộc ám sát và sử dụng bạo lực mà thường tập trung vào lật đổ các chế độ chính phủ và tập đoàn chuyên chế. Đem lại tư tưởng khai phóng, bình quyền cho người dân, cũng như tìm cách thu thập các Báu Vật vườn Địa Đàng, cạnh tranh trực tiếp với Tập Đoàn Abstergo của Hội Dòng Đền.

Hội Sát Thủ đối mặt với Hội Dòng Đền vào thời Phục Hưng Ý

“We work in the dark, to serve the light. We are Assassins” – Tư tưởng tính của Hội Sát Thủ là đề cao ý chí tự do, và sự bình đẳng, bảo vệ và phát triển những ý tưởng mới, độc lập, thoát khỏi những cái ràng buộc để có một góc nhìn mới mẻ, đối lập với một sự thống nhất về tư tưởng hệ, của một trật tự thế giới ổn định bằng cách kiểm soát ý chí như Hội Dòng Đền. Và bởi vì vậy, họ suy nghĩ rằng thông qua một số vụ ám sát chính trị, chiến lực, quân sự, bằng sự kết thúc mạng sống của một người, thì họ sẽ mở ra sự tự do của rất nhiều người khác. Bởi vậy, nên hầu hết thành phần xuất thân của Hội Sát Thủ thường là tầng lớp người dân thấp cổ, chỉ có số ít là giai cấp trên và quý tộc. Cũng vì thế, nên Hội Sát Thủ tin rằng họ đang chiến đấu và đại diện cho tầng lớp những người bần cùng, khó khăn, bị áp đặt tư tưởng của những kẻ bá quyền, tha hóa bởi quyền lực trong xã hội. Đồng thời, Hội Sát Thủ cũng thường xuyên tìm cách thu thập những Báu Vật Địa Đàng và giấu kín nó, tránh để nó rơi vào tay những tổ chức, cá nhân có âm mưu lợi dụng quyền năng của tạo tác để gây nguy hiểm và thống trị người dân.

Một buổi lễ của Hội Sát Thủ Ý trong thời kỳ Phục Hưng

Bên cạnh đó, Hội cũng có một sự tin tưởng mạnh mẽ vào một giá trị nền tảng, mà là xương sống để đảm bảo cho sự thành công, làm chủ cảm xúc và sự an toàn của mỗi cá nhân trong Hội, giúp Hội Sát Thủ vững mạnh, được gọi là “Đức Tin” (The Creed) bao gồm 3 điều răn:

1. Không được phép giết hại người vô tội: là để đảm bảo hòa mình mọi lúc mọi nơi, với niềm tin rằng một mạng người tước đi nếu cần thiết có thể đem lại sự an toàn và hòa bình cho người dân. Và ngược lại, nếu giết chết người vô tội thì cũng chẳng đạt được lợi ích gì ngoại trừ xung đột và bất hòa, và sẽ phạm vào điều răn thứ 3, tổn hại đến Hội. Và cũng vì vậy, điều răn này ngăn chặn những thành viên trong hội trở thành những tên đồ tể khát máu.

2. Phải biết cách ẩn mình ẩn danh: là nếu biết cách giấu mình khỏi những ánh mắt soi xét, thì những cuộc ám sát sẽ trở nên dễ dàng, nhanh chóng và thuận lợi hơn. Đồng thời, như trong thời cổ đại, đa phần những cuộc ám sát đều diễn ra nơi công cộng, thì điều răn này là cần thiết để tránh những cuộc xung đột không đáng có, và sẽ tạo nên một không khí huyền bí và giúp Hội ẩn mình ít được biết đến.

3. Không bao giờ được làm tổn hại đến Hội: bởi vì danh dự của hội cần được đảm bảo, và tung tích Hội Sát Thủ thường được giữ kín tránh công khai. Nên sự phản bội của Hội, trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách này hay cách khác, cũng có thể đem lại rất nhiều khó khăn trong tương lai

Buổi lễ gia nhập Hội Sát Thủ của Ezio Auditore

Tuy nhiên, mỉa mai thay, Hội Sát Thủ lại phạm vào 3 nghịch lý mâu thuẫn với lại các tôn chỉ của Đức Tin trên, đó là: Tìm cách thúc đẩy hòa bình, bằng cách giết hại con người; tìm cách mở rộng tâm trí phóng khoảng khỏi những giới hạn, nhưng lại đòi hỏi phải tuân theo các quy tắc; nhận ra sự nguy hiểm của một đức tin mù quáng, nhưng lại làm theo nó. Tuy nhiên, trông thế này có vẻ đạo đức giả đấy, nhưng Hội Sát Thủ lại chấp nhận sự mâu thuẫn đó một cách thoải mái, và cho phép làm “mờ hóa” đi một chút về những giới hạn đặt ra. Và cũng vì vậy, Hội Sát Thủ thường tỏ ra cân nhắc khi tước đi mạng sống của một mạng người, khi cảm thấy cần thiết, và sau đó, thường thể hiện một sự tôn trọng đúng mực đổi với kẻ đã khuất, cho dù đó là bạn hay thù. Đó cũng là lí do tại sao Hội Sát Thủ lại có phong tục dùng lông vũ trắng quệt máu kẻ thù ở thời Thập Tự Chinh hoặc dùng khăn trắng như thời Victoria. Còn như thời Phục Hưng thì lại có phong tục vuốt mắt và cầu an nghỉ (Requiescat in pace) cho những kẻ bị ám sát. Đồng thời, như Đức Tin này cũng có thể hiểu là luôn có một sự cầu thị về kiến thức, giúp Hội Sát Thủ học hỏi, thăng tiến và phát triển theo thời gian.

Requiescat in pace, truyền thống cầu người chết yên nghỉ đối với kẻ bị ám sát


Bắt nguồn từ quan điểm “Con người biết hết mọi thứ, khi mà họ không hề biết một cái gì cả”. Hội Sát Thủ đã đưa ra một châm ngôn gắn liền với Đức Tin, cũng như là kim chỉ nam của họ. “Laa shay’a waqi’un mutlaq bale kouloun moumkin”“Không có gì là chân lý, mọi thứ đều được chấp thuận”. Câu châm ngôn này chính là thể hiện cho thế giới quan của Hội Sát Thủ, là sự hoài nghi về mọi vấn đề xung quanh, của những lý luận xã hội, không có sự thiên vị về khía cạnh nào, cũng như mỗi cá nhân phải tự tìm ra giải pháp, con đường đi cho riêng mình, và phải chịu trách nhiệm với nó. Cũng như Ezio Auditore da Firenze, vị Cố Vấn huyền thoại của Hội Sát Thủ thời Phục Hưng Ý đã nói rằng:

"Khi nói rằng "Không có gì là chân lí", nghĩa là chúng ta phải nhận ra mọi nền tảng của xã hội đều mong manh, và chúng ta phải là những người đầu tàu săn sóc cho nền văn minh nhân loại. Để nói rằng "Mọi thứ đều được chấp thuận", nghĩa là chúng ta phải tự đảm đương mọi chuyện và phải tự gánh chịu hậu quả của chúng, dù vinh quang, hay bi thảm.”

Nhưng rồi Ezio ấy cũng cho rằng, thực sự câu châm ngôn này, về bản chất có thể coi như là một quan sát của thế giới hơn là một học thuyết cao xa.

Trận động đất Lisbon vào ngày 01/11/1775, một sai lầm mù quáng của Hội Sát Thủ

Tuy nhiên, Hội Sát Thủ vẫn có mặt tốt mặt xấu. Như trận động đất ở Lisbon năm 1755, sự thật là do các Sát thủ Thuộc Địa vì muốn cạnh tranh với Dòng Đền mà mù quáng thu hồi một Bảo vật Địa Đàng khi không nghĩ đến hậu quả, đã gây ra một trận động đất lớn nhất Bồ Đào Nha từ trước đến nay, khiến cho hàng ngàn người thiệt mạng. Kết quả là Shay Cormac, người được phái đi thu hồi tạo tác đấy đã phản bội Hội Sát Thủ, gia nhập Hội Dòng Đền và thanh trừng gần như toàn bộ tổ chức tại châu Mỹ, khiến cả một thời gian dài Hội Dòng Đền thắng thế và thống trị nơi đây. Trong cuộc Cánh Mạng Pháp năm 1791, Pierre Bellec, một Sát thủ cực đoan, đã đầu độc chết những người anh em của mình trong Hội Đồng Sát Thủ, thậm chí là Cố Vấn Honoré Gabriel Riqueti, comte de Mirabeau, bởi vì niềm tin rằng Hội Sát Thủ và Hội Dòng Đền không thể hòa hợp được trong khi lúc đó, gần như 2 tổ chức này đạt được một sự hòa giải với nhau. Cuối cùng Bellec cũng bị người đệ tử Arno Dorian giết chết vì phản bội Đức Tin. Năm 1868 tại London, Sát thủ Jacob Frye cứ gặp một Templar nào là giết người đấy bất chấp đúng sai, khiến cho một thành phố sầm uất như London thời Cách mạng Công nghiệp phải chao đảo: giết gã giám đốc bệnh viện chuyên làm thuốc giả, nhưng mặc trái là bệnh viện đóng cửa, nhiều người bệnh không chỗ chữa chạy; giết một tay thống đốc ngân hàng Anh tham ô, và kết quả là suýt nữa kinh tế Anh bị lũng đoạn… Sau đó những hậu quả Jacob gây ra phải để rồi cô chị Evie Frye phải chạy trối chết sửa sai. Còn rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra, cho nên thật sự quan niệm giết một mạng người, để đem lại tự do cho nhiều người dần dần không còn nhiều ý nghĩa nữa. Và trên hết, tư tưởng “Ý chí Tự do” đôi lúc cũng khá ngây thơ so với một thế giới tàn khốc, dẫn đến đôi khi một số chế độ và tư tưởng cho Hội Sát Thủ gầy dựng và ủng hộ lại có một mặt trái khốc liệt hơn vẻ bề ngoài đẹp đẽ của nó. Đến ngày nay, hầu như các cuộc ám sát ít xảy ra mà Hội Sát Thủ hiện đại thường sử dụng những quyền lực mềm và tác động chính trị và truyền cảm hứng để thay đổi thể chế hơn.

Minh họa một thanh Hidden Blade tiêu chuẩn cổ điển


Vũ khí đặc trưng và mang dấu ấn nhất của Hội Sát Thủ là thanh dao ẩn The Hidden Blade, thường được dùng chủ yếu trong ám sát và cận chiến nhẹ. Đại khái, nó là một lưỡi dao ẩn giấu trong bao tay, và dùng cổ tay để điều khiển lưỡi. Món vũ khí này cho phép Sát thủ thực hiện những cuộc ám sát mà gần như không hề gây ra bất kì sự chú ý nào, và theo thời gian đã được nâng cấp về vũ khí, cũng như kỹ thuật ám sát dựa trên lưỡi dao này, để đảm báo có thể gây nên những cái chết tức thì. Được ghi nhận sử dụng lần đầu tiên khi Darius, một Tiền-Sát thủ, đã sử dụng để giết vua Xerxes I của Đế Chế Ba Tư, sau này thanh Hidden Blade này được chuyển qua cho Bayek, Medjay cuối cùng của Ai Cập sử dụng, và sau đó ông đem nó làm vũ khí đặc trưng của Hội Sát Thủ khi sáng lập lên Độc Ẩn Giáo. Và vì thiết kế thô sơ ban đầu, những Sát thủ thời cổ đại phải chặt ngón áp út để lưỡi dao có thể hoạt động trơn tru hơn, và lâu dần việc chặt tay trở thành một nghi thức gia nhập Hội trong một thời gian dài. Tuy nhiên, lâu dần, điều này trở thành một đặc trưng riêng khiến các Sát thủ dễ bị phát hiện, và cuối cùng vào thế kỉ 13, Altair Ibn-La’Ahad đã cải tiến lại món vũ khí này, khiến cho việc chặt ngón tay không còn là cần thiết nữa. Hầu như từ đấy về sau, Hidden Blade chỉ bao gồm một đĩa xoay và lò xo, dùng áp lực từ cổ tay để ép lưỡi dao chạy ra và thu về.

Pivot Blade, một biến thể linh hoạt chết chóc của Hidden Blade

Do kích thước nhỏ và gọn nhẹ của chúng, nên Hidden Blade tương đối yếu và rất dễ hư hỏng, có thể bị hư chỉ vì một vết chém tác động vào, ngay cả đến thời hiện đại, vẫn chưa thể khắc phục được. Vì thế, lưỡi dao này chỉ được coi là một món vũ khí thứ yếu, chủ yếu được dùng trong các cuộc ám sát hơn là những trận xáp lá cà. Mặc dù vậy, tuy sức phòng thủ khá yếu, nhưng nếu gia cố đúng cách và khi được sử dụng bởi một số cá nhân xuất sắc, Hidden Blade vẫn là một món vũ khí cận chiến khá hiệu quả, tuy nhiên vẫn không thật sự là một lựa chọn phổ biến đối với các Sát thủ khi đối đầu trực diện với kẻ địch. Theo thời gian, một số nhánh khác nhau của Hội Sát Thủ đã phát triển dần Hidden Blade theo nét đặc trưng riêng của mình, cũng như một số người đã tạo nên các biến thể riêng để phù hợp với phong cách chiến đấu cá nhân, như là Hookblade, một Hidden Blade có móc câu để đu và lộn nhào của Sát thủ Ottoman, hay Footblade, lưỡi dao ẩn gắn vào bàn chân của Shao Jun, Thích khách Trung Hoa, hoặc lưỡi dao 3 chấu Trident Blade của Arbaaz Mir, Sát thủ Ấn Độ… Mặc dù thông thường các Sát thủ chỉ sử dụng một thanh Hidden Blade ở tay thuận, nhưng ngoài ra, có thể nâng cấp thêm một lưỡi dao kép ở tay bên kia, hoặc lắp thêm súng, phi tiêu, dây móc, nỏ, hoặc nâng cấp thành một phiên bản cực kì năng động như Pivot Blade, một Hidden Blade có thể xoay thành một con dao găm cầm tay một cách linh hoạt và nhanh chóng, khiến nó trở thành một món vũ khí nguy hiểm chết người. Đến thời hiện đại, Hidden Blade vẫn còn là món vũ khí đặc trưng ưa thích, và thường được trao tặng như một nghi thức kết nạp cấp cao. Gần đây, Hidden Blade được phát triển thành một phiên bản gọi là Shock Blade, đại khái là sự kết hợp giữa Hidden Blade và súng điện, khi đâm còn có thể nạp thêm một luồng điện mạnh gây chết người

Thiết kế của Shock Blade

Một đặc trưng khác của Hội là Bước nhảy Niềm Tin – The Leap of Faith, một pha nhào lộn thẳng đứng từ trên cao đáp xuống đống rơm, hồ nước, eo biển,… Bắt nguồn từ việc nhảy từ trên vách núi cao xuống dưới lòng biển từ người cha Bayek để giúp cho người con trai vượt qua sự sợ hãi và làm chủ bản thân, bây giờ thường được dùng trong những pha thị oai, để thoát thân khi bị kẻ địch đuổi bắt, cũng như làm màu khi đứng trên những khu vực cao quan sát địa thế khu vực. Và cũng từ lâu, Leap of Faith được coi như là một nghi thức kết nạp bắt buộc của Hội Sát Thủ đối với các tân binh, tuy nhiên nó lại có xu hướng tiết chế dần ở thời hiện đại, nhằm tránh những rắc rối tò mò không đáng có.

Leap of Faith – Bước nhảy Niềm tin

Bên cạnh Hidden Blade, các Sát thủ cũng sử dụng những vũ khí khác nhau như cung, nỏ, phi tiêu, độc dược, rìu tomahawk, dao găm, kiếm, dao quắm, gậy, súng,… tùy vào thời gian và xã hội để sử dụng cho phù hợp, cốt yếu là đa dạng và bí mật càng tốt. Mặc dù ban đầu lại có sự kì thị về việc sử dụng chất độc, nhưng sau này Hội Sát Thủ dần có sự thoáng hơn trong suy nghĩ và phải sử dụng chúng trong những cuộc ám sát. Bắt nguồn từ thời cổ đại, hầu hết các Sát thủ đều mặc đồ trắng và khoác trùm đầu, bắt nguồn từ việc giả trang vào các đoàn học giả và người dân ở thời Thập Tự Chinh của Sát thủ Levantine, và cho xuyên suốt đến thời hiện đại áo trắng trùm đầu vẫn luôn trang phục phổ biến đến mức gần như là dấu hiệu đặc trưng của Hội, nhưng luôn có sự cải tiến cho phù hợp với văn hóa mỗi thời kì và để thuận tiện trong việc lẩn trốn. Ngoài ra, họ vẫn có thể cải trang bằng những trang phục thông thường, và cũng có những kỹ năng xã hội khác nhau để phục vụ cho nhiều công việc. Các Sát thủ cũng có rất nhiều kỹ năng khác nhau, từ đặc trưng nhất là 3 nhánh kỹ năng chính bao gồm ám sát chiến đấu, leo trèo tự do, ẩn danh tàng hình, và cho đến những kỹ năng phụ như nghe lén, đột nhập, thẩm vấn, điều tra phá án… Một số nơi lại có những kỹ năng và chiến thuật đặc trưng như sự dụng bom sợ hãi và ảo giác, như là đặc trưng riêng của Hội Sát Thủ Ấn Độ, sau được Hội Sát Thủ Anh áp dụng và vô tình dạy lại cho Jack The Ripper. Hiếm hơn, một số cá nhân đặc biệt trong Hội lại sở hữu Giác Quan Đại Bàng (Eagle Vision), một giác quan thứ sáu vốn chỉ có ở những người có sự tập trung nhất định của gen Isu, giúp cho người sở hữu có khả năng cảm nhận địch thù và môi trường xung quanh, cũng như xem được một số hình ảnh quá khứ và “tái hiện” lại tương lai gần của một đối tượng nào đó, như bản nâng cấp Eagle Sense đối với một số cá nhân làm chủ được Eagle Vision. Một số biến thể của giác quan đặc biệt này, có thể giúp người nghe tăng cường thính giác và xem được vài hình ảnh quá khứ của kẻ mình ám sát, như trường hợp của Arno Dorian, hay biến thể thông qua giác quan của chim đại bàng như Bayek và Io:nhiòte – con gái Sát thủ Ratonhnhaké:ton, khiến họ có thể nhìn thấy và nghe được thông qua loài vật này. Trong khi các Sát thủ kiểu cổ điển vốn là những chuyên gia parkour và ám sát kín đáo, gọi là những đặc vụ thực địa, thì bên cạnh đó vẫn có những loại hình khác mang tính chất hỗ trợ, như Shaun Hastings gốc là sử gia và chuyên viên phân tích, và Rebecca Crane là chuyên gia bảo mật và kỹ thuật viên máy tính… Hoặc như một số Sát thủ chuyên về sử dụng cung tên, một số người chuyên về đánh bom, hoặc ám sát bằng độc dược, vũ khí tầm xa, ám sát du kích,…

Eagle Vision, một khả năng hiếm có được ban cho một số cá nhân đặc biệt trong Hội Sát Thủ

Có 2 cách chính để gia nhập Hội Sát Thủ, một là cha truyền con nối theo dòng họ, 2 là được tuyển dụng kết nạp. Sau khi được gia nhập, các tân sinh sẽ được huấn luyện về nghệ thuật ám sát và cận chiến, di chuyển cơ động (leo trèo tự do, parkour), tàng hình (cải trang, lén lút),… Khi một Sát thủ có những hành động bất hợp pháp, đi ngược lại với Đức Tin, thì sẽ bị bỏ phiếu hạ cấp bậc hoặc trục xuất. Việc trục xuất có thể là tạm thời, nhưng cũng có thể là vĩnh viễn và đôi khi còn bị săn đuổi thanh trừng. Một số Sát thủ xuất sắc đã thấm nhuần Đức Tin, cũng như đã thuần thục và mài dũa sắc bén những kỹ năng của mình, đạt được những thành tích nổi bật và giành được sự rất tôn trọng của người khác thường được phong lên làm Master Assassin, đôi khi họ còn là chỉ huy của từng nhóm Sát thủ có tiếng tăm, cũng là đứng đầu của những căn cứ ở những vị trí trọng yếu. Đứng đầu Hội mỗi khu vực thường có một người lãnh đạo, thông thường là các Master Assassin. Tuy nhiên, một số ít những người lãnh đạo này nếu đạt được những kỹ năng và trí tuệ uyên bác, cũng như có kinh nghiệm sống, sự từng trải khôn ngoan, và đã giành được rất nhiều sự kính trọng của các thành viên trong Hội, cũng như là một giáo viên tài năng với rất nhiều đệ tử và có những cống hiến nổi bật thì được gọi là Cố Vấn (Mentor), vốn là một danh hiệu vô cùng danh giá và vinh dự mà rất ít người có thể đạt được trong lịch sử. Tuy nhiên, vì điều kiện khó khăn và sự phân chia nên mỗi khu vực có những lãnh đạo khác nhau, cũng như những Cố Vấn khác nhau cùng lúc, nhưng mặc định mỗi khi đến một khu vực bất kì, Cố Vấn sẽ luôn là người lãnh đạo chính bên cạnh người đứng đầu nơi đấy, cũng như là kiêm luôn trách nhiệm đào tạo và truyền cảm hứng cho các Sát thủ tại đây. Một số thời điểm, ví dụ như Hội Sát Thủ thời Cách Mạng Pháp, thì theo cơ chế hội đồng, với một nhóm lãnh đạo với Cố Vấn là người đứng đầu, biểu quyết theo số đông. Từ thế kỉ 21, tất cả các chi nhánh của Hội hợp lại làm một, và chỉ còn lại một Cố Vấn Sát thủ, là lãnh đạo duy nhất của Hội Sát Thủ trên toàn thế giới, hiện giờ danh hiệu này thuộc về William Miles.

William Miles, lãnh đạo toàn thế giới của Hội Sát Thủ hiện đại

*Về kỳ sau, cũng ta sẽ tiếp tục khám phá tổng quan về Hội Dòng Đền, địch thủ truyền kiếp của Hội Sát Thủ, cũng như là phản diện chính của series game. Họ là ai? Mục đích của họ là gì? Tại sao họ lại thường xuyên xung đột với các Sát Thủ? Tất cả các câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong phần sau. Rất mong gặp lại các bạn trong thời gian sớm nhất. Peace!*

 

*Phần sau*

Cùng Series

Quang Huy Nguyễn

Khách quen

  
Không có máu M hay cuồng mòe. Không theo team Triss. Có chơi To the Moon :))

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện