Assassin’s Creed Lược Sử – Phần 6A: Về những cột mốc lịch sử (Thời Cổ đại và những cuộc Thập tự chinh)

Khách quen

  

*Phần trước*

*Ở phần này, cuối cùng chúng ta sẽ cùng khám phá về những sự kiện xảy ra giữa Hội Sát Thủ Assassin Brotherhood và Hội Dòng Đền Templar Order, cũng như cuộc chiến nghìn năm của họ, vốn được nhen nhúm từ thời cổ đại khi loài người mới bắt đầu làm chủ Trái Đất cho đến những những sự kiện xảy ra trước thế kỉ XXI trong vũ trụ Assassin’s Creed, đồng thời đây là những mốc thời gian thể hiện sự thăng trầm trong lịch sử 2 tổ chức này bằng cách biên tập và hệ thống lại toàn bộ theo thời gian. Cũng vì thế, bài này dự kiến sẽ khá dài và khá nhiều chi tiết hại não, đồng thời spoiler thẳng tất cả tựa game trong Series, nên có gì mong các cậu thông cảm và góp ý nhé.*

Ngay từ buổi bình minh của nhân loại, dấu vết đầu tiên cho sự xuất hiện của tư tưởng Hội Sát Thủ chính là Adam và Eva, 2 người lai Isu đã kháng cự lại sự kiểm soát của những người tạo ra họ mà trộm lấy Quả Táo Địa Đàng, lãnh đạo loài người nổi dậy giành tự do vào khoảng năm 75010 TCN. Và từ đó, có thể coi 2 người này chính là 2 Sát thủ đầu tiên và hậu duệ của họ cũng thường là các Sát thủ. Tuy nhiên 1 thời gian sau Đại Thảm Họa 75000 năm TCN, Cain con trai Adam và Eva, đã giết chết em trai Abel của mình để trộm lấy Quả Táo, và được coi là tội ác đầu tiên của loài người. Và hành vi tội ác này của Cain, đã được gắn với một chữ thập máu, và hắn đã tạo nên một giáo phái, mà có thể coi là tiền thân của Hội Dòng Đền.

Ảnh minh họa Cain giết Abel để đoạt lấy Quả Táo

Vào triều đại thứ 18 của Ai Cập, có lẽ trong giai đoạn 1550-1292 TCN, Pharaoh Smenkhkare đã thành lập Hội Cổ Nhân, một tổ chức nằm trong bóng tối thao túng cả Ai Cập, mà thực chất chính là tiền thân cho Hội Dòng Đền. Khoảng một thế kỉ sau, Agamemnon sau khi giành chiến thắng ở cuộc chiến thành Troia, đã thành lập nên Hội Kosmos, một giáo phái có mục đích gieo rắc sự hỗn loạn khắp các thành bang Hy Lạp để kiểm soát và thống nhất toàn cõi. Ngoài ra cũng một số tổ chức tiền thân tương tự đã hỗ trợ cho vua Darius Đại Đế để xây dựng Đế chế Ba Tư Achaemenes rộng lớn vĩ đại vào tháng 9 năm 522 TCN. Sau đó, tổ chức này cũng đã hỗ trợ cho con trai của ông là Xerxes Đệ Nhất để đàn áp các cuộc nổi dậy ở Ai Cập, Babylon và chinh phục Hy Lạp.

Thông qua cuộc chinh phạt của Xerxes, Hội Cổ Nhân và Hội Kosmos đã thành lập một liên minh. Hội Kosmos, vốn sở hữu một tạo tác có thể nhìn thấy một số viễn cảnh tương lai, đã kiểm soát Oracle của đền Delphi đã ngăn cản các thành bang Hy Lạp chống lại quân Ba Tư, tuy nhiên đức vua Leonidas của Spartan cùng 300 chiến binh của ông cũng đã đứng lên chống lại vua Xerxes, tuy nhiên thất bại. Lưỡi giáo của ông, vốn là một tạo tác Isu, đã được trao lại cho con gái Myrrine và sau là cháu gái Kassandra.

Leonidas và 300 chiến binh Spartan trong trận Thermopylae

Ngày 4 tháng 8 năm 465 TCN, một tiền-Sát Thủ tên Darius đã ám sát Xerxes bằng Hidden Blade, trở thành người đầu tiên trong lịch sử sở hữu và sử dụng món vũ khí trứ danh này của Hội Sát Thủ. Sau đó, ông âm mưu ám sát vị vua kế vị Artaxerxes, vì sợ vị vua trẻ sẽ rơi vào tầm ngắm của Hội Cổ Nhân. Tuy nhiên Darius bị cản trở bởi Amorges, bạn thân ông, nay đã gia nhập Hội Cổ Nhân sau cái chết của Xerxes, buộc ông phải bỏ trốn khỏi Ba Tư và sống lưu vong. Những năm sau đó Hội Cổ Nhân săn lùng Darius hàng thập kỉ, cũng như tìm kiếm những hậu duệ của Isu mà họ gọi là “The Tained One”.

Darius ám sát Xerxes Đại Đế

Vào năm 446 TCN, Hội Kosmos dàn dựng một kế hoạch bắt cóc Alexios, một người cháu của vua Leonidas, buộc tư tế Oracle đền Delphi đưa ra lời tiên tri cậu bé này sau này sẽ làm sụp đổ Spartan. Trong buổi lễ hiến tế Alexios, Kassandra, chị gái của Alexios đã vô tình làm cậu bé rơi xuống núi, và được cho là chết, trong khi thực tế là bị Hội Kosmos nuôi dưỡng. Còn Kassandra thì bị cha dượng Nikolaos, một tướng quân Spartan, ném xuống vách núi và lưu lạc đến Kephallonia, trở thành một người lính đánh thuê nổi danh được biết đến với tên Eagle Bearer – Kẻ mang Đại Bàng vĩ đại.

Hội Kosmos và bảo vật của họ, Kim tự thác Isu

Năm 431 TCN, Hội Kosmos đã giàn xếp cuộc chiến tranh Peloponnesian giữa hai thành bang lớn nhất Hy Lạp là Spartan và Athens, nhằm kiểm soát Hy Lạp. Kassandra được thuê bởi Elpenor, một thành viên trong giáo phái để ám sát Nikolaos, tuy nhiên cô quyết định tha mạng cho ông. Thông qua Elpenor, Kassandra cũng đã phát hiện ra sự tồn tại của Hội Kosmos và âm mưu của chúng, cũng như mối quan tâm trong việc tìm kiếm mẹ ruột cô ấy và em trai cô Alexios, lúc bấy giờ được biết đến với cái tên Deimos, đã trở nên đáng sợ như thế nào trong tay giáo phái này. Sau đó, Kassandra du hành khắp Hy Lạp, liên minh với một số nhân vật nổi tiếng như Herodotos, Sokrates, Hippokrates, Aspasia và Perikles để tìm kiếm manh mối về người mẹ của mình, cũng như thanh trừng lần lượt những thành viên của Hội Kosmos bằng Ngọn Giáo của Leonidas. Sau khi thất bại trong việc cứu Perkiles – cha đẻ của nền dân chủ Athens – khỏi tay Alexios, và chứng kiến thành Athens rơi vào sự kiểm sát Hội Kosmos, cô cũng đã tìm ra mẹ của mình, và thông qua bà, biết được cha đẻ của mình là Pythagoras, người giữ cửa ngõ của thành phố Atlantis cổ đại, cũng như tầm quan trọng của dòng dõi Isu của mình với thế giới.

Kassandra đối đầu với Deimos

Năm 424 TCN, Kassandra cũng đã giải phóng Spartan khỏi tay Hội Kosmos thông qua cái chết của vua Pausanias. Năm 422 TCN, cô giết chết Kleon, kẻ đứng đầu Athens lúc bấy giờ, và qua đó giải phóng Athens khỏi tay Hội Kosmos. Cuối cùng Kassandra cùng với mẹ cũng đã đã đối đầu với Deimos tại đỉnh núi Taygetos, nơi cô đành phải giết chết em trai mình. Sau khi hoàn toàn tiêu diệt Hội Kosmos, Kassandra đã có một tầm nhìn về Hội Sát Thủ tương lai và chiến tranh nghìn năm với Hội Dòng Đền thông qua bảo vật của Hội Kosmos trước khi phá hủy nó, đồng thời cô cũng đã đối đầu và tha chết cho cựu thủ lĩnh thực sự của Hội Kosmos, Aspasia. Một thời gian sau, Kassandra cũng giúp Pythagoras phong ấn Atlantis khỏi thế giới và kế thừa Quyền Trượng của Hermes từ ông, một tạo tác đem lại cho cô sự bất tử.


Kassandra gặp Pythagoras tại Atlantis

Cũng trong thời gian đó, Darius và con trai Natakas vốn ẩn nấu tại Makedonia, Hy Lạp trong những nỗ lực trốn tránh Hội Cổ Nhân, đã gặp gỡ Kassandra, vốn có ý định ngăn chặn lính Ba Tư tấn công những ngôi làng quanh đó nhằm truy lùng cô, dòng dõi “Tained One” mà Hội Cổ Nhân vốn săn đuổi. Sau khi chống lại lính Ba Tư và một số thành viên của hội kín này, Kassandra và Nakatas nảy sinh tình cảm và họ có với nhau một người con, Elpidios. Tuy nhiên, thủ lĩnh lúc đó của Hội Cổ Nhân là Amorges đã tìm được vị trí của Darius và Kassandra, liền tổ chức bao vây khu vực và giết chết Natakas, bắt cóc con trai Kassandra, cháu nội của Darius. Những ngày sau đó, Kassandra và Darius cùng nhau đã ra sức truy lùng những thành viên còn sót lại của tổ chức này tại Hy Lạp, và cuối cùng cũng đã đối đầu và giết chết Amorges, tìm lại được Elpidios. Lo sợ Hội Cổ Nhân sẽ tiếp tục săn lùng con trai cô, Kassandra khẩn cầu Darius đưa Elpidios rời khỏi Hy Lạp và nuôi dạy cậu bé nên người. Sau nhiều năm lưu lạc, hai ông cháu cuối cùng cũng định cư tại Ai Cập, nơi hậu duệ của Elpidios là Aya sẽ đặt những nền móng đầu tiên của Hội Sát Thủ.

Kassandra và Darius

Trong thế kỉ thứ 4 TCN, Hội Cổ Nhân đã đưa cho Alexander Đại Đế một cây Quyền Trượng Địa Đàng. Và kết hợp với chiếc Đinh Ba Địa Đàng, Alexander đã trở thành một người chinh phục vĩ đại và thành công nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bởi vì sự chinh phục này, mà Alexander đã trở thành mục tiêu của một tổ chức tiền thân của Hội Sát Thủ, để mà Itani, một phụ nữ Babylon và cũng là một thành viên trong tổ chức này, đã dùng đầu độc giết chết vị đế vương ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN, tuy nhiên thất bại trong việc lấy lại được 2 món tạo tác huyền thoại.

Darius, Itani và Wei Yu, 3 tiền – Sát thủ nổi tiếng thời cổ đại


Vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã đánh bại các nước thời Chiến Quốc và thành lập triều Tần, trở thành vị vua đầu tiên thống nhất toàn bộ Trung Hoa. Sau đó, các tiền-Templar đã giúp đỡ ông cải cách xã hội, kinh tế, cũng như hỗ trợ ông xây dựng Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên bởi vì sự tác ác bạo ngược quá độ của mình, mà Tần Thủy Hoàng đã bị một tiền-Sát Thủ tên Wei Yu giết chết bằng một ngọn giáo vào tháng 9 năm 210 TCN.

Hội Cổ Nhân với con cờ Ptolemy XIII

Vào năm 49 TCN, bằng cách sử dụng con cờ Pharaoh Ptolemy XIII, Hội Cổ Nhân đã giành quyền kiểm soát toàn bộ vương quốc Ai Cập, đồng thời trục xuất người chị của Ptolemy là Cleopatra, đồng thời họ cũng đã sở hữu một Quả Táo Địa Đàng. Với tham vọng cai trị Ai Cập và còn hơn thế nữa, Hội Cổ Nhân đã khám phá một Hầm mộ Isu ở đất Siwa. Và vì thế, họ đã cho bắt cóc hộ vệ của vùng đất này, Medjay Bayek và đứa con Khemu. Tuy nhiên, trong một số lộn xộn lúc bắt ép Bayek mở cửa hầm, anh ấy đã vô tình dùng dao đâm chết đứa con của mình. Từ đó, Bayek và người vợ Aya đã đưa ra một nhiệm vụ trả thù cho đứa con của mình bằng cách giết tất cả những thành viên hội kín này. Sau khi giết Medunamun vào năm 48 TCN, Bayek đã thu hồi Quả Táo Địa Đàng từ tay hắn. Trong lúc đó, Aya trở thành một đặc vụ cho Cleopatra, có vai trò ngoại giao để giúp vị nữ hoàng lưu vong tranh thủ sự ủng hộ của Cộng hòa La Mã. Nhận thấy tổ chức của họ đang dần mai một từ sự thanh trừng của Bayek, lãnh đạo Hội Cổ Nhân Flavius Metellus đã âm thầm củng cố ảnh hưởng và liên minh với Julius Caesar, một vị tướng quân sự độc tài của Cộng Hòa La Mã.

Bayek gặp nữ hoàng lưu vong Cleopatra để tìm hiểu về Hội Cổ Nhân

Cuối cùng, Cleopatra và Julius Caesar đã tạo thành một liên minh và lật đổ người em trai Ptolemy XIII vào năm 47 TCN, và Hội Cổ Nhân cũng đã lợi dụng Bayek để đoạt lại Quyền Trượng Địa Đàng và Quả Táo Địa Đàng. Sau khi lên ngôi, Cleopatra đã phản bội thẳng thừng Bayek và Aya, khiến cho 2 người tỉnh mộng. Lập ra một tổ chức tên là Độc Ẩn Giáo, chính là tiền đề của Hội Sát Thủ, Bayek đã ám sát Flavius, lãnh đạo Hội Cổ Nhân và đoạt lấy lại Quả Táo, còn Aya thì ám sát Julius Caesar vào ngày 15 tháng 3 năm 44 TCN. Hai người cũng trở thành những Cố vấn đầu tiên lãnh đạo Hội Sát Thủ và đặt ra nền móng cho tư tưởng, mục tiêu và niềm tin của tổ chức. Sau đó Bayek lãnh đạo tổ chức tại Memphis, còn Aya đổi tên thành Amunet, lãnh đạo khu vực tại Rome.

Aya ám sát Julius Caesar tại Thượng viện La Mã

Sau cái chết của Caesar, Độc Ẩn Giáo vẫn còn xung khắc với Hội Cổ Nhân, lúc bấy giờ do Octavius (hay sau này còn được biết đến với tên gọi Augustus, Hoàng Đế đầu tiên của La Mã) lãnh đạo. Vào năm 38 TCN, Độc Ẩn Giáo tại Sinai đã có sự xung đột với một tên cựu tướng của Julius Caesar, Gaius Julius Rufio, khi hắn đã đàn áp người dân vùng Sinai và khai thác tài nguyên vùng đất này. Tahira, chỉ huy Độc Ẩn Giáo khu vực này đã nhờ Bayek đến giúp đỡ. Nhờ sự trợ giúp bất ngờ của Amunet, Bayek cuối cùng cũng giết chết Rufio, tuy nhiên sau đó ông nhận ra Gamilat, đồng minh của ông và là một nhà lãnh đạo kháng chiến địa phương, đã đứng đằng sau kích động người La Mã đốt phá giết chóc người dân vô tội để châm ngòi kích động người dân, phục vụ cho mục đích riêng của mình. Cuối cùng, Bayek đã giết chết Gamilat của mình, và qua những bài học đó đã thiết lập nên những nguyên lý tư tưởng cơ bản của Hội Sát Thủ. Một thành viên của Độc Ẩn Giáo tên Kawab, thì đi đến Judea để giúp chấm dứt sự cai trị của vua Herod.

Độc Ẩn Giáo trong những năm đầu tiên

Vào năm 30 TCN, 13 năm sau khi Aya quyết định tha mạng cho Cleopatra, cuối cùng Amunet cũng đã giết chết nữ hoàng Ai Cập bằng một quả táo tẩm độc. Tuy nhiên, Ai Cập lúc đó lại trở thành một phần của Cộng hòa La Mã. Năm 33 sau Công nguyên, Jesus Christ đã bị các Templar đóng đinh vào thập giá, nhưng được hồi sinh bằng Tấm Vải Liệm. Sau khi Augustus đã biến Cộng hòa La Mã trở thành Đế chế La Mã, sự hiện diện của Hội Cổ Nhân vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt là với Hoàng Đế Caligula.  Tuy nhiên vào năm 41, một Sát thủ của Độc Ẩn Giáo tên Leonius cũng đã ám sát vị Hoàng Đế La Mã này. Năm 259, một nhóm Sát thủ hoạt động với cái tên Liberalis Circles (Vòng tròn Tự do) tại thành phố Lugdunum, Đế chế La Mã. 2 Sát thủ Accipiter và Aquilus được giao nhiệm vụ tìm kiếm một bảo vật là Ankh. Cuối cùng, Aquilus bị giết chết trong khi nghiên cứu bảo vật đấy, còn Accipiter thì đem Ankh về cho vợ Aquilus cất giữ.

Một Sát thủ thời Đế chế La Mã

Khoảng thế kỉ thứ 6, tiền thân của Hội Dòng Đền đã có một vai trò lớn ở nước Anh Trung Cổ. Đáng chú ý, có một thời gian Hội Dòng Đền được lãnh đạo bởi vua Athur, người lập ra Camelot và Hội Hiệp Sĩ Bàn Tròn huyền thoại, đồng thời cũng sở hữu Excalibur, Thanh Gươm Địa Đàng. Đến thế kỷ thứ 5 CN, quyền lực của Đế chế La Mã bắt đầu suy yếu. Năm 410, Hoàng đế của Đế chế Tây La Mã Honorius rút quân La Mã khỏi đảo Anh để có thêm quân lực trong cuộc chiến chống lại các bộ lạc Germanic ở Gaul. Sau khi Honorius qua đời vào năm 423, Magister Vitus nhận thấy dân bản xứ ở đảo Anh phản ứng quá dữ dội, ông ra lệnh cho Hội Huynh Đệ di tản đến Cologne ở Đức và hỗ trợ Hội Huynh Đệ địa phương. Vitus cho rằng, thà rời khỏi đảo quốc và tái lập lại ngày sau còn hơn là để tính mạng các Ẩn Nhân bị phí phạm tại đây. Tầm nhìn của Vitus đã đúng, bởi vài trăm năm sau, một Ẩn Nhân sẽ đặt chân tới đây và phục dựng lại những gì từng là của Độc Ẩn Giáo.

Tàn tích của Độc Ẩn Giáo tại Anh

Một số chi nhánh khác thuộc lãnh thổ của Đế chế La Mã cũng quyết định làm theo Vitus. Họ di dời về phía Địa Trung Hải, tạo tiền đề cho sự phát triển của các chi nhánh tại đây và là nền tảng vững chắc của triều đại Hồi giáo Abbass, hay nước Đại Thực theo cách gọi của người Trung Hoa. Năm 751, quân đội Đại Thực đụng độ với quân nhà Đường, dẫn đến trận chiến Talas hay trận Đát La Tư. Một nhóm Ẩn Nhân từ Trung Á dẫn đầu bởi Alianna đi săn lùng các nhóm quân Đại Thực. Họ cứu được một người lính nhà Đường tên là Lý Ngạc, cho phép anh gia nhập Hội Huynh Đệ khi được chứng kiến sĩ khí của anh, và Lý Ngạc sẽ được Alianna trực tiếp huấn luyện để anh trở thành một Ẩn Nhân. Năm 755, mâu thuẫn nảy sinh trong Hội Cổ Nhân chi nhánh Trung Hoa, dẫn đến cuộc biến loạn An Sử. Kết thúc biến loạn, An Lộc Sơn lên ngôi thành lập nhà Yên. Tới năm 757, An Lộc Sơn cùng phe cánh bị Lý Ngạc ám sát.

Lý Ngạc lần đầu gặp gỡ Độc Ẩn Giáo

Năm 870, Basim Ibn Ishaq cùng một nhóm Ẩn Nhân tới Constantinople để tạo lập địa bàn cho Hội Huynh Đệ. Tại một thời điểm không rõ, Basim được gặp một viking tên Rig – Hiền Nhân của Isu Heimdall – tại Constantineople. Cuôc gặp gỡ này đã khiến Rig từ tình trạng chênh vênh giữa hai bản thể thành bị Heimdall kiểm soát toàn bộ. Một Ẩn Nhân tên là Ammon được cử đi truy tìm tấm Vải Liệm Địa Đàng. Trong quá trình truy tìm, Ammon phải chiến đấu chống lại Hội Cổ Nhân và một viking tên Sigurd Styrbjornsson, tuy nhiên Sigurd đã giết chết Ammon trước khi anh ta có thể hoàn thành nhiệm vụ, và Sigurd lấy luôn Ẩn Kiếm (Hidden Blade) của anh. Sự việc này đã truyền đến tai Basim, và y được báo cáo lại rằng kẻ hạ sát Ammon có một vết bớt kỳ lạ ở trên cổ. Basim nhận ra Sigurd chính là một Hiền Nhân của một trong 9 Isu Bắc Âu, và y quyết định tiếp cận anh ở Constantinople. Basim sau đó được Cố Vấn Rayhan cho phép đi theo Sigurd đến Bắc Âu để chống lại Hội Cổ Nhân, cùng với Phó Tế Hytham.

Assassin's Creed Valhalla - How to defeat Basim

Eivor và Sigurd gặp mặt các thành viên Độc Ẩn Giáo

Năm 871, Vua Æthelred I của Wessex, Đại Tông Sư lãnh đạo của Hội Cổ Nhân ở Anh, qua đời. Em trai của ông Alfred kế vị ông làm Vua và miễn cưỡng trở thành Đại Tông Sư của Hội. Năm 872, Sigurd Styrbjornsson trở về quê nhà ở Na Uy cùng Basim và Hytham. Sigurd trao chiếc Ẩn Kiếm mà anh lấy được từ Ammon cho Eivor Varinsdottir, em gái nuôi của anh. Nghe theo lời khuyên của Basim, Eivor và Sigurd cùng các thành viên được chọn lựa từ Quạ Tộc dong buồm đến Anh, rời khỏi Na Uy thiếu tài nguyên và không có tương lai. Họ xây dựng khu định cư Ravensthorpe tại Ledecestrescire, Mercia. Eivor bắt đầu tạo lập liên minh với các vùng đất láng giềng, nâng cao vị thế của Ravensthorpe tại đảo Anh. Năm 877, Eivor và Sigurd quay trở lại Na Uy, tìm ra Căn Buồng Yggdrasil, một siêu máy tính của người Isu, và trải nghiệm một mô phỏng của Valhalla. Nhận ra Isu Odin và Tyr đang cố gắng chiếm quyền kiểm soát của cả hai, Eivor đã đánh bại Odin và kéo Tyr thoát khỏi cỗ máy. Cả hai sau đó chiến đấu với Baism – Hiền Nhân của Loki – và nhốt y ở trong cỗ máy mãi mãi, cho tới hiện tại. Bên cạnh đó, Eivor còn lùng diệt Hội Cổ Nhân ở Anh, với sự trợ giúp của một nhân vật gọi là “Chiến hữu Nghèo của Chúa Kitô”. Hóa ra người này chính là Vua Alfred, một người miễn cưỡng trở thành Đại Tông Sư của Hội Cổ Nhân. Ông bất đồng ý kiến với sự cuồng tín của Hội Cổ Nhân, và quyết định mượn tay Eivor để tiêu diệt chúng, từ đó tạo nên những nền móng đầu tiên để dẫn đến sự thành lập của Hội Dòng Đền. Đó là một tổ chức tập hợp các thành viên của mọi tín ngưỡng, mọi tôn giáo, dưới một lá cờ duy nhất, đoàn kết để mang lại hòa bình thế giới với tư cách là những kẻ chăn dắt nhân loại.

Eivor và Sigurd sau khi phong ấn Basim trong căn buồng Yggdrasil

Từ rất sớm, Hội Dòng Đền đã cố gắng mở rộng sự tác động của họ tại Bắc Âu, ít nhất là từ thế kỷ thứ 10, trong khi phải đến nửa sau thế kỷ 10 Hội Sát Thủ (hậu thân của Độc Ẩn Giáo) mới đặt chân tới đây. Templar đã thành công trong việc ảnh hưởng đến Đế chế Frankish, và họ liên kết với Harald Bluetooth – Vua của Đan Mạch và Na Uy nhằm lan rộng tầm ảnh hưởng tới Scandinavia. Đồng thời, Hội Dòng Đền cũng liên minh với con trai của cố vương Thụy Điển Olof Bjornsson, hoàng tử Styrbjorn the Strong. Hội Sát Thủ cũng tìm đến và giúp đỡ tân vương Thụy Điển Eric the Victorious, người đang có hiềm khích với Styrbjorn cùng cựu cố vấn của vua Eric – Cố Vấn Sát Thủ Torgny the Lawspeaker. Chiến tranh là một điều chắc chắn xảy đến, với sự góp mặt của Hội Sát Thủ và Hội Dòng thông qua hai phe Eric và Styrbjorn cùng Harald Bluetooth. Hội Sát Thủ nghi ngờ rằng Vua Harald Bluetooth có dính líu tới Hội Dòng Đền và đang sở hữu một tạo tác: đó là một trong ba ngạnh của cây Đinh Ba Địa Đàng. Để ngăn chặn Hội Dòng Đền sử dụng tạo tác nhằm ảnh hưởng lên toàn Scandinavia, các thành viên của Hội Huynh Đệ, tiêu biểu là Thorvald Hjaltason, đã đứng lên chiến đấu và loại bỏ vây cánh của Styrbjörn.

Vào năm 1090, Độc Ẩn Giáo đã chính thức trở thành Hội Sát Thủ Levantine dưới sự lãnh đạo của Hassan-i Sabbāh, Ông Già Trên Núi. Để đối trọng với Hội Dòng Đền, Sabbāh đã đưa Hội Sát Thủ trở thành một tổ chức công khai với một quốc gia chủ quyền, có căn cứ ở Alamut. Đồng thời các vụ ám sát trở nên công khai và xảy ra ở công cộng, nhằm truyền cảm hứng cho người dân. Năm 1162, Hội Sát Thủ bấy giờ được dẫn dắt bởi Ḥasan ʿAlā Dhikrihi’s Salām (còn được biết đến với tên Hassan the Younger), và đã điều một thành viên tên Al Mualim đến Masyaf để xây dựng một pháo đài, mà một số tin đồn rằng do sự rạn nứt ý thức hệ giữa 2 bên.

Hassan-i Sabbāh, người sáng lập Hội Sát Thủ Levantine

Năm 1118, một tu viện trưởng người Pháp tên Bernard de Clairvaux, đồng thời cũng là một Templar, nhận thấy Hội Dòng Đền cần bắt tay với Giáo Hội Công Giáo làm đồng minh. Do đó, ông đã cử 9 người thân tín nhất đi đến vùng đất thánh để tìm kiếm Đền thờ của Solomon, và khi họ trở về, đã chính thức hình thành nên Hội các Chiến hữu Nghèo của Chúa Kitô và Đền Solomon với Đại Sư Hugues de Payens, xây dựng Quy Tắc La Tinh, quy tắc cốt lõi của Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền. Như vậy, Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền đã chính thức được công nhận và xuất hiện công khai trong lịch sử vào ngày 13 tháng 1 năm 1129.

Hugues de Payens, Đại Sư đầu tiên của Hiệp sĩ Dòng Đền

Thập niên 1170, Al Mualim đã trở thành Cố Vấn của Hội Sát Thủ Levantine. Và ông củng cố lại Hội Sát Thủ, chuyển căn cứ về Masyaf, và đưa ra rất nhiều điều lệ cải cách các quy tắc cốt lõi của tổ chức. Tháng 8 năm 1176, Saladin đã đóng quân bên ngoài Masyaf nhằm phá hủy Hội Sát Thủ. Al Mualim đã gửi một Sát thủ Umar Ibn-La’Ahad đột nhập vào trại của Saladin để đưa ra một thông điệp đe dọa. Tuy nhiên, Umar bị phát hiện và buộc phải giết một mạng vô tội để trốn thoát, còn Saladin thì bắt được một điệp viên Sát thủ là Ahmad Sofian và đã khai được tên Umar. Sau đó Saladin kêu gọi hiệp ước hòa bình với Al Mualim, với điều kiện là cái đầu Umar và ông ấy đành hi sinh vì hòa bình giữa hai phe phái. Còn Ahmad thì sau vì mặc cảm tội lỗi nên ban đêm đã đến lều người con trai Umar là Altaïr Ibn-La’Ahad để thú nhận và tự tử.

Một cuộc chiến giữa Sát thủ Levantine và Hiệp sĩ Dòng Đền

Trong sự trỗi dậy của các cuộc Thập Tự Chinh đầu tiên, quân đội Thập Tự Chinh cùng với Hiệp Sĩ Dòng Đền đã cố gắng bám trụ nơi Đất Thánh, cho đến khi Saladin đã đoàn kết tất cả lực lượng Hồi Giáo và phản công. 4 tháng 7 năm 1187,  Trận Hattin xảy ra giữa Vương quốc Jerusalem của quân Thập tự chinh và lực lượng Hồi Giáo của Saladin. Hiệp sĩ Guy xứ Lusignan, Đại Sư Gerard de Ridefort và Raynald of Châtillon bị bắt làm tù binh nhưng sau đó được thả ra. Đầu năm 1189, một Sát thủ phản bội sang Hội Dòng Đền, Haras, đã bắt cóc Al Mualim cố thủ trong pháo đài Masyaf. Altair ám sát Haras, và được phong lên danh hiệu Sát thủ cấp cao. Tháng 10 năm 1189 sau cuộc bao vây Arsuf, Đại Sư Gerard de Ridefort bị giết chết theo lệnh Saladin, và Hội Dòng Đền tạm thời tê liệt.

Altaïr Ibn-La’Ahad được phong lên Master Assassin

Năm 1190, Al Mualim giao nhiệm vụ cho Altaïr tìm một tạo tác gọi là Chén Thánh, một hiện vật có thể thống nhất mọi thế lực trong tay, dẫn dắt họ đến chiến thắng cuối cùng và cho phép họ cai trị Vùng đất Thánh. Khám phá ra Chén Thánh đang được các Hiệp sĩ Dòng Đền canh giữ ở một pháo đài tại Jerusalem, Altaïr đột nhập vào đấy và phát hiện ra thánh vật thực chất là một người phụ nữ trẻ tên Adha. Trên đường đào tẩu, Adha cho anh biết rằng Hội Dòng Đền đã mua chuộc lãnh đạo thứ hai của Hội sát thủ tại thành phố, Harash. Do đó Altaïr quyết định tìm kẻ phản bội ở bên ngoài pháo đài thành Alep. Tuy nhiên, Altaïr sau khi giết chết hắn, Adha lại bị lãnh đạo của Templar bấy giờ là lãnh chúa Basilisk bắt cóc. Đuổi theo đến tận bến cảng thành Tyre, Altaïr lên được tàu của Basilisk và giết chết hắn. Ngay sau đó anh phát hiện ra Adha đã bị đưa lên một con tàu khác từ trước, và Altaïr vội đuổi theo nhưng chỉ tìm được cái xác của Adha, mối tình đầu của anh.

Đại Sư Robert de Sable và các Hiệp sĩ Dòng Đền tấn công Masyaf

Năm 1191, Robert de Sable trở thành Đại Sư của Hiệp Sĩ Dòng Đền. Dưới sự lãnh đạo của Robert, 8 cá nhân từ cả 2 phe lính Thập Tự và người bản xứ Ả Rập đã gia nhập và trở thành những trụ cột quan trọng của Hội Dòng Đền. 9 người này, âm thầm bắt tay với Al Mualim đã xác định được vị trí một Quả Táo Địa Đàng, được đặt ở một hầm mộ nằm dưới Đền thờ vua Solomon. Tuy nhiên, vì muốn có được tạo tác cho riêng mình, Al Mualim đã phản bội các Hiệp sĩ Dòng Đền, mà sai 3 Sát thủ, trong đó có Altaïr Ibn-La’Ahad để thu hồi bảo vật vào tháng 7, 1191. Tuy nhiệm vụ thành công, nhưng bởi vì sự kiêu ngạo và nông nổi, nên Altaïr đã phạm vào 3 giới luật của Hội Sát Thủ, và Robert de Sable thì cho quân đuổi đánh tới Masyaf, tuy nhiên mắc bẫy và thất trận. Sau đó, Altaïr bị giáng cấp, và phải giết hết 9 cá nhân trụ cột của Hội Dòng Đền để khôi phục địa vị và danh dự của mình. Vào ngày 7 tháng 9, Altaïr cũng đã giết được Robert de Sable trong một trận đấu tay đôi, và trước khi chết, hắn đã tiết lộ về “Templar” thứ 10, Al Mualim. Trong lúc đó, ở Masyaf, Al Mualim đã dùng Quả Táo để khống chế toàn bộ Sát thủ và người dân nơi đây. Cuối cùng, Altaïr đã đối mặt với người thầy cũ của mình, và đánh bại ông, lấy lại Quả Táo.

Altair đối đầu với người thầy sa ngã của mình

Sau cái chết của Al Mualim, Abbas Sofian, bạn của Altaïr và là con của Ahmad Sofian, đã khuấy đảo một cuộc nội chiến để đoạt lấy Quả Táo, tuy nhiên cuối cùng Altaïr cũng đã lấy lại bảo vật này, và trở thành Cố Vấn của Hội Sát Thủ. Một tháng sau cái chết của Al Mualim, nắm bắt được kế hoạch rút lui về Cyprus của Hội Dòng Đền, Altaïr quyết định tấn công vào cứ điểm thành Acre để ngăn chặn họ. Dù không thành công, Altaïr vẫn đánh bại và bắt sống được Maria Thorpe, người từng cải trang thành Robert de Sable. Quyết định thuê một con tàu, Altaïr đến Cyprus cùng Maria và cuối cùng cũng đã giết Đại Sư Armand Bouchart vào năm 1192, lật đổ Hội Dòng Đền nơi đây. Sau khi trở về Masyaf, Altaïr bắt đầu sử dụng Quả Táo và viết Codex. Với kiến thức đến từ nó, anh đã thực hiện 1 loạt cải cách, gầy dựng và phát triển Hội Sát Thủ Levantine trở thành một tổ chức vững mạnh, đồng thời cũng truyền bá sự ảnh hưởng của Hội Sát Thủ, tuy nhiên họ lại gặp thất bại ở Constatinople vào năm 1204, do sự hỗn loạn vì giao thoa văn hóa, và ảnh hưởng của cuộc Thập Tự Chinh thứ 4.

Mặt khác, Hội Dòng Đền tại Anh vẫn còn sự ảnh hưởng rất mạnh, sau khi vua Richard I qua đời trong cuộc Thập Tự Chinh lần 3, em trai và người kế vị, Vua John đã sớm trở thành con rối của Hội Dòng Đền. Và khi vua John trở nên bạo ngược và độc đoán, đồng thời không chịu chấp thuận luật Magna Carta. Sát thủ – Bá tước Robert Fitzwalter đã dẫn đầu các bá tước địa phương nổi dậy, dẫn đến Chiến tranh Quý tộc vào năm 1215, với sự hỗ trợ từ Pháp.

Sát thủ Robert Fitzwalter trong cuộc Chiến tranh Quý tộc

Năm 1217, Altaïr đã nhận ra mối đe dọa từ Đế chế Mông Cổ, dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn. Cùng với người vợ Maria và con trai lớn Darim, Altaïr đã đến Mông Cổ và gia nhập với những người anh em nơi đây, ám sát Đại Hãn của Đế Quốc Mông. Tháng 8 năm 1227, Sát thủ Qulan Gal đã cùng với gia đình Altaïr tấn công vào doanh trại của Thành Cát Tư Hãn, và cuối cùng Gal đã cùng Darim ám sát được vị đại đế. Tuy nhiên tại Masyaf, Abbas lại cho người giết Sef, con trai út của Altaïr, bắt giam bạn bè của ông và đảo chính. Năm 1228, sau khi Altaïr trở về đã đối mặt với Abbas, trong lúc tức giận đã sử dụng Quả Táo Địa Đàng và vô tình khiến cho Swami, cánh tay phải của Abbas, giết chết Maria. Cuối cùng, Altaïr và Darim phải chạy trốn khỏi Masyaf và lưu vong ở Alamut, còn Abbas thì trở thành Cố Vấn mới của Hội Sát Thủ Levantine.

Altaïr và Darim chạy trốn khỏi Masyaf

Tháng 4 năm 1241, Hội Hiệp Sĩ Dòng Đền đã tham gia vào trận Legnica, nơi quân đội Châu Âu chống lại Đế Chế Mông Cổ. Người Mông Cổ đã bắt được một Templar, tuy nhiên một thời gian sau kẻ đấy đã có một sức ảnh hưởng đến Đại Hãn Mông Kha, khiến hắn trở thành một thành viên Hội Dòng Đền. Với trong tay một chiếc ngạnh từ Đinh Ba Địa Đàng, Mông Kha đã thành lập Hội Dòng Đền nghi thức Mông Cổ. Năm 1247, Altaïr trở về Masyaf từ Alamut, và nhanh chóng nhận được mọi sự ủng hộ từ các Sát thủ. Nhanh chóng giết Abbas, Altaïr trở lại làm Cố Vấn, đem lại vinh quang cho Hội Sát Thủ Levantine một lần nữa, đồng thời xây dựng một thư viện dưới nền pháo đài.

Vị Cố Vấn đích thực trở về Masyaf sau chuyến lưu đày 20 năm

Năm 1250, một Templar Ai Cập đã khám phá ra một tạo tác là Cây trượng của Aset, tuy nhiên đã bị một Sát thủ Ai Cập ám sát và cất giấu bảo vật đấy. Tháng 12 năm 1256, Hốt Liệt Ngột, chú Mông Kha phá hủy pháo đài Sát Thủ tại Alamut. Biết sớm muộn gì Mông Cổ cũng tràn về Masyaf, Altaïr đã đào tạo 2 nhà thám hiểm người Ý Niccolò và Maffeo Polo, coi họ như là tương lai của Hội Sát Thủ. Ngày 12 tháng 8 năm 1257, quân Mông vây hãm Masyaf, Altaïr trao cho anh em Polo các Con Dấu Ký Ức và cuốn Codex, và cho di tản toàn bộ Masyaf, còn phần ông thì niêm phong Quả Táo Địa Đàng trong hầm thư viện và qua đời tại đây. Sau đó Hội Sát Thủ rút vào vòng bí mật và tỏa ra muôn nơi.

Altaïr trao lại những Con Dấu cho nhà thám hiểm Ý Niccolò Polo

Sau khi trốn thoát khỏi Masyaf, anh em Polo đã bị quân Mông truy đuổi và làm mất Codex của Altaïr. Tuy nhiên họ đã đến Constantinople và thành lập một chi nhánh Hội Sát Thủ vào năm 1258, đồng thời giấu các Con Dấu của Altaïr ở đấy. Năm 1259, một Sát thủ Trung Hoa tên Zhang Zhi đã ám sát Mông Kha. Vào thập niên 1260, Đại Công tước xứ Vladimir Alexander Nevsky, đồng thời là một đồng minh của Templar đã liên minh với Hãn Quốc Kim Trướng, một bộ phận của Đế Quốc Mông Cổ để bảo vệ nước Nga. Tuy nhiên vào năm 1263, vì dính líu với Hội Dòng Đền nên Alexander Nevsky đã bị Sát thủ Nergui, vốn là đệ tử của Qulan Gal giết chết. Năm 1269, anh em Polo về đến Venice và đặt nền móng cho Hội Sát Thủ Ý. Năm 1275, con trai của Niccolò là Marco Polo đã đi đến Mông Cổ. Nhận được sự tin tưởng của Hốt Tất Liệt, cuối cùng Marco Polo cũng đã lấy lại được tập Codex và đem về Ý. Khoản năm 1296, Codex được sở hữu bởi Sát thủ – nhà thơ Dante Alighieri, và ông ấy cũng bắt đầu đào tạo một tân binh tên là Domenico Auditore.

Marco Polo trên chuyến du hành đến Mông Cổ năm 1275

Năm 1304, Cố Vấn Sát Thủ Guillaume de Nogare, ủy viên hội đồng của vua nước Pháp Philip IV, đã sử dụng ảnh hưởng của mình với đức vua Pháp và tân Giáo Hoàng Clement V để chống lại các Hiệp Sĩ Dòng Đền. Họ bị xem là dị giáo, và vua Philip đã đưa ra sắc lệnh bắt giữ tất các thành viên Templar. Vào ngày 13 tháng 10 năm 1307, những Sát thủ cải trang làm lính đánh thuê của nhà vua đã tấn công vào Đền Thờ ở Paris, pháo đài căn cứ Hội Dòng Đền, để bắt giữ các Hiệp sĩ Templar và Đại Sư của họ, Jacques de Molay nhằm mục đích đoạt lấy Thanh Gươm Địa Đàng được cất giấu nơi đây, nhưng thất bại. Nhận thấy nguy cơ diệt vong và Hội Dòng Đền không còn có thể là một tổ chức công khai nữa, de Molay đã cử 9 người thân tín nhất để đi khắp thế giới, truyền bá tư tưởng và nhiệm vụ của Hội Dòng Đền. Ngày 18 tháng 3 năm 1314, Jacques de Molay bị thiêu sống, và Hội Dòng Đền được coi như bị xóa bỏ.

Kết thúc của Hội Hiệp sĩ Dòng Đền?

*Còn tiếp*

Cùng Series

Quang Huy Nguyễn

Khách quen

  
Không có máu M hay cuồng mòe. Không theo team Triss. Có chơi To the Moon :))

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện