Bài phân tích về cộng đồng mạng thời nay

Khách quen

  

I. LỜI GIỚI THIỆU

“Internet làm ra để kết nối con người”
Đấy là chủ đích của mạng xã hội ngày này cũng như nhiều dịch vụ khác, nhưng vì lí do nào đó, sự chia phe phái, gây hấn và “chiến tranh” đã xảy ra tràn lan từ ngày này đến ngày nọ, thành ra chia cắt cộng đồng theo một cách mỉa mai nhất có thể. Tất nhiên đây không phải là lỗi của internet, hay ít ra lỗi toàn phần không phải do nó, mà là do chúng ta, những người dùng hàng ngày không dứt được thế giới ảo này. Ai nhìn vào lịch sử là cũng đủ biết loài người chúng ta mong manh thế nào và chỉ cần một cái bóp cò là cả đất nước chìm trong bể lửa. Từ sự khác nhau trong vị trí địa lý, phong tục và tôn giáo, đồng thời cùng với chủng tộc, màu da, suy nghĩ riêng của từng cá thể, đều dẫn tới những cuộc giao tranh không thể tránh khỏi. Người thì bảo đó là qui luật tự nhiên, đào thải những thành phần không phù hợp với tư tưởng chung của xã hội, nhưng tôi nghĩ nó hơn cả vậy, tuy sẽ nói vấn đề này ở bài khác chứ không phải ở đây. Internet thì kết nối mọi nhà một cách thần tốc, dẫn tới cuộc đua thông tin và nhịp sống còn nhanh hơn cả một chuyến tàu điện bạn đi ở Nhật Bản, thành ra những xung đột xảy ra cũng thường xuyên hơn, nói đúng hơn là như cơm bữa và biểu tượng “Muối mặn mà vị biển khơi” đã luôn gắn bó trung thành với Internet bấy lâu nay. Và bây giờ, mình sẽ phân tích, đánh giá và nêu ra hướng đi mà mình nghĩ sẽ có lợi cho cộng đồng sau này.

II. LỜI PHÂN TÍCH

 

Đầu tiên là ta cần phân biệt thể loại cộng đồng mà mình cần nói đến, trong đó gồm có Cộng đồng đông thành viên và Cộng đồng ít thành viên. Cộng đồng đông người thường bị hay bị loãng và khó kiểm soát. Kể cả cộng đồng đó có quản lí tốt đến bao nhiêu thì họ cũng sẽ không thể nào quản lí hết lượng thành viên đông đảo. Kể cả có dọa ‘lọc mem’ thì mọi người trong group đó sẽ tranh nhau đăng bài chống đối, like và cmt dạo để không bị cho “ra đảo”. Điều này cũng dễ hiểu nếu bạn thử liên tưởng đến xã hội hiện giờ của ta, một xã hội đông kín người đến mức cả hàng xóm cũng chả thèm ra ngó mặt. Mọi người cứ tự nhốt mình vào chiếc hộp của những định kiến và thay vì cởi mở, họ tự đóng mình trong nó và cứ thế lướt đi. Đơn giản là vì cuộc sống quá tấp nập, quá nhiều lựa chọn để cho một con người bình thường có thể thực sự quyết định một vấn đề gì đó. Điều nãy dẫn tới việc bỏ qua bao nhiêu thứ trong cuộc sống, chỉ vì nó đơn giản không bắt mắt và luôn quan trọng hóa vẻ bề ngoài, cũng tương tự như việc mỗi người ngồi face lướt feed hàng ngày vậy. Group thì hàng trăm vạn người mà post lắm like nhất cũng chỉ tầm có 1 đến 10% tổng số lượng. Thành ra chất lượng bài cũng giảm, kiểu bài câu like tăng nhiều khi mà nội dung không hề có ý nghĩa nữa và cách sống thụ động như một lũ cừu được mớm cỏ càng được “phát triển” lên. Thành ra cứ hễ khi có bài bất đồng ý kiến là đa số xông vào chửi bới loạn xạ, không ra hệ thống gì cả. Họ đã sống thụ động quen đến mức còn chẳng biết nên nghĩ ra luận điểm gì để nói về một vấn đề nào đó và bộ não của họ giờ chỉ suy giảm thành những câu nói một chiều thiên về cảm xúc, bản năng là chính chứ không phải suy nghĩ logic như một con người bình thường. Tuy có những người đưa ra ý kiến tốt, chỉ là trái ngược, nhưng họ lại bị chửi, ném gạch, bêu xấu vì họ khác biệt. Và theo đó có những thành phần thấy sự náo loạn này, muốn câu sự chú ý và câu những chú cá đã để óc mình ở đâu, như cố tình ném hòn đá vào mặt nước yên tĩnh. Từ cái này mà số đông mọi người đã hình thành tư tưởng bao cấp, chống đối sự khác biệt, làm chỉ đạt đủ chỉ tiêu và không hể muốn tiến xa hơn. Những thành phần này luôn trong trạng thái auto bash, rình mò những ý kiến trái chiều để chửi bới họ. Một số tuy chửi bới có học nhưng thực sự lại dùng cái học đó sai mục đích, dẫn tới trường hợp còn tệ hơn. Như vụ nêu lại sự phản đối với chế độ bao cấp, bao người phản đối mãnh liệt và đòi giam người nêu ra ý kiến đó. Những người mình đang kể đây cũng như vậy, quá dựa vào định kiến khiến họ mù quáng nghĩ rằng ai không theo MÌNH sẽ ngay lập tức sai, với cái cớ là THEO SỐ ĐÔNG. Thành ra các bạn có thể mang lại sự khác biệt có ích lại bị chỉ trách và đào thải bởi chính sự rác rưởi mang tên định kiến của cộng đồng đó. Thì định kiến là điều không thể tránh khỏi, nhưng đến một việc đơn giản như đọc kĩ, đặt câu hỏi và cố hiểu tại sao lại như vậy còn không làm được thì đây thực sự là một điều đáng buồn.
Còn về cộng đồng ít người? Tất nhiên ở đây thường sẽ tốt lành hơn, tương tác nhiều hơn và thường có chất lượng cao hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó an toàn trong vấn đề toxic mà cộng đồng nhiều người đã gây ra. Khi có ý kiến trái chiều, vẫn sẽ có những nhân vật cực đoan mò tới và phán xét bạn ngay lập tức kể cả họ còn chẳng biết mặt mũi bạn thế nào. Họ ở đây thường sẽ có học, nhưng không dùng hết khả năng để đọc và đặt câu hỏi tại sao; họ đã khiến mình trở thành một con thiêu thân lao vào chiến tranh mà đáng lẽ ra có thể giải quyết bằng cách trao đổi ý kiến và rút ra kinh nghiệm. Trong cộng đồng ít người, các thành viên thường sẽ giao lưu với nhau nhiều hơn, học hỏi lắm thứ hơn và quan trọng hơn hết, cảm giác như họ đang ở trốn mà họ thuộc về. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ thoát khỏi những bàn tay của các anh ninja siêu đẳng, lọt vào group, giả danh, không hề bị phát hiện là đang ẩn nấp trong bóng tối. Thành ra vấn đề các post vẫn chỉ có sự quan tâm của phần ít thành viên vẫn luôn là một chuyện phổ biến, kể cả số lượng tương tác còn nhiều hơn cả. Trong những nhóm có Giveaway, đặc biệt là post tặng code bất thình lình thì họ cực nhanh, như có nội gián bên trong, một phát cắp ngay món quà mà đáng lẽ ra những thành viên đã dày công gây dựng group PHẢI được nhận. Trong một cộng đồng ít người, tranh cãi theo chủ hướng học hỏi, xem xét đối phương luôn mang lại điều có ích, tuy rất ít thành viên dám làm vậy và thường theo trend chung của nhóm, đồng thời họ vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi tâm lí “bao cấp” – chấp nhận những bài vừa tạm và không quá quan tâm đến những thứ mà người khác nghiên cứu triệt để. Tất nhiên hòa bình rất quan trọng, nhưng hòa bình giả tạo thì nó vẫn cứ giả tạo đó thôi, phải qua tranh cãi thì mới có yên ổn, đặc biệt tranh cãi mang hướng tích cực. Nói chung, cộng đồng ít người vẫn bị ảnh hưởng của tâm lí đám đông mặc dù đáng lẽ điều đó khó mà xảy ra được, mỉa mai thay. Nhưng trong một group với số lượng thành viên dễ quản thì nói thật cũng không có quá nhiều thử thách để có thể đào thải những tư tưởng cực đoan, toxic ra bên ngoài.

III. NGUYÊN NHÂN

 

Sau khi đọc hai phần trên thì chắc người đọc cũng nắm được một phần bản chất của vấn đề rồi. Đó là do sự khác biệt, bất đồng ý kiến, tư tưởng. Thực chất thì mọi người, kể cả kẻ cứng đầu nhất vẫn sẽ có những lúc mà họ sẵn sàng nghe ý kiến trái ngược hoàn toàn của người khác. Cái đấy thì tùy thuộc vào chủ đề, tình cảnh hay quan hệ của từng người mà ra. Và khi ở trên mạng, nơi mà sự ẩn danh là điều bạn CẦN phải chấp nhận trong xã hội ảo thời nay, tình cảnh, quan hệ đó dường như không hề có khi mà đa số đều hầu hết nói chuyện với người lạ. Ở trên mạng, bạn có hoành hành thế nào đi chăng nữa cũng không có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bạn. Thành ra mỗi người khi bước chân vào thế giới ảo, họ đều đeo cho mình một loại mặt nạ khác so với đời sống thực của mình. Có thể mặt nạ đó là hình ảnh mà họ hằng ao ước muốn trở thành, hay chỉ đơn thuần là phiên bản tiến hóa của bản thân, trong khi ngoài đời thực phải gánh chịu trách nhiệm, gánh nặng của chính hình ảnh đó. Thường thì mặt nạ mọi người đeo đều mang tính cứng cỏi, có thể đói chọi bất cứ lúc nào nếu ai đó dám đụng chạm gì mình khi ngoài đời họ phải cân nhắc hậu quả trực tiếp họ phải nhận do chính hành động sơ suất đó. Thành ra việc nhấn chìm chính mình trong định kiến là điều dễ hiểu khi mà tính cách, phần thể mà họ đang cố nhập vai vào một cách vô thức đều mang bản tính “mạnh mẽ” hơn so với thực tại, khiến cho cái tôi mỗi người to đến mức nuốt chửng cả thế giới trong một miếng ngon lành. Lúc này, ai cũng hầu hết nhét chính họ vào trong chiếc hộp mà “tự kỉ” rồi. Không ai thực sự hiểu được ai không có nghĩa là không ai cố gắng hiểu được người khác. Mọi người giờ quan tâm đến kết quả quá nhiều mà quên rằng chính quá trình họ trải qua sẽ để lại điểm nhấn trong cuộc đời mỗi người. Do thực trạng này, những vụ việc hiểu nhầm, cãi vã là điều không thể tránh khỏi, nhưng theo một chiều hướng xấu, khi đến cuối cùng chẳng ai nhường ai và kết cục không đạt được cái gì.
Còn về vấn đề “sống không biết trải nghiệm, chỉ biết cưới ngựa xem hoa và vẫn mong chờ cuộc đời là một vườn cây chín quả” thì mình đã nói trong bài Game trong thời đại “tân tiến”, khi mà ý kiến mọi người bị chi phối trong khi họ vẫn ảo tưởng rằng ‘họ có quyền lựa chọn’ và cách sống vô nghĩa khi mà nhịp sống bận rộn đã phá hủy sự tiếp nhận, cởi mở của một cá thể. Nói chung là do bản tính mới có này mà sự tương tác ngày càng ít đi, ninja xuất hiện nhiều hơn và số lượng toxic, cực đoan cũng xuất hiện ngày càng nhiều.
Hướng giải quyết trước hết cần phải hướng tới chính là…

IV. HƯỚNG ĐI

 “Open the Box”

Làm thế nào để cởi mở với người khác? Làm thế nào để dẹp những định kiến của mình sang một bên? Làm thế nào để chủ động đặt ra những câu hỏi? Và quan trọng hơn, làm thế nào để mở tung chiếc hộp mà chính bạn đã tự đóng kín mình đó? Thay đổi bản chất của một người không hề dễ dàng, huống chi là cả một cộng đồng rộng lớn, khi mà hiệu ứng Bad Apple sẽ luôn cản trở bạn trong quá trình cực kì tích cực này.

“Để dẫn lối đàn cừu non nớt, ta phải là những chú chó tinh ranh”

Không một nơi nào mà có thể giữ được sự ổn định trường tồn khi thiếu đi sự tồn tại của một người lãnh đạo ngoan cường. Admin của group hay đến cả chủ của các tập đoàn công nghệ chịu trách nghiệm cho xã hội ảo bây giờ, đều là những nhân tố chính để có thể giải quyết những vấn đề trớ trêu này. Tuy họ không thể nào có những phương án trực tiếp tận diệt ngay tận gốc cội nguồn vấn đề, nhưng họ có thể tác động gián tiếp, điều khiển hướng đi chung của cộng đồng sao cho nó có thể phát triển một cách lành mạnh. Cụ thể ở đây, những người đứng đầu này cần đề cao sự tự do ngôn luận, cũng như phép tắc căn bản trong một cuộc tranh luận, rằng cần đưa ra quan điểm, luận cứ phục vụ quan điểm đó và phải biết nhìn nhận vấn đề trong mắt của đối phương mặc dù điều đó là không thể về mặt kết quả chính xác. Cần có phong trào, thi đua, khen thưởng phù hợp để cho mọi người dễ dàng đi theo. Cần loại bỏ những thành phần không thích nghi được như ninja để không gây hiệu ứng Bad Apple lên các thành viên còn lại. Đề cao sự vấp ngã, học hỏi với những thành viên trẻ, gạch bỏ ranh giới “ẩn danh” mà ai cũng gặp phải. Thuyết phục thành viên tương tác với nhau nhiều hơn nữa, để về sau mới cởi mở hơn được.
Còn về những chú cừu thì mỗi cá thể đều phải mang trong mình một trách nhiệm nào đó, để không khiến mình lẻ loi lạc loài, cần sự giúp đỡ của các cá thể khác nếu như trường hợp đó có xảy ra. Đến khi nào tiến trình “Open the Box” được thành công thì các thành viên mới có thể cởi mở với nhau được, mặc dù có rất nhiều chông gai ngay trước mắt. Nên bắt đầu bằng cách chú ý tới từng post trong group dựa vào khả năng và thời gian của mình. Khi đăng post phải là bài có đủ chất lượng, không spam làm loạn mắt người khác và nên tương tác với từng post kể cả post đó không có cái gì thuộc thứ mình thích. Làm vậy sẽ mở mang đầu óc, phá vỡ rào cản định kiến và khiến cho cộng đồng phát triển mạnh mẽ.

Hướng đi này bắt đầu từ các nhóm nhỏ trước về mặt nội bộ và nếu có thể thì sự thay đổi trong chính sách của các chủ mạng xã hội cũng như phần mềm, công nghệ có trách nghiệm liên quan đến Internet. Mình mong rằng các bạn đọc đã có thể học hỏi, rút ra nhiều kinh nghiệm hơn và biết cách ứng xử, tiếp cận của mình trong vấn đề này để cùng tạo dựng một cộng đồng lành mạnh, có ích và quan trọng hơn, là ngôi nhà thứ hai cho từng thành viên thân yêu của nó.

Trần Inr Minh

Khách quen

  
"Không có gì là không thể" có thể là câu nói dành cho những người ngu ngốc một cách mù quáng, hoặc là một thiên tài không hề biết điểm dừng. Và tôi, là cả hai loại người trên

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện