Bàn về Steam Market – Phần 1

Huyền thoại ★

  

Nhắc đến Valve nhiều người nghĩ ngay đến Dota 2, CS:GO, Team Fortress, Half Life, Left 4 Dead…Tuy nhiên theo đánh giá chủ quan của bài viết thì thành công lớn nhất của Valve là tạo ra Steam, một hệ thống phân phối và quản lý dành cho game thủ. Steam là một bước tiến vượt bậc từ thời công nghệ “băng đĩa” đến thời kĩ thuật số khi mà mọi thứ có thể dễ dàng mua bán và cài đặt chỉ với vài cái click chuột. Cũng có nhiều hệ thống phân phối game khác như Battle.net hay Origins nhưng có lẽ Steam của Valve là hình mẫu thành công nhất. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt của Steam? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Giới thiệu tổng quan về Steam

Steam là hệ thống phân phối và quản lý trò chơi. Trong Steam có các mục chính lần lượt là Store, Library, Community và User.

  • Store là nơi Steam giới thiệu các game từ Valve hay từ bên phát hành thứ ba. Bạn có thể tìm game bạn muốn thông qua chức năng Search hoặc đơn giản vi vu thăm thú khắp cửa hàng thông qua các chức năng Recommend, Discovery và Browse by. Có hàng nghìn game trên Steam thuộc đủ thể loại khác nhau, từ game 8-bit cho đến những game đồ họa “bừng cháy” đều có đủ. Nếu bạn là người mới bắt đầu thì 99,99% kho game trên Steam sẽ làm hài lòng bạn.
  • Library là nơi lưu trữ những game bạn đã mua. Bạn mua game trên Store và quản lý chúng ở mục Library. Trong Library bạn có thể phân loại game theo cách thức bạn muốn. Library cũng lưu giữ thông số (stats) những trò chơi của bạn. Ví dụ như trong hình là mình đã chơi CS:GO được gần 900 tiếng, có 11 người bạn của mình sở hữu game này và hiện có một người đang chơi. Ngoài ra mình cũng đã hoàn thành xong 167 achievement và đạt độ hoàn thiện trò chơi là 100%.

  • Community là nơi dân tình bàn bạc, chém gió và mua bán các vật phẩm trong game. Nó gồm ba mục chính là Discussion, Workshop và Market. Discussion giống như một diễn đàn về game, bạn có thể trao đổi, thảo luận cũng như tìm hướng dẫn ở đó. Workshop là nơi các nhà thiết kế trao đổi ý tưởng của mình. Có thể là một bản Mod hay một vật phẩm mới trong game. Market là nơi buôn bán các vật phẩm trong game. Mỗi game sẽ có một số vật phẩm nhất định được người chơi mua về nhằm tận hưởng trò chơi một cách hiệu quả hơn. Market là nơi buôn bán/trao đổi những vật phẩm đó giữa người chơi với nhau. Market sẽ thu một mức phí nhất định cho mỗi giao dịch.
  • User là mục cuối cùng. Đây là nơi bạn cài đặt các thông tin cá nhân của mình. Nó giống như trang Facebook của bạn trên nền tảng Steam và vì thế bạn có vô số thứ để “khoe”. User cũng là nơi bạn có thể trao đổi với bạn bè cũng như tùy chỉnh và quản lý một số tính năng khác của Steam.

Nhìn vào đây chúng ta nhận thấy nguồn thu chính của Steam đến từ Store (bán game) và Market (thu phí dịch vụ). Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về Market cũng như cách “làm giàu không khó” với Steam.

Market, làm giàu không khó

Mỗi trò chơi đều có vật phẩm của riêng nó. Vật phẩm này có thể đến từ chính Store, ban đầu được nhà phát hành game bán ra và sau đó được mua đi bán lại nhiều lần trên Market. Hãy nhìn vào một danh sách vật phẩm tiêu biểu của game Dota 2.

Các vật phẩm này được rớt ra từ hòm với tỉ lệ ngẫu nhiên và vì thế tỉ lệ càng thấp thì giá càng cao. Hãy lấy ví dụ là vật phẩm đầu tiên trong danh sách trên, “Sullen Harvest” của Hero Necrophos. Trong hình đang hiển thị có 736 người cần bán món đồ này và mức giá thấp nhất là 18.90$.

Ấn vào chi tiết món đồ ta có thể thấy biểu đồ giá cũng như mức giao dịch thường ngày. Biểu đồ sẽ cho ta biết chính xác giá bán, thời gian cũng như số lượng giao dịch. Ví dụ như hình vẽ trên ta có thể thấy vào ngày 16 tháng 10 lúc 5h sáng có 5 món hàng được bán với giá trung bình 20.25$.

Ta cũng nhận thấy rằng giá của món đồ này đang đi xuống. Giống như hầu hết các vật phẩm trong game khác, mọi món đồ sẽ từ từ mất giá theo thời gian. Nguyên nhân thì có nhiều. Lúc đầu mới ra ít người có nên món đồ sẽ có giá cao. Theo thời gian món đồ giảm độ “nóng”, nhiều người có hơn nên giá trị giảm dần. Rồi những món đồ khác đẹp hơn dần thay thế càng làm mất đi giá trị những món đồ cũ… Như trong hình là “Sullen Harvest” đã giảm từ trung bình 22$ xuống dưới 20$ chỉ trong một tháng (Từ 18 tháng 09 đến 18 tháng 10).

Với mỗi giao dịch thành công Steam sẽ thu phí 10% cho chi phí giao dịch trên Market và 5% cho nhà phát hành. Điều đó có nghĩa là với một món đồ 20 $ thì người mua phải trả đủ 20$ nhưng người bán chỉ nhận được 85% là 17 $ mà thôi. Có thể hiểu nôm na là mỗi lần mua đi bán lại trên Market bạn sẽ phải chịu phí 15%.

Câu hỏi đặt ra là, liệu có cách nào trở thành thương gia trên Market khi mà hầu hết vật phẩm đều mất giá cũng như chi phí dịch vụ đến 15 %? Trước tiên hãy nhìn vào tiềm năng của Steam Market với con số thống kê sau đây.

market 3

Tại thời điểm viết bài đang có hơn một triệu người chơi Playerunknown’s Battlegrounds, nửa triệu người đang chơi Dota 2 và hơn 200000 người chơi CS:GO. Đây là những con số thống kê không đầy đủ do có những server không được tính trong bảng số liệu này. Và nên nhớ rằng đây chỉ là một thời điểm. Điều đó có nghĩa là con số người chơi hàng ngày cao hơn nhiều. Theo ước tính Dota 2, CS:GO hay Playerunknown’s Battlegrounds đều có hơn một triệu người chơi thường xuyên. Đây là những game có tính thi đấu cao, tức là bắt đầu điểm xuất phát lúc đầu là như nhau. Vậy điều gì làm nên sự khác biệt giữa một triệu người chơi này với nhau? Câu trả lời chính là thời trang, hay còn gọi là skin trong game. Hãy nhìn vào Hero Phantom Assassin trong Dota 2 trước và sau khi có skin.

Trước khi có skin

Sau khi có skin

Khác nhau một trời một vực đúng không. Đúng kiểu Thị Nở với Hằng Nga. Có rất nhiều skin ở các vị trí khác nhau và người chơi sẽ được tùy chỉnh theo ý thích. Ví dụ như Hero Phantom Assassin ở trên có 5 vị trí. Có hàng trăm món đồ ứng với 5 vị trí này với giá trị từ 0,03 $ đến hàng chục thậm chí hàng trăm $.


Trên Market có 326 hạng mục đồ dành cho Hero Phantom Assassin trong Dota 2. Tức là về lí thuyết có 326 đồ để bạn “thiết kế” Phantom Assassin cho riêng mình. Tuy có nhiều món đồ trùng nhau (khác đặc tính) hay có những món đồ không thể bán được nhưng nhìn chung qua ví dụ này chúng ta thấy rằng có vô vàn lựa chọn để bạn biến tấu một nhân vật trong một trò chơi nào đó. Đồ càng đắt thì càng đẹp, càng hiếm, hiệu ứng càng độc đáo. Tuy không tác động trực tiếp vào gameplay nhưng những món đồ này như một thứ vũ khí tinh thần hay ho. Khi bạn muốn “try hard” một nhân vật nào đó hãy sắm một bộ cánh thật đẹp và “hết mình” thôi.

Với hàng triệu người chơi thì thị trường cho những vật phẩm này là rất lớn. Khi có thị trường thì sẽ có những cách thức riêng để phục vụ thị trường này. Một triệu người dùng thì có nhiều người không quan tâm đến 15% thuế hoặc chênh lệch một vài $. Giả sử bạn là người đi làm. Cuối tuần nghỉ ngơi thư giãn muốn làm vài game Dota 2 vui vẻ với bạn bè. Có một Hero đang hot theo meta và bạn muốn “try hard” Hero đó. Bạn vào tìm thì thấy một bộ đồ hợp ý, chỉ có điều là “tát nước theo mưa” nên giá của nó đã tăng từ 8$ lên 10$. Bạn có quan tâm đến 2 $ chênh lệch không? Có nhiều người không quan tâm, bởi vì cái vui vẻ và hào hứng của họ đáng giá hơn chút tính toán về sự chênh lệch. Tuy nhiên có những người lại nghĩ khác, họ nhìn thấy cơ hội trong việc này. Giả sử họ biết trước thông tin về sự tăng giá và đồng loạt mua vào lúc món đồ giá 8$ và bán ra lúc 10$ thì sao? Với 15% thuế thì họ vẫn lãi 0,5$. Bạn nghĩ rằng thế là ít? Vậy nếu họ mua vài nghìn cái và món đồ đó còn tiếp tục tăng lên 12 hoặc 15 $ thì sao. Đó sẽ là một khoản lợi nhuận khổng lồ. Biểu đồ dưới đây là một ví dụ tiêu biểu:

Đây là một món đồ tên là Yulsaria’s Glacier của Hero Crystal Maiden trong Dota 2. Ở thời điểm cuối năm 2014 món đồ này có giá khoảng 0,2 $. Nó tăng giá dần dần và đạt đỉnh ở mức 1,7 $ vào giữa năm nay trước khi bắt đầu giảm dần dần về 1 $ ở thời điểm hiện tại. Tính toán đơn giản nếu bạn mua 1000 món đồ này ở năm 2014 với giá 200$ thì giữa năm nay bạn bán ra sẽ thu được 1,7 x 1000 x 85% = 1445 $. Từ 200$ lên 1445$ trong 2,5 năm. Một mức lợi tức khổng lồ.

Hãy nhìn vào một ví dụ khác là món đồ “Music Kit – Awolnation, I Am” của CS:GO.


Ở thời điểm ra mắt cách đây món đồ này có giá 23$ nhưng nhanh chóng tụt “không phanh” xuống mức 7,8 $ trước khi tăng lại 10$ vào giữa năm nay. Ở thời điểm này “Music Kit – Awolnation ,I Am” có giá chỉ còn 3$. Một sự chênh lệch lớn giữa giá hiện tại với giá khởi đầu và giá ổn định thời gian dài.

Một ví dụ khác từ một trò chơi rất nổi trong thời gian gần đây:  Playerunknown’s Battlegrounds. Đây là một món đồ khá hot trong cộng đồng Pubg. Hiểu nôm na nó là cái… bịt mặt.

Như các bạn quan sát thì mọi thứ rất yên ổn cho đến khi nó tăng “phi mã” từ 2,5$ giữa tháng 7 lên 15$ vào đầu tháng 10. Mức tăng 600% này chắc chắn sẽ làm nhiều người chơi tiếc hùi hụi vì không kịp mua khi giá còn rẻ cũng như làm nhiều “thương gia” cười hì hả trong lòng. Mức tăng 600% khi trừ thuế thì vẫn là 1 ăn 5. Làm giàu chưa bao giờ dễ dàng đến thế!

Vậy câu hỏi đặt ra là điều gì quyết định những pha “phi mã” thần tốc của các món đồ đó? Liệu đó là may mắn hay là cả một sự tính toán khoa học, chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều đó trong phần hai của bài viết.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


7 cụng ly

  • Gia Huy - 02.03.2018

    Vậy vật phẩm đã đăng bán có lấy lại được không ad? Bán nhiều món mà trượt giá quá nên muốn lấy ra .


    • Giang Nguyễn - 02.03.2018

      Lấy lại được nhé bạn. Có thể lấy lại bất cứ lúc nào.


  • Gia Huy - 08.03.2018

    Làm sao lấy lại được vậy bạn?


    • Giang Hoang Nguyen - 08.03.2018

      có cái cancel đồ vật mình rồi trên steam market. Lúc ấn vào mục market nó hiện ngay đầu tiên.


  • Longvu - 22.03.2018

    SAO MA MINH CHO 30 NGAY VAN KO MUA DO DC TREN STEAM MA NO HIEN LEN NHU NAY LA SAO Le marché est indisponible pour les raisons suivantes :
    Votre compte doit être protégé par Steam Guard pendant au moins 15 jours. Pour enlever cette restriction…


    • - 23.03.2018

      Bạn vẫn chưa làm đủ thao tác đối với steam guard. Theo ý mình hiểu là bạn chưa kích hoạt steam guard.


  • Glenn - 11.07.2018

    Anh ơi cho em hỏi là em mua đồ trong đó mà nó ghi phải You must have a valid Steam purchase that is between 30 days and a year old with no recent chargebacks or payment disputes. To remove this restriction…
    Your account must be protected by Steam Guard for at least 15 days. To remove this restriction… là sao anh em phải treo 30 ngày hay làm gì em chưa hiểu lắm