Call of Juarez: Gunslinger – Câu chuyện cao bồi bị quên lãng

Huyền thoại ★

  

Call of Juarez là một series game FPS lấy đề tài cao bồi trải qua phải nói là rất nhiều thăng trầm. Call of Juarez được phát triển bởi Techland – vốn thuộc Ubisoft cho đến thời gian gần đây. Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ chơi hết bất cứ một tựa game Call of Juarez nào, nhưng dựa theo hiểu biết tôi có thể gọi nó như một… Call of Duty thời xưa vậy, dĩ nhiên có thể sự thật là khác biệt. Và phiên bản trước đó, The Cartel, đã làm cho tôi bấn loạn cả lên chả biết thật giả thế nào về game này.

Vào năm 2013 thì tựa game Call of Juarez cuối cùng tính cho đến thời điểm bài này ra đời đã xem như “khép lại” câu chuyện về những tay súng nơi miền tây hoang dã theo một cách vô cùng ấn tượng nhưng lại không được mấy ai để ý đến. Lúc đó chả hiểu sao mê mẩn cao bồi, tôi đã lựa chọn chơi trò này, và kết quả cuối cùng là khá thỏa mãn nhưng cũng hiểu vì sao mà nó lại ra nông nỗi.

Là con mọt comics, Call of Juarez đã làm cho tôi phấn khích đến tốt độ chỉ ngay vừa ở cái mở màn với một cutscene chất lượng. Nó rất mang cái màu truyện tranh nhưng lại dựa theo những tiểu thuyết ba xu thời đó về mặt kể chuyện thế nên nó rất là lạ lẫm và lôi cuốn. Phong cách đồ họa của trò này cũng rất phù hợp với cái style truyện tranh đó khi nó sử dụng phong cách cell-shading làm cho mọi thứ có vẻ rất là “hoạt hình”- hãy tưởng tượng một tựa game nhìn y hệt như Borderlands nhưng lại “không nghiêm túc” theo kiểu miền viễn tây đi, có lẽ bạn sẽ mường tượng được cái thứ đập vào ánh nhìn của bạn đầu tiên. Tuy có vẻ hoạt hình là vậy, nhưng nó lại rất đẹp, nó tôn lên được một thứ gì đó có phần… mơ mộng, hoang dại của miền tây hoang dã, một sự lựa chọn quá chính xác.

Cũng phải nói thêm là Ubisoft thật ra làm rất tốt với cell-shading nhưng họ lại không làm nhiều, ấn tượng lớn nhất về việc này có lẽ là game Prince of Persia năm 2008 và chính CoJ:G này. Thế nhưng họ lại không làm nhiều, cũng tiếc, vì tôi cũng mong có một game Assassin’s Creed trên nền đồ họa ấy.

Câu chuyện tập trung về một gã săn tiền thưởng có cái tên là Silas Greaves – một nhân vật hư cấu. Việc tôi nhấn mạnh đây là một nhân vật hư cấu là vì Silas sẽ kể lại rất nhiều những câu chuyện có liên quan đến những gã cao bồi, tội phạm khét tiếng có thật ở miền tây nước mỹ những năm thế kỷ 19 như Billy The Kid, Jesse James v.v… Trở lại câu chuyện, Silas Greaves tìm đến một quán rượu, nhiều người nhận ra ông, và ông bắt đầu kể lại về cuộc đời, về hành trình báo thù và cả quá trình trở thành một tay súng nổi tiếng như ngày nay nhưng lại theo một đường lối dã sử hoàn toàn khác với những gì chúng ta biết về các câu chuyện ấy ở đời thực. Một concept khá hay ho phải không?

Việc lồng tiếng xuất sắc của game cũng chính là yếu tố làm cho nó có một sự kết dính lẫn một sự tự nhiên cực kỳ “con người” trong các câu nói để dẫn dắt chúng ta phải đi theo câu chuyện với sự tò mò cao nhất có thể. Chủ yếu chúng ta sẽ nghe một câu chuyện được kể lại từ nhân vật chính, những giọng tường thuật lại của nhân vật theo đúng nghĩa đen sẽ sắp xếp tất cả những gì diễn ra trong câu chuyện. Và tôi nói câu đó theo nghĩa đen, từng câu nói sẽ làm cho những hình ảnh diễn ra y hệt như vậy, tức là nếu nhân vật có kể “vớ vẩn” như thế nào đi nữa thì nó cũng sẽ hiện ra y hệt như vậy. Và rất nhiều lần, từng cách kể chuyện, từng câu nói của các nhân vật đã “điều khiển” hình ảnh, hướng tiếp cận game theo một cung cách rất mới lạ, kiểu mà 2 người cùng kể một câu chuyện hoặc mình kể một chuyện lúc thì thế này xong “ủa lộn” kể thế kia ấy. Ngoài ra, cả giữa lúc câu chuyện đang được kể, sẽ có những lúc chen ngang “xin thêm rượu”, hay có người “ngủ gục” khiến game như ngừng lại hoàn toàn để chúng ta tương tác liên tục cả với câu chuyện lẫn các nhân vật. Chính cái điều “không nghiêm túc” kiểu này làm cho game gần gũi với chúng ta hơn rất nhiều. Vì thú thật, ai mà không từng say xỉn mà đi chém gió ở mức độ “bão táp” về đời mình chứ, phải không?

Về mặt gameplay thì thật lòng mà nói, đây là một trong những tựa game FPS bắn súng đã tay nhất và “khiến cho mình muốn bắn” bậc nhất mà tôi từng chơi. Sự mượt mà của Chrome Engine 5 là một chuyện, còn nhiều yếu tố khác để co bạn phải có cảm giác đó nữa. Hệ thống tính điểm để có thể lên level khiến cho bạn muốn tạo combo hạ gục kẻ khác nhanh nhất và nhiều phong cách nhất có thể để chồng điểm. Cái trò “slow motion” tuy cũ nhưng lại tỏ ra vô cùng có ích mỗi khi chúng ta bị bao vây, và tin tôi đi chúng ta sẽ bị bao vây nhưng thành “quân đội một người” đột phá như thánh thần không ít lần đâu. Đã vậy, cái màn mà “Cơ hội cuối cùng” giúp chúng ta có thể né đạn như… Neo trong Matrix có phần sẽ khiến cho bạn tự tin để rambo hơn trong một lúc.

Việc nâng cấp level sẽ cho chúng ta những kỹ năng mới theo một hướng kha khá RPG như cây slow motion lâu hơn, khả năng bắn crit cao tốt hơn, có nhiều thuốc nổ hơn, v.v… Nhưng quan trọng là chúng sẽ giúp cho chúng ta có được súng tốt hơn mỗi khi bạn nâng đủ một đường nào đó. Súng ở trong game cũng không thật sự gọi là đa dạng, khi có súng sáu viên (với 3 loại khác nhau), súng trường và súng săn để chúng ta có thể cân bằng lối chơi tùy vào tình huống cụ thể.

Một trong những thứ của gameplay mà nó rất… khó nhưng lại khá gây nghiện đó chính là việc đấu súng. Yeah, cao bồi mà không có đấu súng tay đôi, thậm chí là tay ba/Mexican Stand-off thì làm sao gọi là cao bồi được. Và để đấu súng thì bạn có 3 yếu tố phải căn chỉnh cực kỳ chính xác đến mệt mỏi: rút súng nhanh, độ tập trung và thời gian. Cái thời gian thì vui vui là bạn phải rút súng sao cho cùng lúc với đối thủ, nếu không bạn sẽ bị lưu danh sử sách là “không có danh dự”, rút súng nhanh thì giúp tốc độ súng sẵn sàng cao hơn, và độ tập trung giúp bạn bắn chính xác hơn. Chưa tính bạn có thể né đạn nếu tay kia đã bắn… Nhưng để tập trung làm mấy việc cùng lúc vậy chả dễ chút nào.

Tựu chung, đây là một tựa game giải trí tuyệt vời ở mức trung bình khá, nhưng lại có thể nói là một game cao bồi cực tốt dù nó không cho ta cái cảm giác thật sự sống trong thế giới đó như GUN hay Red Dead Redemption làm được, nhưng nó lại mang một cái màu sắc huyễn hoặc rất “huyền thoại” như những gì chúng ta thường nghĩ khi nói đến cao bồi miền viễn tây.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện