Chơi game để thêm tin tưởng cuộc sống: tại sao không?

Huyền thoại ★

  

Tôi luôn tò mò về cách nhà phát hành kể những câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Cách những câu chuyện phải thay đổi thế nào để thích ứng với xã hội, vốn đòi hỏi mọi thứ phải kịch tính và rộn ràng hơn. Làm thế nào để mọi người – những người trẻ, những người đang suy tư nhiều về thế giới, lại bỏ thời gian và công sức để nghe kể một câu chuyện có đầu có cuối, những câu chuyện mà khi tắt máy là đã “hết hạn sử dụng”. Cuối cùng tôi nhận ra rằng: tất cả chúng ta đều muốn mơ mộng.

Một thế giới mơ mộng, nơi có đam mê mang lại kết quả, nơi có tình yêu đáp lại tình yêu, nơi sự nhân ái ngự trị, và dũng cảm sẽ đi kèm với vinh quang. Chúng ta hay chìm đắm vào những thế giới mơ mộng của bản thân, bởi vì chúng ta mong mỏi điều đó. Chúng ta không có niềm tin vào thế giới thật, mất đi hi vọng tìm kiếm những sự đẹp đẽ đó xung quanh. Một lúc nào đó, chúng ta nhận ra chúng ta chỉ là người vô danh trong trùng điệp những người. Không phải Edison, Einstein hay Carx. Chúng ta mệt mỏi, vô vọng, yếu đuối và bất lực trong chính những mong mỏi của chúng ta, và trốn tránh chúng trong những thứ cầm chừng hàng ngày.

Chúng ta tìm đến tôn giáo với được an ủi. Chúng ta tìm đến chất kích thích để cảm thấy vui. Chúng ta tìm đến mạng xã hội, đến internet, đến game để tìm sự quan tâm. Mỗi ngày trôi qua, điều chúng ta cần làm là cầu nguyện để cảm thấy được che chở, lên mạng đọc những thứ ta thích để thêm thích thú, đọc những thứ ta ghét để thêm căm ghét, và cuối ngày sẽ đi gặp bạn bè và uống chút bia, để cảm thấy vui vẻ thăng hoa. Những công việc đó rõ ràng và có những luật lệ đơn giản để nắm bắt và tuân theo. Chúa trời, cộng đồng mạng, thế giới ảo cho bạn cái dễ dàng của cuộc sống: quyền không phải đối mặt. Nó như thứ mơ mộng để xoa dịu thực tế, vốn có vẻ ngày càng tàn nhẫn với nhiều người. Một liều thuốc an thần, dành cho những thay đổi khó lường.

Giống như mọi thứ an thần, game là thứ giữ cho chúng ta không phát điên. Chìm vào trong game hay một thứ gì đó là một cảm giác thật dễ chịu. Tôi từng thử cố cai game, nhưng đến một lúc thì tôi cảm giác tôi phát điên rồi, những câu hỏi như: sống để làm gì, tại sao phải tốt đẹp, đánh nhau không… cứ vẩn vơ trong đầu tôi. Tôi lại chìm vào game, và sẽ ủ ê tệ hại vài tuần sau đó. Nhưng khi bước chân từ trong đó ra, tôi luôn cảm thấy mới mẻ và có niềm tin. Đáng kể hơn là tôi không còn suy tư “sống để làm gì” mỗi 1 phút 1 lần như trước nữa.

Thật buồn cười nhưng một trong những câu trả lời cho câu hỏi đó của tôi là: Sống để chơi game. Tôi lớn lên trong gia đình truyền thống và được giáo dục dể có cảm giác tội lỗi khi chơi game, kiểu như chơi game là cái gì đó vô bổ, xấu xa và không ý nghĩa. Tuy nhiên tôi thì không dứt ra được, và đều đặn như chuyện thích ai đó, cứ một vài năm tôi lại thích 1 game mới. Thích đến mức say mê và cuồng tín luôn. Để tránh cảm giác tội lỗi khi chơi game, tôi cố gắng chỉ chơi khi đã làm đủ công việc “hữu ích” trong ngày. Việc đó khó, khi bạn say đắm một cái gì đó, đôi khi việc thức dậy đúng giờ, làm đúng việc, ăn đúng thứ, ngủ đúng bữa lại trở thành một việc khó khăn.

Tuy nhiên tôi không còn cái quy chụp rằng game là xấu. Các cụ hồi xưa cũng trốn tránh thực tại trong rượu chè, trong bóng banh… Về cơ bản nó cũng là một hình thức giải trí, nó không lành mạnh hay đúng đắn hơn bất cứ hình thức nào. Tuy rằng bây giờ đã lớn và sống cần có trách nhiệm hơn, tôi cố gắng để mọi thứ làm sao được cân bằng. Tức là phải có trách nhiệm, nhưng cũng cần để ý bản thân. Để tránh một ngày tôi làm điều gì đó xấu xa kiểu như chế quả bom rồi đi cứu thế giới kiểu như Lucidi vậy.

Tôi nhận ra một điều quan trọng: game give me faith. Kiểu như chơi xong một game thì tôi có niềm tin nào đó, và việc chơi game (hay các hình thức nghệ thuật khác) giúp tôi “refresh” tâm hồn. Tôi không biết hạnh phúc là gì, nhưng chơi game (hay một vài việc khác) cho tôi niềm tin là tôi sẽ đạt được điều tôi muốn, tôi sẽ hạnh phúc… Vì thế nên lúc nào thấy cần bổ sung “faith – niềm tin” thì tôi lại chơi game. Khi ngẫm về điều này tôi thấy buồn cười ở chỗ: Liệu có phải niềm tin rằng mình sẽ hạnh phúc chính là hạnh phúc hay không?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly