Chuyện về Bethesda Softworks (P.5): Huyền thoại tái xuất

Khách quen

  

Fallout 3 là một thế giới hậu tận thế đầy ấn tượng không những có giá trị về nghệ thuật mà còn khiến chúng ta phải suy nghĩ trước từng hành động, để thực sự hòa mình và tồn tại nơi vùng đất chết khắc nghiệt ấy.

Sau những vinh quang Oblivion gặt hái được, như thường lệ Bethesda lại ngay lập tức bắt tay vào phát triển phiên bản The Elder Scrolls kế tiếp. Nhưng vẫn còn quá sớm để dồn toàn bộ nhân lực cho dự án này, bởi trước mắt vẫn còn một “món béo bở” để khai thác: Fallout. Mua bản quyền thực hiện các bản game sau Fallout 2 vào năm 2004, và thâu tóm hoàn toàn thương hiệu trứ danh này năm 2007, giờ đây khi Oblivion đã xuất chinh, cũng là lúc Todd Howard đáp lại lòng mong mỏi của người hâm mộ Fallout.

Cuối tháng Mười 2008, ngày về của dòng game lừng lẫy một thời cũng đã đến sau mười năm vắng bóng kể từ Fallout 2. Được đầu tư chiến dịch quảng bá rầm rộ, có thể thấy trò chơi được Bethesda chăm chút chẳng kém gì người anh em The Elder Scrolls. Fallout 3 vốn đã được hình thành bởi Black Isle từ nhiều năm trước với tên gọi Van Buren. Đáng tiếc, dự án đã bị hủy bỏ cùng với sự giải thể của Black Isle vào năm 2003. Khi quyền phát triển rơi vào tay Todd Howard, ông muốn tựa game mới này sẽ mang đậm dấu ấn Bethesda thay vì đi theo phong cách truyền thống của những bản Fallout trước đó. Vì thế nền móng của Van Buren bị loại bỏ hoàn toàn, Fallout 3 được phát triển lại từ đầu.

Đội ngũ phát triển Fallout 3

Như thế không có nghĩa là các tố chất làm nên thành công cho loạt game Fallout cũng bị khai trừ, trái lại Bethesda đã rất khéo léo lồng ghép sở trường của mình trên cơ sở tôn trọng những giá trị của dòng game từ những phiên bản đầu, mang lại cho bạn một Fallout 3 vừa thân quen vừa mới lạ, kế thừa đủ những tinh túy vốn có trên nền tảng gameplay của The Elder Scrolls. Vẫn tiếp tục trung thành với bối cảnh hậu tận thế quen thuộc, câu chuyện trong Fallout 3 diễn ra 36 năm sau sự kiện của Fallout 2, tức là năm 2277. Hai trăm năm đã trôi qua sau thảm họa hạt nhân khiến hành tinh trở thành thế giới điêu tàn, chỉ còn là những vùng đất chết bao trùm bởi lớp bụi phóng xạ và những sinh vật đột biến nguy hiểm. Những con người sống sót phải chui rúc trong các hệ thống đường hầm Vault để tránh nguy cơ tuyệt diệt, nhân vật của chúng ta đến từ Vault 101. Một ngày nọ, người cha đột nhiên biến mất đầy bí ẩn, bản thân nhân vật lại bị kết tội và truy bắt không rõ nguyên do, buộc phải trốn chạy lên mặt đất hoang tàn. Từ đây hành trình tìm kiếm người cha mất tích và lời giải cho mọi bí ẩn bắt đầu…

Với những ai mong chờ một tựa game độc đáo mà vẫn giữ được hương vị truyền thống vốn có, Bethesda đã không làm họ thất vọng. Thay vì đập thẳng vào mắt người chơi bộ công cụ chỉnh sửa dung nhan nhân vật ngay từ đầu, để mặc họ tô vẽ sau đó nhanh chóng bước chân vào cuộc phiêu lưu như The Elder Scrolls vẫn thường làm; Fallout 3 lại khởi đầu một cách thú vị hơn nhiều. Chúng ta sẽ theo chân nhân vật chính ngay từ lúc lọt lòng để quyết định giới tính, tên tuổi và diện mạo; đến khi một tuổi bạn sẽ được đọc quyển sách Youre SPECIAL và lựa chọn các thông số nhân vật theo cơ chế S.P.E.C.I.A.L quen thuộc của series Fallout; tiếp đó là trải qua thời thơ ấu cùng nhân vật cho đến ngày trưởng thành. Bethesda đã rất tài tình dẫn dắt người chơi làm quen với các yếu tố cơ bản như giao tiếp, chiến đấu, điều khiển,… một cách tự nhiên và đầy ấn tượng, giúp bạn dễ dàng nắm bắt những điều đó mà không bị choáng ngợp dù cho là cựu binh hay là người mới biết đến Fallout.

Những ngày thơ ấu ở Vault 101

Chia tay góc nhìn 2D top-down cùng lối chơi theo lượt đặc trưng từ thời Black Isle, Fallout 3 khoác lên mình một diện mạo mới gần với phong cách của Bethesda hơn. Khả năng chuyển đổi giữa hai góc nhìn người thứ nhất – thứ ba, bối cảnh tương lai và mảng combat thời gian thực với kho vũ khí phong phú từ súng ống đến dao búa là những yếu tố tạo cho Fallout 3 cảm giác như một game hành động, từ đó thu hút nhiều đối tượng gamer hơn là chỉ riêng cộng đồng nhập vai. Khác với The Elder Scrolls, trong Fallout 3 tồn tại hai loại máu: loại thứ nhất được thể hiện qua thanh Health bar thông thường, nhân vật sẽ chết nếu lượng máu này về con số không; và loại “máu” thứ hai là cho từng bộ phận trên cơ thể của mục tiêu. Hệ thống điểm Action Point (AP) của Fallout trước đây vẫn được giữ lại nhưng sử dụng cho mục đích khác. Fallout 3 giới thiệu cơ chế V.A.T.S – Vault-Tec Assisted Targeting System hoàn toàn mới, có khả năng cho phép người chơi tạm ngừng giữa trận chiến và lựa chọn nhắm bắn vào một bộ phận nào đó của đối phương. Với lượng điểm AP có hạn và tỉ lệ bắn trúng nhất định, V.A.T.S không phải tính năng có thể lạm dụng được. Thay vào đó nó giúp bạn dễ dàng đối phó hơn với từng loại kẻ thù trong game và chiếm được lợi thế để mau chóng giành chiến thắng. Ví dụ như, một pha headshot có thể khiến đối phương bỏ mạng ngay tức khắc hoặc mù mắt; bắn vào chân một con quái sẽ làm tốc độ nó chậm lại, cơ hội cho bạn sử dụng lối chơi hit-and-run thoải mái; bắn vào tay hoặc vũ khí sẽ giảm đáng kể sức sát thương của địch; hay thậm chí là làm cho chúng rơi vào trạng thái điên loại nếu bắn trúng một yếu điểm chí mạng. V.A.T.S không chỉ tăng chiều sâu cho lối chơi của Fallout 3 mà còn giúp cho mảng combat sự phấn khích tột đỉnh với những đòn kết liễu hết sức mãn nhãn dưới góc quay “bullet-time” đậm chất điện ảnh – điều mà Skyrim sau này cũng phải học hỏi. Sự thay đổi lớn từ yếu tố theo lượt sang hành động thời gian thực không phải là điểm dở, mà trái lại còn giúp game kịch tính hơn bằng những trải nghiệm mới lạ.

V.A.T.S là yếu tố đặc trưng của Fallout 3

Được nhào nặn bởi Bethesda, tất nhiên Fallout 3 cũng sở hữu thế giới mở rộng lớn như những người anh em “cùng mẹ khác cha” The Elder Scrolls. Cùng được thừa hưởng sức mạnh của Gamebryo và Havok engine từ Oblivion, thế giới Fallout 3 là vùng đất trải dài từ Washington D.C cho đến Bắc Virginia và một phần Maryland. Chẳng những xây dựng môi trường rộng lớn, Bethesda còn tái hiện rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng từ đời thực: Nhà Trắng, Đài tưởng niệm Thomas Jefferson, Đài tưởng niệm Lincoln, Nghĩa trang quốc gia Arlington, hay Tượng đài Washington. Bạn có thể viếng thăm tất cả những công trình danh tiếng ấy, nhưng dưới một góc nhìn khác: sau thảm họa hạt nhân. Thủ đô xinh đẹp giờ chỉ còn là những phế tích hoang tàn, cằn cỗi được biết đến với tên gọi Capital Wasteland. Khắp nơi đầy rẫy những sinh vật đột biến vì nhiễm chất phóng xạ, sinh sôi nảy nở suốt 200 năm qua: bò hai đầu Brahmin, bọ cạp và chuột chũi khổng lồ, robot, những gã lính đánh thuê và đạo tặc sẵn sàng tấn công bạn ngay khi lọt vào tầm mắt. Thế giới Fallout 3 mang đậm chất khoa học giả tưởng của thập niên 1950 từ những công nghệ tân tiến như súng laser và robot thông minh cho đến phong cách kiến trúc cổ điển; đó là những gì mà loạt game Fallout trước đây đã từng gầy dựng rất thành công, nay được Bethesda khắc họa hết sức sống động. Song song đó, những nhà thiết kế còn thể hiện sức sáng tạo của riêng mình qua các công trình độc đáo, chẳng hạn như thị trấn Megaton được dựng lên bởi những mái nhà tạm bợ, lụp xụp xếp chồng lên nhau, ở giữa là quả bom hạt nhân (đang chờ người chơi kích nổ); hay Rivet City hình thành từ xác một chiếc hàng không mẫu hạm khổng lồ từ cuộc chiến ngày xưa.

Washington D.C của năm 2277

Sự chân thực của thế giới game còn được thể hiện ở những cư dân của nó chứ không riêng gì các cảnh quan đặc sắc. Mỗi nhân vật bạn gặp gỡ đều có tính cách riêng, ẩn sau đó là những mưu đồ mà bạn chẳng thể nào đoán trước được. Tiếp xúc với đủ mọi hạng người như thế, những lựa chọn “đối nhân xử thế” của bạn được đánh giá bằng hệ thống Karma. Tùy vào hành động của mình mà bạn nhận được điểm Karma “tốt” hoặc “xấu”, và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ những con người xung quanh đối xử với bạn cũng như dẫn đến nhiều hệ quả khác nhau. Kiểu anh hùng hào hiệp giúp người tốt đánh bại kẻ xấu thường sẽ được nhiều người yêu mến, ngược lại nếu chọn làm kẻ đê tiện, chuyên cướp bóc lừa gạt thì người dân sẽ sợ hãi, xa lánh bạn. Nhưng quan trọng hơn hết, đôi khi hành động vì ý tốt của bạn lại đi đến kết cục ngoài ý muốn khiến bạn vô tình trở thành kẻ xấu xa. Điển hình như nhiệm vụ về quả bom hạt nhân tại Megaton, bạn có thể làm người tốt và thông báo cho cảnh sát trưởng về âm mưu của kẻ đã thuê bạn kích nổ nó, nhưng rồi sau đó ông ta sẽ bị ám sát thảm thương nếu bạn không kịp thời ngăn chặn bọn độc ác, thế là bỗng dưng bạn lại có tội làm vạ lây người khác. Nói ngắn gọn, Fallout 3 là một thế giới hậu tận thế đầy ấn tượng không những có giá trị về nghệ thuật mà còn khiến chúng ta phải suy nghĩ trước từng hành động, để thực sự hòa mình và tồn tại nơi vùng đất chết khắc nghiệt ấy.

Hãy suy nghĩ kỹ khi đưa ra một quyết định

Bethesda đã chứng rỏ rằng không hề coi nhẹ một series không phải do mình sáng lập, bởi hãng cũng chịu chơi đầu tư cho Fallout 3 chẳng kém gì Oblivion. Với sự tham gia lồng tiếng của các tài tử Hollywood như Liam Neeson và Ron Perlman cùng phần âm nhạc được nhà soạn nhạc nổi tiếng Inon Zur phụ trách, khó có thể chê nhiều điều về mảng nghe – nhìn trò chơi mang lại.

Dù không thể tránh khỏi một vài hạt sạn, nhưng chúng quá nhỏ nhặt so với những gì trò chơi thể hiện. Về mặt tài chính, Fallout 3 thậm chí còn thành công hơn cả Oblivion với 610.000 bản game được tiêu thụ trong tháng đầu tiên so với chỉ 500.000 của đàn anh trước đó. Tính từ ngày phát hành cuối tháng Mười 2008 cho đến hết năm, có đến 4,7 triệu bản đã được tẩu tán, ngoài sức mong đợi của Todd Howard. Các giải thưởng là điều chẳng còn xa lạ với những sản phẩm của Bethesda và lần này cũng không phải ngoại lệ, cùng với điểm số cao ngất ngưởng từ giới phê bình đủ sức đưa Fallout 3 trở thành đối thủ nặng ký của Mass Effect cùng năm đó. Với những gì gặt hái được, Fallout nghiễm nhiên là “con gà đẻ trứng vàng” thứ hai cho Bethesda, một hậu bản là điều nhanh chóng được nghĩ đến. Tiền đề tốt đẹp cho Fallout: New Vegas ra đời năm 2010. Nhưng đó lại là chuyện khác, bởi lẽ phiên bản này không phải do Bethesda Game Studios thực hiện nữa mà được giao cho một người “lạ mà quen” của làng game: Obsidian Entertainment – studios được thành lập bởi những cựu binh của Black Isle ngay sau khi hãng này tan rã. Hay nói cách khác, New Vegas đã được trao về tay chính những người khai sinh ra dòng game.

Vùng đất chết đang chờ đợi

Còn về phần Bethesda và Todd Howard, ngày Fallout 3 lên kệ cũng là lúc họ tập trung lại nhân lực, dồn sức cho ngày “cơn bão tuyết” The Elder Scrolls V: Skyrim càn quét.

Ps: Kỳ tiếp là Skyrim rồi nhé, bro nào đã trót hóng thì chịu khó hóng nốt vài hôm nữa nhé ^_^.

(còn tiếp)

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện