Đánh giá Assassin’s Creed Brotherhood – chương thứ hai của cuộc đời Ezio

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Thành công to lớn của Assassin’s Creed II là một lời đảm bảo về tương lai của series này, hơn thế nữa, cái kết khá lửng lơ của game cũng dẫn đến một điều nhiều người đã đoán được: game Assassin’s Creed tiếp theo sẽ tiếp tục xoay quanh cuộc đời của Ezio Auditore. Sau khi khám phá ra được một phần bí mật về các Pieces of Eden cũng như về chủng tộc bí ẩn – First Civilization, Those Who Came Before, Ezio nhận ra còn một thứ gì đó lớn hơn cả cuộc chiến giữa Assassins và Templars. Assassin’s Creed Brotherhood xảy ra ngay sau khi Assassin’s Creed II kết thúc, Ezio cùng chú mình Mario trở về Monteriggioni, nghĩ rằng rốt cuộc hành trình của họ đã kết thúc, giờ đây họ có thể sống yên bình, Ezio có thể nghỉ ngơi sau hơn hai mươi năm bôn ba vất vả.

Nhưng không, cuộc đời đâu có như mơ. Chương thứ hai của cuộc đời Ezio Auditore, tiếp tục là một chuyến phiêu lưu nữa, có điều giờ đây không còn là một hành trình trả thù đẫm máu nữa, mà là hành trình tìm lại công lý, hành trình đứng lên chống lại Templar ở thành phố vĩnh hằng – Roma.

Sau kết thúc ở phần game trước, Ezio đã đánh bại được Giáo hoàng Rodrigo, tuy nhiên thay vì giết hắn, anh tha mạng cho hắn, bởi vì anh hiểu: có giết Rodrigo thì gia đình anh cũng chẳng thể quay lại, máu không cần phải đổ nữa. Tuy nhiên, lòng nhân từ của Ezio đã đặt sai chỗ và nó dẫn đến sự kiện khiến cho Ezio tiếp tục phải ân hận. Rodrigo là Giáo hoàng, là kẻ có quyền lực lớn nhất toàn châu Âu, và một khi hắn còn sống, một khi hắn biết Apple of Eden đang nằm trong tay ai, kẻ đó sẽ không thể sống yên ổn. Machiavelli đã cảnh báo Ezio như thế, nhưng mọi chuyện đã quá trễ.

Mọi chuyện diễn ra sau đó đã chứng tỏ lời của Machiavelli là đúng, quân đội của nhà Borgia đột ngột tấn công Monteriggioni ngay… ngày hôm sau! Monteriggioni thất thủ, thành trì và cũng là nhà của gia đình Auditore suốt hai thế kỷ bị tàn phá, người dân kẻ phải chạy trốn, kẻ bị giết hại, và trong số những người ngã xuống, có cả người chú của Ezio – Mario Auditore. Một lần nữa Ezio lại mất người thân, một lần nữa Ezio lại bị tước đi gần như tất cả mọi thứ, một lẫn nữa Apple of Eden lại rơi vào tay Templar. Bản thân Ezio cũng bị thương, và sau khi dẫn mọi người trốn thoát và dặn em gái Claudia cùng mẹ đi về Firenze lánh nạn, Ezio lại quyết định tiếp tục hành trình của mình. Anh phải tiến tới Roma, phải chấm dứt sự cai trị độc tài của nhà Borgia, một lần và mãi mãi, anh phải chấm dứt những gì anh đã bắt đầu, không còn đường nào khác. Và như thế, hành trình của Ezio trong Assassin’s Creed Brotherhood bắt đầu, cũng với đau thương, mất mát và quyết tâm trả thù.

Hành trình của Ezio tại thành phố vĩnh hằng Roma xoay quanh việc anh lần lượt tìm gặp lại những người đồng đội của mình: Machiavelli, La Volpe, Bartolomeo hay Caterina và cùng nhau, họ lập kế hoạch phá vỡ sự cai trị của nhà Borgia từ tận gốc rễ bên trong và xây dựng lại hội Sát thủ tại chính Roma. Tất nhiên điều này không hề dễ dàng, bởi vì quyền lực của nhà Borgia đã cắm quá sâu trong lòng Roma, người dân thì bất bình nhưng sợ hãi không dám phản kháng. Để người dân Roma có đủ dũng khí để đứng lên chống lại nhà Borgia, họ cần một người lãnh đạo, họ cần một bằng chứng rằng nhà Borgia có thể bị lật đổ, và cuối cùng, họ cần một biểu tượng.

Ezio chính là biểu tượng ấy, hành trình của Ezio tại Roma bắt đầu với khao khát trả thù, nhưng nó dần biến thành hành trình đi tìm công lý. Công lý cho Mario Auditore, công lý cho Moteriggioni, và công lý cho thành Roma. Bởi vì cốt truyện chỉ gói gọn trong thành Roma, nên mọi hoạt động của Ezio cũng chỉ xoay quanh thành Roma. Đó là hỗ trợ cho các phe phái dưới trướng mình, mà tôi hay gọi vui là ba đảng tối cao: Đảng trộm cướp do La Volpe nắm giữ, Đảng đánh thuê do Bartolomeo nắm giữ và Đảng nhà thổ do chính em gái Ezio là Claudia nắm giữ. Ba phe phái này là những nguồn trợ giúp cực kỳ đắc lực cho Ezio khi họ có thể luồn sâu trong lòng nhân dân Roma, xuất kỳ bất ý tấn công nhà Borgia rồi lại rút đi êm ái. Nhưng tất nhiên đời đâu chỉ có thành công? Assassin’s Creed Brotherhood mở đầu với sự nghi kỵ giữa hai thành viên cốt cán của hội Sát thủ: La Volpe và Machiavelli, vì lẽ gì mà nhà Borgia tấn công Monteriggioni nhanh đến như vậy? Ai nói cho chúng biết Apple of Eden được cất ở đó? Chắc chắn có kẻ phản bội trong hàng ngũ của hội, nhưng đó là ai? La Volpe nghi ngờ Machiavelli vì ông thường xuyên qua lại với đám lính trong thành Roma, rồi hàng loạt biến cố ngẫu nhiên khiến sự nghi ngờ ngày càng lan rộng, thậm chí đến cả Ezio cũng có phần nghi kỵ.

Nhưng cuối cùng, Ezio vẫn chứng tỏ vì sao anh lại là lãnh đạo đúng nghĩa cho cuộc nổi dậy: Ezio vẫn tỉnh táo suy xét, vẫn tin tưởng Machiavelli mà không hành động hấp tấp như La Volpe. Để rồi khi mọi hiểu lầm được hóa giải, hội Sát thủ lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một điểm yếu trong cốt truyện của Assassin’s Creed Brotherhood là phản diện không được xuất sắc như Assassin’s Creed II. Phản diện chính lần này là con trai Rodrigo Borgia – Cesare Borgia. Nếu như Rodrigo âm trầm, đầy mưu mô và nguy hiểm, bí ẩn thì Cesare khá đơn giản: mục tiêu của hắn là thống trị toàn cõi Italia bằng vũ lực, và hắn thậm chí sẵn sàng giết chết Rodrigo, cha đẻ của mình khi Rodrigo có vẻ ngáng đường hắn (một kẻ đầy mưu mô như Rodrigo mà lại bị đầu độc dễ dàng thế thì… chán quá). Ở Cesare, tôi chỉ thấy được sự điên loạn và tàn bạo của hắn chứ không thấy sự bí ẩn và đáng sợ như Rodrigo. Nhưng dù sao, Cesare vẫn là một đối thủ đáng gờm với Ezio, và cuộc đấu cuối cùng giữa Ezio và Cesare khá là hoành tráng, giống như chính bản thân hành trình của Ezio vậy: hoành tráng, hào hùng, motif khá cũ nhưng vẫn hấp dẫn.

Một nét mới mẻ trong Assassin’s Creed Brotherhood là việc Ezio có thể “thu nạp” đệ tử cho đúng với cốt truyện. Song song với việc tổ chức cuộc nổi dậy chống lại nhà Borgia thì việc mở rộng hội Sát thủ cũng là điều cần thiết, vì vậy trong hành trình của mình, Ezio cũng thu nạp những người cùng chí hướng và đưa họ vào hội, trở thành tay chân đắc lực cho mình, đúng như tên của game vậy – Brotherhood. Ezio cũng gặp lại cả người bạn thân kiêm supporter số một của mình là Leonardo da Vinci, nhà sáng chế đại tài đang bị bắt phải làm việc cho nhà Borgia trong việc chế tạo những vũ khí tối tân nhờ kiến thức từ Apple of Eden, và khi gặp lại Ezio, chưa cần hỏi ông đã nói luôn cho Ezio biết những vũ khí đó đang ở đâu để anh tiện phá hủy chúng (bạn thân có khác).

Cốt truyện của Assassin’s Creed Brotherhood không chỉ xoay quanh công cuộc tiêu diệt nhà Borgia ở Roma, mà nó còn hé lộ một phần quá khứ của Ezio, đó là phần quá khứ về mối tình của Ezio với Cristina, một mối tình thật đẹp, nhưng thật bi thương. Đó là những mảnh ký ức rời rạc của Ezio mà chúng ta bắt gặp rải rác khắp Roma, đó là một đoạn loading screen đặc biệt khi Ezio cứ mãi chạy đuổi theo hình bóng của Cristina, gần ngay trước mặt mà không bao giờ chạm tới được. Ezio và Cristina yêu nhau, điều này đã được nhắc đến ở đoạn đầu Assassin’s Creed II, nhưng sau biến cố xảy đến với gia đình Ezio khiến anh phải lưu lạc, game không còn nhắc đến Cristina một lần nào nữa. Và đến tận Assassin’s Creed Brotherhood, chúng ta mới biết được đầy đủ về câu chuyện tình bi thương của họ.

Đó là khi Ezio và Cristina cùng nhau đem thi thể cha và anh em trai anh khỏi nơi hành hình để đem đi mai táng. Đó là khi Ezio muốn Cristian đi cùng mình nhưng vì gia đình còn đó, cô chẳng thể đi cùng anh. Đó là khi Ezio trao cho Cristina chiếc vòng cổ, minh chứng cho tình yêu của họ, để họ mãi mãi không quên nhau. Đó là khi Ezio trở về sau hai năm và đau đớn thay, đúng vào ngày Cristina quyết định lên xe hoa với người khác (ôi tôi ghét NTR!). Cristina chấp nhận lấy hôn phu của mình vì cô nghĩ Ezio đã chết, hoặc không bao giờ trở về, dù bản thân cô vẫn còn yêu Ezio sâu đậm. Nếu như Ezio lại đưa ra lời đề nghị như hai năm về trước, chắc chắn Cristina sẽ nghe theo, cô sẽ đi cùng anh và chuyện tình của họ sẽ có một cái kết thật viên mãn.

Nhưng đi cùng với một sát thủ như Ezio, nay đây mai đó, luôn bị cuốn vào những trận chiến nguy hiểm, Cristina có được an toàn không? Chắc rằng với Cristina, những nguy hiểm đó chẳng có nghĩa lý gì, nhưng với Ezio thì khác. Cristina có gia đình, rồi nếu cô lấy chồng, cô sẽ có một cuộc sống hạnh phúc và bình yên tại Firenze, điều đó tốt hơn nhiều so với việc đi theo một người bị coi là tội phạm như Ezio chứ? Với Ezio, tình yêu của anh với Cristina thật cao thượng, anh chỉ cầu người mình yêu được hạnh phúc, thế là đủ. Và như thế, anh ra tay cứu giúp hôn phu của Cristina – Manfredo, một kẻ cờ bạc, nợ nần, bắt hắn phải hứa sẽ yêu và chăm sóc Cristina, hoặc chính tay anh sẽ giết hắn.

Và rồi Ezio quay đi, không nói một lời với Cristina, bỏ lại cô với muôn vàn câu hỏi. Anh làm điều anh cho là đúng, là tốt cho Cristina. Nhưng với Cristina, có thật như thế là tốt hay không? Tình yêu đâu thể bị xóa bỏ dễ dàng như thế?

Và thế là chúng ta đến với tám năm sau đó, khi Ezio gặp lại Cristina tại lễ hội Carnival, đó là khi hai người gặp lại nhau, đó là khi Cristina lần đầu tiên nói ra suy nghĩ của mình cho Ezio. Cô trách cứ Ezio, nếu như anh yêu cô, thì sao lại bỏ cô lại với đám cưới đó? Anh cho rằng đó là điều đúng đắn ư? Cô đâu có quan tâm, vì người cô yêu vẫn là anh, vẫn là Ezio Auditore cơ mà? Điều Ezio cho là đúng, hóa ra lại rất sai, điều mà Ezio cho là tốt với Cristina, hóa ra lại chẳng tốt chút nào.

Thế rồi chúng ta đi đến mười hai năm sau đó, Ezio trở lại Firenze để tiêu diệt bè lũ Templar của Girolamo Savonarola. Nếu như bạn không rõ, thì Savonarola là kẻ cầm đầu một tôn giáo cuồng loạn, hắn cai trị Firenze, giết chóc, bắt bớ bất cứ kẻ nào chống đối, hắn khủng bố những nhà khoa học, đốt sách của họ và tiêu diệt bất cứ thứ gì hắn cho là “dị giáo”. Ezio trở về Firenze, và việc đầu tiên anh làm là tìm đến nhà của Cristina để chắc chắn cô an toàn… nhưng khi đến nơi, anh chỉ thấy chồng Cristina là Manfredo bị bè lũ tay chân của Savonarola đâm trọng thương, còn Cristina thì bị đuổi giết. Anh giết, giết tất cả những kẻ ngáng đường, anh chạy vội đến chỗ của Cristina… chỉ để thấy cô đang nằm đó, hấp hối.

Quá muộn rồi, không thể làm gì được nữa, trong hơi thở cuối cùng, Cristina trao lại cho Ezio chiếc vòng cổ anh trao cho cô hai mươi hai năm về trước. Sau ngần đó thời gian, cô vẫn yêu anh, vẫn chờ đợi anh. Nếu như có một cơ hội thứ hai cho họ… thì tốt biết mấy.


Cốt truyện chính của Assassin’s Creed Brotherhood không ấn tượng như Assassin’s Creed II, nhưng việc đưa phần cốt truyện về Ezio và Cristina vào đã tạo một ấn tượng mạnh hơn rất nhiều. Chúng ta lại càng đồng cảm hơn với Ezio, lại càng thấy đau đớn cho cuộc đời đầy bi thương của anh. Một lần nữa những suy nghĩ về Ezio lại trở về: anh trở thành một sát thủ vĩ đại, được bầu làm Mentor của hội, nhưng nếu đánh đổi tất cả những thứ ấy chỉ để lấy một cuộc sống bình thường với Cristina, Ezio sẽ đổi ngay mà không cần chần chừ. Rút cục, trở thành sát thủ là một lời nguyền, là bi kịch, chứ không phải một món quà.

Về phần cốt truyện ở hiện tại, tiếp nối những gì xảy ra ở cuối Assassin’s Creed II, nhóm của Desmond giờ chạy trốn về nơi trú ẩn cuối cùng ở Italia – chính là villa của nhà Auditore. Tại đó, Desmond tiếp tục khám phá về những bí ẩn của Apple of Eden, về chủng tộc tự xưng là The First Civilization hay Those Who Cam Before. Đến cuối cùng, nhóm của Desmond đã phát hiện ra bí mật về lời tiên tri của họ về cái ngày định mệnh 21/12/2012 và kết thúc bằng một ending không thể nào gây sốc hơn, đến mức đa số người chơi phải tự hỏi là “cái quái gì vừa xảy ra thế?”

Đồ họa của Assassin’s Creed Brotherhood không có thay đổi gì nhiều so với Assassin’s Creed II, có khác là cử động nhân vật đã mượt hơn, thành Roma rộng lớn và chi tiết hơn so với ba thành phố trong Assassin’s Creed II. Nhưng về tổng thể, đồ họa giữa hai phiên bản không có gì khác nhau nhiều lắm. Gameplay của Assassin’s Creed Brotherhood thì được cải tiến và phát triển hoàn thiện hơn so với Assassin’s Creed II. Chiến đấu giờ đã mượt mà và cảm giác “đã” hơn, cách thực hiện nhiệm vụ cũng đa dạng hơn vì có thêm cơ chế gọi sát thủ hỗ trợ hay khi đủ điều kiện, gọi một cơn “mưa tên” để tiêu diệt hết kẻ địch trong phạm vi nhất định. Thành Roma khá rộng lớn, vì vậy game đã cho phép chúng ta cưỡi ngựa đi khắp nơi chứ không còn phải “xuống ngựa buộc cương” như Assassin’s Creed II nữa. Hệ thống vũ khí vẫn rất đa dạng với nhiều loại vũ khí và nhiều hình dáng, chỉ số khác nhau, và việc mở khóa các vũ khí không còn đơn giản như trước khi có một số vũ khí bạn phải làm quest mới có thể mở và mua được. Assassin’s Creed Brotherhood cũng bổ sung một vũ khí khá bá đạo là cây nỏ – thứ lẽ ra đã xuất hiện từ phiên bản đầu tiên năm 2007 rồi – cây nỏ gần như là một vũ khí toàn diện: sát thương cực cao, không tiếng động, rất phù hợp cho những nhiệm vụ yêu cầu stealth. Một khi đã có được cây nỏ thì bạn chắc sẽ gần như chả dùng đến những con dao ném là bao đâu. Hệ thống nhiệm vụ phụ cũng cực kỳ đa dạng, ngoài những nhiệm vụ phụ đã có từ Assassin’s Creed II thì Assassin’s Creed Brotherhood đã thêm vào những hệ thống nhiệm vụ phụ mới hấp dẫn hơn là giải phóng những khu vực bị nhà Borgia chiếm đóng, tìm và tiêu hủy những vũ khí đặc biệt do Leonardo chế tạo hay khám phá hầm mộ, giờ đây thách thức và khó khăn hơn. Chúng ta cũng có thể gửi các sát thủ đệ tử đi làm nhiệm vụ để thu tiền và tăng EXP cho họ.


Một điểm mới nữa trong gameplay của Assassin’s Creed Brotherhood là một chế độ chơi mới: multiplayer. Chế độ multiplayer này tương đối thử thách khi một số người chơi nhất định sẽ được đưa vào một map, nhiệm vụ của mỗi người là ẩn mình vào các NPC và tìm cơ hội hạ sát người chơi khác. Nói nôm na thì đây là một trò chơi “mèo vờn chuột”, ai cũng có thể là thợ săn và ai cũng có thể là con mồi.

Phần âm nhạc của Assassin’s Creed Brotherhood cũng làm tốt vai trò của mình khi các bản nhạc nền rất phù hợp, nêu bật lên tình cảnh của Roma và sự hào hùng của cuộc nổi dậy do Ezio khởi xướng. Tuy vậy, bản thân tôi vẫn thích những bản nhạc của Assassin’s Creed II hơn.

Cũng như người đàn anh của mình, Assassin’s Creed Brotherhood cũng nhận được những điểm số rất cao và rất nhiều các giải thưởng từ các tạp chí uy tín về game. Doanh số bán của Assassin’s Creed Brotherhood tuy thấp hơn Assassin’s Creed II nhưng vẫn rất cao và đem về lợi nhuận lớn cho Ubisoft – 8 triệu bản bán ra trên các hệ máy PC, PS3, Xbox 360 và MAC.

Assassin’s Creed Brotherhood, cũng giống như Assassin’s Creed II, đều luôn được đánh giá là những tựa game Assassin’s Creed hay nhất trong series. Bản thân tôi thích Assassin’s Creed II hơn nhưng vẫn phải công nhận rằng Assassin’s Creed Brotherhood có gameplay hoàn thiện hơn rất nhiều, cốt truyện hào hùng, hoành tráng và vẫn cực kỳ ấn tượng, cùng một cái kết gây sốc. Hơn nữa, theo tôi, giá trị chơi lại của Assassin’s Creed Brotherhood cũng cao hơn vì hệ thống nhiệm vụ phụ hấp dẫn hơn nhiều. Nói tóm lại, Assassin’s Creed Brotherhood vẫn là một chương thứ hai của cuộc đời Ezio xuất sắc và cuốn hút.

Assassin’s Creed Brotherhood (PC/PS3/Xbox 360/MAC): 9/10

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện