Đánh giá Marvel’s Spider-Man

Insomniac Games, những người đã đứng sau những series có tiếng như là Ratchet & Clank, Spyro, Resistance,.. đã quay trở lại sau một thời gian ngắn vắng bóng trên Playstation với Spider-Man (SM), một trong những  nhân vật superhero có lẽ là được nhiều người biết đến nhất. Liệu Insomniac có thể giúp hình ảnh của chàng người nhện trong thế giới game vực lên hay không, sau khi game The Amazing Spider-Man 2 không có được sự đón nhận tích cực từ cả critic lẫn fan?

Đầu tiên là nói đến đồ họa trước. Chắc cũng nhiều người biết đến cái vụ “puddlegate” trước khi game ra mắt, đồn rằng SM đã bị downgrade đồ họa nhiều so với lần ra mắt ở E3 năm ngoái. Thú thật là tôi cũng đã khá là lo ngại về vấn đề này, nhưng mà sau khi xem video phân tích của Digital Foundry và được tận mắt sờ vào game, tôi mới kết luận rằng cái vụ này đúng là ngu xuẩn. Đây chắc chắn là con game open-world có đồ họa xuất sắc nhất năm nay tính đến hiện tại. Tuy là game không có hệ thống thay đổi ngày-đêm tự động nhưng mà cho dù là có là thời điểm nào thì thành phố New York lúc nào trông cũng rất đẹp, hoành tráng và rất chi tiết. Cái đáng nói nữa đó là thành phố New York không chỉ đẹp mà nó còn sống động nữa. Thành phố lúc nào cũng đông đúc người và xe cộ đi lại, chứ không như trong series Arkham từ City trở đi lần nào thành phố cũng bị di tản (tôi nói vậy thôi chứ không có ý dìm hàng series Arkham). Tôi dành kha khá thời gian chỉ đi bộ ở dưới đường, ngắm khung cảnh xung quanh, và tương tác với những người dân. Đúng vậy, mỗi khi Spider-man đáp xuống đường là có thể nghe thấy được những lời xì xào bàn tán sôi nổi, lúc thì tích cực lúc thì tiêu cực. Nói tóm gọn là về mảng này Insomniac đã là cực kì xuất sắc.

Nhưng chắc mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn đến phần gameplay. Tôi muốn nói trước là đây là game Spider-Man đầu tiên tôi chơi nên tôi không thể so sánh được với những game SM cũ, thay vì đó tôi sẽ so sánh SM với các phần Batman Arkham, không phải so sánh toàn bộ mà chỉ ở một số phần thôi.

Ngay từ khi bấm New Game thì cái đầu tiên SM giới thiệu đó là cơ chế đu tơ. Cơ chế đu tơ là cái mà tôi thấy khá nhiều diễn đàn mọi người đã tỏ vẻ hoài nghi, cho nên khi mà thấy đó là thứ mà NSX họ đập vào mặt mình đầu tiên thì chắc chắn họ cảm thấy tự tin lắm. Và đúng vậy, họ tự tin, và họ đã mang đến một trong những con game có cơ chế di chuyển mượt mà, tốc độ và đã tay nhất tôi từng chơi trong một thời gian dài. Thú thật là tôi không thể  nhớ nổi lần cuối tôi cảm thấy phê như vậy mỗi khi đi từ điểm A đến điểm B trong một game là từ lúc nào. Ban đầu mới làm quen thì có hơi khó điều khiển chút, nhưng khi đã học được cách đu tơ trong SM hoạt động thế nào thì thật sự khó có thể phàn nàn. Thêm một chút gia vị cho mỗi lần đu tơ đó là các animation của game được làm rất tốt, cảm giác cứ mỗi lần đu là được chứng kiến Spider-man múa ở trên không vậy. Muốn đu tơ nhanh cũng có cần một chút skill nữa. Bạn không thể cứ bấm bừa mà có thể bay nhanh được, mà phải căn thời điểm bắn và nhả tơ thế nào cho thật hợp lý. Ngoài ra còn có một vài kĩ năng như là kéo tơ để tăng tốc độ, lao đầu xuống lúc đang trên không,… Tuy là dễ học những cần được vận dụng tốt nếu muốn di chuyển chính xác ở tốc độ cao.

Sang đến phần combat, mảng này tôi cảm thấy vay mượn đôi chút ở serie Arkham (có thể tôi nói sai đấy, vì như đã nói ở trên là tôi chưa hề chơi các bản Spider-Man trước đây), nhưng mà SM vẫn có một chất riêng của nó để tạo nên sự khác biệt. Thay vì bấm tam giác để đỡ đòn như trong Arkham thì SM chỉ có thể né bằng nút tròn. Nghe thì có vẻ combat dễ dàng lắm, nhưng tôi xin cam đoan là không bởi vì có bấm loạn nút tròn đi nữa thì Spider-Man không thể nào né được hết tất cả các loại đòn. Và tôi muốn nói luôn là sẽ có những đoạn SM cảm giác rất là khó. Những đoạn combat về sau thì game liên tục đưa vào những tên lính cầm súng, cầm giáp và cả khiên cùng một lúc, khiến cho việc xoay sở khá là vất vả nếu không quen tay. Tôi chơi ở chế độ Amazing (Normal) nhưng ối lần chết ở những đoạn đánh base của bọn lính Sable vì nhiều lúc nó ném vào rất nhiều các loại lính special gây damage trâu. Combat của SM cũng đáng khen ở chỗ là nó không bó buộc là phải đánh nhau ở dưới mặt đất. Tôi có thể tung địch lên trời và làm vài cú air combo, đu tơ xung quanh chiến trường để thoát khỏi vòng vây. Hơn nữa SM còn có đến 7 gadget để mình tha hồ nghịch, tạo sự đa dạng trong lối chơi, và chúng cũng rất quan trọng vì không có chúng tôi cá bạn sẽ chết rất nhiều lần. Bạn có thể dùng Impact Web để  bắn tơ dính chặt đối thủ vào tường hay xuống đất chỉ với một phát, Web Bomb để nó nổ ra một đống tơ rất hữu hiệu để crowd control, hay là tung ra một con drone bắn ra tơ điện để vô hiệu hóa địch. Nhiều lúc nhảy vào vào một nhóm địch chỉ có 4 thằng thôi, tôi lôi cái Impact Web ra bắn 4 phát dính chặt chúng vào tường, vừa nhanh gọn nhẹ mà trông cũng hay mắt nữa. Gần như không một lần nào game để tôi spam cái nút vuông với tròn để né cả, và tôi nghĩ đấy là điều tốt.

Tất nhiên là Spider-Man không có nghĩa là lúc nào cũng đâm đầu thẳng vào chiến trường làm gì, nhiều lúc cũng phải dùng stealth để giảm bớt số lượng địch đi trước khi tham chiến. Tuy nhiên tôi phải nói là ở mảng này tôi hơi thất vọng vì stealth trong SM làm có phần sơ sài và hơi dễ quá. Nếu so với Arkham thì nó quá là đơn giản và dễ, một phần nữa là vì AI của lính trong SM có phần hơi tệ. Vài lần tôi khá chắc là tôi lỡ tay ấn vuông khi mà tên lính kia đang nhìn, nhưng mà lại chả có phản ứng gì. Nói đến AI thì đôi lúc đang trong combat thì địch có thể bị kẹt mà không thoát ra được ở một số chỗ, hơi đáng tiếc.

SM còn có một hệ thống upgrade rất là đa dạng. Ngoài cái skill tree như hầu hết các game open world khác, thì SM còn cho phép upgrade cả những gadget mà mình đang có, và những upgrade cho cả bộ suit mà Spidey đang mặc (có đến tầm 25 upgrade, và mỗi lần bạn được chọn 3 cái để ghép với suit). Còn nữa, SM cho người unlock đến 27 bộ suit khác nhau, mỗi bộ lại có một chưởng ultimate riêng của nó, nhưng hay ở chỗ là những ultimate đó không bị bó vào riêng một bộ suit nào, mà bạn có thể dùng bất cứ ultimate nào cùng với các suit khác tùy ý. Ví dụ như bộ Iron Spider trong Infinity War mới đây, ultimate cho phép Spidey mọc ra mấy cái chân nhện đằng sau lưng để hỗ trợ combat y như trong phim, hay bộ Noir làm cho đối phương không thể gọi backup khi Spidey bị phát hiện. Tất nhiên độ hữu dụng của nó thì còn tùy, nhưng mà nó khuyến khích tôi thử nghiệm với các build khác nhau để có những trải nghiệm khác nhau.

Một điểm trừ khá lớn của SM đó là thế giới open-world của nó. Đẹp thì có đẹp, nhưng mà các quest trong game lặp lại rất nhiều, lỗi mà nhiều game open-world khác mắc phải. Tất nhiên bạn có thể từ chối không làm, nhưng mà hệ thống upgrade của game cần bạn làm những nhiệm vụ đó để kiếm các token upgrade nên nó cũng không phải là vô nghĩa. Về mặt nội dung thì tất cả quest đều được lồng tiếng 100% (cũng không quá bất ngờ vì đây là một game triple-A mà). Cơ mà như đã nói ở trên, hệ thống đu tơ và combat được làm rất tốt nên độ nhàm chán được giảm đi đáng kể, bản thân tôi vừa hoàn thành 100% game mới hôm trước xong. Một điểm trừ nữa của SM đó là các cung đoạn stealth ngắn, khi mà  bạn phải điều khiển Mary Jane hoặc Miles để qua một đoạn nhất định. Những đoạn này tôi cảm thấy khá là thừa thải, một phần là vì nó ngắn, một phần là vì nó quá dễ và đơn giản. Nói là vậy nhưng mà tôi khá thích một đoạn stealth mà MJ và Spidey phải cùng nhau hợp tác để giải cứu con tin, chỉ mong là nếu có phần sau thì Insomniac có thể làm tốt hơn nữa.

Tất nhiên một game superhero mà không có các villain thì chắc sẽ chán lắm, may sao SM đây hội tụ cũng khá đông các villain đủ loại. Tất nhiên những ai đã xem hết các trailer rồi thì sẽ biết là game có Electro, Rhino, Scorpion, Kingpin, Shocker và Mr Negative. Còn có thêm 2 villain nữa nhưng chúng được giấu sau các sidequest, mình không muốn kể tên. Thú thật là các boss fight trong game đều khá hoành tráng, và chúng đều tận dụng những skill mà mình đã học được thông suốt game, nhưng mà tôi nghĩ là độ khó có thể tăng lên một nấc vì ở SM đây còn khá là dễ. Tuy vậy thì tôi vẫn kết luận là Insomniac đã làm tốt ở mảng này.

Sang đến phần story thì sao? Nói thật là vì đây là một game superhero nên trước khi chơi tôi không có mong đợi gì nhiều ở phần story, nhưng SM đã khiến tôi phải bất ngờ. Với những ai đã đọc comic rồi, hoặc chỉ cần xem phim thôi chắc cũng có thể đoán trước được một vài đoạn của story, nhưng SM vẫn có những đoạn chắc chắn sẽ làm bạn phải bất ngờ. Đáng nói hơi nữa là mặc dù Spider-Man có cái tông rất là nhẹ nhàng, có phần hài hước nhưng sẽ có những đoạn mà game không hề ngại trở nên dark. Những câu đối thoại của SM được viết rất tốt, đặc biệt là với mục đích gây hài. Những đoạn tôi thích hầu hết là những lần Spidey phun ra những câu banter với đùa gần như với tất cả các nhân vật mà hắn gặp. Mối quan hệ giữa Peter Parker và MJ cũng là một điểm sáng của game. Nó được viết rất là tốt, gần như không  hề có cảm giác của sự gượng gạo gì, những câu đối thoại diễn ra rất tự nhiên. Tóm lại là SM có một story phải nói là đáng nhớ, chắc chắn các fan Spider-Man sẽ khó có thể thất vọng với chất lượng và cách trình bày của SM đây.

Để kết thúc thì tôi muốn nói là Spider-Man là một game được làm cực kì chuẩn, có lẽ là một trong những game vui nhất tôi từng chơi. Tuy không phải là một masterpiece nhưng mà những gì Insomniac cần làm đúng thì họ đều làm rất xuất sắc, khiến cho những lỗi như là quest lặp lại hay là cơ chế stealth nhàm dễ dàng có thể tha thứ.

★★★★ – Một tựa game cần phải có nếu bạn sở hữu một cái PS4.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện