Đánh giá Metal Gear Solid V: The Phantom Pain

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain – một Metal Gear rất khác

Tính từ năm 2008 khi tuyệt phẩm Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots ra đời và khép lại câu chuyện về Solid Snake thì tưởng rằng Metal Gear sẽ khép lại ở đó. Nhưng phiên bản Peace Walker ra mắt năm 2010 cho hệ máy PSP lại vẽ ra một hướng đi khác: kể nốt câu chuyện về Big Boss. Và đúng như vậy, đến năm 2014, Metal Gear Solid V Ground Zeroes ra mắt với vai trò một phiên bản prologue cho game chính và nhận được rất nhiều lời khen ngợi vì gameplay hoàn hảo, khoác lên mình bộ cánh mới FOX Engine rất đẹp mà lại không đòi hỏi cấu hình quá cao, một phần dẫn truyện cực kỳ tốt để làm tiền đề cho phiên bản chính.

 

Một năm sau đó, The Phantom Pain ra mắt, và thực sự mọi người đã được một phen choáng ngợp. Gamer bình thường thì thấy một tựa game stealth với lối chơi cực kỳ có chiều sâu và thật sự hardcore – và nó là open world! Một nền tảng đồ họa bắt mắt và một cốt truyện đỉnh cao. Và với những người đã lớn lên với Metal Gear qua các hệ máy PS1, PS2, PS3, PSP thì đã “à” lên một tiếng: “Vậy ra Metal Gear đã trưởng thành đến như vậy sao?”. Viết tiếp câu chuyện của Ground Zeroes, và cũng là mảnh ghép cuối cùng vào câu chuyện của Big Boss. The Phantom Pain thật sự là một đoạn kết tuyệt vời cho Metal Gear.

9 năm sau các sự kiện ở Ground Zeroes khi Militaires Sans Frontières (MSF) – đội quân của Big Boss và Kazuhira Miller lập nên bị Cipher và XOF đánh úp và sụp đổ, Big Boss thì bị thương và hôn mê mất 9 năm. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình là kẻ mà cả thế giới muốn giết, những đồng đội cũ tại MSF đã chết, và ngay khi ông tỉnh dậy thì Cipher đã gửi ngay sát thủ đến để giết ông. Nhờ sự giúp đỡ của một bệnh nhân khác là Ishmael, Big Boss trốn thoát thành công, gặp lại Ocelot và được biết Kazuhira Miller đang bị bắt giữ. Để sống sót, và để trả thù Cipher cũng như XOF, Big Boss giải cứu Miller rồi cùng nhau, họ lập nên Diamond Dogs, và thề sẽ trả thù bằng bất cứ giá nào.

Và như vậy, The Phantom Pain bắt đầu, tại sao tôi lại nói đây là một Metal Gear rất khác? Bởi vì trong các tựa game Metal Gear khác, chiến tranh ác liệt đấy, người hy sinh rất nhiều, mỗi nhân vật cũng đều phải chịu mất mát, đau thương đến cùng cực, cả tinh thần lẫn thể xác, nhưng bao trùm lên tất cả, vẫn là tình đồng đội, vẫn là tình yêu thương, vẫn là tinh thần cao cả của những con người tuy tự nhận không phải anh hùng nhưng mà với chúng ta, họ thật sự là anh hùng. Đó là những thiên trường ca bất hủ, hào hùng. Nhưng sang tới The Phantom Pain, bao trùm lên tất cả là sự khát khao trả thù đến cháy bỏng, đến độ bất chấp tất cả, kể cả nhân tính. Big Boss, Kazuhira Miller, 9 năm về trước họ đã chứng kiến tất cả mọi thứ sụp đổ trước mắt. Nơi họ gọi là nhà, những đồng đội mà họ gọi là anh em, mọi thứ đã bị thiêu rụi 9 năm về trước, để rồi từ đống tro tàn của MSF ngày nào, Diamond Dogs đứng lên hiên ngang, và kẻ nào đã gây ra đau thương cho họ, kẻ đó sẽ phải chịu sự trừng phạt của Big Boss – Punished Venom Snake.

Đúng như vậy, toàn bộ The Phantom Pain là câu chuyện về những con người tuy khác nhau nhưng chung mục đích trả thù. Và để trả thù, họ có thể làm bất cứ điều gì. The Phantom Pain cũng là một trong những tựa game đánh rất sâu vào những góc tối trong tâm hồn một con người. Những thực trạng tàn khốc trên chiến trường cũng được thể hiện rất rõ, ở đây, chẳng có kẻ xấu hay người tốt, ở đây chỉ có kẻ chết và người sống mà thôi. Bạn tưởng rằng bạn không giết kẻ địch mà đem họ về căn cứ của bạn là tốt ư? Không, không hề đâu, họ sẽ phải chọn gia nhập với bạn, hoặc là chết. Bạn nghĩ bạn đưa những đứa trẻ là lính về là giúp chúng tránh xa sự chết chóc ư? Vậy sống giữa những người lính và súng đạn có khác gì sống trên chiến trường chứ? The Phantom Pain là vậy, trần trụi, tàn khốc, chết chóc, đúng như cái tên của mình.

Metal Gear lâu nay vẫn nổi tiếng là một series game có chất lượng không kém gì những bộ phim bom tấn của Hollywood, đó là vì chất điện ảnh của Metal Gear rất lớn, cũng như nhà làm game vĩ đại Hideo Kojima vậy – “70% con người tôi làm từ điện ảnh”. Khi chơi The Phantom Pain, bạn sẽ thật sự choáng ngợp bởi chất điện ảnh rất rõ ràng, những nhiệm vụ đầu tiên có nhịp độ chậm rãi như mở đầu, rồi càng về sau nhịp độ càng dồn dập cũng như cao trào tăng dần, để cuối cùng bùng nổ với mission “Sahelanthropus” khi bạn chiến đấu chống lại một mẫu Metal Gear khổng lồ vậy! Và cũng như bất cứ một tựa game Metal Gear nào, âm nhạc của The Phantom Pain cũng thật sự rất tuyệt hảo khi nhạc của game là những bản nhạc cùng thời với mốc thời gian 1984-1985 của game, tôi có thể nghe đi nghe lại những Elegia, Take on me, The man who sold the world, Sins of the Father hay Nuclear. Chúng thật sự rất tuyệt vời!

Và càng về sau game, bạn sẽ càng bị cuốn vào câu chuyện, càng nhập tâm vào những nhân vật đó. Và một trong những mission mà tôi đánh giá cao nhất chính là mission 43 – Shining Lights, Even in Death. Quá đau đớn, quá tàn khốc, quá chân thật nhưng cũng quá cảm động. Metal Gear luôn khiến người chơi phải bất ngờ.

Điểm sáng giá nhất của The Phantom Pain, dĩ nhiên là gameplay. Có thể nói stealth trong The Phantom Pain đã đạt đến độ hoàn hảo. Chuyển mình ra thế giới mở, không còn tuyến tính nữa, giờ đây bạn có vô vàn cách để thực hiện nhiệm vụ, và độ khó của game cũng như độ thông minh của các NPC sẽ thay đổi dựa theo cách chơi của bạn. Đây thật sự là một điểm cộng hoàn hảo cho game khi cách bạn chơi game thật sự có ảnh hưởng đến các yếu tố trong game khi AI của các NPC sẽ học hỏi từ những mission trước để vạch ra chiến lược đối phó với bạn. Vì vậy, hãy thông minh và linh hoạt khi chơi The Phantom Pain.


Mặc dù vậy, The Phantom Pain không hoàn hảo. Nó vẫn còn những điểm trừ, một phần là do sự thúc ép quá đáng đến từ phía Konami và rồi kết quả là The Phantom Pain rất hụt ở phần sau. Sự phát triển nhân vật cũng chưa thật sự được thể hiện tốt như những gì mà một tựa game “mắt xích” cần có. Nhưng dẫu sao, The Phantom Pain cũng rất đáng có được một chỗ đứng trong danh sách những game tuyệt vời nhất. Chưa thể sánh vai với các tượng đài của series Metal Gear như Metal Gear Solid 3: Snake Eater hay Metal Gear Solid 4: Guns of the Patriots, nhưng Metal Gear Solid V: The Phantom Pain vẫn thật sự tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Metal Gear Solid V: The Phantom Pain (PC/PS3/PS4/Xbox 360/Xbox ONE): 8,5/10

 

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện