Đánh giá Middle-earth: Shadow of Mordor

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Ok, chắc chắn nhiều người đã từng nghe tôi phàn nàn về hai tựa game Middle-earth của Monolith rồi và chắc mọi người cũng nghĩ là tôi ghét chúng lắm nhỉ? Thực ra công bằng mà nói tôi chỉ ghét phần thứ hai là Shadow of War mà thôi vì cái cốt truyện dở hơi của nó (cho dù có là non-canon thì việc fuck up nguyên tác với tôi vẫn khó chấp nhận). Phần game đầu tiên – Shadow of Mordor thực ra lại là một trong những game yêu thích của tôi đấy chứ. Và sau đây sẽ là review chi tiết cho Middle-earth: Shadow of Mordor.

Những điều bạn sẽ thích

Đầu tiên, thứ đáng giá nhất ở Shadow of Mordor (SoM) chính là gameplay của nó. Nếu ai đã từng chơi qua series Batman Arkham thì sẽ thấy cực kỳ quen thuộc. Thậm chí lúc mới ra mắt SoM còn bị chỉ trích vì gần như bê nguyên cái gameplay của Batman Arkham sang, nhưng thực sự thì dù có giống nhau nhưng gameplay của SoM vẫn có điểm khác biệt so với Batman Arkham.

Trong SoM, có một cơ chế rất hay đó là việc upgrade vũ khí thông qua các chữ cái của Cổ ngữ Rune. Nhân vật chính Talion có ba loại vũ khí là Kiếm dài (Sword), Dao găm (Dagger) và Cung (Bow). Mỗi vũ khí sẽ có 5 slot cho 5 chữ Rune, slot đầu là có sẵn, 4 slot sau bạn sẽ phải đi làm quest để lấy “Mirrian” – thứ dùng để unlock các Rune slots và cũng còn để upgrade thanh HP, thanh Focus,… Nhưng tất nhiên các chữ cái Rune cũng không hề có sẵn, Talion sẽ thu thập được một chữ cái Rune sau khi đánh bại một Captain hoặc một Warchief. Có hai loại Rune là Regular Rune và Epic Rune, Epic Rune thì tỉ lệ xuất hiện thấp hơn nhưng vì vậy mà sức mạnh của Epic Rune cũng cao hơn nhiều. Việc đưa cơ chế này vào sẽ kích thích người chơi đi làm side quest nhiều hơn, vì càng tiêu diệt nhiều tên Orcs, Talion càng nhận được nhiều XP, từ đó mở được nhiều skill hơn. Về nửa sau của game thì Talion thậm chí còn có thêm một kỹ năng mà tôi gọi là “hack não” kẻ địch, nghĩa là Talion có thể biến một tên Orc, hay thậm chí là cả Captain hay Warchief trở thành tay sai cho mình, việc này sẽ khiến những trận chiến đỡ căng thẳng hơn và nhìn nó epic hơn.

Một cơ chế nữa tôi thấy rất hay – đó là cơ chế Nemesis. Nói cho dễ hiểu thì là mỗi lần Talion giết một tên Captain hay Warchief thì sẽ có một kẻ khác thay vào vị trí đó, điều này rất giống với cơ chế tổ chức quân đội của Mordor, mạnh được yếu thua. Hoặc mỗi lần Talion không đánh bại được kẻ địch thì hắn sẽ tăng sức mạnh lên, lần đối đầu sau sẽ khó hơn nhưng phần thưởng cũng lớn hơn. Về sau khi đã có thêm skill “hack não” thì cơ chế Nemesis này bị giảm hiệu lực đi, vì Talion có giết kẻ địch đâu mà biến hắn thành thuộc hạ của mình cơ mà. Thêm nữa là có cơ chế “tha mạng”, nghĩa là Talion sẽ tha mạng cho kẻ địch và thả hắn đi, tên được tha sẽ trở về và kể với đồng bọn của hắn về Talion và sự sợ hãi Talion của bọn Orcs sẽ tăng lên.

Số lượng quest trong game cũng không thể gọi là quá nhiều hay đa dạng được. Số quest đủ nhiều và đủ đa dạng để bạn khám phá mà không đến mức quá chán. Thực ra thì vẫn đủ hấp dẫn nhờ cái cơ chế kiếm Mirrian để upgrade và unlock Rune slot, cộng với việc đi kiếm thêm Rune để tăng sức mạnh cho vũ khí. Thường thì tôi sẽ đi làm side quest đến lúc nào thấy tạm ổn hoặc chán thì thôi để nâng cấp cho Talion rồi mới đi làm main quest.

SoM là một game action/adventure và open world, thế giới của SoM không quá bao la nhưng đủ rộng để Talion khám phá. SoM có năm khu vực (regions): Cirith Ungol, Gorgoroth, Minas Ithil/Minas Morgul, Nurnen và Seregost chia làm hai map lớn là Udun và Nurn ứng với hai nửa của cốt truyện. Xét theo mặt bằng của một game open world thì thế giới của SoM tuy không rỗng nhưng cũng chẳng thể gọi là có nhiều thứ để khám phá được. Điều này cũng giống với thế giới của Metal Gear Solid V khi thực sự hấp dẫn là ở những trại lính hay căn cứ mà thôi. SoM cũng vậy, ngoại trừ các khu đồn trú, các pháo đài thì Talion cũng chỉ có thể đi vòng vòng quanh map để kiếm Herb, thi thoảng gặp một đoàn Orc đi tuần thì nhào vào chém giết một chút mà thôi. SoM cũng có một cơ chế giống Viewpoint Synchronization của Assassin’s Creed hay Radio Tower của Far Cry, đó là Forge Tower. Có tất cả 12 Forge Tower trong SoM, Talion sẽ trèo lên đỉnh 12 ngọn tháp đó và “làm sáng” bản đồ một khu vực nhất định.

Tiếp đến hãy nói về đồ họa của game. SoM ra mắt năm 2014, là năm chuyển giao giữa current gen và next gen, game ra mắt cho cả hai thế hệ nên đồ họa nằm đâu đó khoảng giữa. Nghĩa là đẹp hơn current gen nhưng vẫn chưa lung linh, đẹp mắt như một game thuần next gen. Thực ra thì điều này không ảnh hưởng nhiều vì lối đồ họa của SoM cũng không quá đề cao cái đó, bối cảnh của game là Vùng đất bóng tối Mordor nên nếu mà đồ họa lung linh quá cũng không hợp, mà vốn dĩ Mordor trong game cũng chưa thực sự đúng nguyên tác lắm rồi. Nói chung đồ họa của game ở mức khá, đủ đẹp với một game action/adventure năm 2014. Về sau thì phiên bản GOTY đã cung cấp thêm một pack HD Texture thì đồ họa cũng có đẹp lên thêm rồi.

Phần âm nhạc và lồng tiếng trong game nói chung cũng ở mức khá mà thôi. Âm nhạc nhìn chung tốt, thể hiện được cái tăm tối của bối cảnh game. Lồng tiếng cũng vậy, ở mức khá, cũng đủ để phân biệt giọng các nhân vật, nhưng giọng của bọn Orcs nó cứ na ná nhau, mà thực sự cũng chả quan trọng lắm. Game cũng sử dụng một số câu thoại trong nguyên gốc, cũng như một số reference đến cuốn The Silmarillion, nhưng cái này chắc chỉ có fan như tôi mới để ý và biết thôi chứ người bình thường có lẽ cũng chả để tâm.

Những điều bạn sẽ ghét

Ok, khen đủ rồi, giờ đến phần phê bình. Thực sự cái phần “Bạn sẽ ghét” này tôi không chắc là mọi người cũng sẽ thấy thế, vì đây là những thứ mà tôi – trên cương vị một Tolkienist thấy không hài lòng mà thôi. Thôi thì mọi người tham khảo ý kiến của tôi vậy.

Cốt truyện của game là thứ đầu tiên tôi không hài lòng, mặc dù biết nó là non-canon, nhưng mà, bạn biết đấy, cảm giác tác phẩm mình yêu thích bị xào nấu lại một cách khá vớ vẩn nó vẫn cực kỳ khó chịu. SoM kể câu chuyện về một Ranger của Gondor, với nhiệm vụ canh giữ Black Gate, cánh cổng dẫn vào Mordor, mà thực sự Gondor không có người nào được gọi là Ranger hết. Ranger là từ gọi những dòng dõi cuối cùng của hoàng gia Arnor, vương quốc anh em với Gondor. Lính của Gondor đơn giản chỉ là Soldier mà thôi, chi tiết này có thể do tôi quá chi ly. Nhưng thôi, đến với câu chuyện chính. Vào một ngày khi đạo quân Orcs của Mordor, dẫn đầu bởi một kẻ có tên là Black Hand of Sauron tấn công vào cứ điểm của Talion, anh và cả gia đình bị bắt và bị đem làm vật hiến tế cho nghi lễ Blood Sacrifice của Black Hand. Nghi lễ này thực hiện để triệu gọi linh hồn một Elf Lord trở lại trần thế.

Tôi sẽ nói đến nguyên tác một chút ở đây. Về cơ bản thì MỌI linh hồn của Elf sau khi chết đều phải trở về một nơi gọi là “Ngôi nhà của Mandos”, chỉ có thượng đế mới có quyền gửi linh hồn một Elf trở lại hay không. Sauron, kẻ đứng đầu Mordor còn không có quyền năng lớn vậy mà một thằng tay sai của Sauron lại có thể? Mà chỉ qua mấy câu chú vớ vẩn và cắt cổ ba người nhà Talion là xong á? Dù sao thì, linh hồn Elf Lord đó trở lại thật nhưng lại nhập vào Talion, vì vậy Talion sống lại, dù lẽ ra anh đã chết. Cùng nhau Talion và linh hồn kia bắt đầu hành trình trả thù Black Hand, và cũng đi tìm danh tính của Elf Lord đó.

Rồi thì trong cuộc hành trình, dần dần danh tính linh hồn ấy lộ ra: đó là Celebrimbor, một Elf thợ rèn, người đã rèn nên 19 cái Rings of Power nổi tiếng đã được đề cập đến trong Lord of the Rings: 9 chiếc cho Con Người, 7 chiếc cho Người Lùn và 3 chiếc cho Elf. Phần quá khứ của Celebrimbor thì tôi cũng như các fan đã quá rõ rồi, và game cũng nói… gần đúng như vậy: Celebrimbor bị Sauron lừa gạt, Sauron cho Celebrimbor những tri thức để rèn nên các Rings of Power, rồi Celebrimbor nhận ra âm mưu của hắn. Ông trốn đi, đem theo 3 chiếc nhẫn của Elf chưa bị vấy bẩn. Sauron trở về Mordor và rèn ra The One Ring, hắn tấn công Celebrimbor để cướp 3 nhẫn của Elf, Celebrimbor bị giết nhưng đã kịp giấu chúng đi. Tôi đã nói, ừ, thế thì có vấn đề gì đâu nhỉ? Nhưng mà thực chất game đã xào nấu lại một chút: Celebrimbor không bị giết mà bị bắt đem về Mordor và… giúp Sauron rèn The One Ring, rồi nhân thời cơ trộm nó, dùng quyền năng của The One Ring để thách thức Sauron và tất nhiên là thất bại.


Có lẽ các bạn sẽ thấy là cái này nó bất ngờ quá, một cú twist quá hay! Nhưng mà tôi thì thấy tương đối khó chịu, dù biết đây là non-canon, nhưng mà thôi, các bạn thông cảm cho fan Tolkien như tôi chứ nhỉ?

Thôi bỏ qua chuyện xào nấu thì phải nói thật cốt truyện của SoM quá đỗi bình thường, một motif thường thấy và thực sự không hấp dẫn cho lắm. Nó chỉ đóng vai trò kết nối các quest lại với nhau thì đúng hơn. Chưa kể phần cuối của game cũng quá hụt, quá nhanh và chẳng đọng lại ấn tượng gì ngoài cái câu gây sốc của Talion: “The time has come for a new Ring”, hơi bị kiêu ngạo rồi đó. Màn đánh boss cuối cũng không thể nào nhạt hơn khi bạn xem một đoạn cutscene ngắn rồi… đánh bại hắn bằng QTE! Bộ không thể làm màn đánh boss cuối nó hay hơn một tý được hay sao hả trời? Tôi đi đánh mấy thằng Warchief còn hay hơn đánh boss cuối ấy!

Tổng kết

Nhìn chung, về tổng thể đây vẫn là một game đáng chơi. Gameplay thực sự quá xuất sắc nên có thể bù lại những khiếm khuyết tôi đã nêu ở trên. SoM không phải một game chú trọng nhiều đến cốt truyện mà tập trung cho gameplay, một tựa game khá thích hợp để xả stress.

Middle-earth: Shadow of Mordor (PC/PS3/PS4/Xbox 360/Xbox ONE/MAC/Linux): 8/10


Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly