Đánh giá Rainbow Six Siege: Operation Grim Sky

Khách mới

  

Rainbow Six Siege
Hệ máy: PC
Phiên bản: Operation Grim Sky (04/09/2018)

Rainbow Six Siege được phát hành vào năm 2015 bởi Ubisoft. Đây là dự án được thay thế cho bản Patriots được giới thiệu vào năm 2011. Lấy cảm hứng từ đặc nhiệm chống khủng bố trên toàn thế giới, người chơi sẽ được vào vai dưới dạng một người lính đặc nhiệm (Operator), cùng phối hợp với những người lính khác để hoàn thành nhiệm vụ.

Khác với những bản tiền bối khác, đây là phiên bản không có mục phần chơi đơn và tập trung hoàn toàn vào phần chơi mạng. Ubisoft cũng đã đưa ra tuyên bố sẽ hỗ trợ game ít nhất là cho đến khi game có đủ 50-100 Operator, như một khẳng định nỗ lực cam kết hỗ trợ đứa con cưng của mình tới cộng đồng.

Sau 3 năm phát triển, game cũng đã phát triển và có một vị thế riêng trong thể loại FPS. Và đến với mùa thứ ba, chiến dịch Grim Sky (Operation Grim Sky) vừa ra mắt cùng với 2 Operator mới, một map remake lại và rất nhiều những thay đổi khác nữa. Với hơn 50 tiếng mình bỏ ra với game này, trải nghiệm mỗi người có thể khác nhau, nhưng mình hy vọng sẽ đem đến bạn đọc một cảm nhận chung và cuối cùng mình sẽ đánh giá.

Chào mừng Operation Grim Sky (Năm 3 Mùa 3)

Mặc dù mình đến với game có thể muộn hơn với Operation Para Bellum (Năm 3 Mùa 2), thời điểm lúc đó Gaben đang mở summer sales, nhưng lần đầu tiên mình trải nghiệm đó là vào hồi tháng 3, khoảng thời gian lúc đó Ubisoft cho chơi thử vào cuối tuần. Game có độ dày hơn 50 GB tải thì phải gọi là lầy lội. Khi mới vào game thử một game multiplayer, lúc đó con người mình có thể gói gọn trong cái meme dưới này.

Bên địch thủ có hai quả bom trong một căn biệt thự trên nóc toà nhà ở Nhật Bản, đội đặc nhiệm được giao trọng trách phải gỡ một trong hai quả bom. Nghe có vẻ nguy hiểm, yêu cầu chuyên môn và nghiệp vụ cao, còn mình thì bằng cách nào đó, mới làm quen game được hơn 30 phút và đã ra luôn thực địa. Đến thời điểm hành động, mọi người trong đội không ai nói năng gì, nhưng có vẻ đều biết công việc của mình. Well, mình phải làm gì ý nhỉ? Không biết sử dụng drone lấy thông tin, di chuyển lớ ngớ và sau đó thì lăn quay ra chết. Không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Đổi sang bên phòng thủ thì đang loay hoay đặt khiên, hai ánh mắt nhìn nhau qua cửa sổ một giây và bùm, mình lại lăn quay ra chết mà vẫn không hiểu mình làm gì sai ở đâu.

Nhưng đến khi quen rồi, game trở nên dễ thở hơn, không đến mức nhẹ như lông hồng, nhưng đủ để vực dậy được sau mỗi lần vấp ngã.

Và vào ngày 4/9 vừa rồi (theo giờ Việt Nam), Operation Grim Sky được chính thức ra mắt.

CHUẨN BỊ

Giao diện chính

Khi mới bật game lên, sau video intro nhà sản xuất Ubisoft và hãng công nghệ Nvidia, chào đón đôi tai của bạn với nhạc nền violon xen đầy u ám như cũng như chính cái bầu trời mà người ta hay liên tưởng tới nước Anh vậy: nhiều mây, ảm đạm, mưa quanh năm. Giao diện chính hiện ra, mỗi một mùa lại có một hình nền động khác nhau, giới thiệu các Operator mới ra mắt, ở đây là Clash – chuyên gia về xử lý bạo động ở London, và Maverick – sĩ quan tình báo từng hoạt động Kabul (thủ đô Afghanistan).

Game có 3 chế độ: Situations, Multiplayer và Terrorist Hunt.

  • Situations: gồm 10 màn chơi offline, được thiết kế để hướng dẫn người chơi làm quen với cơ chế của game và một số Operator qua những tình huống khác nhau.
  • Mutiplayer: Đây là chế độ chính của game, chia ra làm 3 chế độ: Casual, Ranked, và Custom Game.Trong Multiplayer lại có 3 chế độ nhỏ: Hostage (giải cứu con tin), Secure Area (chiếm khu vực), Bomb (gỡ bom). Mình thấy nhiều game có nhiều chế độ nhỏ nhưng hầu hết cộng đồng chỉ tập trung vào một hai chế độ nhất định, nhưng luật của game Rainbow Six Siege nhất quán và đều phù hợp với cả 3 chế độ nhỏ: Hai đội tấn công (ATK) và phòng thủ (DEF), mỗi đội 5 người, hết 1 round đổi bên cho nhau. Trước khi bắt đầu trận đấu, bên ATK có thời gian để chạy các con drone nhỏ điều tra mục tiêu chính, quân địch và môi trường xung quanh, bên DEF có thời gian để kiên cố tường, chắn cửa sổ, lắp các trang bị để ngăn không cho ATK đến được với mục tiêu. Hệ thống matchmaking quyết định map và chế độ đóng góp một phần không nhỏ vào việc nhất quán này. Tất nhiên bạn có thể chọn chế độ nhỏ khi matchmaking trong mục Settings.

» Casual: Đây là chế độ multiplayer phổ biến dành cho những người mới chơi. Vì tính chất thoải mái như cái tên của nó, sau khi hết trận đấu, người chơi được thưởng tiền dưới dạng Reown và kinh nghiệm lên level, không có sự sát phạt nào nên đây cũng là chế độ để tấu hài có những thời gian vui vẻ.

» Ranked: Đây là chế độ đấu xếp hạng, có tính sát phạt cao. Yêu cầu tối thiểu phải từ level 20 trở lên. Mình theo dõi ý kiến nhiều người trong cộng đồng, và đều đưa ra là hãy chắn chắn là mình đã đủ cứng thì mới nên vào. Không ai muốn làm một cục tạ cả. Chế độ này cũng đưa nhiều chiến thuật hơn, mỗi thành viên bên ATK có thể quyết định chọn khu vực để bắt đầu game, cũng như bên DEF có thể chọn khu vực để đặt mục tiêu phòng thủ trước khi bắt đầu một round. Hiện Ranked vẫn đang dán mác beta nên tương lai tới sẽ có điều chỉnh. Chỉ có thời gian mới trả lời Ubisoft đang suy tính gì.

» Custom game: Đây là chế độ tạo phòng, có thể đưa ra luật lệ riêng, tự chọn map. Đặc biệt có một có chức năng gia tăng tính chân thực: tắt phần lớn các thứ trong HUD, cơ chế nạp đạn giống đời thực (không phải kiểu thiếu bao nhiêu thì bù bấy nhiêu như mọi game). Không được thưởng Reowned và XP.

  • Terrorist Hunt: Đây là chế độ Co-op của game, địch ở đây là sẽ được điều khiển bởi AI và có tên là tổ chức khủng bố giả tưởng “White Masks”. Chế độ có 3 độ khó được lựa chọn bởi người chơi và 2 tình huống được quyết định bởi hệ thống matchmaking:

» Terrorist Hunt Classic: chế độ đã khá quen thuộc với fan của Rainbow Six. Giết hết tất cả địch trong bản đồ nhưng được tối giản hoá phần chiến thuật đi.

» Protect Asset: phòng thủ ngăn không địch tiếp cận tới con tin. Cách chơi khá giống khi chơi bên phòng thủ trong multiplayer nhưng địch sẽ đến theo từng đợt, và phải qua hết đợt thì mới thắng.

HÀNH ĐỘNG

Với những ai đã quen với dòng game Call of Duty và Battlefield, thì bước sang Rainbow Six Siege sẽ không thấy khó khăn gì về việc di chuyển và điều khiển nhân vật. Animation của nhân vật được đầu tư một cách kĩ càng, tạo cảm giác như vuốt mái tóc vừa gội Sunsilk xong, mượt mààààààààà. Nhưng có một điểm khác biệt, hai tựa game nói trên tuy mặc dù khác nhau về phong cách, quy mô đều có một điểm chung là nhịp độ nhanh, và di chuyển liên tục.


Với Rainbow Six Siege thì đó lại là câu chuyện khác. Mặc dù có nút Shift (mặc định) để chạy như thường thấy ở các game FPS, nhưng cảm giác tốc độ của nhân vật đã bị chậm lại một cách đáng kể, di chuyển cục nịch. Từng bước chân dậm mạnh lên sàn, đem lại cảm giác nặng nề, cùng lúc animation cầm súng đảo qua đảo lại khi không ngắm càng gia tăng cái cảm giác chân thực. Nhân vật có thể lượn trái lượn phải, để có thể ti hí và giảm thiểu vùng thân bị lộ diện, cũng khá giống với tựa game Wolfenstein reboot, nhưng đơn giản hơn chỉ với một nút bấm. Là lính đặc nhiệm nên cơ thể nhân vật vững chãi khi vừa di chuyển vừa cúi người, k nhấp nhỏm như lúc di chuyển và ngồi như góc nhìn thứ nhất bên PUBG.

Bạn không tìm được nhiều game FPS mà có thể nhìn thấy chân của nhân vật đâu

Súng ở trong này khá là giật, kể cả khi bạn lắp thêm phụ kiện tay cầm với nòng súng thì cũng vẫn cần để ý về đường đạn giật và cần kha khá thời gian để làm quen với súng, một phần để làm quen khẩu súng và một phần do sẽ chết nhiều.

Mỗi Operator đều có 100 máu khởi điểm và gần như không có cách nào để tăng máu (trừ 2 Operator đặc biệt), và súng thì gây lượng sát thương lớn. Nếu không cẩn thận bạn có thể “lên bảng” chỉ với 2-3 viên đạn vào người, 1 viên nếu vào đầu. Nếu may mắn thì bạn sẽ rơi ở trạng thái DBNO (Down But Not Out) như một cơ hội duy nhất để tiếp tục trận đấu, sẽ nằm trọng thương và phải chờ đồng đội đến để đỡ dậy và được hồi sinh 50 máu.

Nguồn: YouTube. Video: Down But Not Out (DBNO) & the Reset – Rainbow Six | Siege bởi Rouge-9

Nhưng ngay cả việc “lên bảng” cũng không chỉ dừng lại ở việc nhìn đồng đội trong suốt thời gian còn lại trận đấu.

Với bên ATK, nếu drone ở vị trí tốt, bạn có thể giúp đồng đội quét xem nếu có địch ở tầm nhìn phía trước drone.


Jager và Kapkan (DEF) trong tầm nhìn của drone

Với bên DEF, bạn có thể check cam giám sát và quét vị trí địch, theo dõi nhất cử nhất động. Nhưng bạn phải thật tinh tế, vì drone (khi quét) và cam khi sử dụng đều phát ra ánh đèn đỏ chớp chớp dễ bị phát hiện và phá huỷ.

Blitz (ATK) trong tầm nhìn của camera giám sát

OPERATOR: Tâm điểm của sự chú ý

Trước những nguy cơ khủng bố đang diễn ra, biệt đội Rainbow được chính thức đi vào hoạt động lần nữa. Biệt đội bao gồm những lính đặc nhiệm (Operator) ưu tú đến từ khắp các biệt đội chống khủng bố nổi tiếng trên thế giới, với nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng đều có điểm chung kì lạ là nói tiếng Anh rất thuần thục, hoặc tiếng Pháp, hoặc Đức, Nhật, v.v… (tuỳ theo ngôn ngữ người dùng đặt trong game)
Hiện tại ở thời điểm năm 3 mùa 3 đã có tổng cộng 42 Operator có sẵn, được chia đều ra làm 2 bên: ATK và DEF. Số lượng Operator đa dạng và phong phú, mỗi Operator mang trong mình một thế mạnh riêng: có chỉ số giáp cao tăng khả năng chịu đạn (như Montagne, Fuze, Rook, Doc) hoặc tốc độ cao chạy nhanh hơn, ít gây ra tiếng ồn (ví dụ: IQ, Ash, Jager, Bandit, Caveira) và kĩ năng/trang bị (gadget) đặc biệt mang theo người. Các kĩ năng/gadget có nhiều tác dụng khác nhau, một số dùng để gây dmg, phá huỷ tường, một số dùng để lấy thông tin, quan sát, một số lại có thể gây khó dễ cho đối phương, thậm chí có để counter chính khả năng/gadget khác. Ví dụ rõ ràng nhất đó quả lựu đạn EMP của Thatcher, khi dính vào tầm ảnh hưởng, các thiết bị điện tử sẽ bị hỏng ngay tức thì, quá bá cháy đến nỗi Ubisoft phải nerf quả EMP đó đi, bây giờ chỉ vô hiệu hóa camera được vài giây thôi.

Cày, cày nữa, cày mãi!

Operator có icon màu sắc nổi bật, hình vẽ nổi bật gây liên tưởng ngay lập tức đến kỹ năng/gadget mà Operator sở hữu. Cùng với việc đặt tên nickname ngắn gọn dễ nhớ, việc nhớ tên các Operator này còn dễ dàng hơn so với việc nhớ các tướng bên Dota với Liên Minh Huyền Thoại.

Các Operator cơ bản là các Operator lúc ra mới ra mắt game là có sẵn có video giới thiệu rất cool ngầu, nhấn mạnh về kĩ năng/gadget mà Operator sở hữu, càng làm cho bạn cảm thấy phấn khích hơn. Một video nhá hàng giới thiệu nè:

Nhắc tới Liên Minh Huyền Thoại, như hình giao diện Operator ở trên, có nhiều Operator đang chờ đợi để được mở khoá (unlock). Unlock các Operator cơ bản giá 12500 Reown, 25000 đối với các Operator DLC, cày cũng khá là mệt. Nếu bạn rủng rỉnh hầu bao, bạn có thể mua Operator bằng tiền mặt. Sau từng nấy thời gian mình chơi mới chỉ mở được thêm 2 Operator. Mình lúc đầu đã quen việc ăn sẵn, dọn mâm ra là có hết cả món rồi, như bên CSGO với Dota 2. Mình mua bản Standard Edition, được 20 Operator cơ bản. Nhưng đó cũng có thể là một điều tốt, điều đó giúp mình tập trung làm quen với các Operator, và sau một thời gian chơi thì mình cũng biết các Operator DLC có kĩ năng/gadget gì. Nếu để ý kĩ mình có thể hoàn toàn counter lại được bằng kĩ năng và hiểu biết của bản thân, không cần đến kĩ năng hay gadget. Ngoài ra các Operator còn có các trang bị phổ thông khác như mìn claymore, các loại lựu đạn, mìn nổ, dây gai, ngòi nổ phá tường mỏng với cửa sổ mỏng *insert Breach Charge from Call of Duty*

Bạn chính là người thực hiện mở kíp nổ và xông thẳng vào mà không có cutscene với slow-mo “hỗ trợ”

Có một ngoại lệ trong đội hình Rainbow, đó là Recruit. Operator này thực chất không có kĩ năng/gadget đặc biệt nào cả nhưng bù lại, được tới 2 slot gadget phổ thông, thành ra là tướng đa-zi-năng và được chọn theo đội chống khủng bố cơ bản (SAS, SWAT, GIGN, Spetsnaz, GSG-9). Một điểm trừ đó là Operator này không thể gắn thêm phụ kiện lên súng, nên việc bắn súng sẽ gặp khó khăn hơn các Operator khác. Đây là giải pháp chữa cháy nếu bạn không có Operator bạn muốn chọn hoặc bị người khác chọn trước rồi. Hoặc cũng có thể là lựa chọn tấu hài tuyệt vời.

Ubisoft cũng nổi tiếng với khả năng hút máu, hàng loạt các gói microtransaction xuất hiện nhưng ngoài việc có thể mua Operator bằng tiền mặt ra thì mọi thứ chỉ dừng lại ở skin nhân vật, skin súng và bùa hộ mệnh (charm). Đây là game đầu tiên mình thấy có charm gắn trên súng, nó không giúp bạn ăn may hơn, cái đó phụ thuộc vào server Ubisoft (LUL), chỉ giúp bạn đẹp trai hơn thôi.

Charm mừng ngày quốc khánh Pháp gắn lên khiên của Montagne

Bạn cũng có thể kiếm các đồ cosmetic bằng cách thắng một trận đấu. Cứ mỗi một trận thắng là có cơ hội được rơi đồ, thể hiện qua một vòng tròn, nếu trượt thì thanh lấp đầy thêm vòng, tăng khả năng trúng lần sau như cơ chế pseudo-random distribution trong Dota 2 vậy. (e hèm, 17% Spirit Breaker)

Vòng tròn may rủi

NHỮNG KHÍA CẠNH KHÁC

Về kỹ thuật

Mình thấy game chạy khá mượt mà, nhưng điều đó không có nghĩa là game ít bug. Thời gian thi thoảng load lâu, hiện tượng rubber banding (bị teleport về chỗ cũ) khi đang chơi game. Server thi thoảng chập cheng, và thi thoảng có hack, nhưng hiện tại mình chưa thấy hack trong Casual, v.v…

Mình cũng thấy bản thân game đang có một số vấn đề. Truy cập vào mục loadout của các Operator khá là tốn thời gian load, nhất là lúc ở trong game. Quyết định thay đổi loadout của Operator vào mấy giây phút chót là điều bất khả thi. Khu vực bắt đầu game cho cả hai đội ở chế độ Casual hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi và chỉ khi vào chính game mới biết mình sẽ xuất phát ở đâu. Không có nút báo cáo hack, lịch sử chat in-game không có. Giao diện Shop không trực quan. Không có hệ thống xem trực tiếp (chỉ có ở Custom Game) và replay.

Về cộng đồng

Mình hay chơi ở server Đông Á (EAS) vì ping ở đó thấp. Ở đó chủ yếu là những người chơi Trung Quốc (có lẽ là Hồng Kông, Đài Loan?) bình thường hay xì xà xì xồ tiếng Trung hoặc có lúc không nói năng câu nào. Bên Đông Nam Á (SEA) thì toxic theo cách riêng mà vốn dĩ bạn hay gặp ở các tựa game khác, nhưng có vẻ giao tiếp mic bằng tiếng Anh thì nhiều hơn. Về cộng đồng nói chung thì không được lớn như các game khác, cũng vì một phần giá game cao hơn, yêu cầu máy cũng phải mạnh, nhưng nhìn chung mình thấy thân thiện, và có sự tương tác giữa hãng Ubisoft và cộng đồng.

Mấy ông PR bên Ubisoft nhiều muối lắm

Về Ubisoft

Game bị chỉ trích rất nhiều lúc mới ra mắt vì nhiều quá vấn đề về kỹ thuật, nhưng theo thời gian Ubisoft đã có nỗ lực cải thiện tình hình (mặc dù vẫn còn vấn đề tồn đọng). Động thái mới đây nhất của Ubisoft với bản patch chống toxic trong năm 3 mùa 2 vừa rồi nhằm tránh tình trạng phân biệt chủng tộc trong text chat, và thái độ toxic teamkill, v.v… Đây là biện pháp cứng rắn đến cực đoan, chỉ cần một từ trong dòng chat nằm trong hệ thống lọc từ của server (ví dụ như từ meme “nibba”) bạn sẽ bị ban ngay lập tức. Biện pháp này gây nhiều tranh cãi nhưng có vẻ Ubisoft không có ý định từ bỏ nó.

Nhưng bất chấp những điều đó, Rainbow Six Siege vẫn là một tựa game tuyệt vời, nó lấy đầy khoảng trống giữa sự cổ điển của Counter-Strike và hiện tại của Call of Duty, Battlefield, tạo nên một tựa game độc nhất vô nhị. Nó đem lại cảm giác căng thẳng và không cho phép bạn tính nước rút lui. Sau những lần dập mặt bét bảng, cảm giác được vinh danh đứng giữa màn hình kết thúc game thật thoả mãn.

Ubisoft vẫn khẳng định rằng mình là một nhà sản xuất game có nghệ thuật bằng việc thổi hồn vào việc xây dựng bối cảnh, qua những lời thoại của các Operator trong game, qua đoạn cinematic ngắn ngủi nhưng đầy cảm xúc sau màn chơi đập tan âm mưu đánh bom của tổ chức “White Masks”, nhưng điều đó đối với mình là chưa đủ, mình muốn được biết nhiều hơn nữa. Tựa game cũng có rất nhiều tiềm năng về mảng chơi đơn/Co-op và những khía cạnh khác xung quanh game chưa được khai phá hết.

Bạn có nên chơi không? Tất nhiên có, đây là một tựa game đáng để chơi. Nhưng bản Starter Edition thì không đáng đâu, vì cày mệt lắm. Ít nhất hãy mua từ bản Standard trở lên nha. Nếu hầu bao bạn không rủng rỉnh cho lắm, bạn luôn có thể chờ đợt sales cố định, lúc đó game sales 50%, có dịp đặc biệt còn giảm tới 66%! Chi tiết hơn bạn có đọc ở đường link này, xin cám ơn Team SML và cộng đồng Rainbow Six Siege tại Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/r6siegevietnamcommunity/permalink/402226016882209/

Và lời nói cuối cùng

Are you ready to Siege the Day?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện