Đánh giá The Consuming Shadow

Khách quen

  

The Consuming Shadow nhìn như rác. Nó không kém gì một game flash những năm 2000, mà không phải flash game tốt nữa, flash mà chỉnh chất lượng xuống low ấy. Tất cả mọi nhân vật đều là những bóng đen, không có mặt mũi gì cả, làm mình nghĩ là từ game khác mà thằng làm game bôi đen lên thôi. Những tính năng nổi bật khác: không có độ phân giải nào khác ngoại trừ 800×600, và có thể thấy rõ game không bao giờ quá 30fps. Mua cái máy tính bao nhiêu củ mà game vẫn nhìn như rác, mà game này ra năm 2015 nhé, Undertale nhé, Hotline Miami 2 nhé, The Beginner’s Guide nhé.
Điều khiển cũng không cho chỉnh lại, và đây là cái thứ chó nhất mình từng thấy. Ctrl là nút đánh, Shift là chạy và Spacebar là bắn súng. Không có vấn đề gì đúng không, chỉ cần điều khiển bằng mấy phím mũi tên, tay trái hơi khó chịu nhưng chịu chắc chịu được. Vấn đề ở chỗ: thay đổi đạn bằng nút Q và E cho trước và sau. Không có gì to tát đâu, chỉ là một yếu tố cực kì quan trọng khi chơi thôi. Cả game phải chơi bằng tay trái, mình thề, cái điều khiển này cho mấy con quái vật trong game chơi đúng hơn. Nói thật, chỉ cần cho mình chỉnh lại nút thì đã không có cả đoạn văn này rồi, mà rất tiếc là không có, tại sao không có??

Dù vậy, vậy tại sao mình lại thích The Consuming Shadow, và dám nói đây là một trong những game kinh dị hay cực kì, mà mọi người nên chơi?

Cái mà mình tâm đắc nhất là cái không khí, cái thần thái trong game này. Nghiêm túc không có gì bằng. Khi nói về một game roguelike, việc chết và thua cuộc là hiển nhiên. Ví dụ khi mình chạy một run của Enter the Gungeon, mình thực sự không mong mỏi chiến thắng, chết cũng không sao, tại vì chơi lại rất là nhanh. Nhưng mà mọi thứ trong The Consuming Shadow không cảm thấy như vậy, mọi thứ cảm thấy rất là chậm rãi, và cứng rắn, ví dụ như việc di chuyển. Trong FTL: Faster Than Light, việc di chuyển từ sao này đến sao khác cảm giác rất là nhanh, theo nghĩa đen là bấm vào sao đó là dịch chuyển đến đó ngay. Dù cái hành động di chuyển đó là một trong những quyết định mình phải rất đắn đo để mà thực hiện, nhưng mình không có cái cảm giác nặng nề như của The Consuming Shadow. Cái xe từ từ lăn bánh lên rồi chạy ở tốc độ bình thường, sau đó thời gian tua nhanh đến khi tới địa điểm mới. Tới đó, mình phải tự tay bấm vào thị trấn. Tất cả mọi thứ cảm thấy rất là có chủ đích. Việc vào thị trấn không tốn thời gian gì cả, game có thể là cho mình vào thẳng thị trấn, nhưng vì không làm như vậy mà nó tạo cho mình cái cảm giác như những cái quyết định của mình rất là quan trọng. Khi những hành động của mình có chủ đích như vậy, thì mình sẽ khắc phục những lỗi sai của mình dễ dàng hơn, một điều thiết yếu trong một game roguelike.

Và mình đã nói nó cảm thấy chủ đích như thế nào rồi, nó cũng cố gắng khắc phục ít nhiều những cái mà mình thấy khó chịu về một roguelike. Nhiều game roguelike (ok, gần như tất cả game thể loại này) mắc triệu chứng wiki, tức là không có wiki là không chơi game được, hoặc sẽ rất khó chịu. Thường thì một game roguelike có lượng item, nhân vật, địch rất là lớn nên có hàng tá tương tác giữa mấy yếu tố đó, nên phải luôn kè kè cái wiki bên cạnh, để biết item nào ngon mà giữ, cái gì khắc cái gì, nhân vật nào có yếu điểm gì,… Đôi khi cũng trở nên rất là khó chịu. The Consuming Shadow không bao giờ gặp vấn đề này, item làm cái gì thì làm cái đó, không có miêu tả mơ hồ, ẩn dụ các thứ, lượng item cũng rất là ít, cỡ 10 item đếm về, địch cũng vậy, không có nhiều. Có thể nói game không có cái chiều sâu như một roguelike truyền thống như Nethack, Angband, hay thậm chứ những game roguelike đương đại như The Binding of Isaac (thánh wiki), Enter the Gungeon,… nhưng mà không sao! Vì số lượng nội dung ít hơn bình thương, nên mọi thứ cảm thấy rất là cô đọng, cái gì cũng có chủ đích, có ý nghĩa rõ ràng. Và nó làm nổi bật những yếu tố khác của game như việc đi khám phá hay combat, nhắc đến combat….

Cái hệ thống combat còn rất lủng củng, nhưng mình lại thấy nó là cái duyên của game này. Melee cảm thấy rất yếu ớt, nhưng cái cảm giác yếu ớt đó chỉ làm tăng cái sự căng thẳng, hồi hộp của game thôi. Vả lại, combat này theo hướng chiến thuật hơn, tức là phải biết mánh để giết quái hơn là so găng, và mình thấy lối đi này rất phù hợp cho một roguelike kinh dị như thế này. Chỉ mỗi tội là cái hitbox còn mơ hồ quá, đôi lúc mình nghĩ là vừa đủ tầm để đánh rồi, thì lại không với tới, bị ăn một cái tát vào mặt. Nhiều lúc lại nghĩ là không tới, định bỏ đi nhưng cứ spam đại, ai ngờ lại vừa tay. Mình đổ lỗi cho cái đồ họa. Ngoài melee, sử dụng súng cũng cảm thấy chủ đích. Mình có thể dùng 3 loại đạn, mỗi loại 1 băng 5 viên. Mỗi loại theo kiến thức cá nhân thì chỉ gây sát thương khác nhau, nhưng nó cũng đủ để trở nên một bài toán trong gang tấc khi mà mình phải nhanh tay chuyển đạn để tiết kiệm viên đạn dam to duy nhất của mình về sau.

The Consuming Shadow cuối cùng quy về: tìm kiếm những mảnh ghép của một câu thần chú dùng để trục xuất một vị thần ác đang lăm le chiếm thế giới. Để thực hiện điều đó, mình phải chủ động vào những thị trấn đã bị ảnh hưởng bởi quyền lực của bóng tối mà tìm kiếm manh mối. Và điều đó thường không có cái kết có hậu. Khi vào dungeon, mình phải đi khám phá, tìm người bị mất lạc hay đóng một cánh cổng ác quỷ nào đó. Dọc đường thì mình gặp những con quái vật đủ hình dáng với cái màu đen quen thuộc, và mình phải tiêu diệt chúng bằng tay hoặc bằng đạn. Khi mà bị trúng đòn, thì mình không chỉ mất máu, mà còn trở nên xì trét. Thanh sanity càng thấp thì nhân vật mình càng điên, những ô lời thoại bắt đầu mất ý nghĩa, những lựa chọn bị thay đổi bằng hành động tự sát, hay mình bắt đầu bị hoang tưởng. Không hề đơn giản, khi mà việc cố ý chạy trốn khỏi dungeon trước khi hoàn tất nhiệm vụ hay chỉ đơn giản là chạy trốn khỏi con quái vật thôi cũng gây tổn thất đến sức khỏe tâm lý của mình. Darkest Dungeon cũng có những khoảnh khắc như thế này, khi mà nhận phải một phát crit, hay bị một sự kiện nào đó không tốt, và khi thoát khỏi dungeon đột ngột, làm tăng vọt stress lên. Hãy nhớ đây là game chỉ có duy nhất một người mà lại sánh vai với những ông lớn như Darkest Dungeon, Amnesia: The Dark Descent về mặt mechanics nhé.

Cũng còn cái này ngộ lắm. Mình nói là phải trục xuất một vị thần đúng không? Mỗi tội là mình không biết là vị thần nào cả. Mình không hiểu sao, nhưng mà cái việc mà tìm ra vị thần ác nó rất là vui. Trong mấy dungeon, ngoài các mảnh nhật kí còn có những lời ghi chép, cụ thể là những cái gợi ý về vị thần đang xâm chiếm là ai. Mỗi game nào cũng có 3 vị thần, một vị đang xâm chiếm, một vị là crush của thằng đó và thêm một đứa ghen ăn tức ở hai đứa kia. Dù là một cái logic game đơn giản thôi nhưng mà nó thực sự làm cho mình cảm thấy như mình đang giải cứu thế giới.

Mình càng chơi, thì mình mình càng thích cái phong cách này. Mình đã nói cái thần thái game này, cái không khí, nó thực sự đáng sợ. Mọi thứ chỉ là một cái bóng, thậm chí trong xe, dù đèn pha có rọi xa đến mấy, tất cả những gì mình thấy được chỉ là cái bảng hiệu của cái thị trấn đó, còn lại tất cả đã chìm đắm vào một màu đen đáng sợ. Cái theme chính của game nghe vừa não mà vừa ám ảnh, chẳng khác gì nói rằng “mày sẽ chết thôi”. Và sự thật là vậy, mình cảm thấy như không còn gì để cứu vãn cả. Khi trên đường, mình gặp những mạng người hoảng sợ, bị kích động, tuyệt vọng. Khi đi kiếm những con người mất tích, mình hầu hết chỉ tìm thấy một cái xác ngấm đầy máu. Nếu còn sống, cơ hội lớn là mình đã quá trễ. Trên chiếc gương chiếu hậu của xe có dán ghi chút “Don’t look back”. Đó không phải là một lời động viên, mà là một lời tự nhủ, những người dân mình cứu đã bị quỷ ám sẽ tấn công mình nếu mình quay lưng lại, tưởng là họ vẫn còn sống. Còn chưa kể cái giới hạn thời gian, những dòng chữ nhắc nhở mình chỉ còn vài chục tiếng là thế giới chìm vào một ác mộng thực sự. Đây là cái không khí, cái thần thái mình nói đấy, cái đồ họa xấu giờ như tạo cái chất riêng cho game vậy, như cách mà những nhạc sĩ tạo cảm giác nostalgia qua thể loại lo-fi, thì game này làm vậy qua những thiết kế hình ảnh đơn giản nhưng hiệu quả.

Lore. Lore của game này dựa trên những tựa game trước, Chzo Mythos, kể về đạo chích Trilby và cuộc hẹn với những thế lực đen tối. Trong game này, Trilby là một thành phần trong Ministry of Occultism, một tổ chức điều tra những sự kiện bất thường. Thế nên khi lái xe, ta mới thướng xuyên nhận được những tin nhắn từ tổ chức này, từ một người tự xưng là T. Lore của game này không phải là vài trăm trang như Witcher 3 hay tương tự, nhưng nó cũng rât thú vị. Ví dụ như theo lore thì thế giới trong game là một thế giới đa vũ trụ. Ta có thể suy ra điều này từ những ghi chép của The Scholar, nhà học giả, nói rằng anh cảm thấy việc này đã xảy ra nhiều lần. Những ghi chép của Trilby chứng tỏ điều này, viết rằng cái chết của nhà học giả là một bất ngờ, nghĩa là ám chỉ đến những lần, hay nói đúng hơn là những vũ trụ mà nhà học giả đã thất bại dọc đường, những vũ trụ mà mình đã thất bại dọc đường. Dù mình thấy game này không cho thấy rõ cái khả năng viết về eldritch horror của Ben, cái đó thì mọi người nên đi chơi mấy game Chzo Mythos, nhưng mà mình tự tin nói tất cả những gì đọc được trong game này viết rất tốt, trừ cái cốt truyện chính, cái vụ đi cứu thế giới nghĩ lại hơi bị lố.

Tóm lại, The Consuming Shadow là game roguelike kinh dị hay có không khí tốt, đồ họa rác, điều khiển rác, mỗi cốt truyện thì rác nhưng nói chung viết tốt, âm thanh tốt. Và mình rất thích game này.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện