Đánh giá Titanfall 2

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số

Chúng ta đều biết rằng thế giới game rất rộng lớn với cực kỳ nhiều thể loại phù hợp với từng gamer, nhưng tôi tin chắc rằng thể loại game quen thuộc và dễ tiếp cận nhất với mỗi gamer từ khi bắt đầu chơi game chính là FPS. Lối chơi không quá phức tạp khiến FPS trở thành một thể loại game phù hợp với tất cả mọi người. Thực tế thì có vô số các series game FPS đã trở nên quen thuộc và được rất nhiều người nhớ đến, ví dụ như Call of Duty, Battlefield, Doom, Half-Life hay thân thuộc nhất với gamer Việt Nam là Counter-Strike. Nhưng chính vì gameplay khá đơn giản như vậy đã khiến cho thể loại FPS dần rơi vào thoái trào và không có đột phá nhiều những năm gần đây. Nhưng rồi một cái tên xuất hiện và đã đem lại một làn gió mới cho FPS, đó chính là Titanfall vào năm 2014 và Titanfall 2 vào năm 2016. Và trong bài viết này, tôi xin chia sẻ những cảm nhận của mình về Titanfall 2, mà theo tôi là một tựa game FPS thực sự xuất sắc.

Để bắt đầu, tôi nghĩ có lẽ nhiều người sẽ không có ấn tượng gì với cái tên Titanfall dù nó đã ra mắt từ khá lâu – đã 3 năm. Vậy lý do là gì? Titanfall gây được ấn tượng rất lớn khi mới ra mắt năm 2014 với lối chơi độc đáo, mới lạ và rất hardcore. Nhưng rồi nó dần chìm vào quên lãng, lý do là bởi Titanfall là một game thuần Multiplayer, và với thị trường game hiện nay thì một tựa game mới ra mắt mà không có một phần campaign như Titanfall thì việc được nhớ đến quả thực là rất khó. Đây chính là một kinh nghiệm xương máu của Respawn Entertainment, để rồi 2 năm sau, Titanfall 2 ra đời với cải tiến về mọi mặt, và có riêng cho mình một phần campaign. Gây ấn tượng lớn với gamer từ trailer, Titanfall 2 được hy vọng sẽ trở thành cứu tinh cho thể loại FPS đã dần đi vào lối mòn.

Và quả thực Titanfall 2 đã làm được điều đó, một tựa game FPS xuất sắc, vượt quá kỳ vọng của nhiều người. Đặc biệt đối với bản thân tôi, kể từ Call of Duty:  Modern Warfare 2 mới lại có một tựa game FPS khiến tôi “phát cuồng” lên như vậy. Vậy điều gì đã khiến Titanfall 2 hay đến như vậy?

Yếu tố đầu tiên là mảng đồ họa, Respawn Entertaiment đã cực kỳ xuất sắc ở mảng này, một nền đồ họa rất đẹp, rất chi tiết và thực sự choáng ngợp. Cử động của cả con người lẫn các Titan đều rất mượt mà và ấn tượng, hiệu ứng cháy nổ rất tốt, tất nhiên là chưa bằng được với những tựa game như Just Cause 3 hay Battlefield 4, nhưng tựu chung lại, đồ họa của Titanfall 2 quả thật là rất ấn tượng và là bước tiến vượt bậc so với phần 1. Liệu bạn có tin được khi Titanfall 2 được dựng trên nền engine Source của Valve? Nếu chỉ với engine Source mà đã đẹp đến như vậy, thì với engine Source 2 thì liệu còn có thể đẹp đến như thế nào? Hãy để Respawn Entertainment trả lời trong tương lai.

Điều quan trọng khiến Titanfall 2 trở thành một tựa game hay chính là gameplay của nó. Tôi sẽ không ngần ngại mà trao cho cả Titanfall lẫn Titanfall 2 danh hiệu: Best Multiplayer, đặc biệt đối với phần 2. Vẫn là FPS, vẫn là những trận đấu multiplayer nơi các gamer so tài, nhưng điều gì đã khiến Titanfall 2 khác với Battlefield hay Call of Duty, dù hầu hết các chế độ chơi đều có điểm tương đồng? Đó chính là ở cách bạn chiến đấu. Chúng ta, đóng vai những pilot trên chiến trường, nhiệm vụ chung là chiến đấu với các pilot và NPC phe địch để đến khi tích đủ điểm, chúng ta có thể gọi các Titan xuống từ các tàu không gian trên cao. Điểm mới lạ ở Titanfall 2 là chúng ta có thể parkour dọc bờ tường, double jump hay slide trên mặt đất. Điều này làm gamer có thể linh hoạt hơn khi di chuyển, đông thời đẩy nhịp độ trận đấu lên rất rất cao. Sơ sẩy một tích tắc, bạn sẽ làm mồi cho phe địch ngay tức khắc! Mỗi gamer có thể lựa chọn cách chiến đấu sao cho phù hợp với mình nhất để có thể sống sót trên chiến trường khốc liệt của Titanfall 2. Và điều quan trọng nhất trong một trận đấu: đó là khi bạn có thể gọi Titan của mình xuống, cảm giác các Titan đổ bộ từ trên cao rồi chạm đất cái “uỳnh!”, quả là epic và khiến bạn thốt lên: Hell yeah!!! Đặc biệt là khi bạn chui vào Titan để điều khiển và chiến đấu, cảm giác ấy còn tăng lên bội phần!

Tuy nhiên, nếu cứ ngồi mãi trong Titan thì chẳng phải bạn sẽ quá bá đạo ư? Tất nhiên là không, Titan không “bất khả xâm phạm” như bạn nghĩ đâu! Nếu so với phần 1 khi các Titan có lớp giáp chống đạn thì có thể nói Titan ở phần 2 trở nên “mỏng manh” hơn nhiều! Nếu bạn là một pilot với trình độ đủ giỏi, việc solo thắng một Titan hay ngồi trong Titan và làm gỏi 2 hay 3 Titan khác là điều bình thường, nhất là khi Titan không thể nhảy, điều đó sẽ làm giảm sự linh hoạt và chủ động của bạn trên chiến trường. Vì vậy, lựa chọn tối ưu sẽ là liên tục thay đổi cách chiến đấu, lúc là pilot bay nhảy khắp chiến trường, lúc lại ngồi bên trong Titan của mình để càn quét quân địch, dĩ nhiên đó mới chỉ là lý thuyết mà thôi! Các trận chiến của Titanfall 2 được xây dựng rất đa dạng và chân thật – với sự tham gia của 6 lớp Titan khác nhau, tha hồ cho bạn chọn lựa cho phù hợp với phong cách của mình.

Một điểm hay nữa ở gameplay của Titanfall 2 chính là sự cân bằng và tính đồng đội của game. Với pilot, lợi thế là sự linh hoạt nhưng “mỏng manh”, Titan vững chãi nhưng bất tiện, cả đội cần phải phối hợp để chiến thắng. Bạn có thể đột kích lên Titan địch để rút core của chúng về lắp cho không chỉ Titan của bạn mà còn cho đồng đội. Điều này làm cho trận đấu khá liền mạch và cân bằng. Ví dụ đơn giản như chế độ chơi Attrition, mục tiêu là đội nào kiếm được 500 points trước sẽ chiến thắng, nếu ở phần 1, cách biệt 100-200 points là gần như không thể san lấp, thì với Titanfall 2, 200 points chẳng là gì, miễn là đội của bạn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để khai thác điểm mạnh của mỗi loại Titan để khắc chế đối phương. Và một điều khiến cho chiến trường multiplayer của Titanfall 2 không dành cho những tay mơ, chính là các NPC. NPC ở Titanfall 2 có 3 loại: Ruin, Specter và Reaper. Nếu như Ruin và Specter có vẻ không là một trở ngại gì lớn lắm với các gamer thì Reaper là một sự đe dọa không chỉ với các pilot mà còn với cả các Titan. Chúng sẽ bám riết lấy bạn và kể cả khi bạn có ngồi trong Titan thì vẫn có thể bị lũ Reaper xử bất cứ lúc nào! Nếu được chọn, tôi sẽ chọn Titanfall 2 là Best Multiplayer của 2016!

Rời chiến trường Multiplayer khốc liệt, chúng ta hãy quay lại chế độ chơi Singleplayer. Titanfall 2 cũng lấy bối cảnh tương lai, với robot và tàu không gian. Nhưng Titanfall 2 sẽ không cho bạn điều khiển tàu vũ trụ chiến đấu như kiểu Star Wars hay Call of Duty Infinite Warfare, cái mà Respawn Entertainment chú trọng là khiến gamer tập trung vào hai nhân vật chính của game: Pilot và Titan. Dù lấy bối cảnh vũ trụ, nhưng thời lượng khoảng không vũ trụ xuất hiện chỉ có vài phút, toàn bộ thời gian bạn sẽ ở trên mặt đất. Điều này khiến cho dù game lấy bối cảnh tương lai nhưng cũng không quá xa lạ mà nó khiến cho game chân thực và hấp dẫn gamer hơn.

Phần campaign của Titanfall 2 gồm 9 màn chơi với cách thiết kế dạng arena, giống như Doom hoặc Quake. Nhưng cách xây dựng và kết nối các arena của Titanfall 2 rất thông minh và liền mạch khiến bạn không hề nhàm chán chút nào và chỉ muốn tiếp tục chơi. Các phần chơi trong campaign của Titanfall 2 chia làm 2 loại. Một là màn chơi khiến bạn phải chiến đấu, di chuyển liên tục, nó có quy mô không khác gì một trận chiến ở multiplayer vậy, và cảm giác khi chơi những màn chơi như vậy, tôi chỉ tóm gọn lại trong một từ: “đã”! Chúng không hề dễ ăn, kể cả khi thiết lập mức độ của bạn là regular, bạn sẽ phải vận dụng tất cả những kỹ năng của mình để vượt qua những màn chiến đấu cực kỳ căng thẳng nhưng cũng vô cùng mãn nhãn.

Loại arena thứ 2, không ném bạn vào một trận chiến, bắt bạn bắn giết. Arena loại này bao gồm toàn bộ một màn chơi và rất rộng lớn với nhiều chướng ngại vật. Việc của bạn là áp dụng những kỹ năng leo trèo, parkour và trí óc để vượt qua. Và đối với tôi, ấn tượng và độc đáo nhất chính là màn chơi Effect and Cause. Ở màn chơi này, bạn sẽ liên tục phải di chuyển giữa quá khứ và hiện tại để vượt qua các chướng ngại vật và đám quân địch truy đuổi đằng sau. Trường đoạn phải liên tục thay đổi giữa quá khứ-hiện tại để vượt qua các ống thông gió là trường đoạn vô cùng ấn tượng với tôi khi bay nhảy, leo trèo là chưa đủ mà còn yêu cầu sự chính xác đến gần như tuyệt đối. Tổng quan lại, có thể nói phần campaign của Titanfall 2 giống như một phần tutorial to lớn và chi tiết cho phần multiplayer. Thành thục các kỹ năng ở campaign. biết lúc nào nên ngồi trong Titan, lúc nào là piot bay nhảy khắp nơi, bạn có lẽ sẽ có thể bước vào cuộc chiến khốc liệt hơn nhiều lần trong multiplayer!

Và cuối cùng, điều khiến tôi ấn tượng nhất đối với Titanfall 2, chính là cốt truyện của nó. Phải nói là kể từ trilogy Modern Warfare của Call of Duty đến giờ, mới lại có một tựa game đem lại cho tôi đủ các cung bậc cảm xúc và ấn tượng sâu đậm đến như vậy. Và cũng trùng hợp thay khi đội ngũ những người tạo ra Titanfall 2 cũng có nhiều người đã tham gia vào Call of Duty Modern Warfare 2! Chẳng trách cốt truyện của game lại tuyệt vời đến như vậy!

Câu chuyện trong Titanfall 2 xoay quanh Titan lớp Vanguard BT-7274 và Pilot tập sự Jack Cooper – người bất đắc dĩ trở thành Pilot của BT-7274 khi Pilot cũ của BT là Captain Lastimosa hy sinh. Toàn bộ thời lượng của Titanfall 2 diễn ra vẻn vẹn trong vài ngày ngắn ngủi, và Jack Cooper cũng chỉ có từng ấy thời gian để phối hợp với BT trong khi Captain Lastimosa và BT-7274 đã gắn bó với nhau được 3 năm trời. Tuy nhiên, Jack và BT đã nhanh chóng thể hiện sự ăn ý đến gần như hoàn hảo trong chiến đấu. Titanfall 2 không đề cập đến việc Jack từ một lính bộ binh đã trở thành Pilot ra sao mà chỉ đề cập đến việc Jack và BT đã trở nên tâm đầu ý hợp như thế nào. Việc Respawn thêm vào các lựa chọn lời nói cho Jack Cooper cũng là một lựa chọn rất sáng suốt khi nó khiến cho bản thân tôi khi chơi game như hòa mình vào nhân vật thực sự vậy. Những câu trả lời ấy phản ánh đúng tính cách của mỗi gamer và khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn và tinh tế hơn. Chẳng ai muốn nhân vật của mình câm như hến và chỉ để BT hướng dẫn từ đầu chí cuối phải không? Vì như vậy khiến game tẻ nhạt rất nhiều vì phần lớn câu chuyện của Titanfall 2 chỉ xoay quanh Jack và BT. Và dù các lựa chọn câu trả lời không ảnh hưởng đến hành động của BT, nhưng thú vị ở chỗ dù bạn chọn nói cái gì thì BT cũng có thể đáp lại một cách rất tài tình, đôi lúc cho thấy sự ngây ngô của máy móc, nhưng đôi lúc lại cho thấy: dù là máy nhưng BT không hề thiếu đi sự hài hước, tôi đã bật cười khi BT bắt chước động tác thumps up của Jack rất nhanh chóng. Điều đó đã đủ cho thấy tình bạn giữa Jack và BT là như thế nào, dù nó mới chỉ chớm nở trong vài ngày ngắn ngủi.


Theo dõi những mẩu đối thoại, những câu nói của Jack và BT, tôi có thể cảm nhận được rằng: BT, dù được dựng lên từ máy móc vô tri, nhưng Titan hệ Vanguard ấy không hề vô tri một chút nào. Tôi đã thực sự cảm nhận được mình chính là Jack Cooper đang đối thoại với Titan BT-7274 tinh quái kia, và thực sự xúc động với những câu nói của BT như “Trust me”, và đặc biệt là:

Và tôi cũng đảm bảo với các bạn, nếu như trải qua những giờ phút với BT-7274, những lúc chiến đấu căng thẳng, xông pha giữa trận chiến khốc liệt hay những lúc luyện tập, thì trong tình huống ở cuối game, chắc chắn bạn sẽ chọn nói: “Don’t worry BT, I’m not going anywhere”. Vì đó chính xác là cảm xúc thật sự của Jack Cooper, và còn là cảm xúc thật sự của những gamer chúng ta.

Câu chuyện của Titanfall 2 chỉ là một câu chuyện rất nhỏ, là một trong vô vàn câu chuyện như thế trong một cuộc chiến rất lớn giữa Militia và IMC. Nhưng câu chuyện ấy sẽ đưa bạn đến với hàng loạt cung bậc cảm xúc, lúc vui mừng, lúc đau đớn, lúc lại chạnh lòng, nuối tiếc. Game kết thúc, và nó đã để lại trong tôi cảm giác bồi hồi khó tả. Câu chuyện về một Titan, một cỗ máy tưởng như vô tri vô giác lại có thể “con người” đến vậy, một Pilot nhỏ bé, cái chết luôn luôn lơ lửng trên đầu, lại có thể kết bạn được với một cỗ máy như thế. Quả là một tình bạn vượt qua mọi giới hạn, đó chính là tình bạn giữa Jack và BT, giữa Pilot và Titan, giữa con người và máy móc. Quả là đáng tiếc khi câu chuyện của Titanfall 2 không thể kéo dài hơn, nhưng như vậy cũng đã đủ khiến tôi thấy thỏa mãn rồi.


Phần âm nhạc trong game thì được thực hiện khá tốt với những bài nhạc hào hùng khi xông trận, những bản nhạc thể hiện tình bạn giữa Jack và BT hay những đoạn trầm buồn được lồng ghép rất tinh tế. Tuy vậy nhưng soundtrack của game thực sự không quá ấn tượng. Phần lồng tiếng cũng khá ổn khi mỗi nhân vật, dù là người hay Titan đều thể hiện được tính cách của riêng mình. Dĩ nhiên là tôi vẫn ấn tượng nhất với BT-7274 rồi, giọng nói tuy đều đều theo kiểu máy móc nhưng ta lại có thể cảm nhận được “cảm xúc” của BT qua mỗi câu nói.

Cuối cùng, tôi có đôi chút thất vọng khi không được nhìn thấy mặt của Jack Cooper nhiều. Biểu cảm của Jack ở cuối game thì khá là khô cứng (không cảm xúc thì đúng hơn) trong khi rõ rành rành hành động và lời nói thì lại khác. Thôi thì cũng dễ hiểu khi mà cả game chả mấy ai lộ mặt, ông nào ông nấy đội mũ Pilot kín mít nên chắc facial animation cũng không được quan tâm lắm cũng là điều dễ hiểu.

Đánh giá chi tiết Titanfall 2 (PC/PS4/Xbox ONE):

  • Gameplay: 9,5/10
  • Soundtrack: 7,5/10
  • Cốt truyện: 9/10
  • Đồ họa: 9/10

Tổng kết: 9/10. Cực kỳ đáng chơi.

P.S: Tuy Titanfall 2 xuất sắc như vậy, nhưng thật đáng tiếc là nó lại bị một tựa game khác cũng do EA phát hành nhấn chìm – chính là Battlefield 1 – khi Battlefield 1 ra mắt ngày 21/10 thì Titanfall 2 lại ra mắt chỉ 1 tuần sau đó (Damn you, EAmpire!). Mặc dù lượng người chơi Titanfall 2 khá cao và thành công hơn phần 1, nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa xứng đáng với công sức mà Respawn Entertainment bỏ ra. Dù vậy tôi tin rằng một vài năm sau, khi nhìn và đánh giá lại Titanfall 2, chúng ta sẽ công nhận nó là một tựa game thực sự đặc biệt và xuất sắc, nói không ngoa thì Titanfall 2 chính là cứu tinh cho thể loại FPS đã đi vào lối mòn.

Hải Stark

Huyền thoại ★ ★

  Người quay số
They can keep their own heaven, their own galaxy. To me, when I'm gone, I'd sooner go to Middle-Earth, to a galaxy far, far away...

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện