Đây là một tựa game về sự cô đơn và cái chết

Khách quen

  
Đó là một đêm hè năm 2019, khi mà người viết bài trằn trọc khó ngủ. Cậu ta ở một mình trong một căn phòng kín cả tuần nay. Cậu ta thấy cô đơn và lạc lõng, có quá nhiều thứ chạy quanh đầu cậu khiến cậu mãi không chợp mắt được. Cậu quyết định ngồi dậy, mở máy tính và chơi đống game indie cậu vừa mua đợt sale, nhưng chắc hẳn là sẽ mãi không bao giờ động tới.
Và FAR: Lone Sails đến với cậu tình cờ như vậy.
Sự cô đơn của người viết lúc đó hòa vào chủ đề của game một cách lưu loát, nhẹ nhàng và đầy tư lự, và dù chỉ mất 2 tiếng để hoàn thành game, nhưng ấn tượng game để lại cho mình nhiều hơn bất cứ tựa game bom tấn nào khác cho đến ngày nay.
Game bắt đầu với một ngôi mộ ảm đạm nằm giữa đồng cỏ xám xịt, chỉ có bộ trang phục màu đỏ của nhân vật chính nổi lên, nhưng cái đỏ đó có chút xạm đi vì bụi bặm, có chút buồn như cảnh vật xung quanh đó. Sự yên lặng và ảm đạm đó khiến người chơi kết nối được với mất mát của nhân vật chính, một người thân của họ đang nằm dưới ngôi mộ ảm đạm kia, và họ chỉ còn lại một mình trên cõi đời này. Và chỉ cần thế là người chơi hiểu được chủ đề chính của game, và ngay lập tức thông cảm được với nhân vật chính, mặc cho việc họ không hề biết ai đang nằm dưới mộ, và liên hệ gì với nhân vật chính.
Mình, vốn rất thích những tựa game có thể kể được nhiều điều như vậy mà không cần ngôn từ, ngay lập tức hứng thú và “gắn” chặt vào game. Mình đặt tên cho anh bạn nọ là Steve, Steve Cô Độc, và muốn tìm hiểu thêm về nỗi buồn của cậu ta.
Steve quay lại nhà từ ngôi mộ nọ, và cậu ta bắt đầu nhìn quanh chốn đồng không mông quạnh quanh nhà cậu, vẫn im lặng, cậu bắt đầu kéo ra khỏi kho một con “tàu”, chất chiếc radio, vài thùng nhiên liệu trên đó. Và cậu bỏ lại mọi thứ, cậu lên đường.
Và đó chính là FAR: Lone Sails, một chuyến du hành cô độc.
Xuyên suốt game, Steve không gặp thêm bất cứ ai khác.
Xuyên suốt game, chiếc radio của cậu ta vẫn im lặng.
Xuyên suốt game, Steve không nói một lời nào.
Nhưng cậu ta có một người bạn, mà dần dần người chơi cũng sẽ gắn bó chặt chẽ với nó, đó chính là con tàu.
Mình nhận ra điều đó khi con tàu “bị thương” lần đầu.
Sau 1 giờ đồng hồ yên bình, bỗng dưng chuyến hành trình mắc phải thử thách đầu tiên, khi Steve và con tàu bỗng dưng đi vào một cơn bão, và một tia chớp định mệnh xé ngang trời, đánh cháy động cơ của con tàu.
Người chơi phải nghĩ nhanh! Vì nếu tiếp tục ở lại tâm bão, thì những tia sét khác có thể đánh gục hoàn toàn con tàu, nhưng nếu đi tiếp, thì liệu con tàu có chịu được áp lực khi bị “mất” một động cơ quan trọng như vậy không? Người chơi không còn lựa chọn nào khác, họ phải chạy đua với thời gian, họ phải nhanh chân “chữa lành” vết thương của con tàu và khiến nó có thể chạy tiếp. Nhạc game bắt đầu nổi lên gấp gáp, trong khi cơn bão bắt đầu mạnh dần, người chơi nhận ra, với bản năng đầu tiên – con tàu này là người bạn duy nhất của mình, nó bảo vệ mình khỏi cơn bão, nên mình cũng phải bảo vệ nó.
Và trong khoảnh khắc đó, mình nhận ra rằng mình không cô đơn, vì mình có 2 nhân vật cần điều khiển, và 2 nhân vật này dựa vào nhau rất nhiều.
Ngoại cảnh của game ngày càng ảm đạm, nhưng chiếc radio vẫn ngân nga những giai điệu nhẹ nhàng, guồng máy vẫn quay, họ vẫn cô đơn trong cái xứ sa mạc nguyền rủa này, nhưng  họ có nhau. Chiếc radio, Steve và con tàu.
Và rồi cơn bão thứ hai ập đến.
Con tàu không qua khỏi, gió xé toạc cánh buồm của nó, sấm chớp xé nó làm đôi.
Người chơi hoảng loạn, và tôi thật sự không thể tưởng tượng được cảm xúc của Steve, vì khi chứng kiến cánh buồm bị xé toạc khỏi thân tàu, tôi chực khóc. Vì tôi biết tôi sẽ không cứu được người bạn duy nhất của mình.
Chiếc radio rơi ra khỏi con tàu, vỡ vụn. Steve cố gắng bám vào thân tàu. Tôi nín thở giữ nút W để con tàu có thể đi tiếp, để con tàu có thể vượt qua cơn bão, dù nửa sau của nó đã bị xé toạc bởi ngoại cảnh cô đơn ảm đạm kia.
Trời quang dần, ánh sáng, dù nhợt nhạt, nhưng vẫn là hy vọng, và dù đau đớn nhìn chiếc tàu tàn tạ, và chiếc radio đã mất đi, nhưng nó vẫn đi tiếp.
Nhiên liệu rỉ ra khỏi con tàu, tôi cắn chặt răng giữ nút W, mắt đảo liên để tìm dấu hiệu nào đó trò chơi muốn “ngỏ” để sửa con tàu ấy, nhưng không có gì cả. Đây là chuyến đi cuối cùng của Steve và con tàu của cậu, và người chơi phải đau đớn chấp nhận nó.
Gom góp chút nhiên liệu cuối cùng, con tàu lết đi một đoạn trước khi “chết hẳn”, trước khi chết còn ngân lên một giai điệu cuối cùng, có lẽ là một khúc cầu hồn. Giờ Steve chính thức đơn độc trên cõi đời này.
Cậu đi đến bãi biển, thắp một ngọn đuốc, và đứng yên lặng chờ thủy triều lên, và FAR: Lone Sails kết thúc.
Tôi tin là Steve sẽ để cho thủy triều nhấn chìm cậu, như cái chết và sự cô đơn đóng vai trò chủ đạo của tựa game này. Nhưng dù thế, tôi không thấy buồn, tôi biết Steve không cảm thấy buồn, vì cậu đã cùng những người bạn cuối cùng của mình du ngoạn một chuyến du lịch để đời, trước khi để cuộc đời định đoạt. Với hiểm nguy và ly kì, nhưng cũng không thiếu đi sự yên bình và điềm đạm.
Game có rất nhiều khoảng lặng, nhưng những khoảng lặng đó là để các “nhân vật” của chúng ta tận hưởng sự hiện diện của nhau, để tình cảm, sự gắn bó của họ ngày càng bền chặt, để khi chuyến du ngoạn kết thúc, họ biết rằng họ đã cố hết sức vì nhau, đã cùng nhau đạt đến ngưỡng cao nhất của tình bạn, tình đồng chí mà không cần phải cất với nhau lời nào, và dù nó nói về cô đơn và cái chết, nhưng là một sự cô đơn, một cái chết đến khi ta đã sống với nhau hết mình, và điều đó mới là điều quan trọng.
Game với mình có hai khái niệm quan trọng cần để ý, đó là Ludoaesthetic (mỹ quan của trò chơi) và Ludonarrative (dẫn truyện của trò chơi). Với một người tin tưởng hết lòng rằng là game là nghệ thuật, thì nó phải chứng tỏ sự độc lập và khác biệt khi thể hiện nội dung dưới dạng một môn nghệ thuật độc lập. Và thật đáng mừng khi FAR: Lone Sails lại là game hài hòa Ludoaesthetic và Ludonarrative xuất sắc nhất mình từng chơi.
Tại sao ư? Vì nó không cần kể gì cả, Ludoaesthetic của game nói về sự cô độc của người chơi bằng ngoại cảnh ảm đạm, sương khói xám xịt. Còn Ludonarrative của game, khi cho người chơi gián tiếp tương tác với con tàu và chiếc radio nọ, nhận ra sự mâu thuẫn với chủ đề chính của trò chơi, khi tôi có hai người bạn thật đặc biệt ở ngay đây. Họ gắn bó, phụ thuộc vào nhau khiến cho chuyến hành trình trở nên giá trị hơn rất nhiều, dù nó cô đơn và dẫn tới cái chết, nhưng đó là một chuyến hành trình mà ta có nhau. Steve không thể thiếu con tàu, và con tàu không thể thiếu Steve, và điều đó thể hiện hoàn hảo qua cách chơi của tựa game, tạo nên sự gắn bó tương tác mật thiết của hai người bạn, mối quan hệ chính của game.
Có lẽ sự cô đơn khiến mình thích game hơn, nhưng thật khó để phủ nhận sức nặng từ tính hài hòa của yếu tố “chơi” trong FAR: Lone Sails. Nếu bạn yêu game dưới tư cách một môn nghệ thuật, và tìm kiếm một người bạn đặc biệt, hãy thử qua game, vì đó là một nỗi buồn tuyệt đẹp, một nỗi buồn chứa chan niềm vui khác biệt mà ai cũng nên thử qua.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly