Devotion: Bi kịch của một gia đình, lời cảnh tỉnh cho xã hội

Khách mới

  

Có lẽ thể loại game kinh dị tâm lý chẳng còn lạ lẫm gì với giới game thủ nữa. Từ những cái tên đình đám với đồ họa và hành động đỉnh cao như Resident Evil, Silent Hill hay The Evil Within, Outlast…v.v hoặc mấy thứ nhẹ nhàng đơn giản như Layers of Fear, Limbo… Nhưng những game này luôn có một điều khiến mình không thể hoàn toàn nhập tâm vào câu chuyện, đó là chúng … Âu Mỹ quá. Trải qua những cảnh jump scare hay quái vật ban đầu thì cũng sợ đấy, nhưng chúng nhanh chóng trôi tuột đi vì thật sự nó không gần gũi với đời sống, hoàn cảnh xung quanh lắm để bị ám ảnh. Và đây cũng là lí do để mình cực kì thích và cũng sợ Devotion, bởi Devotion là một game kinh dị với bối cảnh châu Á, cụ thể là của Đài Loan, một đất nước có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam của chúng ta, nên khi chơi Devotion mình đã thực sự bị dọa và ám ảnh với nó, nhất là với góc nhìn thứ nhất, khác hẳn với người anh em Detention của cùng nhà phát hành Red Candles, lại càng khiến ta cảm tưởng những hình ảnh trong game gần với mình hơn bao giờ hết. Nhưng không chỉ ấn tượng về hình ảnh, nội dung của Devotion cùng thông điệp nó gửi gắm đã khiến nó được rất nhiều người yêu thích. Và theo ý kiến cá nhân của mình, có lẽ Devotion là game kinh dị hay nhất trong năm 2019.

Câu chuyện cảm động nhưng đầy châm biếm

Devotion lấy bối cảnh vào những năm 80 của thế kỉ XX tại Đài Loan, kể lại bi kịch xảy ra với một gia đình 3 người gồm người cha, biên kịch Đỗ Phong Vu, người mẹ là một ca sĩ nổi tiếng tên Củng Lệ Phương và cô con gái nhỏ Đỗ Mỹ Tâm. Gia đình họ Đỗ vốn từng khá giả nhưng mọi chuyện dần xuống dốc sau khi Lệ Phương rút khỏi showbiz để chuyên tâm chăm sóc chồng con, nhưng Đỗ Phong Vu lại dần cạn kiệt ý tưởng, không thể viết những kịch bản hay được nữa, bé Mỹ Tâm thì chợt mắc bệnh nặng khiến kinh tế gia đình trở nên khó khăn. Đỗ Phong Vu là người mang nặng tư tưởng gia trưởng phong kiến, lại còn mê tín dị đoan. Chỉ vì chữa bệnh cho con gái mà anh tin vào Hà lão sư, một bà đồng sống cùng chung cư, thực hiện những nghi thức hết sức vô lí và mê tín. Từ đây, bi kịch của gia đình họ Đỗ bắt đầu. Bi kịch bắt đầu như thế nào thì mọi người hãy chơi game hoặc xem gameplay để biết nhé, ahihi.

Cũng như Detention, Devotion thể hiện sự châm biếm sâu sắc với quan niệm, hay tệ nạn mê tín dị đoan của nhiều thế hệ người châu Á, tin tưởng quỷ thần, bùa phép thuốc tiên chưa bệnh mà không tin vào y tế khoa học. Và đã có rất nhiều cảnh cửa nát nhà tan bởi tư tưởng mê tín cổ hủ này. Mặt khác, Devotion còn đề cập tới nhiều vấn đề của xã hội Đài Loan thập niên 80 như nạn cờ bạc, thờ cúng thần linh một cách mù quáng …v.v Hẳn với người châu Á nói chung hay người Việt Nam chúng ta nói riêng, đặc biệt những ai sinh trước những năm 98, 99 hẳn cũng biết chút ít về những điều này, bởi Việt Nam cũng từng có những tệ nạn tương tự. Đây là điều khiến Devotion khác biệt với những game kinh dị tâm lý khác, tuy cũng là giáo phái tà thần na ná Outlast hay Silent Hill, hay cũng là những vấn đề gia đình như Layers of Fear, nhưng những chủ đề này lại lấy bối cảnh ở châu Á, nên nó vừa tạo sự thích thú cho người chơi châu Á, vừa tạo sự mới lạ cho người chơi ở những khu vực văn hóa khác. Có thể nói, vì Devotion có câu chuyện khác hẳn so với những game kinh dị hiện có trên thị trường, từ đó đã đưa tới sự thành công cho tựa game này.

Nỗi sợ đến từ những chi tiết nhỏ

Sau khi game ra mắt, cộng đồng mạng ở Đài Loan đã một phen hết hồn khi phát hiện những cảnh trong game hóa ra có ngoài đời thực

Ngay từ những cảnh đầu game chắc hẳn ai thuộc thế hệ 8x hoặc 9x đời đầu sẽ nhận ra liền những đồ vật rất quen thuộc như chiếc TV dạng hộp với màn hình nhỏ xíu, tấm lịch treo tường đỏ chót, đồng hồ quả lắc. Tất cả đều nhẹ nhàng bình dị với tông màu sepia rất retro. Thế rồi bất chợt khung cảnh ấm áp ấy biến đổi, trở nên tăm tối, đáng sợ y như những đêm mất điện lúc chúng ta còn nhỏ. Dần dần những hình ảnh máu me, kinh dị xuất hiện, như ma nữ mặc váy đỏ, hay tiếng nước tí tách trong phòng tắm. Không biết các bạn thấy sao chứ với một đứa lớn lên với phim ma Trung Quốc, Hồng Kông như mình thì lớn rồi mà vẫn thấy nổi da gà với những cảnh đó. Red Candles đã tái hiện rất chi tiết và chân thực hình ảnh của một căn hộ châu Á, để từ đó đẩy người chơi vào một thế giới hoặc quen thuộc hoặc xa lạ, đầy ma quái và rùng rợn.

Tuy bối cảnh của game rất hẹp, chỉ gói gọn trong căn hộ của gia đình Đỗ Phong Vu, cùng một vài phân cảnh khác nhau nhưng tất cả đều được đầu tư kỹ lưỡng về mặt chi tiết qua mỗi mốc thời gian trong game, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy điều này và không bị nhàm chán với việc khám phá một không gian duy nhất lặp đi lặp lại. Mặt khác, tuy chân thực trong môi trường và bối cảnh nhưng Red Candle lại sử dụng hình ảnh những con rối gỗ để thay cho con người trong game đã làm tăng tính kinh dị cho sự trải nghiệm của người chơi. Sự vô hồn của những con rối, tư thế của chúng bất chợt thay đổi khi bạn không nhìn vào chúng chắc chắn sẽ làm bạn cảm thấy rờn rợn và bất an mỗi khi chúng xuất hiện.

NHÌN CÁI GÌ MÀ NHÌN?

Âm thanh làm tăng sự kinh dị, âm nhạc làm cốt truyện cảm động

Với một game kinh dị thì yếu tố âm thanh là điều không thể thiếu để tạo ra cảm giác sợ hãi cho người chơi. Và mọi âm thanh từ lớn tới nhỏ trong Devotion chắc chắn sẽ làm bạn giật thót cả mình mỗi lần nghe thấy chúng. Từ tiếng nước (hay máu :V) nhỏ giọt đâu đó trong nhà tắm, trong hành lang, tới tiếng gió lùa gió đập vào cánh cửa sổ nhà bếp, hay tiếng bước chân của nhân vật chính vang vọng trong hành lang dài tối đen đều khiến bản thân mình nổi hết cả da gà vì lo nếu quay lưng lại sẽ thấy được nữ quỷ trong chiếc xường xám đỏ. Mặt khác, sau thành công của Detention, Red Candle chắc hẳn đã có thêm kinh phí để đầu tư vào phần âm thanh cho Devotion. Với giọng lồng tiếng cho các nhân vật, trò chơi đã gần như trở thành một bộ phim, kết hợp với góc nhìn thứ nhất, người chơi đã được đóng vai nhân vật chính, nhìn và nghe được mọi điều Đỗ Phong Vu chứng kiến, hiểu được các cung bậc cảm xúc của các nhân vật thông qua sắc thái trong giọng nói của họ. Và cũng nhờ lồng tiếng mà nhiều phân cảnh trong game thực sự creepy và ám ảnh.

Xuyên suốt trò chơi, chắc chắn bạn sẽ nghe được một bài hát được ngân nga, lúc thì bởi giọng của Củng Lệ Phương, lúc thì bạn sẽ được nghe bé Mỹ Tâm trình bày trong một gameshow. Khi dần khám phá bi kịch của gia đình họ Đỗ, dù không hiểu tiếng Trung nhưng khi nghe lại bài hát thì mình đã cảm nhận được nỗi buồn da diết thông qua bài hát “Cô gái nơi bến tàu” này. Và cuối game sau khi hiểu hết tất cả mọi chuyện, bài hát “Hoàn nguyện” do nhóm No Party For Cao Dong trình bày đã làm mình bật khóc bởi nó quá buồn, quá cảm động. Nếu “Cô gái nơi bến tàu” là tiếng lòng của người vợ Lệ Phương cùng con gái Mỹ Tâm thì “Hoàn nguyện” là lời xin lỗi và ăn năn của người cha Phong Vu sau bao sai lầm anh đã gây nên. Tiếc rằng chẳng hề có thuốc hối hận, cũng chẳng thể quay ngược thời gian để sửa lại mọi lỗi lầm …

Tuy Devotion có một cốt truyện tuyến tính, một ending và gameplay không hề có những cơ chế thú vị như Detention, thế nhưng thông qua cách truyền tải và nội dung của nó, Devotion đã được đông đảo người chơi từ Đông sang Tây đánh giá cao. Thật tiếc bởi dính vào ảnh hưởng chính trị game đã bị xóa khỏi Steam, và cách duy nhất để bạn trải nghiệm nó là xem lại gameplay trên YouTube hoặc tải bản lậu. Với cách nào đi chăng nữa, mình thật sự hi vọng bạn sẽ bỏ chút thời gian để trải nghiệm tựa game này. Bởi vì Devotion thực sự là một bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, về tình yêu thương, và là lời cảnh tỉnh cho những ai quá đắm mình vào những niềm tin vô lí mà chối bỏ đi thực tại. Liệu có biết bao gia đình ở ngoài xã hội kia, có những người cha người mẹ mắc phải lỗi lầm như Đỗ Phong Vu, Củng Lệ Phương? Bao đứa trẻ không kịp tận hưởng những gì đẹp nhất của cuộc sống mà đã phải từ giã thế giới này?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện