Đôi điều cảm nhận về lịch sử phát hành truyện tranh ở Việt Nam

Khách quen

  

Lưu ý từ HSBT: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Những ngày sơ khai đó, được cầm trên tay những quyển truyện tranh là thích lắm rồi. Để rồi cho tới hiện tại có biết bao những ấn phẩm đẹp đẽ được tới tay người đọc. Thật sự giờ truyện tranh không chỉ gói gọn việc đọc nữa mà còn là sưu tầm, bao bọc như những món quà giá trị nhất. Bao nhiêu năm trôi qua, việc phát hành truyện ở Việt Nam đã khác xưa rất nhiều rồi: có sự ra đi đáng tiếc, có sự đổi mới và phát triển, có đủ sự thăng trầm. Dưới góc nhìn của một người coi truyện tranh là nguồn sống, mình xin mạn phép viết đôi ba dòng để thể hiện cái tâm tư của bản thân. À còn nữa, mình là một người yêu truyện tranh, mình không phải là wibu.

Thuở sơ khai ngày đó

Những năm 90 thế kỉ trước cho đến những năm 2007

Cái ngày xưa ấy truyện phát hành ở Việt Nam là mạnh ai nấy làm không theo quy củ thể thống gì, đa phần thấy bộ nào nổi ở nước ngoài là đem về dịch, thường lấy từ các bản dịch từ Trung Quốc, Thái Lan nên sai sót là khá nhiều, lắm đoạn còn tự chế vì nhìn tranh đoán hình, cũng không rõ khái niệm bản quyền ra sao nữa. Thời điểm đó thường có kiểu chế truyện, đem truyện của nước ngoài về chép lại tranh rồi xuất bản. Tiêu biểu là Thái không phi thử nhái lại bộ Astro Boy, Dũng sĩ Hesman là vẽ lại từ tạo hình robot Voltron bên Nhật. Rồi còn người nhện, Xmen, chuyện chàng Samurai các kiểu nữa, loạn xì ngầu, loạn cào cào nhưng vui. Giờ kiếm được mấy cuốn đó cũng hoan hỉ trong lòng lắm. Tất nhiên nếu nói hàng cổ đại hơn nữa thì là các bộ truyện tranh minh họa các truyện Tam Quốc, Tây Du Kí nữa nhưng mình lại không có ấn tượng sâu sắc lắm. Cái này chắc phải nhờ các bậc cao nhân 7x, 8x thôi.

Một số hình ảnh về các bộ truyện này, trong đó có Thái không phi thử, Rocket man,…

Cái tên đầu tiên phải nhắc đến là Hùng Lân và bộ truyện tranh Dũng sĩ Hesman đã đi vào huyền thoại. Dũng sĩ Hesman là một cái gì đó đẹp lắm, mộng mơ lắm, huyền bí lắm mỗi khi nhớ về. Bối cảnh năm 2250, thiên hà Garrison, Hesman, Gát Ko, Kíp, Huy Hùng,… hay bất cứ cái gì nữa nữa, nhiều lắm. Tất nhiên vào thời kì sơ khai truyện tranh như thế thì motip khá đơn giản, giờ nghĩ lại còn thấy buồn cười. Hesman gặp quái vật, Hesman chém, bố quái vật đến, chém nốt, ông quái vật đến, chém hết, họ hàng nhà nó kéo đến, chém sạch không sót thằng nào. Có vậy thôi nhưng nó là một thứ gì đó kinh khủng, bom tấn thời đó đấy, giống như việc được xem các bom tấn Hollywood  bây giờ vậy. Thời đó, đứa nào mà chẳng đọc Hesman.

Sau này bác Hùng Lân còn sáng tác thêm bộ truyện Siêu nhân Việt Nam nữa cũng hấp dẫn và hay không kém Hesman. Bởi giờ đây bác đã có kinh nghiệm đúc rút từ truyện trước về thể loại khoa học viễn tưởng, nét vẽ ngày càng đẹp hơn, nội dung nó bay, nó mượt, nó êm vô cùng. Về đất nước Việt Nam vươn xa trở thành cường quốc, thống trị không gian trong khi các quốc gia khác vướng vào chiến tranh, hai người anh hùng Quốc Việt và Đại Nam, chú chó Laika vẫn còn sống rồi lại còn robot Phù Đổng các kiểu nữa. Dù không nổi tiếng bằng Hesman nhưng đây vẫn là một dấu ấn khó quên, cũng là một thứ hàng đặc biệt với dân sưu tầm, thậm chí còn khó kiếm hơn nhiều.

Mà sau này lớn hơn, tìm hiểu sâu hơn mình mới thấy rằng bác Hùng Lân là một họa sĩ có đóng góp cực lớn vào truyện tranh Việt Nam, những công lao khó nhọc trong việc vẽ truyện cũng giống như là Bakuman phiên bản Việt Nam vậy.

Trang truyện trong bộ Sứ giả thời gian của Việt Nam, một bộ truyện mình cực kì thích

Truyện tranh Việt Nam cũng manh nha phát triển thời kì này nhưng dần bị các truyện tranh Nhật Bản lấn át và mất dần vị thế. Ngoài hai cái tên kể tên thì đa phần đều không được mọi người chú ý đến nhiều. Và cứ thế truyện tranh Nhật Bản ngày càng được ưa chuộng, thống trị thị trường Việt Nam. Nhưng tất cả các sản phẩm ấy đều bị in lậu, không có khái niệm bản quyền.

Việc in lậu thì như nấm mọc sau mưa, mạnh ai nấy làm. Lúc ấy có hai nhà xuất bản mạnh nhất thống lĩnh cuộc chơi và vẫn tồn tại cho đến hiện tại là Kim Đồng và Trẻ. Khỏi phải nói hai nhà xuất bản này mạnh thế nào với các hit đình đám bấy giờ. Tất nhiên là hồi đó chẳng hề để ý nxb nào với nhau cả, cứ có truyện là đọc thôi, hay thì đọc dở thì thôi. Lâu dần mới để ý logo trên những cuốn truyện và ngầm hiểu cái nào có logo búp măng (Kim Đồng) và con chim xanh (Trẻ) thì ok đấy, chuẩn đấy, cầm mà ngấm thôi. Còn mấy nhà như Đồng Nai, Cà Mau, Thanh Hóa thì còn xem xét đã.

Kim Đồng là nhà xuất bản lớn nhất bấy giờ với ba bộ truyện tranh nổi tiếng nhất ở Việt Nam bấy giờ là Đô-rê-mon, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng. Đây có thể coi là tam đại truyện tranh, hầu như ai ai cũng đọc, ai ai cũng biết. Đô-rê-mon thì chắc không phải nói nhiều nữa. Nếu nhắc về nó thì nhiều thứ để nói. Mình lớn lên, trưởng thành cùng Đô-rê-mon, và có lẽ đó sẽ là cuốn truyện mình mang theo đến suốt cuộc đời. Để tạm cái link dưới vậy. Đó cũng là bài đầu tiên mình viết về truyện cho HSBT.

Doraemon, Fujiko, nơi tôi tìm về một chốn bình yên

Nếu nói về Thám tử lừng danh Conan thì có vẻ cũng hơi thừa vì nó quá đỗi phổ biến rồi. Nếu nói bộ truyện nào thể hiện rõ nhất cái lịch sử phát hành truyện ở Việt Nam thì đó chính là bộ truyện này. Từ cái thuở còn in nhỏ lẻ trong bộ truyện 12 con giáp, rồi những năm 2000 mua bản quyền cho đến giờ thì cũng đã gần 20 năm, luôn phát hành và tái bản vô số lần. Từ tập 1 đến 46 là bản màu, 47 đến 67 là bản xuôi bìa gạch và cho đến tận bây giờ là bản ngược bìa gạch đúng với bản quyền bên Nhật. Mà nhiều lúc cũng không hiểu đây là truyện trinh thám hay là truyện tình cảm nữa vì tác giả Gosho Aoyama xây dựng các cặp đôi cực kì dễ thương như Shinichi-Ran, Heiji-Kazuha, Takagi-Sato, Shiratori-Kobayashi. Đây có thể nói là bộ truyện mình đọc đi đọc lại nhiều lần nhất, đọc đến độ ngộ chữ luôn. Cái phong cách của tác giả Gosho cũng hay lắm, đó là kiểu hài hước nhí nhố ban đầu nhưng càng về sau câu chuyện càng trở nên nghiêm túc hơn ví dụ như Yaiba hay Magic Kaito.

7 viên ngọc rồng như là quyển truyện gối đầu giường với mọi đứa trẻ vậy. Ngày đó hành trình đi kiếm ngọc là hành trình của ước mơ, khám phá những chân trời mới lạ. Mục đích cao cả những chuyến đi giống như cái tên truyện vậy. Và hãy cùng chiêm ngưỡng trang truyện được xé nhiều nhất Việt Nam.

Đã từng có thời gian mình tiếp cận nhiều truyện tranh hơn, đọc nhiều hơn một chút lại tưởng là oai, lại có kiểu suy nghĩ giờ ai đọc 7 viên ngọc rồng nữa, Đô-rê-mon nữa, chúng chỉ dành cho bọn mới đọc truyện tranh mà thôi. Để rồi nhận ra mình mới thật nông cạn thế nào. Bao nhiêu năm vẫn thế, khi đối diện lại những người bạn thuở nào lại bật khóc, không cầm được nước mắt như hồi còn nhỏ. Phần trẻ con trong người vẫn còn lớn lắm.

Có cái gì đó rất cây nhà lá vườn

Tiếp bước 7 viên ngọc rồng là một bộ truyện đình đám không kém khác là Dấu ấn rồng thiêng. Ngày đó khi bộ truyện này xuất hiện đã có một trang giới thiệu rất cây nhà lá vườn thế này. Mình chỉ nghĩ hồi đó là rồng gì lắm thế, hay lại giống 7 viên ngọc rồng. Nhưng chỉ đọc vài tập thì mới thấy nó thật sự quá đỉnh về cách xây dựng thế giới, về nhân vật, là tiêu biểu hình mẫu về motip dũng sĩ chống lại ma vương.

Cũng giống như màn hóa thân thành siêu Xayda của Goku và Gohan thì cái bộ giáp của Hunken trong Dấu ấn rồng thiêng cũng là một cái gì đó tối thượng rồi, như kiểu báu vật được các Aliens dày công suy nghĩ tạo ra rồi đem cất dấu vào trang truyện ấy. Nó đẹp, nó ngầu mà không một ngôn từ nào diễn tả nổi. Dù biết nó đẹp như vậy nhưng mình cũng không dám xem lại nó, cứ giữ nó trong kí ức mỗi khi nhớ về thôi. Những thứ từng tồn tại trong kí ức thường đẹp đẽ hơn thực tại rất nhiều.

Tiếp thị kiểu Kim, mà thật ra tập 5 Chie cô bé hạt tiêu cũng là tập hay nhất bộ truyện, đáng đọc lắm đấy


Không chỉ có vậy, các đầu truyện khác của Kim lúc này cũng rất hay và đặc sắc có thể kể tới như Siêu nhân Locke, Mankichi Đại tướng nhóc con, Sư tử trắng Kimba, Maruko, Người máy Siêu đẳng, Chie cô bé hạt tiêu, Bộ truyện đường dẫn đến khung thành, Vua trò chơi, Vua phép thuật, Chú Thoòng,… Đều là tuyệt phẩm một thời.

Phong cách dịch của Kim cũng là độc nhất vô nhị. Tuy rằng cũng như cách dịch chung hồi bấy giờ là không sát nghĩa, đuổi hình bắt chữ nhưng Kim đã đạt trình độ thượng thừa đăng phong tháo cực mất rồi, cả việc chỉnh sửa trang truyện nữa. Trong Vua trò chơi (YugiOh-Kazuki Takahashi), Kaiba thiếu gia sau khi gọi được con rồng trắng mắt xanh thì hối Yugi, đánh lẹ lên tao đói bụng rồi còn về nhà ăn cơm nữa. Jonouchi thì thay vì cầm dao, cậu lại dùng e ke, chính e ke vẽ góc vuông đấy các bạn ạ, để bem nhau. Còn nữa, trong Vua pháp thuật (Shaman King-Takei Hiroyuki), đoạn bác sĩ tử thần gọi một đống xương xẩu, hài cốt khổng lồ lên đánh Yoyo (Yoh) thì NXB còn chơi luôn cái chú thích “Đây là đồ chơi Trung Quốc các bạn đừng sợ nha”. A Lý (Tao Ren) sau đó xuất hiện đập bay xác anh bác sĩ rồi nói với Yoyo kiểu, cái này ở quê tao bán đầy.

Đỉnh cao dịch thuật và sự lo lắng độc giả sẽ sợ hãi tới từ NXB Kim Đồng. Đùa, pháp sư đi đem đồ giả Trung Quốc để đánh nhau

Ninja loạn thị thì đúng là một đẳng cấp vươn tầm vũ trụ, cảm nhận như chính người Việt sáng tác ra bộ truyện này vậy. Ba số hai, Khô cá khoai (Caposai), thầy già mà ham (Yamaha), Kiết su (Kirimaru) hay vô số những thứ khác nữa đã biến bộ truyện này thành thứ độc nhất vô nhị. Nhưng Kim cũng không thiếu những bản dịch gây lú và thay đổi câu chuyện 180 độ như Nữ hoàng Ai Cập, khiến sau này người đọc không biết đâu mà lần, thậm chí gây phẫn nộ thực sự.

Việc phát hành truyện thì cũng ba lăng nhăng và gián đoạn nhiều lắm. Vua trò chơi thì kết thúc một cách vô cớ sau tập 21, chỉ gọn lỏn lời của Jonouchi khi bế Yugi rằng cậu ấy là vua trò chơi duy nhất rồi hết. Kim Đồng thì thông báo rằng các bạn đừng buồn nha vì sắp có bộ truyện cũng về Ai Cập nữa. Chắc mọi người biết nó là gì rồi, thề rằng lúc đó ghét cái truyện mới đó vô cùng, mãi sau này mới đọc. Vua Pháp Thuật đọc còn cú hơn khi đến tập ba mấy không ra nữa, sau bộ được mua bản quyền năm 2010 đọc còn muốn lộn cái bàn hơn nữa, gì mà Manta thức giấc, giấc mơ về việc giải cứu công chúa Hao. À không, cái này là do ngài đấy, ngài Takei Hiroyoki, nhưng vì ngài đã vẽ lại đoạn kết trong phiên bản Shaman King Kanzenban nên tôi tha thứ cho ngài.

Còn về NXB Trẻ thì bên đó xuất bản nhiều tựa tuy không có sức ảnh hưởng to lớn như Kim nhưng mà toàn là tuyệt phẩm, danh tác nên đọc một lần trong đời. Ngày đó đã có những tác phẩm như Bác sĩ quái dị, Thằng ngố thiên tài, Từ trong gian khó, Hiệp sĩ thế kỉ 21, Chuột Chinba, Phi thuyền thời gian, Đứa con của đảo, Chim lửa, Đức Phật, Người Zero, Saiboc 009, Người da đỏ lang thang, Monster, Jojo chàng trai dũng cảm… toàn là những danh tác cực kì khó kiếm hiện nay và sẽ còn lâu lắm mới có bản quyền chính thức, được phát hành lại. Nghĩ lại thời đó nhà xuất bản chịu chơi thật, toàn những tác phẩm có chiều sâu và dành cho lứa tuổi trưởng thành. Còn dưới đây sẽ là cảm nhận của mình về một số tác phẩm tiêu biểu của Trẻ thời kì đó.


Cái hồi Subasa ra mắt đã tạo ra một phong trào mạnh mẽ lắm. Người người nhà nhà đều đọc Subasa. Nó ảo nhưng nó hay, chân dài mấy mét, sút một phát thì lủng tường, cháy lưới. Ngày đó đứa nào cũng thích làm Subasa, thích làm Kojiro không thì cũng Misaki, Misugi các kiểu. Nhưng mình lại thích kiểu Genzo hay Ken hơn, những con người có độ “chì” cực cao trong khung gỗ. Người thủ môn lúc nào cũng là vị trí quan trọng trên sân đấu, là chốt chặn đáng tin cậy cho đồng đội tiến lên phía trước, giống như kiểu anh hùng thầm lặng vậy. Lúc đứng nhìn đồng đội ghi bàn hay khi cản phá thành công quả pen, cứu thua ngầu vô cùng. Ngày còn nhỏ mình hay bị bắt làm thủ môn, mà cứ thích dùng skill dắt bóng của thủ môn đội Mexico dắt bóng tấn công thôi. Thành công thì ít, nhặt bóng thì nhiều rồi bị chửi quá trời.

Subasa rồi Hậu Subasa, Subasa đường đến 2002, rồi sau này còn quá trời các phần nữa sau này cho đến tận bây giờ tác giả vẫn sáng tác, vẫn phong cách vẽ truyện tranh chân hai mét ấy. Câu chuyện giờ vẫn còn nhiều cái triển khai lắm. Cảm giác giờ ông Takahashi Yoichi vẫn còn bay và mượt lắm.

Tiểu thư nhu đạo của Naoki Urasawa và Kunimatsu giá lâm của Tetsuya Chiba cùng được in trong 1 quyển

Mà nhắc đến Subasa thì phải nói tới một dấu ấn riêng biệt của thời này. Đó chính là việc in hai trong một, Subasa và Candy cô bé mồ côi. Ngày đó đang đọc Subasa gay cấn thì mở ra đằng sau là truyện Candy, khỏi phải nói tâm trạng lúc đó muốn lộn cái bàn như thế nào. Truyện còn dư một đống mà toàn cái gì không, giá tiền thì vẫn vậy. Nhưng vào cái hồi đó thì thôi cũng cố đọc nốt truyện kia. Điều tương tự cũng xảy đến khi đọc tập cuối Hiệp sĩ thế kỉ 21 của tác giả Fujiko, nửa đằng sau toàn cái gì không à, vẫn là phong cách Shoujo với những đôi mắt long lanh to tròn ấy không khỏi khiến người đọc muốn hận đời mà ngửa mặt lên tận trời xanh.

Bộ truyện duy nhất mà mình ưng của Trẻ trong việc in ấn hai trong một ấy là Tiểu thư nhu đạo, nguyên tác Naoki Urasawa in kèm sau đó là Kunimatsu giá lâm của Tetsuya Chiba, về sau còn có Atomu cậu bé tay sắt (Astro Boy) của Osamu Tezuka nữa. Đó toàn là những tác phẩm cổ điển cực kì đáng đọc của những họa sĩ tài năng bậc nhất xứ Phù Tang mà chúng ta nên thử một lần. Đấy là chưa kể Trẻ còn vác một ông béo biết chơi golf rồi dịch luôn là Teppi để câu khách nữa ấy chứ.

Trang bìa giới thiệu bộ truyện Mặt nạ thủy tinh của NXB Trẻ

Thật ra hồi đó con trai đều không thích mấy truyện ‘kiểu con gái’ lắm, còn ghét nữa. Bị trông thấy chắc sẽ bị lêu lêu như việc chơi búp bê ấy khiến mình toàn phải dấm dúi đọc Mami cô bé siêu nhân, Nữ hoàng Ai Cập rồi nhiều lắm. Tác phẩm tiêu biểu nhất cho thể loại này chính là Cô bé chăm chỉ (Mặt nạ thủy tinh, Glass Mask). Bộ truyện đã đứng vào hàng ngũ những tác phẩm nổi tiếng nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ. Có lẽ mình là con trai nên cảm giác cái logic sao sao ấy, cứ buồn cười. Machi (Maya) ôm bó hoa hồng tím, đưa đôi mắt long lanh của mình ngắm bầu trời đầy sao, tự hỏi lòng người tặng hoa cho mình là ai mà không hay cái người đó ở ngay cạnh bên. Cho đến tận bây giờ câu chuyện vẫn chưa kết thúc, vẫn là một dấu hỏi lớn cho người đọc, ai mới là truyền nhân của Hồng thiên nữ. Tập cuối cùng mình đọc lúc đó cũng là lúc cô Tsukikage đập vỡ chiếc mặt nạ Hồng Thiên Nữ và yêu cầu cả hai hãy tự làm nên Hồng Thiên Nữ của chính bản thân mình. Maya hay Ayumi, ai sẽ đạt được điều đó? Thậm chí nhiều độc giả còn rất lo, và không dám tin tưởng Maya vì Ayumi là một đối thủ cực kì đáng gờm.  Đừng bận tâm nét vẽ mọi người à, hãy đọc nó đi không là phí lắm. Bởi ai đọc nó xong cũng là man/girl of culture hết. .

Bản collab của cặp đôi song sát Adachi Mitsuru và Rumiko Takahashi

Bộ đôi song sát là cái từ mà mình hay nghĩ, một người là Rumiko Takahashi được mệnh danh là “công chúa manga” của Nhật Bản, một người là Adachi Mitsuru được các fan iu ái gọi là “bố già”. Truyện của hai người vẫn luôn được nhớ đến, đón nhận dù bất kể thời kì nào đi chăng nữa, bất kể ai đi chăng nữa. Với bà công chúa thì có thể kể tới bộ truyện gắn tag ecchi, harem thành công bậc nhất ở Việt Nam là Ranma 1/2. Nó hài hước, nó lãng mạn, nó mạnh mẽ, nó hành động và nó cũng nhạy cảm đến nỗi xóa và bôi đen rất nhiều. Điều đặc biệt của cái truyện này là các môn võ công tưởng ghê gớm mà hóa ra lại nhảm, lại nhộn, vui đến không ngờ. Ti tỉ các loại suối chết chìm, từ con gái, heo, vịt, gấu trúc rồi mèo. Gan ngỗng vỗ béo, Bít Tất thái lang, Đạn sư tử gầm gừ, Phi long thăng thiên, Bát bảo ngũ viên vẫn sẽ là những key word còn tồn tại mãi trong lòng người yêu Ranma 1/2, nghĩ đến thôi là lại bật cười.

Còn Inuyasha lại là một bộ truyện đặc biệt. Đó cũng có thể coi là chiến trường thế kỷ, tốn biết bao giấy mực, tranh cãi ngày này qua tháng khác giữa hai con người, Kagome và Kikyou. Một người của quá khứ, một người ở hiện đại. Với Kikyou thì như còn vướng bận một chữ thương lớn lắm, một nỗi day dứt trong quá khứ, một nỗi oan ức mà giá như ngày đó… Còn ở bên Kagome, cậu ta có thể cảm thấy bình yên, có thể tựa đầu, có cảm giác muốn che chở, muốn bảo vệ, muốn bao bọc muốn sẻ chia. Kagome và Kikyou, hai con người có thể coi là tiền kiếp của nhau, cùng một gương mặt, nhưng cách xây dựng nhân vật lại đặc biệt khiến người đọc không hề nhầm lẫn. Người đọc sẽ đều cảm thông cho các nhân vật, nhiều lúc còn trách Inuyasha thật nhu nhược khi không dám thể hiện rõ ràng cảm xúc chính mình. Và đến giờ cuộc chiến hai phe vẫn rất nóng bỏng dù câu chuyện đã kết thúc từ rất lâu. Còn mình phe ai á, chắc không dám nói đâu. Trộm vía các chị đại đọc được những dòng tâm sự của con người bé nhỏ dễ tổn thương này thì đừng biến nơi đây thành chiến trường, sợ lắm.

Mà thật sự mình thích cặp đôi Miroku và Sango hơn nhiều. Những lúc Sango tựa đầu vào vai Miroku để anh an ủi mà lòng sao thấy yên bình đến thế. Còn Sessomaru được khắc họa như một đại thần, lạnh lùng và cao quý, là tình đầu quốc dân của mọi thiếu nữ, là một hình tượng đẹp đẽ bất khả xâm phạm.

Đặc trưng trong phong cách của bà công chúa vẫn là thế, những nhân vật luôn có sự đối nghịch trong lòng, Ranma là sự đối nghịch về giới tính nam và nữ, Inuyasha là nửa người nửa yêu, là những lựa chọn, phân vân trong mỗi con người.

Về sát thủ còn lại là Adachi Mitsuru thì vẫn lại là những khát khao tuổi trẻ, là những ước mơ. Truyện của ông có đọc lại bao lần cũng không hề chán, vẫn luôn đem lại cảm giác đầy đặn, dung dị. Mình không nhớ đã đọc lại bao lần truyện của ông nữa, nhưng cứ định kì mỗi mùa hè đến là lại ôn lại một lần tất cả các truyện đến mức như thuộc lòng từng trang. Bởi cái mùa hè trong truyện của ông đặc biệt lắm, là cái dữ dội khao khát của tuổi trẻ, là Koushien đầy ắp khán giả, là mùa của cố gắng nỗ lực, mùa của thanh xuân. Touch có thể coi là bộ truyện mình thấy hay nhất, cũng day dứt nhất và buồn nhất. Đọc Touch một lần là nghĩ về Tatchan, đọc lần hai là thương cảm cho Katchan và đến những lần hiện tại Minami lại là người buồn nhất đáng thương hơn cả. Hãy đọc Touch một lần để tâm hồn được trở lại thanh xuân, trở lại cái nắng hè của tuổi học trò, với gia đình, tình thân.

Hình ảnh gợi lên trong đầu mình mỗi khi nhớ về truyện của Adachi

Nhưng các đầu truyện của ông vẫn vậy, vẫn có một cái gì đó cố chấp, vẫn là những cái kết mở khiến người đọc chưng hửng, vậy là hết rồi à. Là hình ảnh bức tranh tiên tri của anh hai Asajirou vẽ về Shichimi và Natane trong Ớt bảy màu. Giấc mơ về một hòn đảo nhỏ cách xa Tokyo trong Slow Step. Cảnh bơi thi tranh ngôi vô địch, hãy cùng cứu Ami trong Rough. Kỷ niệm chương Koushien trong Touch. Cái kết khiến người đọc nhớ nhất là H2 hay bất kể là Katsu!, Cross game, Q&A, .. Đôi lúc ức chế đấy, ghét ông lắm đấy, sao không có nhiều cảnh chiều lòng độc giả hơn nhưng rồi cũng đành chấp nhận vì đó là cái chất riêng của ông mà thôi. Bởi nó chân thật, nó không hoành tráng như phim, chỉ đơn giản một cái chạm, một cái nắm tay, một ánh mắt là đủ hiểu, đủ cảm nhận rồi.

Trong bốn tác giả yêu thích thì hai người đã về với trời xanh, một người đã ở ngưỡng 80 rồi chỉ còn ông đang sáng tác nhưng cũng đâu trẻ trung gì nữa, 69 xuân xanh rồi. Và có lẽ Mix sẽ là tác phẩm cuối cùng của ông, nên mong ông sức khỏe dồi dào còn sáng tác nữa. Có một nhận định hay mà mình đã từng đọc đâu đó là Mix như một sự đền bù cho những đau buồn mà Touch mang lại, mong là như thế. Cũng lâu lắm rồi, định chờ Mix xong hết rồi mới đọc lại.

Thời điểm tiếp xúc với truyện của hai ông bà này cũng là thời điểm mình đã bắt đầu lớn dần. Đã biết rung động, biết ngại ngùng khi nhìn thấy ánh mắt một ai đó, chợt thấy, chợt quay đi rồi đem lòng thương nhớ. Đã biết thao thức suy nghĩ, bật cười vu vơ nhưng rồi cứ giấu mãi mà không dám nói ra. Là một điều đặc biệt chắp vá nên cái tuổi trẻ này. Nên cảm ơn bộ đôi song sát này lắm đã mang lại những giấc mơ đẹp đẽ đến thế.

Nếu Kim Đồng là nhà xuất bản dành cho mọi lứa tuổi với những tựa truyện ai ai cũng thích, cũng mê, thì Trẻ lại hướng đến lứa tuổi trưởng thành nhiều hơn. Và cho đến tận bây giờ con đường của cả hai vẫn không thay đổi nhiều.

Câu lạc bộ truyện và bạn ở cuối mỗi tập là một thứ khác và đặc trưng lắm. Ngày đó thì làm gì có Yahoo, Facebook cũng chẳng có mạng mà giao lưu. Khi thương nhớ, khi xa cách người ta tìm đến thư. Và khi mình đọc những kiểu đó mình thích lắm, nó sẽ kiểu như, à thằng này nó ở tận đẩu tận đâu mà nó giống mình quá nè, cũng thắc mắc vẩn vơ, cũng linh tinh lắm chuyện. Mình còn hay kiểu dò danh sách hội viên để đếm nữa, ví dụ như đứa này ở gần mình này, đứa kia ở tít tận đâu á. Thật sự đây là điểm nhấn chỉ riêng truyện tranh cũ mới có được. Những dòng thư đó sẽ còn lại mãi mãi với thời gian.

Nếu như dịch thuật, phát hành của các NXB lớn kia đã loạn cào cào thì các NXB nhỏ lẻ như Cà Mau, Đồng Nai, Thanh Hóa,… lại còn loạn hơn, chắc cỡ loạn bố cào cào. Các nhà xuất bản đó không có thế mạnh như hai ông lớn ở trên nên truyện thường in rất xấu. Giấy vàng và thô, dịch thuật cũng không được mượt, mất tranh mất hình là điều thường xuyên như cơm bữa. Tên truyện tên tác giả thì toàn trời ơi đất hỡi, giờ khó mà kiếm lại. Tin mình đi, bạn sẽ không tưởng tượng được có bao nhiêu siêu phẩm truyện đã xuất bản lậu đâu. Mà kiểu đúng đọc hôm nay đéo có ngày mai, không bán được thì dẹp. Đúng như kiểu bê hết về để in, miễn là truyện tranh là được rồi. Nhưng vẫn luôn có những siêu phẩm ghi dấu ấn mãi trong lòng người hâm mộ.

Chú bé rồng, Thanh long nhi, Truyền thuyết con trai rồng hay gì đi nữa nó vẫn luôn là một trong những bộ truyện hay nhất mình đã học. Cốt truyện mà khi nghe chắc bạn sẽ chẳng thấy lạ lùng gì nữa. Một cậu nhóc và bạn gái cậu bị xuyên không về thời Tam Quốc. Đôi bạn bị chia cắt khi cậu – Kokichi (Shirou/Chí Lang) ở bên Thục làm quân sư cho anh em Lưu Quan Trương, được mệnh danh Quân sư Rồng vang danh thiên hạ, chiến tích lẫy lừng. Còn Asa bạn gái cậu lại rơi vào tay Tào Tháo và được ông tôn làm Con gái Rồng, như một biểu tượng của thánh thần để thu phục lòng người. Tất nhiên vào những năm “đói khát cái để đọc” thì Chú bé rồng như một thế lực vậy, mình đã đọc một lèo vài tập liền một lúc rồi bị bắt đi ngủ. Nhưng làm sao ngủ được khi câu chuyện đang đến hồi gay cấn, cứ trằn trọc mà tưởng tượng trận chiến sẽ diễn ra thế nào, đến mức các nhân vật như chuyển động trong đầu, diễn ra theo chính kịch bản mình nghĩ ra.

Kokichi vs Hoàng Phi Hổ

Cái hay nằm ở chỗ khi mình đã có kiến thức về Tam Quốc, đã hiểu diễn biến của nó và mong chờ tác giả sẽ biến tấu nó ra sao. Liệu rằng tác động của cậu bé ở thời hiện đại Kokichi sẽ như thế nào với thời thế. Cậu sẽ ở bên Lưu Bị phò tá ông ta hay vì người bạn gái thanh mãi trúc mã mà sang bên Tào Ngụy. Lần lượt các nhân vật lịch sử được xuất hiện đều khơi dậy cái phấn khích trong lòng như Chu Du, Bàng Thống, Lục Tốn, Trọng Đạt, Mã Siêu,… Các trận đánh lịch sử cũng được diễn ra theo một cách rất riêng. Dần dần cốt truyện xoay chuyển đến độ chóng mặt, không phải là tác phẩm dựa hơi Tam Quốc, mà tác giả đã biến hóa nó thành câu chuyện của chính ông. Ban đầu mình còn tưởng rằng đây là bộ truyện lịch sử, võ thuật pha chút kì ảo nhưng rồi nó biến thành thứ gì ấy, phép tiên, đấu tiên thuật, tiên khí phát kình, phá hoàng rồi thiên mệnh, vũ trụ số kiếp, loạn hết cả lên nhưng vẫn hay. Gò Bác Vọng rực lửa; Xích Bích đi vào huyền sử; vùng thảo nguyên đầy nắng gió của các Thiền Vu Hung Nô; trở thành nguyên soái thống lĩnh quân đội đánh tan quân Đông Ngô cho đến khát vọng lập quốc hiện tại cũng gần 30 năm rồi. Dù thế nào đi nữa Long nhi của chúng ta vẫn bước đi.

Ngày đó đọc đến tập bốn mấy à, đến phần kết thúc Hung Nô thì mình tưởng đã kết thúc rồi, về sau mới biết là đó mới là một nửa thôi và vẫn còn đang ra tiếp. Chương truyện của nó rất dài, cũng cực kì nặng về nội dung nữa. Giờ truyện vẫn đang sáng tác nhưng nét vẽ đã không còn chi tiết, mạnh mẽ đáng nhớ như nước. Nhân vật thì như uống Aptx 4869, người thì quắt lại như suy dinh dưỡng, hơi tí lại xuất hiện cảnh há hốc mồm hoảng hốt rồi giọt mồ hôi lăn dài. Nội dung cũng đi xuống rất nhiều rồi. Dường như việc dõi theo bây giờ là để biết kết thúc của truyện mà thôi, Kokichi sẽ phải làm gì giữa thiên hạ đang đại loạn, Asa và cậu có thể trở về bên nhau được hay không, Phá Hoàng và Thiên Mệnh sẽ có kết thúc như nào. Đây có thể là bộ truyện mình lo nhất về việc đứt gánh giữa đường.

Mà thú vị ở chỗ khi tìm đọc lại nó trên mạng, đọc bình luận thôi cũng đủ thấy vui. Toàn những ông anh khoe chiến tích kiểu, tao năm nay 36 rồi đó mà thằng này vẫn chưa hết, tao đọc truyện này 20 năm rồi đó từ cấp 2, giờ tao già hơn thằng rồng này rồi, gọi là Trung niên Rồng thôi chứ Chú bé gì nữa. Mình cũng vui lắm khi có thể tự hào, mình đã là fan bộ truyện này được 15 năm rồi.

Bên cạnh Chú bé rồng cũng là một đầu truyện nổi danh khác, cũng được coi như song sát một thời. Ra đời từ 1983 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, nhưng khác cái là phong độ vẫn ổn định, câu chuyện càng lúc càng hấp dẫn. Từ Chú bé Long nhi rồi Hoàng Phi Hồng, Chú bé vô song, Hoàng Phi Hồng giải phóng Hà Nam, mình đều dõi theo. Tính ổn định là một trong những điều mình đánh giá cao bộ này và tác giả, sau bao nhiêu năm nét vẽ vẫn vậy và có phần đẹp hơn, các pha võ thuật vẫn mạnh mẽ và sắc nét. Tính đến nay truyện đã ra nhiều phần lắm như Đảo thuyền quân, Giải cứu công chúa Mito, Tập đoàn ám sát.

Mà phần hay nhất, đỉnh cao nhất vẫn là Giải phóng Hà Nam, nơi phản diện hay nhất cũng như mạnh nhất từng được tạo ra – tướng quân Bao Lỗ. Bao Lỗ là phản diện vô cùng ấn tượng với vẻ ngoài cao lớn và sự tàn độc lạnh lùng, toát lên khí chất đáng sợ đến độ nghẹt thở trên mỗi trang giấy. Hắn cô độc, không có sư phụ, tồn tại với khát khao chiến đấu. Mọi thứ hắn làm đều là tự học, là thiên tài chỉ cần nhìn có thể học được tuyệt chiêu đối thủ. Đến cái độ một tay sử dụng Xuyên khổng phá, một tay sử dụng Thông bội quyền của Phi Hồng. Cho đến giờ trận đấu giữa Phi Hồng và tướng quân Bao Lỗ vẫn là trận 1 vs 1 hay nhất mình từng đọc, xứng đáng ghi danh vào sách giáo khoa về truyện tranh võ thuật. Đánh đến độ tan nát đường đất, hoang tàn cung điện, đánh đến độ Thông Bội Quyền, Xuyên khổng phá dùng không biết bao lần. Đánh đến mức phát sáng người và sát chiêu Lôi Thần được sử dụng.

Hoàng Phi Hồng vs Bao Lỗ tướng quân

Phần Tập đoàn ám sát đang được sáng tác có thể coi là phần truyện quy mô nhất, giàu công sức nhất của tác giả. Phần truyện với những trận đánh lớn huy động cả quân đội triều đình, cả Thiếu Lâm Tự với những tên tuổi như Từ Phương, Đan Đan, Phi Long, Mỹ Mạo,… Cũng là phần tiết lộ quá khứ một trong những phản diện ấn tượng là Tào Tất. Mình hy vọng đây sẽ là phần truyện hay nhất, hoành tráng nhất vượt qua khỏi cái bóng quá lớn của người anh em Giải phóng Hà Nam.

Thực ra cái tên Phi Hồng cũng không chuẩn xác lắm, Đại Hùng có vẻ cũng không chuẩn mà tên thật cậu là Chinmi, hay là Trần Mấn. Bởi cái thế hệ trước mê võ thuật lắm, Thiếu Lâm Tự, Phương Thế Ngọc, Hoắc Nguyên Giáp các thứ các thứ nên cách dịch này cũng thu hút rất lớn người đọc. Mọi người thử nghĩ xem với cái tên Hoàng Phi Hồng này thì nổi tiếng là điều dĩ nhiên. Lâu dần thành quen, nhìn thấy cậu ta là nhớ tới Hoàng Phi Hồng, nhớ tới cậu bé trưởng thành ở chùa Thiếu Lâm. Thích vừa đọc truyện vừa nghe Nam nhi đương tự cường lắm, nó “hai” lắm.

Giá truyện tranh thời kì đó dao động có vài nghìn thôi nhưng với những đứa như mình thì khá là đắt đỏ. Thời đó bố mẹ coi đọc truyện như kiểu nhũn não, loạn mắt vậy ấy. Thử xin tiền bảo con đi mua truyện xem thể nào cũng bị đánh nát đít. Thế nên đây cũng là thời kì hoàng kim của các hàng cho thuê truyện. Cách xa nhà mình có con sông dài, hai bên là những con phố, với các hàng thuê truyện trải dài tít tắp. Hai anh em trên chiếc xe đạp chạy vòng vòng vài cây số giữa trời nắng chang chang với một mong muốn cháy bỏng, được thỏa mình với truyện tranh. Đó có lẽ là hình ảnh mình muốn mang theo đến hết cuộc đời..

Hồi đó mình hay quạu, sao mấy hàng truyện ở chỗ mình không cập nhật truyện mới thế, toàn hàng cổ lỗ sĩ gì không ấy, toàn từ đời tám hoánh nào rồi. Mình muốn đọc One Piece, muốn đọc Naruto cơ. Nghĩ lại mới thật buồn cười, khi giờ đây đó mới là thứ truyện tranh mình muốn đọc nhất, muốn sưu tầm nhất. Chợt thấy cũng là cái duyên khi thẩm thấu được toàn những hàng cổ như thế.

Công ước Berne 2004 cũng là một dấu ấn quan trọng làm thay đổi việc phát hành truyện tranh ở Việt Nam đến tận sau này. Sẽ không còn các quả dịch tên truyện trời ơi đất hỡi, những bìa truyện tự chế lạ hoắc hay bôi đen cắt cảnh nữa. Truyện tranh dần chuyển sang hướng chuyên nghiệp hơn. Những năm 2005, 2006 nhiều đầu truyện có bản quyền đã được mua về nhưng vẫn chưa có sự thay đổi rõ rệt lắm.

Tựu trung lại, đây là thời kì mà mình nhớ nhất, cũng gắn bó lâu dài nhất và chắc chắn nhiều người cũng thế. Vẫn là sự bồi hồi nhớ lại những Mon 92; Dũng sĩ Hesman; 7 viên ngọc rồng 96, 2003; Dấu ấn rồng thiêng, Teppi bản Trẻ; Jindo gáy xanh,… Đó đều là những các ấn phẩm đặc biệt phải có trong tủ những người sưu tầm truyện tranh.

Khi bản quyền lên ngôi

Những năm 2007 đến 2016, 2017

Đây có thể là thời điểm bùng nổ về bản quyền. Tất nhiên vấn đề bản quyền ở nước ta từ xưa đến nay vẫn là vấn đề nhạy cảm từ phim ảnh, ca nhạc rồi game. Có thể hơi khập khiễng một chút nhưng có thể so sánh việc in lậu và bán truyện không bản quyền giống như việc chơi bản quyền và crack game vậy. Bên nào cũng có cái để nói, để tranh cãi nên mình xin mạn phép không nói sâu hơn nữa. Nhưng có một điều không thể sai được là việc có bản quyền vẫn luôn tiện dụng hơn nhiều. Đúng hay sai mỗi người chắc đều có câu trả lời cho riêng mình.

Như mọi người đều biết Nhật Bản có cách đọc truyện khác với chúng ta là từ bên phải sang nên những thời kì trước, truyện tranh khi về Việt Nam phải in ngược lại để phù hợp người đọc. Việc tuân thủ công ước Berne cũng đồng nghĩa với việc phải in đúng chiều các tác phẩm như phía Nhật Bản. Ninja loạn thị chính là một chú chuột bạch đầu tiên cho việc in ngược như thế này và đã hết sức thành công, trở thành tiền đề cho các bộ truyện tranh sau này.

Truyện ngược sau đó đã được phát hành rộng rãi và dần thay đổi thói quen của độc giả, dạo đó lên cả thời sự nữa. Người ta lo lắng thế hệ trẻ sẽ đọc sai cách, dẫn tới sự lệch lạc, rối loạn lắm. Báo đài đưa tin rầm rộ, kéo theo hàng loạt tựa truyện hơi “mát mẻ” một chút cũng bị lên án, xử trảm. Còn nhớ đợt đó đang ăn cơm tự dưng thấy YugiOh bản Thanh Hóa mà đích xác là hình của Mai Kujaku trên VTV mà chột dạ. Rồi mẹ quay ngoắt sang hỏi: “Mày có đọc cái thể loại truyện này không đấy?”. “Không, con có bao giờ biết mấy thể loại như này đâu” rồi lủi nhanh lên phòng đem giấu. Quay trở lại vấn đề đọc ngược thì mình thấy cũng không vấn đề lắm về cách đọc này. Thôi thì bỏ qua nhé với lại mình có phải chuyên gia tâm lí đâu.

Hướng dẫn đọc truyện trên trang cuối Naruto của NXB TVM Comics

Khi người đọc lật giở theo thói quen sẽ có một trang truyện với nội dung kiểu là “Ô xem chuyện gì đang xảy ra với truyện… thế này”. Sau đó là một hàng dài dằng dặc những chữ chia sẻ về việc tại sao lại in ngược và hướng dẫn đọc như nào. Các tác giả đều không muốn đứa con tinh thần của mình bị lộn ngược như thế, mọi ý đồ, dụng ý của họ cũng vì thế mà lệch lạc đôi chút. Thử tưởng tượng cái áo của nhân vật mặc in chữ LIVE nhưng lộn ngược lại thì thành EVIL thì sai quá sai rồi. Cũng như ngày đó mình hay thắc mắc Nobita sao viết tay trái thế, mà viết tay trái thì học dốt là đúng rồi. Và tất nhiên phải mất rất lâu người đọc mới quen việc đọc ngược lại như vậy. Đôi lúc mấy ông anh lớn của mình cầm quyển truyện mà chẳng biết đọc như thế nào, chịu luôn, xoay ngang xoay dọc miết. Hiện tại duy chỉ có Nhóc Miko của Trẻ là in xuôi vì đây là truyện phù hợp cho cả các bé 5+ nên chắc để các bé đọc đỡ bị rối sau này.

Những năm này internet đã phát triển mạnh mẽ, người đọc có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các đầu truyện nổi tiếng. Các diễn đàn truyện tranh hay các trang đọc truyện online được phổ biến hơn mà đặc trưng nhất là VnSharing – huyền thoại. Việc giao tiếp chia sẻ về các bộ truyện dễ dàng hơn, các nhóm dịch truyện cũng được hình thành với mục tiêu tối thượng là dịch vì đam mê, để các tác phẩm yêu thích của mình được nhiều người biết đến hơn. Chúng ta có thể dễ dàng tìm đọc trên mạng, tiếp cận nhiều hơn những siêu phẩm trên thế giới và không còn chịu sự bó buộc vào các nhà xuất bản nữa. Thế nhưng đọc thì thích thế thôi, làm sao hứng thú được bằng việc được cầm tận tay những quyển truyện, lật giở từng trang và hít hà cái mùi gây nghiện. Với lại cũng đỡ đau cổ và mỏi mắt hơn. Người đọc khát khao được cầm truyện tay những siêu phẩm lúc đó như One Piece, Naruto, Bleach lắm.

Để mua bản quyền những bộ truyện thường rất khó vì Việt Nam vẫn luôn là điểm đen về việc in lậu, xuất bản lậu. Thành ra khá khó khăn cho các nhà xuất bản Kim Đồng hay Trẻ khi mua bản quyền các tựa truyện vì trước đó đã xuất bản lậu khá nhiều. Lúc bấy giờ có một đơn vị đã nổi lên thành thế lực mới là TVM Comics sẵn sàng chịu chi cho các tác phẩm nổi tiếng nên được các phía đối tác tin tưởng hợp tác. Mà cái tên này sẽ vẫn còn mãi trong lòng những người yêu truyện tranh ở Việt Nam.

TVM Comics chính là đơn vị tiên phong cho trong việc đem lại những bộ truyện bản quyền bom tấn và chất lượng. Từ Naruto, Bleach, Fairy Tail, Slam Dunk, Tsubasa cho đến Rurouni Kenshin, Attack on Titan, Yotsuba!, Hắc quản gia, Luật của Ueki rồi còn nhiều tác phẩm được mua bản quyền khác nữa. Mà trong đó có cả Tokyo Ghoul nữa, trộm vía không biết được xuất bản thì 125 chắc chịu chết. Ấn tượng của mình về TVM đầu tiên chính là dòng chữ 100% bản quyền chắc cốp trên mỗi bìa truyện như một biểu tượng khó quên. Nó tượng trưng cho cái thời kì chuyển giao giữa cái mới và cái cũ, giữa việc in lậu và từng bước chuyển sang bản quyền, mọi thứ dần dần hướng về sự tiện nghi hiện đại, hội nhập, chuyên nghiệp hơn.

Kim Đồng cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ khi mua được bản quyền của One Piece, Dragon Ball, Shaman King, Bakuman,… Mà đặc biệt chính là bộ truyện kỉ niệm 20 năm xuất bản của Đô-rê-mon chỉ in 1992 bản nên cực kì khó kiếm đủ bộ bây giờ.

Dịch thuật thời kì này bớt ba lăng nhăng như thời kì trước, và cũng như việc tuân thủ công ước Bern. Nhưng nó thực sự nhiều lúc bị cứng quá, khô và cụt lủn. Nhưng thực sự có Gintama và người dịch giả Mokey King làm mình nhớ đến. Gintama là một bộ truyện nổi tiếng vì độ hài bựa, liên quan nhiều đến những pha đùa 18+ rất nhiều lớp nghĩa và loằng ngoằng, dịch nó cũng cần rất nhiều công sức và tinh ý. Mà ngay từ cái tên của nó cũng là một phép chơi chữ khá nhạy cảm nữa. Mokey King là một dịch giả trên mạng mà mình rất hâm mộ vì khả năng chơi chữ đỉnh cao của cậu ta. Quả thật nếu như đọc Gintama mà không đọc bản dịch của Mokey King thì đã mất đi cái hay rất nhiều rồi. Tài năng của cậu ta đã được Kim Đồng chú ý và liên hệ làm việc. Giờ đây khi nhìn thấy dịch giả Mokey King trên những quyển truyện Gintama, Tôi là Sakamoto hay One Punch Man cũng cảm thấy ấm lòng và vui lắm rồi. Cậu ta đã truyền cảm hứng cho mình rất nhiều, về việc có thể sống với đam mê.

Giai đoạn này cũng là giai đoạn khó khăn của nxb Trẻ sau này mới phục hồi lại và chất lượng hơn. Thời gian đó hàu như mình gắn bó với Trẻ vì bộ đôi song sát. Điểm cộng duy mình thích là phong cách dịch thuật của các bộ truyện này có nét hài hước, tưng tửng đúng chất Adachi mà thôi.

Giá truyện thời kì này cũng có sự thay đổi, thường gấp đôi so với giá thời kì trước thường từ 10000 đến 16000 do tăng thêm tiền bản quyền, và những hàng thuê truyện vẫn còn nhiều đất sống. Người đọc được làm quen với những bìa truyện đúng chuẩn gốc Nhật, không còn tình trạng chế hình, chế câu từ nữa.

Thời kì này, mình gắn bó với truyện của Kim Đồng và TVM hơn cả mà. Thế nhưng rồi mạnh mẽ là thế, hy vọng mong chờ như thế TVM Comics lại sụp đổ để lại biết bao cảm xúc nơi người đọc. Tức giận có, thất vọng có, buồn thương có, tựu trung lại là sự nuối tiếc tột cùng. Mà nguyên nhân là gì thì chỉ những người trong ngành mới tường tận rõ ràng, mình cũng không muốn nhắc đến trong bài. Giờ đây chỉ còn vương vấn lại những hoài niệm một thời huy hoàng của TVM như thế. Khi nhìn những đợt thanh lý truyện TVM, mình cảm thấy tiếc lắm. Chúng như những sản phẩm để thì thương vương thì tội, giống như những đứa con hoang. Truyện nào cũng là truyện, chúng xứng đáng được tôn trọng và nâng niu.

Bleach – TVM Comics một thời

Truyện giờ khác xưa lắm rồi

Những năm 2016-2017 cho đến hiện tại

Đây là thời kì mình thấy truyện tranh ở Việt Nam đã khác biệt rất nhiều rồi. Đó là tính chuyên nghiệp hơn các thời kì trước, đặc biệt là khâu bản quyền. Giờ đây ý thức người đọc cũng đã khác rất nhiều so với trước, tôn trọng bản quyền hơn, chịu chi hơn và niềm đam mê cũng được tiếp nối, không hề thay đổi. Người đọc không ngại chi tiền để có những sản phẩm chất lượng và độc đáo. Tiếng nói của người đọc cũng có giá trị hơn, sẵn sàng ý kiến với các NXB về các lỗi in ấn, dịch thuật, không hài lòng ngay khi các sản phẩm không đạt chất lượng chứ không ấm ức cam chịu như trước.

Giá truyện tranh giờ cũng khác lắm rồi, quyển rẻ thì tầm 20000 đến 22000, đắt hơn có 40000 rồi 69000 nữa. Các phiên bản limitted có khi còn đẩy giá cao nữa, đến vài trăm một quyển đều không phải chuyện hiếm. Đấy là chưa kể đến Comic hay Light Novel cũng có giá thành như thế. Nhu cầu giờ không chỉ giới hạn trong việc đọc nữa mà còn là sưu tầm nên chuyện một người mua một quyển để đọc, một quyển để bọc làm kỉ niệm, một quyển để tặng cũng không phải là hiếm nữa.

Nhưng cũng vì thế mà một nét văn hóa đọc truyện mình yêu thích cũng dần dần không còn nữa – văn hóa thuê truyện. Giờ đây ít ai đi thuê truyện nữa, kinh tế đời sống tăng cao, những người đã từng sống trong bầu không khí đó giờ đã có đủ điều kiện kinh tế rồi. Họ thích mua hơn là chung đụng với ai đó, không còn chịu cảnh đang đọc thì bị xé trang gấp nếp nữa.

Chất lượng giấy cũng là một điều đáng nói bây giờ. Như mình đã viết ở phía trên thì bây giờ mục đích của mọi người không chỉ là đọc nữa mà còn để sưu tầm đa phần đọc một lần rồi bọc đem cất nhưng dù bọc kín thế nào thì cũng bị vàng ố rất nhanh vì đây là giấy xốp. Giấy xốp có ưu điểm là lên mực đẹp, nhẹ nhưng rất nhanh vàng ố. Với khí hậu của nước ta mà đặc biệt những hôm nồm ẩm thì bye bye sắc trắng nhé. Chưa già nhưng đã lão hóa. Đây cũng là trở ngại rất lớn với những người muốn sưu tầm truyện tranh.

Quay trở lại với hiện tại thì một quyển truyện khi ra mắt đều có các sản phẩm tặng kèm bắt mắt như postcard, bookmark, obi, huy hiệu, bìa rời. Hơn nữa giờ không chỉ có truyện mà còn vô số những ấn phẩm ăn theo bộ truyện đó như databook, artbook, card nhân vật nữa. Đó cũng là điều chỉ có bản quyền mới đem lại được. Các NXB cũng chịu chi hơn cho các sản phẩm chất lượng, cao cấp hơn. Các tập truyện limited xuất hiện ngày càng nhiều, và còn có cả các phiên bản đen, trắng cho mỗi tập truyện nữa. Ngay như One Piece tới arc Wano đã xuất hiện 3 phiên bản bìa giới hạn khác nhau. Teppi bản limited kết thúc có tặng kèm thư tay của tác giả Tetsuya Chiba. Naruto khi tái xuất tại Việt Nam đã có hẳn 3 phiên bản bìa cho tập đầu tiên là bìa cam, bìa bạc, bìa thường. Tập 26, 27 phiên bản giới hạn lại cực kì đẹp, được thiết kế dựa trên sự đối lập giữa Naruto và Sasuke còn tập 27 thường lại tặng kèm bookmark đánh dấu kết thúc phần 1. Tất nhiên những ai fan Nar nổ thì không gì khác ngoài việc mua hết mà thôi, thế nên shut up and take my money. Các bộ truyện cũng được bày bán theo dạng box set vô cùng đẹp mắt và tiện dụng cho việc trưng bày nữa.

Box set 32 tập Nhóc Miko của nxb Trẻ, có kèm tập 32 mới nhất

Nhà xuất bản Kim Đồng lúc này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đây là nơi có trong tay rất nhiều các đầu truyện chất lượng. Đầu tiên phải kể tới bộ ba quyền lực, tuổi thơ của mọi thế hệ Việt Nam là Dragon Ball, Doraemon, Thám tử lừng danh Conan. Khỏi phải nói về số lượng bản in khủng, ti tỉ các ấn phẩm đi kèm theo có thể kể tới như bản Đại tuyển tập Doraemon, Conan movie, rồi sắp tới đây còn bản Dragon Ball full màu nữa. Đó có thể coi là một món ăn quen thuộc với đại đa số người đọc, là tác phẩm mà ta có thể tự hào với con cháu của mình.

Kế đó là các đầu truyện của nhà xuất bản Shonen Jump cũng là một thế lực đáng gờm nữa. Phải kể tới những bom tấn như One Piece, Naruto, Bleach, YugiOh luôn sở hữu một lượng fan hùng hậu và trung thành. My Hero Academia, One Punch Man vẫn là những tân binh mới đầy hứa hẹn, hay như việc mua bản quyền Kimetsu Yaiba, Spy X Family đã cho thấy sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường của NXB. Và còn nhiều đầu truyện được nhá hàng, được tái bản nữa càng làm cho Kim Đồng ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa. Đối tượng Kim Đồng hướng đến là lứa tuổi thiếu niên, cũng là lứa tuổi đam mê nhất, hăng hái nhiệt huyết nhất, đông đảo nhất.

Fullmetal Alchemist Deluxe Edition xuất bản bởi NXB Kim Đồng là một bộ truyện đẹp nhất và đáng mua nhất hiện giờ. Như mọi người đã biết nó đã từng được phát hành ở Việt Nam dưới cái tên Giả kim thuật sư nhưng không hề chính xác lắm. Mình ấn tượng bởi ngay từ tựa truyện là Cang giả kim thuật sư. Cái chữ Cang mới là phần quan trọng nhất, thể hiện rõ nhân vật chính Edward Eldric và sự khác biệt so với các nhà giả kim khác như Roy Mustang là Hỏa giả kim thuật sư, Alex Louis Armstrong là Thiết thủ giả kim thuật sư. Hơn nữa Roy hay các nhân vật khác cũng hay gọi Ed là “Cang”, “nhóc Cang” nên cách dịch này đã cho thấy Kim rất nghiêm túc với ấn bản này. Hơn nữa nhiều đoạn còn bộc lộ bản chất tinh ranh “khốn nạn” của Ed hơn, mới đọc mấy tập đầu thôi mình đã rất thích.

Bên cạnh đó là việc quyển truyện được bọc kín tiện cho việc sưu tầm hay lúc unbox cũng thật hào hứng như lúc mình mở kho báu vậy. Có tận 2 bìa rời, bìa lót màu tương ứng với màu của truyện. Chất lượng giấy rất tốt, sờ mịn êm tay, có thêm các trang màu đặc biệt, sfx được vẽ tay kì công, hình ảnh của truyện đầy đặn và chi tiết hơn so với bản Giả kim thuật sư. Với giá 69.000 cho một tập thì đây đúng là đáng đồng tiền bát gạo. Fan hay không fan thì cứ mua ngay đi, đọc hay không đọc thì cũng cứ mua luôn, để trưng cũng đẹp lắm rồi. Giống như người anh có liêm sỉ của web này ấy các bạn à, không biết có đọc hay không mà cũng đã mua 4 tập rồi, còn chụp hình khoe mãi nữa. Mong rằng Cang giả kim thuật sư sẽ là tiền đề để các bộ truyện phiên bản đặc biệt như này về đến Việt Nam như Shaman King, Slam Dunk. Bởi một bộ truyện tranh được phát hành có nhiều phiên bản lắm như Takabon, Kanzenban, Wideban.

Còn bên Trẻ thời kì này vẫn nhắm tới đối tượng trưởng thành, 18+ nhiều hơn khi xuất bản hàng loạt các tựa sách nặng nội dung và kén người đọc như Kindaichi R, Liar Game, Ajin, Mushishi, Bác sĩ Jin được xuất bản. Quả thật mình không ngờ rằng có ngày một Ajin gai góc đầy nhạy cảm lại về được tới Việt Nam. Cùng với việc nhá hàng đã mua được bản quyền Monster – siêu phẩm truyện trinh thám của Naoki Urasawa, hay bộ truyện Kingdom đình đám nhưng bao giờ ra thì không ai biết, chờ đợi là mãi mãi thôi vậy. Và vẫn, đúng vậy vẫn còn khai thác triệt để các truyện của bộ đôi song sát Rumiko Takahashi và Adachi Mitsuru nữa nhưng được nâng cấp chất lượng, thay đổi diện mạo phiên bản. Ví dụ InuYasha Deluxe mới đây, Nhà trọ Nhất Khắc, Ranma 1/2 và Ớt bảy màu sắp tới nữa chứ. Bởi dù thế nào fan của hai vị này vẫn luôn trung thành và sẵn sàng bỏ tiền cho các ấn bản, vẫn luôn đọc dù bao nhiêu tuổi đi chăng nữa. Với những đầu truyện có hơi hướng trưởng thành thì Trẻ đúng là sự lựa chọn số 1.

Hướng đi của Trẻ cũng tới các đối tượng 5+ như Nhóc Miko, Quân đoàn ếch xanh, Nhóc Zombie. Nhưng có vẻ không khả quan lắm khi chỉ có Nhóc Miko đạt được thành công đến mức tác giả Ono Eriko sẽ sang Việt Nam gặp mặt người hâm mộ. Mình có đi không á, tất nhiên đi rồi, làm fan Miko cũng được 12, 13 năm rồi.

Nhưng Trẻ vẫn tương đối cẩu thả trong các ấn bản truyện tranh của mình. Lỗi in thiếu, in sai trang, lệch gáy, dính keo xuất hiện thường xuyên ở rất nhiều tựa truyện như Mushisi, Inu Yasha, Mix, Q&A, Kindaichi R,… Điều đáng khen là việc Trẻ có khả năng mua, xin bản quyền khá tuyệt vời. Assassin Classroom vẫn luôn là bộ truyện cảm động và cực kỳ đáng đọc với những người yêu truyện tranh. Nhưng việc mua bản quyền cũng không phải dễ. Không thể dịch là Lớp học ám sát được vì như thế đã không tránh khỏi những cái nhíu mày đến từ phụ huynh cùng những sự tranh cãi. Và nxb Trẻ đã có một pha xử lý xứng đáng điểm 10, vẹn cả đôi bên khi đăng kí tên xuất bản Lớp học vui vẻ nhưng vẫn giữ tên truyện tiếng Anh.

Nếu nói tác phẩm nào đáng mua nhất của Trẻ bây giờ mình xin đề cử Bác sĩ Jin, một tác phẩm cực kì có chiều sâu, giàu kiến thức dưới sự cố vấn của những giáo sư chuyên gia về y khoa và lịch sử nên chắc chắn sẽ không phải lo về nội dung. Hơn nữa truyện cũng được đầu tư xuất bản cực kì công phu tỉ mỉ, từ in ấn đến dịch thuật. Đây chắc chắn là một món đặc biệt dành cho những người trưởng thành.

Một nhà xuất bản nữa cũng nổi lên thời gian gần đây và trở thành một thế lực mới với những sản phẩm chất lượng cao. Thực ra nhà xuất bản này cũng hình thành được khá lâu rồi nhưng mình thực sự chưa ấn tượng lắm. Chỉ đến khi All you need is kill được xuất bản rồi Death Note, The Promised Neverland và bây giờ là Cô dâu thảo nguyên, nhà xuất bản đã vụt sáng, đó chính là IPM. Truyện của nhà xuất bản IPM luôn có một sự đặc biệt kì lạ hấp dẫn người đọc, có thể coi như là sự tổng hòa của hai nhà xuất bản Trẻ và Kim Đồng. IPM cũng là đơn vị tiên phong cho việc phát hành các tập truyện phiên bản thường và đặc biệt cùng một lúc mà ví dụ tiêu biểu chính là Death Note như một quả bom tấn lúc bấy giờ.

The Promised Neverland là một đầu truyện mình đánh giá rất nổi bật trong năm vừa qua và cực kì đáng mua của IPM. Nội dung câu truyện thì chắc không phải bàn nhiều nữa rồi. Đó quả thật là một sự sáng tạo và cực kì lôi cuốn người đọc ngay từ những tập đầu tiên, luôn nằm trong top của Weekly Shonen Jump. Cộng với việc IPM cho phát hành hai phiên bản cả đen và trắng, kèm theo mỗi phiên bản là postcard khác nhau dành riêng cho thị trường Việt Nam nữa. Người đọc có quyền lựa chọn như mua full bản đen, hoặc bản trắng hay mua so le cho chất, đơn giản hơn nữa là mua tất cho ngầu. Chất lượng giấy ở mức ổn định, mặc dù mỏng và vẫn bị thấu nhưng sẽ yên tâm hơn, đỡ lo với việc bị vàng ố nhanh, rất tiện cho việc sưu tầm. Với mức giá 40000 cho một tập truyện có thể coi là mức giá chấp nhận được.

Mọi người vẫn luôn nói đùa rằng một bộ truyện hoàn hảo là sự kết hợp giữa việc phát hành của Kim Đồng, dịch thuật của Trẻ và chất lượng giấy của IPM. Ngoài ra còn có TA Books, Sky Comics nữa. Rồi còn Uranix phát hành comic The Walking Dead và với việc cũng được xuất bản càng ngày càng nhiều nữa. Càng có nhiều sự lựa chọn thì càng có lợi cho độc giả. Truyện tranh giờ khác lắm rồi.

Có lẽ còn rất xa xôi nữa những tác phẩm kinh điển mới có thể cập bến nhưng vẫn đáng chờ đợi chứ. Biết đâu một ngày nào đó ta có thể cầm trên tay những tuyệt phẩm như Phoenix, Buddha, Vagabond, Berserk, 20th Century Boy thì sao. Và còn rất nhiều điều mình muốn nói nữa, còn rất nhiều các bộ truyện danh tiếng khác nữa mà mình còn chưa đề cập đến, cũng như còn nhiều thiếu sót nữa. Nếu như mình có thể chữa khỏi căn bệnh nan y hiện giờ mang tên LƯỜI thì mình mong có thể tiếp tục thả hồn tâm sự nữa để mà hầu truyện các bạn. Một lần nữa cảm ơn vì đã đọc bài.

Tham khảo

Đây là bài viết của Chukim mà mình cực kì thích và truyền động lực cho mình viết bài này rất nhiều. Đó là góc nhìn của một người đã từng trải, có thâm niên và gắn bó với truyện tranh ở Việt Nam từ những ngày đầu tiên nên sẽ chi tiết và xác thực hơn nhiều. Còn mình là hậu bối về sau thôi nên sẽ không tránh khỏi thiếu sót.

Truyện tranh ở Việt Nam 30 năm nhìn lại

Trang thông tin cực kì hữu ích cho các bạn về tin bản quyền, review truyện tranh và các bài cảm nhận.- Truyện bản quyền

Page manga mình rất thích với các bài review, đánh giá, cảm nhận- Mangaholic

Nguồn NXB Kim Đồng- Truyện tranh ở Việt Nam thực trạng và phát triển

Nguồn Báo điện tử Zing- Thị trường truyện tranh tranh Việt Nam hai thập kỷ vật lộn

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Hoursea - 15.06.2020

    “Có lẽ còn rất xa xôi nữa những tác phẩm kinh điển mới có thể cập bến nhưng vẫn đáng chờ đợi chứ. Biết đâu một ngày nào đó ta có thể cầm trên tay những tuyệt phẩm như Phoenix, Buddha, Vagabond, Berserk, 20th Century Boy thì sao.”
    Theo bạn lí do nào các truyện cực phẩm lại khó cập bến Việt Nam? Do tiền bản quyền quá đắt hay do không qua được kiểm duyệt?
    Cá nhân mình mong chờ truyện Monster và 20th Century Boy. Và mình thấy tương lai khá là sáng sủa đó chứ. Mình đã thật sự kinh ngạc khi Death Note được mua bản quyền và phát hành ở Việt Nam do 1 NXB mà mình còn chưa từng được biết.


    • Divieo - 15.06.2020

      Đầu tiên là khâu kiểm duyệt vì các bộ truyện quá máu me, hay quá nhiều cảnh nóng cùng những tư tưởng được cài cắm khiến các tác phẩm đó khó có cơ hội được xuất bản. Quan niệm ở Việt Nam vẫn nghĩ truyện tranh chỉ dành cho trẻ con nên điều này khó thay đổi. Việc phân lứa tuổi là cực cần thiết nếu muốn phát hành các bộ truyện này.
      Việc xuất bản lậu tuy không còn tràn lan như trước nhưng không phải hết hoàn toàn vì giờ có những cá nhân đơn lẻ tự tay in, dịch thuật các tác phẩm kinh điển, ngang nhiên rao bán và khó có thể làm gì họ nên phía Nhật không tin tưởng, điều này gây khó cho các nxb chính thống đàm phán mua bản quyền. Mà đa phần các tác phẩm này kén người đọc dù mua được thì doanh số bán cũng mập mờ, các nxb cũng phải đặt lợi ích lên hàng đầu.
      Theo thông tin gần nhất mình đọc được thì bên Nhật họ yêu cầu rất khắt khe kiểm duyệt các ấn phẩm về in ấn, phát hành, tác giả Naoki Urasawa của Monster cũng khá khó tính nên bộ truyện này đã mua bản quyền lâu rồi mà chưa được xuất bản.