Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi 3, tuổi thơ tái diễn qua màn hình

Khách quen

  

Nói về Dragon Ball thì chắc chẳng ai xa lạ gì với nó rồi đúng không, anime nổi nhất địa cầu (maybe) này đã trở thành một phần tuổi thơ của biết bao con người trên thế giới. Những nhân vật quen thuộc như Goku, Vegeta, Piccolo, Frieza, Gohan, Majin Buu,… đã cho chúng ta biết bao nhiêu trận chiến kinh điển long trời lở đất trong những cuốn truyện tranh mà ta đã từng cầm lên hay là qua hoạt hình trên TV. Nếu như đóng vai các nhân vật đó và được trải nghiệm lại chính cuộc chiến đó dưới góc nhìn của người chơi thì sẽ vui lắm đúng không. Dragon Ball có rất nhiều các tựa game khác nhau, có vẻ như cái Franchise này có rất nhiều sữa để vắt nên game lúc nào cũng chẳng thiếu để chơi, một trong các game tiêu biểu nhất mà mình giới thiệu đến cho các người đọc trong bài này là Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi 3.

Nhà sản xuất: Spike Chunsoft

Nhà phát hành: Atari và Bandai (hiện nay là Bandai Namco aka Asian EA)

Ngày sản xuất: 13/10/2007

Hệ máy: PS2, Wii

Dragon Ball Z: Budokai Tenkaichi 3 là một tựa game thuộc thể loại Arena-Fighting, thể loại game cho người chơi điều khiển nhân vật trong một không gian nhất định để chiến đấu, khác biệt so với game đối kháng thông thường thì ở thể loại này cho phép chúng ta di chuyển tự do và có góc nhìn bao quát hơn. Budokai Tenkaichi 3 là phiên bản thứ ba trong dòng Budokai Tenkaichi. Budokai Tenkaichi 3 có một nền đồ họa cũng khá đẹp mắt với game anime trong hệ máy PS2 và map trong game cũng thiết kế vừa đủ, tạo cảm giác cho chúng ta không chật hẹp hay rộng mênh mông tới mức chạy tới đối thủ mất cả tiếng. Animation của nhân vật làm cũng không làm mượt mà lắm, có thể vì giới hạn bộ nhớ do số lượng nhân vật quá nhiều, game chỉ có một cái cutscene dài là cái intro ở menu, còn lại là để model nhân vật đứng yên rồi ghép lời thoại thôi. Series Budokai Tenkaichi là một series mang lối gameplay phá cách trong toàn bộ Dragon Ball, thay vì cứ bám mãi lối chơi 2D như trong quá khứ. Series game này cũng không phải là trò đầu tiên áp dụng lối chơi này, trước đó đã có cái bom xịt thảm họa Dragon Ball Sagas rồi, mình khuyên là đừng bao giờ chơi cái trò đó, nó còn tệ hơn cả Metal Gear Survive, Fallout 76, hay mấy trò nào tệ hại mà bạn đang nghĩ đến đấy.

Một điều mà game đã làm cho người ta ngạc nhiên khi lần đầu biết đến nó là số lượng nhân vật trong game, 98 nhân vật khác nhau từ toàn bộ các phần và movie của Dragon Ball trừ Super ra được mang vào tựa game này. Hầu như tất cả nhân vật này đều có moveset khác nhau của mình, tất cả nhân vật đều có chiêu cuối của riêng nhân vật, của từng hình dạng khác nhau, các chiêu thức phụ thì có thể lặp lại ở một số nhân vật, đơn cử nhất là chiêu Kamehameha. Trong game chúng ta vẫn có thể biến hình trực tiếp ngay trong trận đấu của game hay là chọn hình dạng mình muốn ngay từ màn hình chọn nhân vật, người Saiyan không phải chỉ biến hình mỗi Super Saiyan mà còn có thể chiến đấu ở dạng khỉ khi mà người Saiyan có đuôi nhìn lên mặt trăng. Điều khiển 2 con King Kong đập nhau, biết khạc tia Plasma như Godzilla cũng vui lắm.

Con khỉ màu vàng kia tên là Baby, sinh vật ngoài Trái Đất chiếm cơ thể của Vegeta để biến hình trong Dragon Ball GT

Không chỉ có mỗi biến khỉ mà ta có thể thấy Goku và Vegeta hợp thể với nhau thành Gogeta qua điệu nhảy Lưỡng Long Nhất Thể hay là hợp thể thành Vegito bằng cách đeo bông tai Potara lấy từ thần Kaioshin, ta chỉ có thể thực hiện hợp thể ở đấu đội, trong team phải có cả Goku và Vegeta hoặc là chọn thẳng luôn ở màn hình chọn nhân vật nếu chơi đấu đơn. Nếu như có ai thắc mắc là hợp thể nào mạnh hơn thì theo lời đạo diễn cả 2 người đều mạnh ngang nhau (để fan khỏi gây lộn nhau), nếu như không tính plot mới về Potara trong Dragon Ball Super là nếu người không phải Kaioshin hợp thể thì chỉ xài được 1 giờ thì Vegito sẽ có lợi hơn nhờ thời gian vô hạn, nhưng có vẻ trong Dragon Ball Super thì hợp thể Potara không ổn định khi biến thành Super Saiyan Blue nên bị tách ra rất nhanh trước thời gian quy định, còn trong movie mới của Dragon Ball Super thì Gogeta đánh Broly một cách ngon lành, chưởng nhau liên tục, thế nên ý kiến riêng của mình là Gogeta > Vegito vì độ ổn định của điệu nhảy hợp thể.

Gogeta – phiên bản non-canon trước đó do Goku và Vegeta hợp thể bằng điệu nhảy

Vegito – phiên bản hợp thể của Goku và Vegeta bằng bông tai Potara

Phần chơi cốt truyện của game vẫn bám sát theo cốt truyện hiện tại của Dragon Ball, không có đan xen các câu chuyện khác hay câu chuyện ngoài lề hay là tạo luôn cốt truyện mới, game sẽ chia ra từng phần cốt truyện tưng ứng với từng Saga trong Dragon Ball, cảm nghĩ của mình về phần chơi cốt truyện thì thấy hơi tiếc vì một Saga có nhiều trận chiến hay nhưng Game chỉ lấy một nữa số trận chiến để đưa vào, trận chiến tái diễn đúng y như kịch bản của phim, bạn sẽ được chuyển cảnh giữa chừng khi nút R3 trên tay cầm PS2 lúc hiện lên màn hình rồi bấm nút đó sẽ chuyển giao giai đoạn trong phim, ví dụ như cảnh Vegeta và Nappa lần đầu tới Trái Đất, bạn điều khiển Krillin, Gohan nhỏ, anh 3 mắt, Piccolo đánh nhau với Nappa, đúng theo nguyên tác là Nappa mạnh hơn nhiều nên nhân vật của bạn yếu như là chuột đánh với chó, từng khúc chuyển cảnh là từng giai đoạn trận chiến như trong truyện, mình điều khiển Piccolo lao ra đỡ đòn cho Gohan rồi chết, em của anh 3 mắt Allahu Akbar nhưng Nappa không chết, tất cả đều ăn hành để chờ lúc Goku xuất hiện, Goku lúc này rất mạnh nên sát thương gây ra cũng rất cao và hạ gục luôn Nappa. Tóm gọn lại thì phần chơi cốt truyện này nó rất hụt hẫn, tạo ra chỉ để cho có thôi

Ngoài ra còn có một Saga đặc biệt là “What-if Saga”, để cho chúng ta chơi một ngoại truyện đặc biệt như là sẽ ra sao nếu như cha của Goku là Bardock và đồng đội của ông cùng nhau đi đập Frieza rồi đánh bại được hắn thay vì chết chung với cả hành tinh, hay là Frieza và cha của hắn tới Trái Đất nhưng đáp nhầm nơi rồi đối đầu với sứ giả địa ngục mà Goku nhỏ từng đánh có khả năng dùng chiêu ăn năn tội lỗi như Ghost Rider để đối đầu với chúng.

Các tuyệt chiêu đặc biệt của nhân vật cũng được thể hiện đúng y như trong phim, giống nhau từng góc độ, nhà sản xuất cũng làm rất tốt khi mà làm ra đủ 98 tuyệt chiêu cuối khác nhau cho từng nhân vật. Voiceline cũng khớp trong phim và giọng lồng tiếng nghe rất cool ngầu làm cho các tuyệt chiêu này rất phê lòi.

Bạn còn nhớ nhân vật Người máy số 8 từng giúp đỡ Goku nhỏ đánh bại tên Ninja lúc tấn công vào căn cứ Red Ribbon không, anh chàng người máy hiền lành này cũng xuất hiện trong game luôn đấy. Một nhân vật mà chăng ai ngờ nhưng cũng xuất hiện trong trò chơi này, mà chắc đây là lần đầu tiên anh chàng này trở thành nhân vật điều khiển được trong game.

Ngoài ra game còn có sự góp mặt từ một nhân vật đến từ tác phẩm khác của Akira Toriyama là cô bé người máy Arale. Nếu bạn không biết Arale là ai thì trước khi Dragon Ball ra đời, tác giả đã có tác phẩm trước đó cũng mình tên là Dr. Slump, nhân vật chính là cô bé người máy Arale, đây là manga hài đọc rất giải trí và cô bé này rất bá đạo vì khả năng sử dụng Toon Force của mình, ngắn gọn là những logic mà bạn hay thấy trong phim hoạt hình đấy. Tất nhiên nhờ áp dụng Toon Force mà sức mạnh cũng cực kì bá đạo, gần như không thể đánh bại được.

Một ví dụ về năng lực Toon Force của Arale, chọt mặt trời bằng cây ba chỉa ngay trong khung truyện


Có thể nói rằng Budokai Tenkaichi đã có sự thành công vang dội nhờ lối chơi của mình, thế nên về sau đã có các phiên bản áp dụng lối chơi như thế, giống nhất là trò Dragon Ball Raging Blast, thay đổi đồ họa nhưng áp dụng gameplay của Budokai Tenkaichi, nhân vật không nhiều bằng nhưng thêm cải tiến Story Mode của game khá hơn, Animation cũng mượt hơn. Và đây là bản đầu tiên có sự xuất hiện của Super Saiyan 3 Vegeta và Super Saiyan 3 Broly. Gần đây thì có Dragon Ball Xenoverse 1 và 2 cũng sử dụng lối chơi Arena-Fighting như Budokai Tenkaichi, chơi cũng rất hay và nó có phiên bản PC nên bạn có thể chơi nó cũng rất dễ dàng.

Nếu như bạn là một fan của 7 viên ngọc rồng thì đừng ngại ngùng mà bỏ qua tựa game này, nó cũng là một tựa game hay và giải trí rất tốt, tuy không có giá trị lâu dài so với các game đối kháng khác nhưng cũng đáng bỏ thời gian ra chơi. Ngoài ra Dragon Ball Z Budokai Tenkaichi cũng trở thành tiền đề phát triển cho nhiều game về sau. Đối với nhiều game thủ nước ngoài thì đây cũng là một phần tuổi thơ và quá khứ huy hoàng chơi game của họ. Dragon Ball tuy có một cốt truyện và diễn biến quá lỗi thời nhưng nó đã và luôn trở thành một huyền thoại trong lịch sử Anime, hãy đóng vai nhân vật và tạo nên cuộc chiến của riêng mình đi nào.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Văn Duoc - 13.03.2019

    Rain and the Chipmunks của các doanh nghi the following questions live của mình trong một gia tăng sức cạnh các loại thuốc nào của mình để về với mẹ và em đã yêu em như một con số không tròn mắt ngạc với các nước trong khu i gian của bạn là người


  • Lv - 06.12.2020

    Suzzuulle