E.Y.E Devine Cybermancy, tôi vừa chơi cái gì thế này?

Khách quen

  

Tôi định kết thúc năm 2018 (tính theo dương lịch) bằng một vài game giải trí đơn giản không phải suy nghĩ nhiều, những game chỉ đơn giản là bắn và chạy hoặc… chạy và bắn, ví dụ như Doom 3 hay Hard Reset Redux, tuy nhiên dự định đó đã bị phá bỏ khi tôi động tay vào một con game có tên E.Y.E Devine Cybermancy. Ban đầu khi xem qua youtube thì công nhận cái gameplay quá hợp với mục tiêu của tôi, một con game chạy và bắn rất hăng và có đan xen một chút yếu tố RPG, sau 4 phút làm coi thủ thì tôi cũng quyết định tự động tay vào chơi… và tôi đã sai lầm. Vậy bài viết này sẽ chủ yếu tập trung vào việc tôi đã sai lầm ở đâu khi đánh giá về con game này.

Tổng quát

E.Y.E là một game indie được thiết kế và phát hành bởi Streum On Studios, một công ty làm game độc lập tại Pháp có thể bạn sẽ biết cái tên này nếu đã từng chơi qua Space Hulk: Deathwing. Ý tưởng của công ty từ những ngày đầu là phát triển ra những game FPS sử dụng gold engine của Half Life 1, sau một khoảng thời gian phát triển và được góp ý từ bộ phận những gamer ủng hộ, họ tiến đến những ý tưởng tham vọng hơn, họ làm những game không thuần mà lai tạo với những genre khác, và họ chọn dòng FPS như là nền tảng đầu sau đó kết hợp với một chút yếu tố RTS cho sản phẩm đầu tiên có tên The Blade of Destiny, tiếc rằng sau 6 tháng phát triển êm xuôi, và mỗi thành viên đều đã đạt được những thành công nhất định thì dự án phải bị hủy bỏ vì lý do nội bộ. Đến 2007 họ quyết định thử ý tưởng độc đáo này một lần nữa và tìm đến Valve và source engine, một ý tưởng khôn ngoan cho những nhà làm game FPS indie. Và E.Y.E đã được lên kế hoạch như vậy, trong thời gian đầu việc phát triển E.Y.E hoàn toàn dựa trên vốn cá nhân, mãi cho đến 2010 thì công ty được hỗ trợ từ Jean-Luc Brossard với tư cách là nhà sản xuất hoàn thiện dự án, vào năm 2011 E.Y.E chính thức được hoàn thành như là một sự kết hợp giữa hai dòng game FPS và RPG.

Kết quả hình ảnh cho e.y.e divine cybermancy stats

Tóm tắt cốt truyện

E.Y.E Devine Cybermancy là một tựa game có bối cảnh và tạo hình chịu khá nhiều ảnh hưởng từ Warhammer, Ghost in the Shell và Blade Runner, từ góc nhìn cá nhân thì tôi thấy có chút gì đó giống Fallout Vegas. Lấy bối cảnh một tương lai đen tối khi trái đất bị hủy hoại nặng nề bởi chiến tranh và thiên tai đến nỗi lịch sử của hành tinh còn bị lu mờ, con người cùng lúc này cũng đang trên đà phát triển rất mạnh về công nghệ du hành vũ trụ AI, các bộ phận máy móc tăng cường thay thế cho các bộ phận sinh học của con người. Lúc này ngoài những tài nguyên thiết yếu như hạt nhân, nước, thực phẩm… con người còn khao khát một thứ năng lực khác, phát sinh ra trong chính bản thân họ, năng lượng ngoại cảm, điều khiển vạn vật bằng ý nghĩ… mà trong game gọi là Spi force hay Spychic abilities. Cán cân quyền lực của các quốc gia trên trái đất lúc này dần bị lu mờ và chịu ảnh hưởng của những công ty độc tài lớn (Megacorporations).

Kết quả hình ảnh cho e.y.e cybermancy picture 1600x900

Trước sự cạnh tranh ngày càng lớn nơi trái đất, chiến tranh và khan hiếm tài nguyên, con người đứng đầu bởi các nhà lãnh đạo của Megacorporations bắt đầu chiến dịch mở rộng thuộc địa vũ trụ cũng như sự phát kiến của các chiều không gian khác, và sao Hỏa là lựa chọn đầu tiên cho việc định cư của nhân loại. Thế nhưng những ngày êm đẹp của những thuộc địa mới chẳng tồn tại được bao lâu khi bỗng nhiên một ngày toàn bộ cư dân và nhà lãnh đạo tại sao Hỏa bị ảnh hưởng bởi một nguồn năng lượng kì lạ sau khi phát hiện ra hàng loạt những công nghệ ngoài hành tinh cổ xưa. Những cư dân của Hỏa tinh ngay sau đó dường như bị hóa điên, họ tập trung phát triển vũ khí để tuyên chiến với Trái Đất và hủy diệt 2/3 cư dân địa cầu. Những quốc gia còn lại tan rã và chịu sự chi phối của các công ty độc quyền rồi thành lập nên liên bang (The Federation). Bằng việc sử dụng những chiến binh ngoại cảm trang bị thêm vũ khí tối tân, liên bang đã có thể đánh bại lực lượng tại Sao Hỏa và thanh trừng nó. Nói chung lúc này lịch sử của nhân loại càng thêm rối ren và bất ổn khi tầm với của con người càng xa hơn về phía vũ trụ. Hàng loạt những cuộc chiến tranh với các thế lực ngoài hành tinh nổ ra như với người Orus, lực lượng tại Black Planet, những thiên tai vượt ngoài tầm kiểm soát đặc biệt là Metastreumonic-forces (một loại năng lượng kì dị biến đổi con người thành quái nhân hay tạo ra các bản sao thù địch từ tội lỗi hay nỗi sợ của chúng ta).

Phe liên bang càng ngày càng tàn ác và cai trị với nắm đấm thép, dần thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của các công ty độc quyền, và quay lại thể chế bạo chúa, lúc này một thế lực ngầm tên Secreta Secretorum được lập ra với mục đích hỗ trợ phe liên bang chống lại thảm họa Metastreumonic-Forces. Họ đưa ra kế hoạch thành lập một quân đoàn có tên là E.Y.E bao gồm những chiến binh tinh thông về khả năng ngoại cảm cũng như tăng cường tối đa về công nghệ máy móc. Lực lượng này bao gồm 2 phe chính Culter Dei (những chiến binh trang bị giáp như hiệp sĩ thời trung cổ) và Jian Shang Di những chiến binh được đào tạo bởi tộc Orus có trang phục hơi hướng Châu Á. Tưởng rằng với sự đồng lòng này mọi thứ sẽ thay đổi, tuy nhiên lòng tham của con người hướng đến sức mạnh là không giới hạn, mặc kệ sự cố Metastreumonic hai bên quay ra cắn xé nhau để dành quyền thống lĩnh, tàn sát người vô tội không gớm tay. Câu chuyện bắt đầu với việc người chơi nhập vai một chiến binh vô danh hoạt động trong hàng ngũ Culter Dei thức dậy trong trạng thái mất trí nhớ tại một hang động hoang vắng, sau khi thất bại trong một nhiệm vụ gần nhất. Chúng ta sẽ theo chân nhân vật trải qua cuộc chiến với phe Liên Bang, tìm cách hạ bệ JIan Shang Di và chống lại Metastreumonic Force kèm theo đó là khám phá ra nhân phận thật sự của bản thân.

Ưu điểm

Đồ họa của E.Y.E không đẹp tuy nhiên với năm 2011 thì cũng không hẳn là lỗi thời, cái tạo được ấn tượng đến từ tạo hình. Những tạo hình được nặn ra từ khối óc của những nhà làm game độc lập và đam mê của họ, một sự điên rồ hoang dã khi họ chả phải quan tâm xem nên cho cái gì vào làm kẻ thù của người chơi cả, từ những chiến binh giáp trụ ngầu lòi, cho đến những tên looter nghiện ngập hay cả ma sói hoặc một con nhân ngưu khổng lồ phóng tên lửa. Tưởng tượng xem trong một thế giới Cyberpunk, những cuộc đọ súng so gươm không ngừng nghỉ giữa quái vật, E.Y.E, Phe liên bang, Robot, Looter hỗn chiến với nhau, không giới hạn, chỉ lơ là là chết. Một chiến binh mặc áo giáp thời Dark Age nhưng lại sở hữu một thanh kiếm katana, một Cyber Samurai cầm gatling gun bay nhảy khắp nơi… còn gì ngầu hơn thế!

Về mặt hành động của game cũng rất tuyệt vời, những pha bay nhảy ảo diệu, hoạt động lén lút trước sự truy sát kĩ càng của kẻ địch, sử dụng vũ khí cận chiến hay súng săn để xé nhỏ kẻ thù, vận dụng những skill Spi hay Cyber power ảo lòi để tiêu diệt hoặc quấy rối kẻ địch, ví dụ như phân thân như Naruto, hack và điều khiển kẻ địch hoặc Sentry, khiến một con quái vật random nào đó chui ra khỏi người chúng trong một vụ nổ. Vũ khí trong game cũng khá đa dạng từ súng đến gươm, bạn có thể duel wielding kiếm và súng lục cùng một lúc, mỗi khẩu súng đều có tạo hình khá ngầu cũng như độ giật và âm thanh sướng tay, mặc dù theo logic thì vũ khí tương lai càng nhỏ nhẹ, trang bị thanh chống giật thì mới đúng nhưng ai quan tâm chứ đang chơi game mà, bắn sướng tay là được. Hiệu ứng cháy nổ trong game làm cũng rất tốt.

Về mặt RPG game làm cũng rất tốt, trong một khoảng thời gian dài số lượng những game pha trộn dòng Action và RPG luôn ít khi có sự công bằng hoặc đầu tư cho cả hai yếu tố, game AAA đã như vậy nhưng E.Y.E là một game indie cũng đã làm được điều đó. Đầu tiên hãy cùng nhìn vào hệ thống skill tree vô cùng phức tạp và thú vị.

Hệ thống kĩ năng bao gồm cả Cyber và Spi

Hệ thống Research

Lưu ý là để có thể mở những hãng mục research bạn sẽ phải thu nhặt những chiếc vali rơi random ra từ người kẻ thù, sau đó sử dụng tiền để research, thời gian bạn hoàn thành sẽ phụ thuộc vào việc bạn phân bố nhân công thế nào. Việc sắp xếp kho đồ cũng sẽ dựa vào việc bạn sẵn sàng đánh đổi sát thương lấy cơ động hay tập trung vào phòng thủ, trong game sẽ có những kho item được giấu tại map để bạn có thể dễ dàng thay đổi nếu khởi đầu với trang bị không phù hợp. Ngay từ việc tạo nhân vật game cũng đem lại kiểu thiết kế stats kiểu cũ chọn ba loại gen khác nhau rồi.

Kết quả hình ảnh cho e.y.e divine cybermancy stats
Ngoài các chỉ số chính, game còn bổ sung một loạt những hiệu ứng phụ rất thú vị như chấn thương vĩnh viễn, chảy máu, mất trí, điên loạn và ảo giác, phản ứng phụ khi sử dụng những Spi power cấp cao… Các bộ phận trên cơ thể cũng được chia hitpoint riêng biệt giống Fallout và hai vùng quan trọng nhất là đầu và chân, và một hệ thống Karma (báo ứng) sẽ thay đổi dựa vào những hành động trong quá trình chơi của bạn, con số này sẽ quyết định khả năng dính chấn thương vĩnh viễn của người chơi khi chẳng may tử nạn… so try to stay alive would ya.

Tương tác với môi trường trong game thuộc loại tốt và thú vị, ví dụ như khi bạn tăng tốc màn hình sẽ mờ đi, khả năng cầm nắm mọi vật dựa vào chỉ số strength của mình, khi bạn áp sát một bề mặt nào đó vũ khí sê lập tức bị thu gọn tức là nếu kẻ địch áp sát, người chơi không thể cứ dí súng như điên vào mặt kẻ thù được mà phải đổi vũ khí ngắn hơn hoặc lùi ra xa, người chơi có thể hack mọi thứ và việc hack cũng rất thú vị vì bản thân nó là một mini turnbase game nơi bạn và hệ thống phòng thủ của đối phương tính toán xem nên thả loại virus  nào để hạ gục nhau, nếu hack thành công bạn có thể điều khiển vật bị hack, lấy tầm nhìn hoặc phá hủy chúng, thất bại đồng nghĩa với việc bị mất hoàn toàn tầm nhìn hoặc chết.


Quest của game thì vẫn xoay quanh việc thực hiện các nhiệm vụ được giao như tìm đồ vật, tiêu diệt kẻ địch đúng chất game bắn súng. E.Y.E cho người chơi rất nhiều hướng đi trong việc hoàn thành quest như hack một chiếc Sentry gần mục tiêu rồi dùng nó để tấn công, hay hack một tay sai rồi ám sát kẻ địch, lười hơn thì đi vòng quanh map và tìm kẻ thù của hắn rồi thương lượng nhờ giúp. Nhiều quest phụ đa dạng để grinding (cày cấp).

Cốt truyện của game được truyền đạt theo lối biểu tượng từ cách thiết kế map, cũng như những dialogue của nhân vật, plot cuối cùng khá hack não và nhiều ý nghĩa.

Mutiplayer có thể co-op với 32 người chơi khác. Nhiều map và objective khác nhau. Co-op campaign cho 4 người chơi. Mới bổ sung thêm chế độ BR. Thỏa mái tùy chỉnh độ khó trong game Co-op.

Nhược điểm

Đầu tiên là số lượng thông tin lore và background quá nhiều nhưng lại được phân bố không khôn ngoan (tống hết vào cái thư viện) khiến người chơi gặp phải hiện tượng Culture shock.

Game quá tối và độ tương phản làm kém, hệ thống sương mù quá mờ ảo ảnh hưởng đến gameplay (đã được fix tuy nhiên vẫn kén người chơi và dùng để làm biểu tượng phục vụ plot gợi cảm giác tội lỗi và lạc lối vô định).

Nhà làm game Pháp và vấn đề dịch hội thoại ra tiếng Anh, sai tùm lum, nhiều hội thoại sai lệch luôn cả nội dung. Dialogue chưa thực sự hay và quá mông lung không gây được ấn tượng mạnh về tính cách của nhân vật, nhà làm game thể hiện mức độ amnesia và Dejavu mà nhân vật chính gặp phải một cách quá đà khiến cho đa phần các cuộc hội thoại là một kẻ đần độn nói chuyện với lũ NPC cộc cằn.

Map rộng nhưng nhiều chỗ thừa thãi thiết kế ẩu (tạo ra những mê cung và cũng là biểu tượng phục vụ cho plot).


Thêm một chút nữa về E.Y.E

Phần này dành cho những người đã chơi game, cảnh báo spoiler!

Nội dung của E.Y.E thực sự khó hiểu, nhất là cái cảm giác khó chịu khi game đưa bạn vào một cái New game+ nữa, hoàn thành lại game một lần nữa, mở thêm vài quest phụ, khám phá các ngóc ngách lung tung. Chọn một cái ending khác, thực ra có 3 lựa chọn nhưng lại chỉ có một ending, bạn vẫn quay lại cái hang động đó mà thôi. Giờ thì đúng kiểu wtf? Ba lựa chọn phe khác nhau mà vẫn chỉ có một ending, bạn vẫn phải giết Rimanah và mentor của mình. Thế nhưng sau này khi có đọc qua một vài bài review tôi mới biết rằng sau khi hoàn thành 3 lựa chọn và nhận ra chúng đều có same ending thì ở New game+ thứ 4 bạn sẽ có true ending, thế là tôi hạ hết độ khó xuống còn chicken và tỉ lệ spawn thấp nhất. True ending sẽ là lúc bạn bước qua một cánh cổng khác biệt lúc này xuất hiện tại hang động đầu game, giết vài con quái nữa và đến nói chuyện với một nữ tu trắng (một kẻ thù hay gặp trong game), chỉ có điều cô ta sẽ không tấn công bạn mà sẽ là một NPC có thể đối thoại. Trước đó bạn cũng sẽ gặp một vài quái vật Meta có khả năng nói chuyện.

Để gói gọn Plot của game thì khái niệm Cycle of Guilt hay là vòng tròn tội lỗi chính là lời lý giải. Nhân vật chính là một chiến binh dày dạn kinh nghiệm đã trải qua biết bao cuộc chiến ác liệt, và trong thế giới của E.Y.E thì có thể nói nôm na như là trò chơi vương quyền trong bối cảnh cyberpunk, chứng kiến những tàn ác, giết chóc bạo lực, âm mưu không ngừng nghỉ nhân vật chính rơi vào chính mê cung tội lỗi của mình bằng cách lẩn tránh sự thật, kiểu như cảm thấy tội lỗi nhưng lại không dám thừa nhận, thế rồi những cảm giác ấy tích tụ lại và dẫn đến sự điên loạn, đỉnh điểm là việc anh ta tra tấn và móc mắt chính vợ mình với cáo buộc xâm phạm vào di tích cổ dưới nền trụ sở chính, mà theo lời kể lại của một NPC thì có lẽ chính nhân vật chính đã đưa vợ mình xuống đó.

Vậy người vợ đã nhìn thấy điều gì để bị lấy đi đôi mắt, một kiến thức cổ xưa hay sự thật về tương lai đen tối của con người, và người chồng của cô một chiến binh có uy tín đã sợ hãi mà bác bỏ vì cái giá của quyền lực. Hình tượng cái hang ấy thì theo mình tìm hiểu nó có liên quan đến “Ngụ ngôn về hang đá” hay Allegory of the Cave của nhà triết học người Hy Lạp Platon. Tôi sẽ không thuật lại nguyên câu chuyện mà sẽ chỉ nhắc đến những điều liên quan đến game thôi, nếu muốn tìm hiểu thêm thì anh em chịu khó google hoặc youtube vì bản thân kiến thức mình có hạn. Nhân vật chính luôn quay lại hang động ban đầu dù cho có chọn cách giải quyết nào đi nữa, anh ta đã quá quen thuộc với cái “hang”, hay đúng hơn nơi trú ẩn an toàn, lờ đi mọi sự thực, Rinamah, Mentor, hay Mystery Man chính là bóng của nhân vật chính phản chiếu lên cái hang đó bởi ánh sáng, và 3 cái bóng này chính đại diện cho những phần tính cách và quá khứ của nhân vật chính bị tách ra do quá trình lạc lối trong tội lỗi. Dần dần việc quan sát bóng của chính mình đã khiến nhân vật chính tin rằng có 3 người khác chịu trách nhiệm trong câu chuyện của mình. Mystery Man có lẽ là phần lý trí tỉnh táo của anh ta. Hình ảnh người vợ cũng xuất hiện cũng có thể như một người sống trong “hang”, trong khu vực an toàn và có chung niềm tin với chồng mình, nhưng vô tình một ngày nào đó cô bước ra ngoài hang và tiếp xúc với ánh sáng, hay sự thật (sự thật là gì thì tí mình sẽ nêu giả thiết sau) và khi cô quay lại và cố giải thích cho người chồng, cô đã bị tâm lý sợ hãi của những người trong hang tiêu diệt, tại đây trong câu chuyện của Platon sẽ còn có ý nghĩa liên quan đến việc giáo dục và dẫn dắt nữa cơ mà không liên quan đến game nên bỏ qua.

True ending cho phép nhân vật chính gặp lại vợ mình và có cơ hội để sửa sai để đối mặt với sự thực, đó chính là từ bỏ tất cả để thực sự thanh thản trong một chiều không gian rỗng, giờ bạn sẽ hỏi tại sao lại thế? Vì nếu bạn để ý từ đầu bối cảnh và lịch sử của E.Y.E con người đang đột phá trong hành trình khai phá vũ trụ, cũng như từ bỏ dần nhân tính, lòng tham của con người sánh ngang với sự vĩ đại của vũ trụ. Vì vậy có thể thấy ngoài chiến tranh con người thường xuyên gặp phải những sự kiện thiên tai kì lạ không lặp lại và đỉnh điểm là nạn Metastreumonic force. Sự thực mà người vợ nhìn thấy có lẽ là tương lai hủy diệt của nhân loại khi vũ trụ quyết định tăng liều “thuốc sâu”, nhưng có ai muốn dừng lại khi đã tiến xa và có nhiều quyền lực như vậy? Nhân vật chính nhận được lời dặn là không được phá vỡ tấm bảo vệ nơi trung tâm của không gian đó. Nếu người chơi cố tình phá vỡ tấm bảo vệ đó thì… ten ten bạn quay lại cái hang, và một vòng lặp tội lỗi khác bắt đầu. Thực sự ý tưởng vòng lặp này làm tôi nhớ đến Dragon Dogma rất nhiều, tuy nhiên E.Y.E dù vận dùng nhiều biểu tượng, triết học vĩ mô hơn lại khiến tôi cảm thấy khó chịu, vì đơn giản đây dù sao vẫn là game, người chơi phải có một giải pháp phá vỡ vòng lặp tuyệt đối, cách triển khai một ý tưởng hay mà không tốt thì ý tưởng đó sẽ rất khó được đón nhận và đen hơn là còn nhận cái tên unfinished game.

Tổng kết

E.Y.E Cybermancy theo tôi thực sự là một game rất đáng chơi kể cả khi bạn không quan tâm gì đến cái story hack não của nó vì đơn giản gameplay của E.Y.E thật sự giải trí và chắc chắn sẽ thỏa mãn được cả nhu cầu hành động hay nhập vai cũng như việc chia sẻ thời gian chơi game cùng bạn bè qua chế độ co-op. Game đang bán trên steam với giá 36.000đ, chúc anh em một kì nghỉ lễ vui vẻ và ý nghĩa.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện