Electronic Arts (P.4): Sự trở về

Khách mới

  

Vậy là sau quyết định cặp kè với SEGA, và không hững hờ với Nintendo vào những năm 1990, EA đã ngày càng chứng tỏ sự đúng đắn và linh hoạt trên con đường xâm nhập thị trường của mình. Cộng với hàng loạt vụ thâu tóm những studio đang nổi khiến công ty không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành giới anh chị trong làng game thế giới. Tuy nhiên sự thành công về mặt thương mại chưa hẳn là những game càng về sau càng có chất hơn những game lứa đầu, nhưng để rồi xem EA có phải là người khổng lồ ngủ quên trong chiến thắng hay là một kẻ biết mình đang làm gì và luôn bắt kịp thời đại.

EA Online, con đường mới

EA thâm nhập vào thị trường Online vào năm 1997 khi Origin System cho ra đời game Ultima Online, một trò về thế giới mở fantasy, trò này thu hút hàng trăm ngàn game thủ khắp thế giới, sức hút và quy mô của nó chưa từng giống với bất kỳ trò nào trước đây. Gibeau giải thích rằng “Đây là trò chơi trực tuyến quy mô lớn đầu tiên, độ phức tạp và đồ hoạ của nó khiến việc quản lý về mặt kỹ thuật của trò chơi trở nên cực kỳ khó khăn vào thời điểm đó, nhưng đây thật sự là một bước tiến vô cùng to lớn”. Đây thực sự là một vùng đất mới màu mỡ cho EA, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng Ultima Online đã gặt hái được một thành công vô cùng to lớn, và đến nay sau 19 năm trò này vẫn còn có người chơi và đã phát hành bản Hotfix thứ 94 của mình. Tuy vậy vẫn có những trò không mấy tiếng tăm như Motor City Online, Earth & Beyond.

Ultima Online, một trong những lứa đầu của MMORPG online

Năm 2006 EA mua lại Mythic Entertainment, studio đã phát triển trò Dark Age of Camelot, và Warhammer Online. EA còn cung cấp dịch vụ game online miễn phí cho người dùng phổ thông, thông qua website Pogo.com, mấy trò rất rất quen thuộc như Zuma, Scrabble, Plant vs. Zombies, Bejeweled… Năm 2005 thâu tóm JAMDAT Mobile, một trong những studio tiên phong trong lĩnh vực game di động, và cho phát hành những bản hits như SimCity và Tetris.

EA Downloader rục rịch khởi động năm 2005, khi mà thị trường phát hành game trực tuyến bắt đầu nở rộ. Đến năm 2006 đổi tên thành EA Link, sau đó là EA Store, cuối cùng cho đến nay với tên gọi chính thức là EA Origin, hình thức giống như Steam, nhưng chỉ phát hành game của hãng.

The Sims, trò của mấy chị em

Đã nói tới chơi điện tử thì con trai là trùm, nhưng mấy trò kiểu như Battlefield chẳng hạn, thực sự là một điều gì đó khó khăn với chị em nhà mình. Để nắm bắt thị trường này, EA cũng gặp không ít khó khăn. “Khi mà bạn quyết định làm một trò kiểu giả lập Britney Spears, bạn sẽ bị đuối liền, điều đó giống như mình đặt rất nhiều áp lực vào bản thân để tìm ra cách nào đó để làm một game cho con gái chơi nhưng cuối cùng lại hỏng bét”. Tuy nhiên Will Wright, một nhà thiết kế game của Maxis đã dạy EA một vài bài học quan trọng trong việc phục vụ mấy chị em của mình thông qua trò siêu đình đám, đó là The Sims.

Hồi đó mình cũng có chơi nữa á

Hồi đó mình cũng có chơi nữa á

Gibeau nhớ lại “Ban đầu thì The Sims được xây dựng như một game thiết kế nội thất, và sau đó Wright đưa mấy người dạng AI vô xem như thế nào, tự nhiên mọi thứ trở nên rõ mồn một là: điều mọi người thích nhất không phải là ngồi thiết kế nhà mà chính là được tạo ra và điều khiển người khác. Chúng tui phát hành trò này chủ yếu dành cho người chơi trên PC, và không hề nghĩ rằng mấy em gái teen sẽ mê mệt cho đến khi chúng tui thống kê thông tin đăng ký thì nhận ra một lượng khủng khiếp người chơi là mấy em teen pop”.

Nhận ra rằng mình đã tìm được chén thánh, EA tập trung vào chiến lược marketing của mình. “Chúng tui bắt đầu thay đổi cách đưa ra những bản cập nhật, bản mở rộng kiểu Hotday, Vacation, Superstar các thứ. Chúng tui tập trung quảng cáo trên các tạp chí thời trang, trên MTV và trên các show truyền hình dành cho phụ nữ. Tui nghĩ là 66% khách hàng của The Sim là nữ dưới hai nhăm, thế nên chúng tui tập trung đánh mạnh vào nó, nhưng phần chúng tui cảm thấy thích là việc học hỏi và lắng nghe người chơi”

Thương hiệu Châu Âu

Châu Âu giữ một vai trò không hề nhỏ trong lịch sử thành công của EA. Năm 1987, công ty xây dựng một nhánh riêng ở Châu Âu cho thị trường game PC, mấy máy console lúc đó không được chuộng mấy, dòng PC Amiga mới là dòng thống lĩnh thị trường trò chơi điện tử ở Châu Âu thập niên 90. Cho đến nay thị trường này đã mang hơn 40% lợi nhuận cho công ty, và EA đã đầu tư ngày càng sâu rộng cho thị trường này. Vào năm 2004, EA đã bổ sung Criterion Software vào studio ở Anh để phát triển các dòng game như Burnout, Need For Speed, cũng như phát hành bộ game engine cũng khá nổi là RenderWare.

Và đây, anh em ai cũng đang hóng

Và đây, anh em ai cũng đang hóng

Năm 2006, một studio cực kỳ tài năng của Thuỵ Điển tên Digital Illusions CE đã bị EA nhà mình thâu tóm hoàn toàn, và đổi tên thành EA DICE. Đây là studio làm nên seri huyền thoại Battlefield mà anh em đã chơi mòn tay bấm. Tháng 10 tới đây phiên bản mới nhất của series này sẽ được phát hành với tên gọi Battlefield 1, đang được rất rất nhiều kỳ vọng của game thủ toàn cầu, gameplay cực kỳ ngầu đã được ra mắt gần đây tại sự kiện E3 2016, hy vọng đây sẽ là cú hít lớn của EA trong năm nay. Đánh dấu sự trở về của một EA đã từng làm nức lòng biết bao thế hệ.

Lời kết

Ngay từ thuở hồng hoang của thế giới trò chơi điện tử, Electronic Arts đã có mặt, trải qua biết bao nhiêu thế hệ console, rồi PC, vẻ vang có thất bại có, nhưng con đường của EA luôn khiến game thủ chúng ta phải dõi bước. Có những trò chơi chỉ mở lên vài lần rồi quên hẳn, còn có những trò ta cứ gặm nhắm mãi không buông, nhiều lúc chỉ cần nghe câu “Turn the game” cũng khiến lòng ta bồi hồi, bao nhiều ký ức cứ ùa về như lũ. Hy vọng EA luôn giữ được phương châm của mình, như lời người sáng lập Trip Hawkins đã nói “Đó không chỉ là việc kiếm tiền, đó là việc tạo nên sự khác biệt”.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện