Liệu Final Fantasy 7 còn đáng chơi năm 2019?

Khách quen

  

Vậy là sau 4 năm chờ đợi, cuối cùng Square Enix cũng chịu lộ hàng chiếc trailer mới toanh của phiên bản remake từ Final Fantasy 7, fans thì lại được một dịp hò reo hết cỡ. Chờ thì lâu thật nhưng có vẻ các fans vẫn chưa mất hẳn niềm tin với dự án có nguy cơ kéo dài 10 năm như Final Fantasy 15. Và nếu thật sự là như vậy, liệu bạn có đủ kiên nhẫn chờ 10 năm chỉ để chơi trọn vẹn các episode của Final Fantasy 7? Chi bằng tôi khuyên bạn hãy thử qua bản gốc một lần trước khi có ý định chơi bản remake. Bài viết này sẽ đi vào chất lượng của bản Final Fantasy 7 gốc và tại sao nó vẫn còn đáng chơi ở ngày nay.

Với thế hệ game thủ ngày nay, cái tên Final Fantasy 7 không phải một thứ quá xa lạ bởi độ phổ biến của nó đi liền theo năm tháng. Nhưng đối với thế hệ game thủ 8x, 9x anh chị ngày xưa thì những giờ phút theo chân  chàng lính Cloud trong những trận chiến cùng tập đoàn Shinra hay làm mọi thứ trời ơi đất hỡi chỉ với mong muốn hồi sinh được cô nàng y dược Aerith trở lại nhóm mình, tất cả những giờ phút cày cuốc say sưa trên đã ăn sâu vào tâm trí game thủ ngày đó.

Dù không phải xa lạ gì nhưng  game thủ ngày nay chỉ biết cái tên Final Fantasy 7 chứ không hề biết biết câu chuyện đằng sau nó, họ chỉ biết nó là một huyền thoại chứ không biết con đường nào đã nâng tầm nó lên hàng ngũ huyền thoại. Sự vĩ đại của Final Fantasy 7 nó không chỉ thuộc về những danh tiếng mà nó đem lại cho toàn Final Fantasy series mà còn dần dần mở rộng và bao phũ ra cả dòng game nhập vai Nhật Bản. Nhắc đến JRPG tức là chúng ta luôn nhắc đến Final Fantasy 7 đầu tiên trong bộ sưu tập dòng game nhập vai.

Lối chơi và nền đồ họa đi trước cả thế giới

Khi Final Fantasy 7 được lên kế hoạch phát triển, những người trong nội bộ đã âm thầm xác định đây sẽ là một dự án mang tham vọng chưa từng có trước đây của hãng và có thể sẽ đánh cược rất nhiều danh vọng, tiền tài, tương lai của hãng vào canh bạc lớn vào con số 7 này.

Để bổ sung cho khẳng định Final Fantasy 7 sẽ là một dự án chưa từng có của hãng thì Squaresoft bấy giờ buộc phải đưa ra một số kế hoạch liều lĩnh. Trong đó bao gồm việc Squaresoft chính thức nói lời chia tay với  tri kỉ của mình là ông hoàng Nintendo – người đã đỡ đầu cho Squaresoft trong suốt hằng năm qua vì cho rằng cổ máy SNES của họ đã quá yếu đuối để chứa nổi dự án Final Fantasy 7 của mình. Bên phía Nintendo cũng không tỏ ra giận dữ hay níu giữ họ, cả 2 bắt tay lần cuối và Nintendo đã gửi gắm một lời chào tới Squaresoft “tôi chúc các anh thành công, nhưng đừng bao giờ quay lại” (ấy vậy mà đó là hiệp ước của những bô lão ngày xưa, còn thời nay những người mới lên ngôi rồi thì cũng xóa bỏ mọi chuyện cũ và hiện tại FF7 đang có mặt ở hệ máy Switch)
Sau đó Squaresoft nhanh chóng kí kết hợp đồng với một gương mặt mới bấy giờ là Sony cùng cổ máy PS1 có phần cứng vượt trội hơn SNES. Mặt bằng vượt trội đã có sẵn trong tay Squaresoft, giờ việc họ cần làm cuối cùng là phát triển và trình diễn Final Fantasy 7 một cách hoành tráng.

Nếu FF7 không rời bỏ Nintendo thì giờ đây là “đại gia đình” mà chúng ta có

Final Fantasy 7 trở thành canh bạc lớn nhất thời bấy giờ với 80 triệu đô được đổ vào dự án. Với hằng trăm nhân lực tài năng được tuyển dợt về, với một đội ngũ phát triển “trong mơ”.  Như từ sự trở lại của Kitase Yoshinori với vai trò đạo diễn, người đã từng đảm nhiệm vị trí đạo diễn 2 dự án khủng khác là Final Fantasy 6 và Chrono Trigger. Sakaguchi Hironobu thì lại được bổ sung vào vị trí nhà sản xuất, được biết đến như cha đẻ của series. Trong khi đó Nomura Tetsuya lại  kiêm luôn khâu tạo hình nhân vật, thiết kế mỹ thuật, giám sát các đoạn CGI 3D của trò chơi. Cuối cùng là bô lão Uematsu Nobuo chính thức chịu trách nhiệm thầu những bản nhạc bất hũ của trò chơi, từ sâu lắng, nhẹ nhàng như On the Other Side of the Mountain hay giật thót tim như One Winged Angel. Có thể nói đây là một đội ngũ phát triển game mà bất cứ đội ngũ nào thời nay nhìn lại cũng có phần “ghen tị”. Bởi khi những chiếc đầu thiên tài được gặp gỡ lẫn nhau thì họ sẽ cùng nhau làm nên những ý tưởng thật điên rồ và đáng kinh ngạc.

các bô lão giờ thì ai cũng mỗi người mỗi ngả rẻ rồi, nhưng có dịp gặp họ vẫn ngồi làm tách cafe và đàm đạo chuyện xưa về Final Fantasy cùng nhau

Kết quả khi Final Fantasy 7 chính thức được trình làng đã lập tức đổ sô mọi ánh nhìn, mọi sự quan tâm của dư luận dồn vào nó. Một trò chơi chưa từng thấy bất kì nơi đâu bởi đây là lần đầu tiên thế giới được chiêm ngưỡng nền đồ họa 3D được xuất hiện trong một tựa game Jrpg. Vào thời nay có lẽ chúng ta không lấy làm lạ gì nhưng vào cái thời 1997 khi mà vốn liếng còn giới hạn nên các nhà phát triển chỉ dám dùng đống đồ họa 2D cũ mục có sẵn, nhìn đến phát ngán phát ngẩm. Thì trái lại nền đồ họa 3D của Final Fantasy 7 tỏ ra sức hút lạ thường bởi vì? đơn giản vì nó đẹp, quá đẹp vào cái thời điểm đó, khiến cho nền đồ họa của Final Fantasy 7 dường như không có đối thủ. Chưa kể từng góc quay, từng đoạn bố trí camera vô cùng đa dạng và choáng ngợp.

thời Final Fantasy 7  không có lồng tiếng nên nhân vật sẽ bị câm lặng, đúng chất kiểu bị câm như Freeman của Half Life. Mà dòng nhập vai thì nên cho nhân vật nói ít hoặc bị câm. Đồng thời nhân vật không có thay đổi biểu cảm, mặt nó như tranh vẽ vậy, vẽ một lần ra sao thì phải chơi cùng cái biểu cảm đó mãi mãi, những gì người chơi cảm nhận được chỉ thông qua cảm xúc của họ khi đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật. Người chơi chả biết nhân vật khóc hay cười ở cái đồ họa đấy, mọi thứ đều do chúng ta phải nhập vai vô rồi tự trải nghiệm,  animation cứng như cục lego, chỉ có vài hành động biểu hiện đơn điệu như nhảy dựng hoảng hốt, gãi đầu, xua tay để mô tả cảm xúc nhân vật

Một góc camera 2d như dòng game Mario. Bạn thấy anh chàng Cloud đang cố nhặt 1 viên Materia không??

Một góc camera top-down như Diablo. Nói tóm lại là các góc quay của FF7 thay đổi vô số kể tùy theo địa điểm nên tôi có khoe mãi cũng không hết.

Tuy nhiên đâu phải đẹp  thôi là đủ, thế giới của Final Fantasy 7 đã mang lại ấn tượng lớn khi thay đổi bối cảnh từ trung cổ, ma thuật từ Final Fantasy  cũ thành một bối cảnh hiện đại gần với những năm 90 nhất. Cảm giác được chơi một game có bối cảnh gần với đời thực nó dễ ấn tượng và dễ hình dung hơn là những bối cảnh quá xa vời hoặc quá cổ đại, vì chúng ta có sống ở thời đó đâu mà biết.

Các địa điểm khám phá của Final Fantasy 7  vô cùng to lớn và chứa ẩn nhiều bí mật, hãy thử một ví dụ nhé nếu ngày nay bạn khám phá chiếc đảo Los Santos của GTA V phát mệt đến chừng nào thì có thể việc khám phá thế giới Final Fantasy 7 cũng đổ mồ hôi không kém.

Cuộc hành trình không chỉ bắt ta chôn dính chân  tại vài ba địa điểm trên mặt đất mà còn có cơ hội cao chạy xa bay đủ kiểu. Vì chắc hẳn đối với những ai đã chơi họ không bao giờ quên được khoảng khắc chúng ta bật chiếc tên lửa của gã phi công Cid để rời xa khỏi mặt đất để phóng ra chơi vơi giữa thiên hà xa xăm ngoài kia. Hay những khoảng khắc đang khám phá đại dương thì vô tình đụng độ trùm ẩn là thủy quái Emerald Weapon tại đây. Chuyến hành trình khám phá vòng quanh chiếc world map là một chuyến du lịch để đời dành cho game thủ. Dù rằng đồ họa Final Fantasy 7 thời nay nhìn lại đã trở nên lỗi thời nặng nề, nhưng sức sống của chiếc world map này là vĩnh cữu. Việc nói đồ họa trò chơi bị lỗi thời nên không đáng chơi là mạo phạm, bởi những gì nó đã đẹp thì luôn đẹp như nhưng vật được đưa vào viện bảo tàng và ngự trị ở đó theo năm tháng vậy.

Đụng độ thủy quái là cơn ác mộng khi chơi FF7

Không chỉ có tham quan hay ngắm cảnh, lối chơi của Final Fantasy 7 đã thể hiện chiều sâu cày cuốc khổng lồ của mình. Để tránh thể loại đánh theo lượt trở nên chậm nhịp, ngáp ngủ thì trò chơi đã giới thiệu hệ thống Materia cực kì đa dạng, có khả năng bổ sung đòn đánh của nhân vật thêm nhiều lượt, lực đánh mạnh hơn, phạm vi to hơn, triệu hồi thần linh, quái thú hỗ trợ, chống độc, chống choáng v.v… Hoặc hệ thống Limit Break cũng hoàn thành tốt vai trò như những giây phút cứu tinh khi chúng ta tung ra đòn kết liễu kịp thời.


Nếu phải miêu tả thì chúng ta có thể nói chiếc world map rộng lớn của tựa game là một hòm châu báu khổng lồ thì chính những viên Materia kia lại là ngọc ngà xếch xù ngụ ở bên trong hòm. Trò chơi bắt chúng ta phải mò những ngóc ngách ở world map để lụm từng viên Materia, thôi thúc chúng ta phải đánh những con trùm ẩn để nhận những loại Materia xịn hơn, để rồi phần thưởng nhận được cực kì xứng đáng khi nhân vật Cloud của bạn từ một  tay kiếm nghiệp dư  chỉ có thể solo cùng đám lính quèn Shinra cho đến khi trang bị đủ đồ cùng loạt Materia để trở thành một tay kiếm lão làng không ngán bất kì ai. Tôi đang liếc tới con trùm ẩn Ruby Weapon đấy.

Thành trì Midgar với hình dáng như một chiếc pizza khổng lồ được chia làm nhiều miếng cắt như từng khu vực sector

Cốt truyện kinh điển

Kịch bản của Final Fantasy 7 mở ra một định hình mới về việc dẫn dắt nội dung theo đúng tuyến tính như một bộ phim chứ không còn bỏ mặc người chơi tự khám phá nữa, bởi khám phá sót thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một mẩu chuyện đáng giá và trước đây thì các các nhà phát triển Jrpg thường không quan tâm đến trải nghiệm người chơi có đủ hay không, chúng ta vẫn có thể bỏ qua loạt mẩu chuyện bên lề mà về nước một cách chóng vánh. Giờ đây cốt truyện  được trau chuốt tỉ mỉ hơn và đồng thời tối ưu hết mức về việc truyền tải thành công mọi thứ mà game muốn diễn đạt tới tay người chơi.

Final Fantasy 7 kể về những trận chiến triền miên giữa từng nhóm khủng bố và những tập đoàn cùng thế lực bí ẩn Jenova, về sự sống còn trong những giây phút mỏng manh, về từng mảnh đời của mỗi nhân vật nhưng  không quên lồng vào chủ nghĩa anh hùng cứu thế, những vấn đề về nhân sinh quan đồng thời lồng ghép vào những khung hình mang tính chất để đời do được ứng dụng công nghệ dựng 3D. Game thủ sẽ luôn nhớ được cảnh Aerith bị đâm chết và nó ảnh hưởng lớn tới cảm xúc người chơi.

Môi trường sống trong Final Fantasy 7 cũng được đặt trong tình trạng đang rơi vào tình thế khủng hoảng như nó đang bị rút dần sự sống và trở nên yếu mềm đi hơn bao giờ hết. Sau lạm dụng của tập đoàn Shinra về việc sử dụng bừa bãi dòng năng lượng Mako – qua chi tiết này cho thấy Final Fantasy 7 phản ánh rất thực đối với đời sống chúng ta, thử tưởng tượng một ngày nào đó trái đất này không còn cây xanh hay nguồn tài nguyên đã cạn kiệt thì sao nhỉ? Một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng đủ làm cốt truyện của Final Fantasy 7 trở nên hợp lý tuyệt đối và sáng giá thêm nhiều mặt.

Final Fantasy 7 cũng tương tự các Jrpg khi sỡ hữu cốt truyện phức tạp không kém nhưng lại biết cách sắp xếp theo đường lối ngay thẳng, chơi tới đâu là có thể nắm bắt tới đó. Đồng thời diễn biến cũng kích thích trí tò mò, ham vươn lên để tìm hiểu những diễn biến bí mật còn giam giữ lại phía sau của trò chơi mà không có một phút ngủ gật hay muốn nghỉ game.


Cụ thể chúng ta có thể thấy rõ việc Final Fantasy 7 ngày xưa chia làm 3 đĩa đều có nguyên do cả. Như đĩa 1 tập trung vào xây dựng tính cách nhân vật đan xen những trận chiến thoáng qua với quy mô nhỏ nhằm kích cầu cho một trận đại chiến thực sự ở đĩa 2, khi mà toàn bộ câu chuyện nhân vật đều bị khép lại mà chuyển qua tập trung toàn bộ thời lượng vào trận đại chiến. Cuối cùng là đĩa 3 cũng như đĩa có thời lượng ngắn nhất dành để chuẩn bị riêng cho trận chiến đầy cảm xúc cuối cùng giữa trùm Sephiroth và nhân vật chính Cloud, sau đó cả nhóm đổ bộ đi cứu lấy hành tinh.

Mở đầu

Cốt truyện game diễn ra vào cái thời đại mà chiến tranh đang dần bùng nổ khắp hành tinh, có người can đảm ra trận còn có người vì muốn giữ mạng nên tự chọn cho mình kiếp sống quy phục trước tập đoàn Shinra. Từ đó những bộ phận như nhóm khủng bố, lính đánh thuê bắt đầu được ra đời để chống lại tập đoàn Shinra.

Lính đánh thuê là những kẻ máu lạnh, họ là những kẻ đã vơi bớt tình người, họ bỏ mặt hậu quả của mọi thứ chỉ để đạt được mục đích để rồi nhận tiền công một cách tự mình cho rằng thỏa đáng.
Để rồi sau mỗi trận chiến bằng xương máu, sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ rồi trốn chạy khỏi làn súng đạn tuôn xả ào ào từ quân đội Shinra thì có một chàng lính đánh thuê là Cloud Strife lại hòa mình, lẩn trốn vào dòng người chen chúc tấp nập ở thành phố Midgar để tìm lấy một chốn bình yên, một nơi nương tựa qua đêm dài để chuẩn bị cho những trận chiến ngày hôm sau. Lính đánh thuê, kẻ khủng bố là những kẻ vô tình như thế nhưng liệu anh ta có như thế? Trí nhớ không, gia đình không, nơi nương tựa không. Đơn giản chúng là những thứ anh không cần hay thực sự sâu thẳm trong tâm hồn anh điều đáng sợ nhất vẫn là cô đơn?

Một buổi tối bình yên tại Midgar hôm đó thì cả nhà phố đều được đánh thức đồng loạt bằng một vụ đánh bom vào lò phản ứng Mako. Và nhiệm vụ đã xong giờ mỗi người trong nhóm khủng bố chia nhau ra giải tán vào đám đông rồi sau đó mới gặp mặt lại khi mọi chuyện lắng xuống.
Chàng lính đánh thuê trên đường rời khỏi hiện trường thì vô tình đụng phải một cô nàng bán hoa ven đường. Bối rối chàng muốn xin lỗi cô bằng cách sẽ mua một bông vì có ai nói chàng chưa bao giờ thích hoa đâu nhỉ? Mua rồi chàng mở lời khuyên mong cô gái đó về nhà sớm để không bị dính vào những vụ nổ bom, rồi từ đó mỗi người mỗi ngả…

Tổng kết 

Với một cốt truyện kinh điển đan xen với dàn nhân vật hùng hậu, đi cùng lối chơi gây nghiện nhờ có hệ thống thu thập Materia, dàn mini game đa dạng, góc quay camera choáng ngợp, animation trong những trận đấu được thể hiện vượt trội và xây dựng bối cảnh bắt kịp thời đại đã quá đủ để rước Final Fantasy 7 vào ngôi đền huyền thoại.

Final Fantasy 7 đã làm được những điều mà chưa từng có tựa game nào dám đứng lên làm trước đây đó chính là chơi ván cược lớn để 1 là  có tất cả hoặc 2 là chả có gì cả. Thời gian chuẩn bị trước dự án thì khá dài (từ 1994-1996) nhưng thời gian phát triển và phát hành thì lại chỉ vẻn vẹn 1 năm ở 1997. Squaresoft tự tin vào khả năng của mình, họ biết thế giới này đang muốn gì ở phiên bản Final Fantasy 7 lần này, họ không tỏ ra sợ hãi, lung lay hay trì hoãn 10 năm liền như dự án Final Fantasy 15 thời nay.

Squaresoft với một tinh thần quyết đoán, không chút ngại ngần khi chỉ cần tựa game hoàn chỉnh họ sẽ phát hành ngay và đợi tin phần thắng sẽ về trong tay mình. Kết quả dành cho Squaresoft thật xứng đáng, đó là khi Final Fantasy 7 đã mãi mãi thay đổi  cả ngành công nghiệp game này, đó là khi Final Fantasy 7 đã mãi mãi thay đổi toàn bộ tâm hồn của triệu game thủ trên toàn thế giới bao gồm cả thay đổi tâm hồn tôi. Ngày đầu tiên tôi biết đến Final Fantasy 7 cũng là cái ngày định mệnh như nó chính thức mở ra cánh cửa cho tôi bước vào thế giới game offline, nó như mở ra cho tôi cơ hội được kết nối với cộng đồng game thủ đây đó nhiều hơn, nó dần dần trở thành một game gắn quá nhiều kỉ niệm trìu mến đối với tôi mà tôi nghĩ rằng suốt đời này không bao giờ có thể quên.

Ngành công nghiệp game ngày nay đã phát triển vượt bậc, dẫn đến công việc phát triển game cũng thuận lợi hơn phần nào. Nên có thể sẽ còn rất lâu chúng ta mới được nghe về những câu chuyện sử thi như quá trình phát triển đầy mạo hiểm giữa thương vụ của Squaresoft và Nintendo, như phà phát triển có thể mất miếng cơm, manh áo nếu như doanh số game không đạt mức, như bước chuyển giao đáng nhớ giữa  nền đồ họa 2D chuyển thành 3D tiên tiến, hay bước ngoặc lớn trong công cuộc đem dòng game nhập vai Nhật Bản được ưa chuộng, đón nhận nhiều hơn ở phương tây. Mà trong tương lai khó có thể   xuất hiện  một tựa game nào đó  làm được như ngày Final Fantasy 7 từng làm được.

Hiện nay Square Enix tuy đã thay đổi nhưng họ chưa bỏ buộc, sau tất cả những thất bại từ Final Fantasy 13 và Final Fantasy 15 họ vẫn tự tin công bố phiên bản làm lại mới toanh của Final Fantasy 7. Dù trước sức ép khổng lồ của người hâm mộ và truyền thông vì cho rằng Square Enix không đủ sức đập vỡ đi một tượng đài cũ mà xây lại và đã quá mạo hiểm khi công bố bản remake. Nhưng hãy nhớ không gì làm họ chùn bước trước phiên bản Final Fantasy 7 làm lại lần này, tại sao ư? vì đây không phải là lần đầu tiên, chúng ta đã từng có một SquareSoft  cùng dự án Final Fantasy 7 đầy tính mạo hiểm tại 22 năm về nước. Kết quả Final Fantasy 7 remake ra sao thời gian sẽ trả lời.

 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện