Giới thiệu Slay the Spire

Chủ xị

  

Mặc dù cardgame có tuổi đời chẳng kém cạnh gì so với các dòng game khác nhưng phải đến khi Hearthstone của Blizzard lên tiếng thét dài chấn động làng game thì cardgame mới dành được sự chú ý mà nó đáng được có. Kế cận bước chân để tìm kiếm vinh quang sau Hearthstone là một loạt cái tên như Hand of Fate, Duelyst, Magic: the Gathering,…Và lần này là Slay the Spire – một sản phẩm indie của một team làm game nhỏ ở Seattle đang gây xôn xao cộng đồng game Steam nói riêng và cộng đồng gamer nói chung trong thời gian gần đây.

Trước khi bắt đầu cần phải nói rằng thật khó để review một game còn đang trong giai đoạn Early Access. Và sẽ thật bất công đối với game vào thời điểm ra mắt chính thức nếu bài viết này hoặc chính trải nghiệm của các bạn thấy tồi tệ về game. Vậy nên mong các bạn có cái nhìn khách quan và có sự phản hồi và góp ý trực tiếp cho nhà phát triển của game để nó trở thành một cardgame đáng chơi hơn. Và có một sự đảm bảo yên tâm là mình chưa chơi Hearthstone “thượng đẳng” hay một số nổi nổi trong cardgame nên tự tin rằng có một cái nhìn khách quan hơn xíu so với những người cày cardgame mòn đít.

Đầu tiên nói về độ “Overwhelmingly Positive” của nó. Cá nhân tôi cũng đánh giá vậy bởi có lẽ Slay the Spire đáp ứng đủ tốt các tiêu chuẩn cho một phần singleplay trở nên tuyệt vời (từ các yếu tố card, RPG,…). Ấn tượng chủ quan đầu tiên của tôi về Slay the Spire rất tốt. Game chạy khá mượt – chí ít đối với con lap i3 Intel HD family đời Thanh, đời Tống của tôi. Một dòng “What’s the Early Access” cho thấy sự cặn kẽ và lòng cầu thị khiến tôi đánh giá cao thái độ của team MegaCrit qua hành động tưởng chứng nhỏ nhặt này.

Ở giai đoạn Early Access này có hai class có thể chơi được: IronClad và Silent. Với một vài dòng giới thiệu đơn giản và một cái hình ngầu ngầu. Mặc dù game lấy yếu tố class quen thuộc của dòng RPG nhưng Slay the Spire không có một lối mòn cụ thể nào trong lối chơi. Trong Slay the Spire, class của bạn chính là bộ bài bạn đang build. Việc phân class ban đầu chỉ là sự tóm gọn sơ lược và những hướng đi bạn có thể có (trong trường hợp này hai class là đại diện cơ bản của hai dòng Warrior và Rogue quen thuộc trong các game dòng roguelike). Object xuyên suốt của game chỉ đơn giản là việc cố bước qua xác mọi thứ muốn cản trở bạn và “phá đảo” hoặc ngược lại trở thành cái xác lạnh lẽo trong hầm ngục của Slay the Spire. Có lẽ để vượt qua cái bóng quá to lớn của các đàn anh đi trước như Hearthstone thì đây chính là cách Slay The Spire làm: game được thiết kế màn chơi theo từng phân nhánh đường khác biệt và có nhiều giao lộ trên nền của một tấm bản đồ cũ kĩ. Và đó là một sự lựa chọn sáng suốt vì nó mang tới cho ta cảm giác phiêu lưu và trải nghiệm, một cảm giác chú trọng vào đôi chân và lựa chọn của mình chứ không đơn thuần là sự căng thẳng của việc luôn chăm chú vào ván bài 100%. Kết hợp với đó là các nhân tố RPG dễ thấy để đảm bảo sự đa dạng, cuốn hút và giá trị chơi lại nhiều lần không chán.

Lối chơi

Game có một lối chơi dày đặc, nhanh. Đó là một điểm nổi bật mà tôi thích ở Slay the Spire. Tiết tấu chơi nhanh và dày đặc do game bắt buộc bạn tiếp tục đi và không chỗ cho quay đầu hay lảng tránh. Hoặc là bạn để xác lại làm bạn với một con quạ thối tha, hai là bạn gào thét trong sung sướng khi “phá đảo”.

Slay the Spire sẽ là một game CHIẾN THUẬT TRONG CHIẾN THUẬT. Tại sao lại nói vậy? Đừng nóng lòng vì sau đây là những cảm nhận của tôi.

Slay the Spire cho bạn một khởi đầu nhàm chán. Bạn được cấp năm lá gây dame cơ bản giống nhau và bốn lá tạo block “cùi” cộng thêm một lá cao cấp hơn cho kèm hiệu ứng với tấn công. Cố nuốt trôi sự nhàm chán ban đầu sau một màn “sứt đầu mẻ trán” với con quái đầu tiên thì bạn được chạm tay vào phần thưởng của mình. Lần nữa game đưa ra ba miếng bánh ngon lành và bắt một thằng trẻ con háu ăn và thèm khát như bạn chọn một. Qua vài lần chơi ta nhận ra rằng những bước đi đầu rất mơ hồ và nhưng sẽ đặt nền móng để xây dựng bộ bài của mình xoay quanh những là đầu tiên. Và Slay the Spire cho bạn chơi trải nghiệm hết tất cả các lá bạn nhặt. Đây thực sự là một con dao hai lưỡi nguy hiểm mà người chơi phải đối mặt. Cái lợi là trải nghiệm thật là tuyệt vời bởi cái tôi muốn hỏi là đối với một cardgame bình thường có mấy ai chạm tay từng ấy lá bài trong một lần chơi. Chưa kể việc một lúc chọn 20 đến 30 lá trong số cả tá các lá bài ngay lúc đầu sẽ làm newbie trong thể loại cardgame thông thường. Nhưng mọi việc có lợi thì cũng có tệ. Việc ngày càng nhặt nhiều và có nhiều lá trong bộ bài đôi khi mài mòn và phá hỏng lối chơi mà bạn khổ cực tạo dựng. Đó cũng là thách thức đặt ra của game. Đó là CHIẾN THUẬT tôi nói đến.

Tuy game vẫn áp dụng cơ chế turn-base quen thuộc của cardgame nhưng lại có sự phá cách trong đó. Luật chơi trong game cho player luôn là người mở first turn rồi mới đến lượt quái. Sự quái thai của trò chơi là ở chỗ này: ở lượt của mình ta mặc định xem được dự định của AI. Đó là một hướng đi mới mà Slay the Spire khai phá. Và suy ra thì ngay cả khi bạn có một chiến lược rõ ràng trong deckbuilding thì đây là một cửa ải nữa cần vượt qua. Thử nghĩ xem: bắt đầu ván chơi ta bốc lên một lượng bài nhất định. Và ta chỉ có lượng năng lượng nhất định để ra bài, những lá không ra sau khi endturn sẽ vào ô discard-pile để quay vòng khi bạn hết bài ở draw-pile. Với cơ chế hạn chế về năng lượng và sự ngẫu nhiên khi tráo bài yêu cầu kỹ năng tính toán để ứng phó với lượt lựa chọn hiển thị trước của quái. Bạn chọn lối chơi từ tốn ổn trọng để tiết kiệm từng giọt máu quý giá trong một trò chơi khan hiếm sự sống giành cho bạn hay liều mạng “thương địch một ngàn tự tổn tám trăm”. Câu trả lời vẫn là CHIẾN THUẬT. Sau năm phút đầu hay thậm chí ngay lượt đầu bạn sẽ nhận ra Slay the Spire có cơ chế cho phép AI tăng dần sức mạnh theo thời gian và bạn sẽ nuối tiếc khi giá chi lúc đầu mình “hảo hán” hơn một chút. Nhưng điều đó không có nghĩa là get high quá đà và để mất quá nhiều máu khi hành trình của bạn vẫn còn dở dang và vạch vôi thì xa lắc xa lơ.

Thêm vào đó là một mớ hổ lốn RPG ảnh hưởng đến màn chơi (shoping trong merchant, potion, relic,…) mà bạn cần tính toán. Nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy con cá voi Neow mở đầu nói chuyện với bạn “thở” ra nhiều câu hint rất có ý nghĩa, ví dụ như: khi bạn beat được màn boss thì lần run game tiếp theo bạn sẽ được bless. Và một trong số những câu “kiệm lời” nhưng tuyệt vời nhất mà tôi thấy là câu “…risk…reward…”. Câu nói được hiểu đúng là một lời đúc kết trong Slay the Spire – một là phần thưởng luôn đi kèm với thách thức (điển hình sau sẽ có những nhánh đi nhiều elite hơn các nhánh khác – muốn kiếm relic thì phải liều); hai là phần thưởng đôi khi mới là hiểm họa, bất cứ relic nào đều có mặt lợi và hại hoặc thậm chí không tác dụng với bộ bài hiện tại của bạn trong khi bạn “xuất huyết” đến tái mặt để đạt được đó. Và sau một đống lê thê cửu trường thiên như thế thì điểm cốt lõi nhất của Slay the Spire cũng giống như bao cardgame khác đó là bài toán về khả năng ứng biến và tối đa hóa năng lực các lá bài với nhau nếu bạn không muốn cảnh “hai phút phụt ba phát” diễn ra thường xuyên trong trải nghiệm của mình. Đó cũng là cái tôi gọi là “CHIẾN THUẬT TRONG CHIẾN THUẬT” hay “NHIỀU TẦNG CHIẾN THUẬT”.

Còn một cái rất quan trọng nữa ảnh hưởng đến lối chơi nhưng tôi chỉ đề cập và tạm gác lại vì đây là một nhân tố có thực nhưng không thể kiểm soát. Điều duy nhất tôi có thể nói là MAY MẮN phải cần cả TRÍ TUỆ mới có thể đi đến đích bạn muốn. Một trong hai thứ thiếu đều không làm nên trò trống gì trong game cả.

Hình ảnh

Slay the Spire có một palette màu khá bắt mắt, sống động và xen lẫn một chút vui nhộn. Dường như người phụ trách về animation của game là một nghệ sĩ có sở thích về hoạt họa và gothic nên đã hòa trộn hai yếu tố đó vào với nhau. Và điều đó thật tuyệt. Thêm vào đó là một số bức hình mang tính chất gợi ý cần sự tưởng tượng của riêng từng cá nhân người chơi lấp đầy vào những khoảng trống người vẽ để lại. Phần thông tin của card được thiết kế rất dễ đọc – đó là một điều cơ bản nhưng dường như có một số cardgame quên đi điều cơ bản này. May mắn Slay the Spire không phạm phải.

Thực ra còn rất nhiều điều cần nói đến trong game nhưng chi tiết quá sẽ là một điều không khôn ngoan khi vừa làm các bạn ngáp dài hoặc cáu giận vì tôi spoil quá nhiều về game. Tôi sẽ dành cho Slay the Spire một lời khen có cánh. Họ có sự “phối màu” hợp lý giữa RPG, rogue-like và cardgame. Tôi đoán ngay tại thời điểm tôi đánh những dòng chữ này Slay the Spire đang làm rất nhiều thanh niên phải thao thức nhiều cái “một ván nữa”. Từ những player như say như mê roguelike, RPG vì lối chơi đa dạng và có sự cày kéo lôi cuốn cho đến những player “ruột” cardgame luôn chấp nhận thách thức và khó khăn trong tính ngẫu nhiên dể đạp đổ nó với trí tuệ, thao lược của bản thân. Xu thế của game muốn chiếm trọn trái tim của cả hai fan RPG và CCG. Có vẻ Slay the Spire đã biết rõ nó muốn gì và nó đang làm tốt điều đó.

Tuy khen vậy nhưng không có nghĩa rằng tôi đồng tình với mọi thứ trong Slay the Spire. hai tháng trải nghiệm game bộc lộ một số khuyết điểm. Đó có thể là những khuyết điểm chí mạng cho đứa con tinh thần của MegaCrit Studiogame nếu họ không chịu sửa. Có quá ít trải nghiệm mà tôi muốn ở Slay the Spire. Là một fan ruột RPG thì tôi muốn sự đa dạng và mở rộng hơn nữa:

  • Kể đến ĐẦU TIÊN chắc là class. Team MegaCrit hứa sẽ có một class nữa khi hết Early Access, song song đặt với sự mong chờ là câu hỏi to tướng về sự cân bằng trong sức mạnh của các class. Với bản tính tham lam thì tôi nghĩ ba class là không đủ, tôi muốn hơn thế nhưng làm ơn đừng làm loãng những gì đã đạt được.
  • THỨ HAI là yếu tố game story. Để cuốn hút và nổi bật hơn những người cạnh tranh với nó. Sẽ có nhiều hướng đi cho story từ huyền bí đến hài hước hay kịch tính.
  • THỨ BA là yếu tố RPG cần được mở rộng hơn. Tôi mong một hệ thống relic, potion hay cursed card hay room có nhiều content hơn (cụ thể là nhiều risk và reward hơn).
  • THỨ TƯ là game có cơ chế enemy khá chán. Cụ thể cái tôi muốn nói ở đây là kiểu build của tôi nhiều khi bị dập tắt trong một nốt nhạc. Một số trận cardfight cảm thấy ridiculous và bullsh*t khi tôi biết trước không có một lối giải quyết hiệu quả nào cho mình cả. Và để mở rộng game thì cần tạo thêm nhiều cơ chế tấn công hay phòng thủ nữa cho AI cũng như sự đa dạng về chủng loại AI. Nên học hỏi sự phân bố độ khó của các loại AI trong The Binding of Issac.
  • THỨ NĂM là ĐỘ DÀI CỦA GAME. Mặc dù chơi tầm hai tháng nhưng số lần win game của tôi là rất thấp (có lẽ do IQ thấp hoặc đen như chó mực chăng?). Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thỏa mãn về độ dài của game. Nó quá ngắn so với những gì tôi khát khao.
  • THỨ SÁU là âm nhạc. Tôi cảm thấy game nên có một soundtrack hay hơn để phối với nó. Cần thêm chút sound tạo sự sống động, nhân cách hóa trong game.
  • THỨ BẢY là animation. Màu sắc của game là rất là ok rồi nhưng thiết kế có phần hơi xấu. Animation của nhân vật lúc tung skill nhàm chán, cảm thấy cần thêm chút “gia vị”.
  • THỨ TÁM là deckbuild, khi mở rộng trải nghiệm về stage thì việc có quá ít cơ hội remove deck sẽ phá hỏng trải nghiệm về chiến thuật mà mọi người muốn tìm ở một cardgame. Suggest nên đầu tư thêm phần hiệu ứng tấn công hay phòng thủ cho card.

Tạm kết

170k có vẻ khá “MẶN” cho thế hệ sinh viên và học sinh còn ở Việt Nam. Nhưng nếu sơ lược vào bước đi chập chững lúc đầu trình làng thì giá tiền của nó là hợp lý khi bạn tin vào tương lai phát triển của Slay the Spire. Cám ơn đã đọc và hẹn gặp lại các bạn trong các nẻo game khác.

PS: Tặng anh em cái trailer cho đỡ ngộ độc chữ.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Đăng Bông - 16.05.2018

    Nếu anh em có chơi mode Dungeon trong Hearthstone sẽ thấy cái này rất quen thuộc, mình đánh dần dần qua các tầng rồi mua thêm bài nâng cấp dần dần lên, game early access thôi nhưng cực kỳ đáng chơi và đủ khoai để thách thức người chơi. Sẽ còn nhiều content mới sắp tới nữa, nếu thích nên mua sớm vì khi có chính thức giá thường sẽ đắt hơn kha khá.