Gone Home: bí ẩn phía sau một cuộc sống yên bình, câu chuyện của những kẻ khác biệt

Khách quen

  

Nhân mấy ngày nghỉ, có ông bạn recommend cho con game indie Gone Home để ngồi nhà vận động tay mắt, mà phải nói rằng đây là con game ngắn nhất tôi từng chơi, phần là do gu của tôi là mấy game có thời lượng lớn, chứ không phải là Gone Home quá ngắn. Nói chung là mới mở game thì nhìn màn hình menu cũng khá dễ chịu, có phần hơi creepy nhưng chủ yếu là tôi cảm thấy sự yên bình, một ngôi nhà lẻ loi giữa rừng cây, cảnh vật chìm đắm trong một ánh tím chiều muộn, và phần context được viết bằng phấn trắng… well nice…

Kết quả hình ảnh cho Gone home

1. Tổng quát

Gone Home là một tựa game indie với lối chơi phiêu lưu, tìm đồ vật, finding mysteries chủ yếu là qua những tờ note, nói dễ hiểu hơn là lối chơi gần giống với mấy game như huyền thoại Amnesia hay game indies như Emily Want To Play Too, hay Slender Man kiểu kiểu thế, đi loanh quanh tương tác item rồi tìm hiểu về cốt truyện, lối chơi khá cheap vì dù sao nó cũng được khai thác quá nhiều tại vô vàn game indie khác rồi. Game được phát triển bởi một nhóm độc lập ban đầu gồm 3 thành viên Steve Gaynor, Karla Zimonja, và Johnnemann Nordhagen, họ cùng làm việc với nhau tại 2K game trong dự án Bioshock 2 Minerva’s Den. Cả ba sau quá trình làm việc đó đã nhận ra những điểm chung trong suy nghĩ cũng như hướng đi, họ từ bỏ 2K và thành lập Sunbright Company. Để giảm chi phí cho dự án game tiếp theo của họ, cả team đã dọn về ở chung với nhau trong một căn hộ tại Portland, Oregon và lập trụ sở dưới tầng hầm. Với kinh nghiệm và sự nỗ lực của team, Gone Home ra đời như là dự án đầu của họ chỉ sau 17 tháng. Ý tưởng ban đầu về Gone Home là tạo ra một game phiêu lưu tầm cỡ lớn với gameplay sáng tạo kiểu khám phá một căn Smart house bối cảnh Cyberpunk vs AI các kiểu… Nhưng tiếc thay vì vốn lúc đó của họ không đủ, thế nên họ quyết định làm một game noncombat thiết kế môi trường trống không dựa trên chính căn hộ của họ. Khi mới ra mắt game nhận được khá nhiều… lời chỉ trích là game “walking simulator” thế nhưng sau này thì bắt đầu có những review kiểu game không mang những yếu tố tiêu chuẩn nhưng thật sự có chất nghệ thuật và dần dần có nhiều review tích cực hơn. Mở đầu game là bạn trong góc nhìn của Kaitlin Greenbriar, một cô gái 21 tuổi trở về nhà sau một chuyến chu du khắp châu Âu, cô đang háo hức để gặp lại gia đình thì gặp phải tình cảnh vườn không nhà trống khi đồ đạc trong nhà có vẻ như lộn xộn hết và không người thân nào trong gia đình trừ em gái của Kaitie – Samantha – biết về sự trở về của cô. Dù nói là gameplay cheap thế nhưng có lẽ không nên đánh giá một cuốn sách chỉ qua bìa, hay trong trường hợp này là game cùng cái mác Indie. Gone Home cũng sở hữu một sự quấn hút không nhỏ cùng một cú lừa sâu sắc đấy. Gone Home được phát hành ban đầu trên hệ Switch và PS, sau này port lên PC.

Kết quả hình ảnh cho Gone home the attic

2. Cốt truyện

Về gameplay thì cũng chẳng có gì để miêu tả nhiều nữa, thì thôi tôi sẽ cắt nhanh đến cốt truyện lồng chút walkthrough vậy. Game lấy bối cảnh nước Mỹ năm 1995 tại một thị trấn tên là Boon County tại Oregon, vào một tối giông bão ngày 07 tháng 06, Kaitie sau một khoảng thời gian du học ở nhiều nước tại châu Âu cuối cùng cũng đã quyết định gặp lại gia đình của mình, thế nhưng khi về nước cô mới nhận được tin là gia đình đã bỏ nhà cũ và chuyển tới căn hộ của chú mình là ông Oscar sau khi ông mất. Và có vẻ như họ mới chỉ dọn đến một thời gian ngắn, vì rất nhiều đồ còn chưa được chuyển ra khỏi hộp, đặc biệt là đồ của Kaitie. Cuộc sống của họ đã dần vào nếp, mặc dù có điều gì đó thay đổi rất nhiều từ khi Katie thực hiện chuyến đi của mình. Trở về sau một hành trình dài, với vô vàn những câu chuyện kì thú cũng như những câu hỏi cần giải đáp, niềm vui của Kaitie tắt ngấm khi nhận ra không có lấy một ai ở nhà cả, căn hộ của gia đình Greenbriar chìm trong tĩnh lặng và bóng tối, mọi đồ đạc đều lộn xộn như thể vừa có một vụ đột nhập, hay căn nhà đã bị bỏ hoang từ lâu. Đầu mối duy nhất để lại cho Kaitie là mẩu tin nhắn kì lạ của em gái mình Samantha hay gọi tắt là Sam.

Xuyên suốt game người chơi dần khám phá về quá khứ cũng như cuộc sống của những thành viên trong gia đình Greenbriar khi Kaitie đi xa, qua những đầu mối rất đỗi đời thường từ sách báo, tạp chí, hóa đơn, thư tín, giấy ghi nhớ, vé xem phim hay các vật dụng trong gia đình nhưng lại ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa, cũng như gây được sự thân quen và đồng cảm đối với người chơi.

Kết quả hình ảnh cho Gone home

3. Tóm tắt về các nhân vật

Terrence Greenbriar: Bố của Kaitlin và Samantha, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học, bản thân là một tiểu thuyết gia tài ba, đề tài yêu thích của ông là truyện giả tưởng có yếu tố trinh thám và time travel. Tuy nhiên thời gian hiện tại việc viết lách của của ông có chiều hướng đi xuống, khi bộ tiểu thuyết gần nhất kể về một thám tử tư tìm được cách quay ngược thời gian về năm 1963 để ngăn vụ ám sát tổng thống Kennedy. Mặc dù có ý tưởng hay nhưng có vẻ như những tác phẩm gần đây của ông không được độc giả đón đọc, tệ đến mức quyển thứ 3 trong bộ tiểu thuyết đã bị hủy. Hiện tại thì công việc chính của Terrence là viết review về đồ điện tử, thế nhưng mọi thứ cũng không ổn định được lâu khi ông liên tục nhận thư khiển trách của đối tác về những bài review không chuyên tâm và để cảm xúc lấn át công việc điều này dẫn đến ảnh hưởng thu nhập trong gia đình cũng như dẫn đến tình trạng nghiện rượu… và tất cả rắc rối đều xoay quanh những kí ức thuở nhỏ về mốc thời gian 1963.

Janice Greenbriar: Mẹ của Kaitlin và Samantha, vợ của Terrence, khác với chồng của mình, bà Greenbriar là một người có lối sống hướng ngoại, điều này thể hiện ở công việc của bà một đội trưởng của đội kiểm lâm địa phương cũng như người huấn luyện, có năng khiếu hội họa cũng như thơ. Nhân vật chính Kaitie cũng có rất nhiều điểm giống với mẹ của mình, Janice không có nhiều references được tìm thấy trong game ngoài trừ một bức thư gửi cho người bạn thuở nhỏ Carol hay một vài thông tin liên quan đến một kiểm lâm trẻ tuổi tên Rick, người mà có điểm số trong kì thực tập cao một cách đáng lo ngại.

Samantha Greenbriar: Là nhân vật trọng tâm điểm nhấn chính của câu chuyện, hầu hết thời gian của game ta sẽ tìm hiểu về quá khứ cho đến cuộc sống hiện tại của nhân vật này. Sam là một học sinh trung học, tại ngôi trường mới Sam gặp rất nhiều khó khăn, người duy nhất đáng tin cậy để Sam trò chuyện chia sẻ là chị mình Kaitie. Thế nhưng trong thời khắc quan trọng khi Sam bắt đầu bước vào trung học với hàng ngàn những câu hỏi, sự biến chuyển trong suy nghĩ cũng như thể chất thì Kaitie lại xách balo biến mất trong một chuyến hành trình xa hàng vạn dặm. Đời sống học đường của cô không suôn sẻ lắm chỉ vì cái tính cách lạ thường của mình cũng như cái tên “Spycho House Girls”. Cô có sở thích giống cha mình đó là viết lách trái ngược hẳn với cô chị thiên về thể thao và nghệ thuật sân khấu, Sam sở hữu tính cách trầm hơn, suy nghĩ của cô rất sâu sắc, cách nhìn và giải quyết vấn đề của cô khác hẳn với những đứa trẻ cùng trang lứa hay cùng giới tính, tài năng viết lách đã được bộc lộ từ nhỏ thể hiện qua những trang truyện về thuyền trưởng Allegra từ khi ý tưởng mới chỉ sơ khai đơn thuần chỉ là trí tưởng tượng của trẻ con, cho đến khi ý tưởng được phát triển và mang những suy nghĩ, tâm tư của Sam trong đó. Những trang truyện thật sự sống, nếu người chơi thu thập đủ những mảnh truyện này thì sẽ hiểu rõ hơn về quá trình thay đổi của Sam cả về tâm lý lẫn sinh lý, nó là một cái hint rất hay của game trong việc phát triển thành công một nhân vật không hữu hình, không trực tiếp tiếp xúc bởi người chơi, để người chơi dù không nhìn thấy hay tương tác với nhân vật này nhưng vẫn có cái nhìn toàn diện về nhân vật đó thậm chí khá chân thực. Ngoài niềm đam mê với viết và đọc cô còn là một tín đồ của âm nhạc punk, video game của Nintendo và Capcom, tiêu biểu là Street Fighter với nhân vật yêu thích là Chun-Li. Nhờ trí tưởng tượng phong phú cũng như niềm đam mê của mình cô gặp được một nhóm bạn mới và đặc biệt là Lonnie, một thành viên của Junior Reserve Officer’s Training Corps sau khi học xong trung học cô sẽ gia nhập quân đội. Cả hai tìm được những điểm tương đồng như cùng yêu thích một loại nhạc hay có những suy nghĩ tự do, họ thấu hiểu nhau, trân trọng sự khác biệt của đối phương… Lonnie còn được Sam miêu tả trong lần gặp đầu tiên là “She has a big gold star around her”.

Kết quả hình ảnh cho Gone home Sam

4. Ưu điểm

Điểm nổi bật nhất cần nhắc đến là không gian mà game được phát triển, chỉ là một căn hộ người chơi sẽ dành toàn bộ thời lượng game quanh quẩn trong một ngôi nhà :). Nghe thì có vẻ chán nhưng với thời lượng gameplay ngắn (tầm hai tiếng), Gone Home lại tạo ra một môi trường… nói thế nào nhỉ “biết giữ lửa”. Một loạt những hidden item được đặt rải rác xen lẫn những item bình thường, hàng loạt những bài báo, note che dấu bí ẩn của căn nhà khiến bạn phải tập trung quan sát cũng như xâu chuỗi những tình tiết. Hơn nữa bằng việc khám phá bạn sẽ tìm ra nhiều địa điểm ngầm mà bạn bỏ qua khi chưa tiến xa về cốt truyện, bạn có thể tương tác với rất nhiều đồ vật trong game, người chơi có thể biết về nguồn gốc của món đồ đó qua những tờ notes hoặc journal mà các nhân vật vắng mặt để lại rồi sắp xếp chúng vào vị trí cũ.

Kết quả hình ảnh cho Gone home

Thứ hai là không khí của game. Gone Home là một cú lừa ngoạn mục từ đầu đến cuối, đưa nhân vật chính vào một môi trường yên tĩnh và tăm tối, giữa cơn bão với những tiếng sấm bất chợt, những âm thanh lạ ẩn sâu trong tường hòa cùng những tiếng nói xa xăm, những mật đạo tối tăm ẩn giấu bí ẩn khét tiếng của căn nhà về người đàn ông điên Oscar Greenbriar. Tuy vậy xen lẫn sự kì bí là những khoảnh khắc nhẹ nhàng đời thường khi Kaitie dần mở những mẩu nhật kí của em gái mình. Âm nhạc lúc này cũng được làm rất tốt khi người chơi không đọc những thông tin này mà nghe chính giọng kể của Sam nói với chị mình. Sam viết một nhật kí sống, nắm bắt những cảm nghĩ và tâm tình một cách tự nhiên nhất, như thể cô đang giao tiếp với chị mình vậy. Gone Home lúc nào cũng giữ cho bạn cảm giác Goose Bumb từ đầu đến cuối sau đó lại mơn trớn bạn bằng những khoảng khắc yên bình, cảm xúc sự hồi hộp của người chơi được hâm nóng cho đến phút cuối cùng. Sự lo lắng khi đi đến những bí ẩn cuối cùng, cũng như sự giải thoát mơ hồ ở cái kết.

Kết quả hình ảnh cho Gone home

Rất nhiều chi tiết trong game đem đến cho người chơi rất nhiều khía cạnh tuy đời thường nhưng vẫn bất ngờ và xa lạ như nền giáo dục khi đó của phương Tây, cuộc sống của họ cũng được mô tả rất tốt giúp chúng ta dễ hình dung mặc dù chả cần phải nhìn tận mắt. Những chi tiết này bao gồm cả âm nhạc, điện ảnh, giải trí, sách báo, v.v… những thứ liên quan đến pop culture hay những thứ chỉ phổ biến tại Mỹ. Để nói hết những chi tiết này thì dài lắm thế nên tô sẽ chỉ nêu những thứ mà tôi thấy thích thú.

  • Bộ sưu tập sách của Sam bao gồm: Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer của Mark Twain (không có những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn lạ thật, well tôi thích cuốn này hơn), Đảo giấu vàng Robert Louis Stevenson, Ben Hur, Emma Jane Austen, Frankenstein của Mary Shelley, v.v…
  • Những tờ ghi nhớ dán trên tủ lạnh hay trước bảng tin của gia đình với những content như nhớ tắt điện (điểm thú vị ở đây là Kaitie được nhắc đến như là đừng có để điện sáng như chị con nữa và bạn liên kết với gameplay thì hình như đa phần chẳng có ai ra khỏi phòng rồi đóng cửa tắt điện cả), hay tránh xa phòng của Sam ra, hay như thắc mắc của Sam về việc tại sao cô chị của mình chỉ hơn vài tuổi nhưng lại được chu du vòng quanh thế giới mà mình thì không có sự tin tưởng đến từ bố mẹ đây cũng là một hint cho thấy sự chuyển biến trong tính cách của Sam.

  • Bảng cầu cơ thứ mà chắc mấy cô gái tuổi Teen hay nghịch, cái này biết thôi chứ không động tay :v.
  • Lịch chiếu của TV cũng như băng phim, cái này gợi nhớ về một thời mỗi tối chủ nhật nhà mình hay thuê băng về xem mấy phim trinh thám hoặc hành động của Mỹ và Hong Kong, đặc biệt là bạn có thể tìm thấy những show quen thuộc trong Gone Home ví dụ X Files hay phim Pulp Fiction khét tiếng của Quentin Tarantino.
  • Những poster người nổi tiếng được dán trong phòng hay Punk artstyle, hoặc tấm poster có hình của Ophelia trước lúc chết đuối, Punk music hay những rock band biểu diễn tại gara hay những concert nho nhỏ, comics, huy hiệu có gắn kim băng, băng điện tử bốn nút v.v…
  • Những mẩu giấy thư giấu trong tủ đồ hoặc trao đổi trong lớp, những trò chơi rất đỗi trẻ con của Lonnie và Sam, thuốc lá và một số bí mật mà cha mẹ vẫn hay cấm, còn các con thì vẫn dùng (ặc hoài niệm time). Cảm giác vừa thích thú cũng vừa tội lỗi khi walkthrough qua những kỉ niệm của Sam và Lonnie.

Kết quả hình ảnh cho Gone home awards

Cách dẫn truyện của game cũng rất liền mạch hấp dẫn và mọi thứ đều được truyền tải một cách rất tự nhiên thông qua môi trường, và gần gũi ví dụ như thông qua việc khám phá các khu vực và đồ vật trong căn hộ. Về mặt nội dung dev xây dựng một cốt truyện vững chắc với những sự kiện tình tiết ăn nhập với nhau một cách hợp lý. Một drama với nút thắt xoay quanh Sam và Lonnie, một mâu thuẫn tầm cỡ gia đình phơi bày sự thật. Cách xây dựng các nhân vật rất tài tình, ví dụ như chỉ qua bài kiểm tra dùng thông tin cho sẵn để viết lại một bài văn hoàn chỉnh, nội dung đoạn văn là về một vài đặc điểm sinh học liên quan đến phụ nữ và việc sinh sản, Kaitie viết theo cách sắp xếp lại thông tin một cách máy móc chính xác nhưng nhàm chán và không gây được sự chú ý và được điểm tuyệt đối, Sam cũng làm bài đó nhưng thay vì rập khuôn cô viết hẳn một mẩu truyện ngắn có tình tiết gay cấn, lưu đọng cả cảm xúc của những nhân vật mà vẫn nêu chính xác những quy trình trên nhưng lại được điểm kém, một ví dụ cho sự tương phản giữa hai chị em về suy nghĩ cũng như lựa chọn của cả hai, từ đó giúp hình dung nhân vật dễ hơn. Việc xoáy sâu vào những suy nghĩ của nhân vật Sam cũng cho ta cái nhìn rõ ràng về một cô gái 17 tuổi với những dự định của mình, vấn đề tình cảm, sự lựa chọn, những cái rất chung nhưng lại vẫn giữ được cái riêng của nhân vật vì chả người nào giống người nào cả. Điều này đã khiến cho những nhân vật chỉ xuất hiện qua những trang giấy, qua giọng nói trở nên “sống”.


Kết quả hình ảnh cho Gone home Sam

5. Khuyết điểm

Là một game indie đầu tay của một nhóm những nhà làm game có kinh nghiệm nhưng không có vốn, Gone Home có những khuyết điểm liên quan đến bugs, ví dụ tình trạng drop FPS trên PC.

Soundtrack của game nói thật là hơi khó nghe với cả một người ưa thích nhạc mạnh như tôi.

Mặc dù cho tương tác với rất nhiều object thế nhưng ý tưởng xây dựng sự chân thật của Gone Home vẫn hạn chế, thử tưởng tượng game cho phép bạn tắm rửa hay nấu ăn và sau đó đan xen những đoạn audio gợi nhớ về kỉ niệm của nhân vật xem, deep hú hồn, nhưng dù sao so với kế hoạch ban đầu là tạo ra một game tương tác mở liên quan đến thế giới Cyberpunk và tương lai mind fuck các kiểu thì Gone Home làm khá tốt, lý do quay lại vấn đề vốn.

6. Tổng kết

Gone Home là một tựa game Indie tôi đánh giá là một quyển sách hay bị đánh giá qua loa bởi cái bìa, game mang lại những trải nghiệm rất thú vị trong một khoảng thời gian ngắn, với những ấn tượng quen thuộc xen lẫn sự xa lạ khiến người chơi thật sự thấy được sự liên kết giữa họ và nội dung, gợi lại được những kí ức hay sự đồng cảm của người chơi. Sở hữu cú lừa cực mạnh gây tò mò và hồi hộp đến phút cuối để rồi tuôn trào cảm xúc. Một câu chuyện thực tế vừa buồn nhưng cũng ẩn chứa hy vọng, một cái kết mở khi nhân vật chính Kaitie đứng vào vị trí của người ở lại và những người khác thì “Gone Home”, từ đó gợi lên vô vàn suy nghĩ cá nhân, hối hận vì sự ra đi của mình? Liệu nên tha thứ hay tức giận, lo lắng hay chấp nhận và cảm thấy yên tâm. Đánh vào được những vấn đề tế nhị của xã hội cũng như khai thác một cách chi tiết vào cái lứa tuổi nổi loạn đan xen với những suy nghĩ chững chạc và độc lập. Gone Home sẽ luôn nằm trong danh sách những game mà tôi thấy hay nhất.

After


 

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện