Hades: Battle out of Hell (Early Access), chuyện “cậu ấm cô chiêu” bỏ nhà phiêu lưu ký

Chủ xị

  

Không lẹt đẹt và chán chường như tình hình kinh tế, thần thoại Hy Lạp vẫn đang là thứ văn hóa hấp dẫn và ngày càng phát triển và được khai thác trên toàn cầu. Chúng ta được chứng kiến từ những thước phim kinh điển nói về Hercules hay những áng văn hiện đại phá cách như American’s god của Neil Gailman. Năm mới xin chúc sức khỏe các anh em hiệp sĩ và như thường lệ, năm mới xin phép nói về những “con hàng” mới. Hades: Battle out of hell là một tân binh thú vị mang chủ đề thần thoại Hy Lạp hấp dẫn được nhắc đến gần đây trong The Game Award.

Team SuperGiant Games. Trông họ như một gia đình vậy. Mong rằng quán beer của chúng ta cũng vậy

Hades: Battle out of hell (sau đây mình mạn phép gọi tắt game là: Hades) là sản phẩm tinh thần thứ tư của SuperGiant Games Team. Một cái tên rất thành công với những trò chơi như: Bastion, Transistor, Pyre. Và họ chứng minh tài năng của mình thông qua trò chơi mới nhất này. Có lẽ Hades thực sự không cần thiết phải đi kèm với cái tên nào khác của những đàn anh đi trước để có thể gây ấn tượng mạnh đối với người chơi. Ngay cả khi mới chỉ là game Early Access Ver, bản thân Hades là một hạt giống tài năng nhất đầu năm nay mà tôi được biết.

SuperGiant Games là một cái tên đã quá quen trong dòng game Indie rồi

SuperGiant Games đưa bạn vào một thế giới giả tưởng tuyệt diệu nơi Hades thiết lập nên. Bạn sẽ theo chân Zagreus băng qua nhiều tầng địa ngục hiểm nguy. Một hành trình chạy trốn của một thằng “con ông cháu cha” để tự bước đi trên đôi chân của mình. Thế giới Tartarus của Hades là một mê cung khủng khiếp, tinh quái hoán đổi mỗi khi bạn chết đi. Ở đó chứa đựng những con quỷ và những linh hồn địa ngục giận giữ. Món ăn dặm kèm theo là những cạm bẫy chết người.

Ở Hades gợi lên cho tôi sự giống nhau trong cách trình bày nội dung cốt truyện của Bastion. Một số đoạn thoại hay mẩu chuyện của trò chơi sẽ diễn ra trong những không gian nhỏ. Tiến trình kết nối với các nhân vật khác hay những màn độc thoại của Zagreus được viết rất tốt giúp người chơi khám phá thêm chiều sâu của địa ngục này. Nội dung của Hades thực sự tỏa sáng khi người ta “tiêm” vào chủ đề đen tối của nó những liều thuốc “hài hước” thú vị. Đứng độc lập ở phần kịch bản, Hades có tiềm năng trở thành 1 tác phẩm nghệ thuật. Dù rằng mới chỉ trong giai đoạn Early Access nhưng tôi tin vào tiềm năng phát triển cốt truyện của Hades.

Khác với nguyên bản, chú Cer-3 đầu rất là cute và nghịch ngợm. Tưởng tượng bạn giầu xụ và có một chú cún 3 đầu to xác chuyên xáo trộn phòng ngủ của bạn =))

Cái cách mà Hades gây ấn tượng mạnh lên người chơi là cách xây dựng nhân vật độc đáo và thú vị của nó. Ở trò chơi này, ta được chứng kiến một Hades khá “chất lừ”. Không giống suy nghĩ về một gã cai quản địa ngục với vẻ khát máu hay ảm đạm của cái chết, cũng không tự tại điềm tĩnh như trong thần thoại miêu tả, SuperGiant Games vẽ lên một Hades như một ông chủ tập đoàn khổng lồ có vẻ nóng tính và khó chịu với công việc bàn giấy ngập mặt ở địa ngục. Ở Hades hiện lên một chuẩn mực một người cha yêu thương con cái nhưng thường dùng cách mỉa mai, chế nhạo hay quở trách dại khờ của những đứa con mong sao cho chúng bình an và trưởng thành. Một sự kết hợp đầy cá tính trong việc mô tả hình tượng của các nhân vật. Hypnos thì giống với một cô Receptionist láu lỉnh, Medusa là một cô người hầu hậu đậu. Anh chàng Achilles thì giống với một người anh trai trưởng thành cố gắng răn dạy, chỉ bảo một đứa em đối với Zagreus. Phần lồng tiếng thực sự là điểm đột phá cho toàn bộ công sức xây dựng nhân vật. Cá nhân tôi thích thú với giọng Anh cuốn hút và ý chí bướng bỉnh chống đối với người cha quyền lực của Zagreus.

Hades ngầu lòi ra. Sau này tôi muốn trở thành một ông bố như vầy =)). Không ba lăng nhăng như ai đó

Không chỉ sở hữu một dàn nhân vật và nội dung cốt truyện tốt, gameplay của Hades cũng là thứ “môn đăng hậu đối” trong tựa game này.

Hades mang người chơi vào guồng quay chiến đấu của riêng nó. Hầu hết chiến đấu (combat) trong Hades thuộc dạng bắt người chơi lăn xả vào chiến đấu, kẻ thù thì tấn công ở mọi hướng có thể, đéo bám tốt nên né tránh, tìm cơ hội để bộc phát tấn công và tẩu thoát trước đàn quái là chuỗi nội dung bắt buộc. Thường lúc đầu bạn khó mà xử lý nhiều hơn 3 kẻ thù một lúc.

Control của Hades thuộc vào dạng cơ bản với 3 thao tác: tấn công bình thường (basic), tấn công đặc biệt (special) và lướt (dash). SuperGiant Games là những người hiểu được niềm vui và khoái cảm của những cú né “thần sầu” tạt đầu trước hiểm nguy. Cảm giác dash được thiết kế rất tuyệt. Special attack là đòn thế giúp người chơi tạo ra một lượng sát thương mạnh mẽ cũng cần cẩn trọng sử dụng trong tùy tình huống bởi khoảng thời gian delay của nó. Hades không hề đơn giản, một khi bạn đã gắn bó với gameplay, bạn sẽ thấy nó phức tạp hơn bạn nghĩ. Sự khéo léo, tính toán trong từng hành động là điều thiết yếu phải làm để sống sót trong cuộc chiến dưới 18 tầng địa ngục. Ngoài ra, các thiết kế tương tác với vật thể cũng khuyến khích khả năng setup vị trí và thời điểm tốt.

Dash trong Hades cảm giác “phê” lắm. Cảm giác đặt mấy cú blow vào mặt quái cũng sướng không kém.

Phần nổi bật hơn cả trong chiến đấu ở Hades có lẽ là các vũ khí và các lựa chọn nâng cấp của nó. Ngoài ngoại hình thiết kế đẹp mắt, các vũ khí trong Hades sở hữu vẻ đẹp “chết người” đến từ khả năng của chúng. Sự tinh tế trong việc thiết kế các cách thức tấn công của vũ khí kết hợp với các lựa chọn nâng cấp sức mạnh đem đến sự hấp dẫn tuyệt đối trong các lựa chọn chiến thuật trong trò chơi. Đi kèm những món “hàng nóng” như Eternal Spear hay Heart-seeking bow, sức mạnh mà những vị thần Olympia ban cho Zagreus để “đảo chính” cha mình cũng là một trong những màu mực đặc sắc của Hades. Mang trong mình dòng máu mạnh mẽ của thể loại rogue-lite kết hợp đặc sắc, đã mắt với thể loại hack n’ slash (chặt chém),  mỗi thất bại, mỗi cái chết của người chơi đều đem lại cho tương lai vô vàn khả năng phát triển.

Tạm kết

Ngày nay bạn chỉ cần 5 phút để có thể tìm thấy một game trên Steam “na ná” với Hades. Nhưng trò chơi này sẽ thay đổi cách nhìn của bạn khi bạn cho nó một cơ hội thể hiện. Và mặc dù Hades mới chỉ “chớm nở” với cái mác Early Access của mình, phần tổng thể kết hợp với gameplay chặt chẽ của nó cho tôi thấy một tiềm lực mạnh mẽ xứng đáng để giao phó niềm tin. SuperGiant Games đã thành công khi tạo nên độ “chất” cho riêng bản thân Hades. Họ làm rất tốt và điều đó làm tôi mong chờ nhiều điều thú và đặc sắc hơn nữa trong những bản cập nhật tới và phiên bản chính thức.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Vũ Hoàng Khoa - 12.02.2019

    Mình thấy Hades hay vì nó lấy cái nhọc nhằn của roguelike là việc chết lên chết xuống mà biến nó thành một điều tích cực hơn, cho phép người chơi mở thêm lore sau khi chết, khá là hay.