Hardland – nơi cà khịa NPC chưa bao giờ dễ đến thế

Khách mới

  
* NPC (Non-Playable Characters) – ám chỉ những nhân vật mà player không thể điều khiển tung hoành ngang dọc được, đa phần các nhân vật được game dev thiết kế chỉ để hướng dẫn cho người chơi như ban phát nhiệm vụ; cung cấp manh mối hoặc có những game mà NPC sau khi giác ngộ chánh – tà, họ trở thành đồng đội không thể thiếu trong team (vd: Final Fantasy VI…)

1. Hardland – vùng đất khó ở hay câu chuyện sinh viên lần đầu xa nhà đi mướn trọ

Không biết có nên gắn tag *Spoiler warning* hay không nhưng mà với ngón nghề (lâu không viết nên hơi lụt) tổ lái một cách có văn hóa, bám sát sườn dàn ý đề bài cho, hy vọng quý độc giả vừa cảm thấy thoải mái, vừa cảm giác không bị seeder dắt mũi.

Game có vài cảnh cutscene intro khá hài hước, có lần tôi lỡ bấm skip thì màn hình tối thui lại khá lâu, tưởng game lỗi, hóa ra vẫn bình thường — tôi đồ rằng phải chăng dụng ý của tác giả muốn dọa hết vía những người chơi hay có thói quen spam skip cutscene để đua speedrun lòe thiên hạ.

2. Hardland – cà khịa, cà khịa nữa, cà khịa mãi…

Như đã gợi ý ở nhan đề, trên hành trình phiêu lưu gặp gỡ biết bao NPC vui tính, đủ mọi thành phần tầng lớp: yêu tinh, già làng, vợ già làng, thanh niên A, thanh niên B, nam C, nữ D, em bé, đội trưởng đội kỵ sĩ, thương gia mập đi lạc, kẻ canh bia mộ; hội những người thích áo choàng đen tỏ ra nguy hiểm….v.v — và không quên nhắc đến lực lượng gà chó cóc nhái, chim lợn cáo chồn góp phần làm không gian không quá nặng nề mùi máu tanh do chính player gây ra.

Tôi chơi một lúc thì khám phá một điều: khi ở trong làng, sau khi tìm manh mối qua các nhân vật NPC, tôi thử đá họ – vâng, cách nói khác của “sút” ấy – NPC họ lườm tôi, tôi hơi hoảng, tưởng tượng rằng điều không hay có thể xảy ra nếu tôi lặp lại động tác sút bóng hụt vào mặt NPC – tự hỏi trong lòng lẽ nào chúng ảnh hưởng tới độ uy tín hay chỉ số danh vọng gì gì đó thì không khéo sau này đi lang bạt sẽ bị người đời ném shit.

Cảm giác bất an càng khiến tôi muốn sút lần nữa thử xem có chết hay gì không – NPC lại lườm tôi và lần này có thái độ làm tôi kinh ngạc: họ chửi xéo bằng tiếng Celtic cổ, nhưng mà xui cái là đúng lúc có cơn gió lướt qua nên tôi không nghe thấy gì – cũng phải thôi, họ đau thì họ chửi.

Cứ thế cứ thế, gặp bất cứ ai, sau khi chào xã giao hẳn hoi lễ phép, tôi không quên tặng vài cú sút tạo dấu ấn lần đầu khó phai.

“Gặp gà đá gà, gặp heo đá heo, gặp chó sút chó” – và thế là tôi bị chó cắn. Đúng là hơi mới lạ – ngay trong làng, giữa thanh thiên bạch nhật – xung quanh nhiều tráng sĩ NPC sẵn sàng triệt hạ bất cứ mối đe dọa nào làm tổn hại player (cũng phải thôi, player chết xàm thì họ ragequit, ragequit thì họ refund, refund thì game ăn lon coca…).

“Người là bạn, chó không được cắn người!!”

Họ vô cảm đến độ tôi bị chó cắn những năm lần, mỗi lần dao động 10~20hp và tráng sĩ NPC xung quanh vẫn cười nói với mấy bà bán rau củ quả – tuyệt không chạy tới hỏi han hay ít ra chỉ dẫn chỗ chích ngừa gần nhất. Ngẫm tới màn giới thiệu của game, nhà phát hành có nói player sẽ đóng vai chàng hiệp sĩ mộng mơ, cái gì cũng ngon lành, mỗi tội hơi xui.

Tôi vẫn chưa khám phá ra chỉ số xui xẻo/may mắn (Luck/LUK) nằm chỗ nào cơ mà tôi càng gây “nghiệp” thì quả báo cũng từ từ mò tới: tôi thử trả thù tên tráng sĩ đã làm lơ tôi bị chó cắn bằng cách sút mông hắn – hắn rút gươm chỉ vào mặt tôi ngay tắp lự, miệng không quên rủa thầm vài từ khá mất dạy. Sau đó trưởng đội kỵ sĩ tới can ngăn sự xô xát xí hổ không đáng có trong lịch sử chơi game lẫn lịch sử ngành làm game, và với lòng vị tha vô bờ bến, tôi chấp nhận bắt tay làm hòa và rời đi sau đó.

——————————

Mọi người sau đó vẫn cười nói vui vẻ khi tôi lần tới tìm kiếm manh mối nhưng họ không nhiệt tình hơn trước, rất nhiều những màn đối thoại úp mở. Tôi thử vào nhà NPC khám phá, và đa số họ đều chốt cửa – đòi hỏi bạn phải tìm kiếm bộ chìa rơi rớt khi đi lang bạt phá phách (cũng không khó lắm) để mở cửa vào-nhà-NPC-một-cách-đường-hoàng. Không gian bài trí trong nhà khá hợp phong thủy, có cửa sổ đón nắng mới và dăm ba kệ sách. Tôi gật đầu chào thi lễ với gia chủ và bỏ dép ra ngoài theo truyền thống Á Đông, sau đó tôi hỏi han sức khỏe ông bà già của NPC. Tôi nhảy lên cái bàn tròn đặt chính giữa căn phòng, tay chộp lấy quả táo New Zealand căng mọng và bưng nguyên dĩa gà nướng nốc sạch. Hai vị gia chủ cười trang nhã, đôn hậu khẽ nhắc tôi: “đừng làm vậy, không hay”.

Tôi tiếp tục thử thách đánh giá nhanh thái độ NPC bằng việc lật tung cái bàn tròn và đá gãy vài kệ sách, không quên nhảy ầm ầm lên giường như đứa trẻ đòi kẹo, bất chợt nữ gia chủ cười lớn rồi xắn tay áo lên lộ hững hờ nguyên cái tha-thu con rết và đầu lâu xương chéo. Tôi – cảm nhận rất rõ adrenaline sôi trào cảm khái sự chết chóc đến gần – lập tức chào thi lễ cúi đầu 45 độ và biến ra ngoài.

Đập bàn đập ghế người lạ và cái kết

3. Hardland – càng chơi càng thấy nhớ nhung nàng Zelda đợi chàng shipper Lin-Ka giao gà rán

Đúng là càng chơi càng thấy hoài niệm Lin-Ka làm đủ thứ nghề (thợ cắt cỏ, cung thủ, goblin slayer…v.v) trên hành trình phiêu lưu đơn độc phong bạt không quên kiếm tiền mua đồ ăn tới ship cho kiều nữ Zelda.

Và trong Hardland thì player cũng kiêm kha khá nghề: đi tuyên truyền gia nhập giáo phái bí ẩn; đi bốc mồ mả kiếm vật phẩm nhiệm vụ; thợ sửa ống nước đi thông tắc hầm cầu..v.v

♦ Cơ chế nhiệm vụ đòi hỏi bạn chịu khó hỏi han sức khỏe nhiều người, để ý sự khác biệt và vận dụng sự sáng tạo để cà khịa.

♦ Với hệ thống vũ khí và hệ thống giáp áo mũ nón khá đa dạng, tôi tin chắc rằng bạn sẽ quan tâm tới vấn đề lương thực nhiều hơn vì đồ ăn rất ngon, nêm nếm rất vừa, đủ vitamin cho hoạt động cả ngày dài lẫn vài tuần liên tục.

Đầy đủ dưỡng chất cho ngày dài năng động

♦ Cơ chế lên cấp (leveling) khá đặc biệt, tôi cam đoan rằng bạn ắt hẳn cũng chả quan tâm level cao chi hết, vì cứ từ từ giết quái cũng được – cà khịa quái cũng rất thi vị nha. Game hiện vẫn chưa có tính năng lựa chọn độ khó, suy cho cùng, cái đáng cần là phát triển nhánh nhân vật thêm hoặc nhiều tình tiết cốt truyện hơn nữa, thậm chí hoàn thiện những biểu cảm và phản ứng khó đỡ của tuyến NPC.


♦ Hardland mang một trải nghiệm vui vẻ đúng chất tự do – khí trời mát mẻ, chim bay cá lượn, người dân hiền hòa, nhạc game phê pha.

Trong game thì thời gian dùng hệ 24 giờ, xài giờ tiêu chuẩn quốc tế a.m/p.m hẳn hoi. Nếu bạn có kinh nghiệm chơi Zelda trước đó thì cảm tưởng phá đảo Hardland chỉ là chuyện cỏn con, cái quan trọng là thông điệp ẩn sâu thăm thẳm đằng sau nó – “hãy là người tử tế, cả trong game lẫn đời thực“.

Và còn nhiều điều thú vị hy vọng tôi không lái khét lẹt thêm để mất đi cảm giác tự mình chinh phục của quý độc giả.

Goblin Slayer – top fan của hội Ăn hàng Ở không 

Nhân tiện, tôi tặng các bạn vài tips để không chết oan, giảm tỉ lệ ragequit:

  1. Như đã nhắc khéo về chuyện sinh viên lần đầu mướn trọ, bạn không hồi sức trong nhà nghỉ/khách điếm (inn) mà là ngủ bụi ngoài đường bên bếp lửa bập bùng (vừa hồi máu vừa save game).
  2. Hạn chế chọc chó – chọc heo, gà, cáo chồn thì được (hên xui).
  3. Cực hạn chế chọc chó đang tắm táp dưới sông/kênh/ao/hồ – đã từng thử và tạch sau khi đã cố đánh bả bên bờ sông.
  4. Hạn chế rong chơi đi khuya về trễ, vì có vài con quái không hiện máu, không có đèn đường lại không khai danh tánh, nên bạn có thể bị úp sọt khá hề hước.
  5. Cực cực hạn chế chọc chó đang ăn – lý do thì chắc liên quan tới vấn đề đạo đức cơ bản và lễ giáo trong bữa cơm gia đình.

____________________

p/s: Đây là bài đầu tiên mình nói nhiều về vấn đề đạo đức trong game, hy vọng quý độc giả có những phút giây thư giãn sau ngày dài làm việc căng thẳng.


Rất hoan nghênh và welcome những lời nhận xét, góp ý chân thành từ quý độc giả bốn phương.

Edo

Khách mới

  

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện