Khi Webgame, GMo kiếm hiệp chỉ là rác rưởi

Khách mới

  

Từ bao lâu rồi, đã tồn tại trong nhận định của một lượng lớn gamer cho rằng webgame, GMo kiếm hiệp hiện tại đa phần chỉ là rác. Ngay cả người đã làm trong ngành game một thời gian như tui cũng đã từng nghĩ vậy anh em à.

Gặng hỏi phần nào từ cộng đồng gamer tại Việt Nam, tui đều nhận được cái lắc đầu ngao ngán, bày tỏ sự thất vọng tột độ về phần gameplay, đồ họa na ná nhau trong Webgame lẫn GMo (à đây là cách nói tắt game mobile). Thật ra, rất nhiều cái nhìn xoay quanh vấn đề này mà hôm nay tui sẽ chia sẻ cho anh em. Mong anh em góp ý và đưa ra góc nhìn của bản thân.

NPH từ Trung đến Việt và phong cách ăn xổi đặc trưng

Còn nhớ thời kỳ, Kiếm Thế bắt đầu đi xuống, nền tảng web của nước nhà cũng đã đi lên một cấp mới. NPH VNG đã chớp thời cơ đưa Võ Lâm Chi Mộng về Việt Nam và đạt được thành công cực kỳ vang dội thời đó. Bởi cách tiếp cận rất đơn giản (chỉ cần lên web, không cần tải), gameplay cũng đơn giản, hệ thống giao diện, đồ họa dễ nhìn,… Năm 2011, với webgame, cờ đã đến tay.

Nhiều NPH sau đó cũng ăn theo, mua webgame từ Tung Của về để tranh giành thị phần. Quả là một mảnh đất màu mỡ. Tuy nhiên, có vẻ như lợi thế nhất vẫn chỉ đến với kẻ đi tiên phong. Dần dà, các webgame khác đều chết nhăn răng, còn VLCM vẫn sống hoặc cố mà sống, bởi vì nó là đứa đi đầu, là chị Đại đầu tiên của webgame kiếm hiệp, là niềm tự hào, danh tiếng của VNG… như cái cách họ giữ vững Võ Lâm Truyền Kỳ trong hơn 10 năm trời.

*Tiếp đây, sẽ là góc nhìn của tui. Mong anh em không ném đá mạnh, phá cái mặt đẹp trai này.*

Đến đây, thay vì tìm kiếm những tựa webgame chất lượng hơn về nội dung, gameplay và cả đồ họa, bằng cách biết sàng lọc hơn khi mua bản quyền game từ NSX Trung Quốc. Các NPH lại rước về những “bom tấn” đủ kéo còi đến 6 tháng hoặc cao nhất là 1,5 – 2 năm là đứt hơi.

Phần nhiều, bên Tung Của, có rất nhiều studio, tính cạnh tranh cực kỳ cao, khả năng tồn tại và đem lại lợi nhuận cho studio cực kỳ khó khăn. Một studio cần tài chính để nuôi lính, để tái sản xuất một game khác. Tư duy làm webgame nó khác lắm so với các game offline. Họ không đủ kiên nhẫn, tham vọng, ước mơ để bỏ tiền nuôi quân, phát triển một webgame trong 2-3 năm để rồi nhận lấy sự quay lưng của gamer. Đơn giản trong khoảng thời gian đó, xu thế thị trường, sự phát triển của công nghệ đã khiến họ bị thụt lùi. Cái họ muốn nhận cũng không chỉ là cái gật đầu tán thưởng của gamer nữa.

Khi đã làm MMORPG, 1/2 (hoặc lẽ hơn) linh hồn và cả đam mê của người làm game đã bị rao bán rồi.

Chính vì sự cạnh tranh như thế nên các studio TQ thường làm ra sản phẩm webgame kiểu ăn xổi đặc trưng. Tức là làm những cái hay nhất, tốt nhất vào giai đoạn early game để lôi kéo game thủ, để hút cho đã máu. Sau đó, cho nó tự đi về giai đoạn suy thoái và trôi về miền cực lạc trong thời gian ngắn.

Chết cái là đẳng cấp về kiến thức tin học, công nghệ ở Việt Nam thời đó rất chi là không bằng đứa bạn hàng xóm. Kiểu con nhà người ta. Chỉ biết đứng trông thôi, thèm thèm lắm thì mượn về xài tạm. Nhiều NPH mắt nhắm mắt mở mua về phát hành 1-2 cái, rồi cũng học luôn cái chiêu ăn xổi của bên Tung Của. Bởi thế thị trường webgame nó tọa lọa mấy con như y chang nhau. Không chỉ là đề tài kiếm hiệp nữa, tiên hiệp, huyền huyễn có đủ.

Tui nói mấy anh em về cái chiêu ăn xổi. Mấy năm nay, khả năng code, lập trình của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Tuy đa phần vẫn chậm (cỡ vài năm) so với Trung Quốc, nhưng tự làm webgame, GMo là dư sức qua cầu rồi. Tự đứng trên đôi bàn chân là tốt đến thế nhưng tư duy ăn xổi khó bỏ. Các con webgame mang tiếng người Việt làm trong năm 2017 đều theo kiểu hút cho cạn máu cộng đồng gamer rồi ra thông báo dẹp trong vòng ba nốt nhạc… quên trong ba tháng. Thông thường điều này đến từ các NPH lớn (chứ nhỏ thì đủ tiền để tự phát triển studio riêng đâu nè).

Nói thật, đa phần các tựa webgame, Gmo kiểu ăn xổi hoặc người Việt tự làm rất ít khi tạo được sự khác biệt. Webgame thì vẫn là thể loại nhập vai. Bữa nay có tiến bộ thì có cho tải mini client về để chơi ổn định với mức đồ họa đẹp hơn. GMo thì vẫn xoay quanh hoài với chiến thuật thẻ tướng chán chê. Đỉnh nhất của GMo hiện nay, theo tôi là VLTKm, có chiều sâu, có khả năng phát triển lâu dài. Bực một cái nó cũng là của VNG. Thật mong bên tui cũng có một con dẫn đầu trong một thể loại.

(Nãy giờ vô tình viết PR hơi nhiều cho VNG nhưng mà ai biểu nó mạnh mần chi. Ở đề tài kiếm hiệp, thể loại nào bạn ấy cũng đứng nhất và… hút cũng mạnh nhất. Thật là con nhà người ta trong các NPH.)

Bởi thế, cộng đồng gamer nói “Webgame, Gmo toàn rác”. Tui cũng chả phân bua được gì. Cũng có một số con thoát cái mác rác, thì cũng bị phán là dính mác Kotex. Phận làm dâu trăm họ, không làm thỏa lòng được ai. Nghĩ lại bản thân cũng từ việc thích chơi game rồi cơ duyên vào ngành game, cũng hiểu và đồng cảm hơn đối với game thủ. Nhưng bản thân cũng còn cái gánh cơm áo gạo tiền sau lưng nữa. Dần dà cũng hiểu và thông cảm hơn với các NSX game, những con người làm game.

Người xưa nói (thiệt ra là tui chế): “Đừng vì cái bát mà đánh nát đam mê. Nhưng đừng vì đam mê mà làm bụng đói.”

Tạm kết tại đây nha anh em. Thùng thư góp ý và bình luận vẫn để dưới.

Thanh Võ

Khách mới

  
Đừng vì cái bát mà đánh nát đam mê Đừng vì đam mê mà làm bụng đói

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện