Không còn thích được RPG

Huyền thoại ★

  

Hồi đại học có bạn có bè thì tôi chơi game kiểu như Dota 2 hoặc CSGO. Rank này cúp nọ cũng có, nhưng không phải cái đáng tự hào. Cái còn lại là kỉ niệm. Rằng có một khoảng thời gian như vậy, nơi mọi người gặp nhau để vui vẻ và vô tư. Kiểu ngày nào cũng mong đến giờ đó (tầm 4h chiều) để “party up”, xem game và cá độ, nói chuyện về đủ loại game và chia sẻ nhau chuyện này chuyện nọ. Sau đi làm, gặp người này người nọ ngồi với nhau nửa tiếng đã hết chuyện để nói, ngồi với nhau nửa tháng đã có khi ghét nhau, nửa năm thì  “chúng ta không thuộc về nhau” rồi (giờ mới thấy bọn yêu nhau hẹn thề trăm nghìn năm thật dũng cảm!) Không có “party up” nên tôi đành chơi game một mình.

Tôi nhận ra tôi không còn phù hợp với đa số game một mình. Mọi người bảo game đẹp, kì ảo; thế giới đó cho chúng ta thử những trải nghiệm mới, kể những câu chuyện hay; v.v… Tôi đồng ý nhưng không quá coi trọng. Tôi không cho rằng làm người nhện bay vèo vèo trên thành phố Manhattan là thú vị; không cho rằng làm Ezio đi phụng sự thiên mệnh trong Assassin Creed là hay ho. Tôi không bị hấp dẫn bởi Marvel hay DC Universe, và nếu có khả năng của người nhện thì tôi đã không lượn như dơi ở Manhattan mà sẽ đi cướp ngân hàng. Thế giới trong Assassin Creed cũng là nơi đáng tò mò, bởi vì tôi thích nét kiến trúc và những sự kiện lịch sử thời Trung cổ và Phục Hưng. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng đọc sách – xem phim – lên mạng thì sẽ “đáng” hơn. Trên hết là cảm giác những nhân vật đó không có gì đáng để tôi tìm hiểu, mà nếu có hơi chút tò mò thì tôi cũng có những nguồn khác để tìm hiểu. Bởi vì tính kiêu mạn cố hữu vậy nên chẳng có nhân vật – và câu chuyện liên quan – làm tôi quan tâm. Từ Kratos, Link, Ezio, Geralt… Giết trời, giết đất, cứu người, cứu thế giới… Tôi thấy… không quan tâm và không liên quan. Kiểu mài làm gì kệ mài, tao thấy việc mài làm chán òm! Kratos hay Link cũng chỉ là một người đang suck trong đống hỗn loạn xung quanh, như 7 tỉ người ở thế giới này. Câu chuyện để kể về những người ấy có thể hay, nhưng không hay hơn câu chuyện về một cậu bé tự kỉ làm bạn với Siri trên NYT hay cách một nhóm người dân tộc Ainui đã đi xuyên qua Bắc Cực như nào. Một điều quan trọng rút ra ở đây: Những câu chuyện kể trên tôi thấy hay bởi vì tôi không biết nó diễn ra như nào, kết cục ra sao, còn những câu chuyện trong game thì hầu hết tôi biết rồi. Việc tôi cố gắng để chơi game (một cách “đọc” truyện) cũng không thay đổi cái sự thật hiển nhiên này. Tôi cho rằng cái này chán òm và vô nghĩa. Nếu có game nào, giả sử như cho phép tôi điều khiển người nhện chẳng hạn, giết 1 nửa thành phố và tìm cách đối phó với 1 nửa thành phố còn lại, thì tôi sẽ đánh giá cao. Còn nếu là đóng vai quân đồng minh đi bắn quân Đức trong WW2, đóng vai người nhện đi đánh Sandman hay Lizard, đóng vai chúa trời đi thực thi đạo đức và công lý… thì tôi cảm thấy đã quá nhiều rồi. Giết người “xấu” thì dễ và đầy thông tin cũng như câu chuyện liên quan, giết người bình thường mới khó và rất ít thông tin. Cái đó mới khiến tôi tò mò. Kiểu như đô đốc Pizarro người Tây Ban Nha đã bắt và giết hoàng đế Atahualpa của Inca trong lần đầu gặp gỡ, sau khi giết hại cả nghìn người quanh ông. Sau đó ông “vô tình” giết hại 95% dân số Inca trong 100 năm tiếp theo. Rồi với tất cả niềm tự hào ông viết thư kể công cho nhà vua và nhà thờ, và khi trở về nước thì tên ông thành niềm hứng khởi cho toàn cõi châu Âu và niềm tự hào của người Tây Ban Nha thế kỉ 15.

Nếu có game nào kể về cách Pizarro giết người Inca và cách thế giới tôn vinh Pizzaro thì chắc tôi sẽ mua.

Có lẽ tôi không hợp với những game như vậy, những game Action role-playing (RPG). Chỉ trừ những game có gắn bó với kỉ niệm nào đó (tức là gắn bó với con người ở ngoài đời) thì hầu hết cái tôi quan tâm ở những game này là nó có kể một câu chuyện đủ hay không. Trải nghiệm gần đây nhất là The Walking Dead series khi tôi tò mò về thế giới hậu tận thế. Game cung cấp những góc nhìn mới (về nhu cầu thiết yếu để sinh tồn, về cách sinh sống và đối xử…) tuy nhiên tôi cảm giác không “rewarding”. Tức là bỏ ra hơn 10 tiếng chỉ để có từng nấy thông tin là không đáng, và nếu không phải vì “phát sinh tình cảm” với nhân vật Clementine thì tôi đã nghỉ game và ra đọc sách – xem phim. Khi biết Clementine chết, tôi bỏ game. Cảm giác của tôi lúc đấy là: This game betrayed me. Tôi chơi đến đây không phải vì tò mò xem mọi thứ như thế nào (nó không “đáng” với công sức bỏ ra), tôi chơi đến đây vì tò mò cho số phận Clementine. Sự tò mò chấm dứt (và chấm dứt 1 cách nl) nên tôi nghỉ game. Trong cơn giận dữ của mình tôi vào rate Telltale (hãng làm game) 1 sao. Hồi sao nghĩ lại thì thấy Telltale cũng kể được một câu chuyện làm mình có cảm xúc như vậy, vậy là đáng rồi. Tôi sau vào xóa rate của mình, đồng thời xóa game.

Dạo gần đây tôi chơi Civilization. Có những ngày tôi chơi phải 12/24 tiếng. Thường tôi chơi đến thua (lúc nhận ra mình chắc chắn sẽ thua) thì dừng lại. Suy ngẫm. Nghiên cứu trên mạng. Đọc sách. Và việc đọc sách lại kích thích tôi chơi tiếp. Tôi kể một ví dụ như này: Tôi chơi thua vì trong game đó Tây Ban Nha quá mạnh. Tôi nhận ra sức mạnh đến từ các Coastal City trong thời kì Colonist. Tôi nhận ra bonus của Tây Ban Nha cũng củng cố điều này. Thế là tôi lên Civfanart để tìm hiểu về Tây Ban Nha. Ở trên đó tôi đọc được bài hướng dẫn chơi Tây Ban Nha rất chi tiết. Rồi trong đó có 1 đoạn cãi nhau về tính “lịch sử”. Kiểu như thằng A bảo đáng lẽ bonus phải như này, bởi vì trong lịch sử Tây Ban Nha như này, chứ không phải như nọ. Thằng B cãi lại rằng ý mày đúng, nhưng không toàn diện, phải so sánh với đất nước khác và trong tổng thể lịch sử, rồi nó dẫn chứng ra. Tôi đọc những dẫn chứng đó thấy… hay hay. Thế là tìm đọc cả đoạn về cái đó, kiểu như vì sao thế kỉ 15 là của Tây Ban Nha, 16 của Bồ Đào Nha, 17 của Hà Lan, 18 của Anh/Pháp… Và những lí do đó dẫn đến việc thiết kế game như nào để phản ánh đúng thực trạng lịch sử. Cứ thế tôi chơi Tây Ban Nha rồi bắt chước (có cải cách!) y hệt lịch sử: cố gắng thực dân hóa đầu tiên và dùng thế mạnh đường biển. Tương tự tôi chơi Anh tiếp theo vì hiểu rằng sức mạnh của Anh đến từ việc chiếm giữ những vị trí quan trọng trên thế giới, chất lượng trước, số lượng sau. Và tôi làm y hệt như thế để xem… có thật sự thế hay không.

Rồi tôi nhận ra mọi game tôi chơi đều như vậy. Hồi bé tôi từng chơi nhiều game kinh dị bởi vì tò mò. Mặc dù hồi đó còn sợ sợ (có ai không sợ không?) nhưng sau khi ù té chạy tắt máy đi ngủ thì hôm sau lại ngẫm nghĩ, kiểu con ma ấy… là người tốt thì sao. Tôi nhớ hồi chơi Fatal Frame tôi đọc nhiều về ma quỷ và tâm linh của người Nhật đến độ mà… sợ ma Nhật xuất hiện ngay ở nhà mình. Tuy nhiên việc đọc đó kích thích trí tưởng tượng của tôi: tôi đọc để tôi… đỡ sợ khi chơi, và tôi dùng trí tưởng tượng để biến hóa các thông tin đọc được nhằm chơi game được… xuôi hơn.

Còn giờ cứ băng băng một lèo. Mua Diablo 3 chơi đúng 1 lần thì thôi, không cày đồ gì nữa. Artifact cũng vậy, chơi từ trước khi chính thức đã hơi thất vọng rồi. Nó là cái hộp chơi mình, chẳng khác gì lên chess.com đánh cờ vua cả. Dota 2 hay CSGO ít nhất còn có thể chơi với bạn (và nó value nhất cái khoản này). Artifact thì đúng tính chất try-hard. Nhưng try-hard thì phải có rewarding, mà cái này nhìn mãi cũng không thấy ở đâu cả. Trừ khi bạn bỏ vào 2 triệu rồi quyết tâm theo đuổi đánh giải chuyên nghiệp (tournament là điểm sáng nhất của Artifact), còn không thì Artifact chơi không vui (trừ khi bạn thắng tournament có $), xem không hay (rất khó theo dõi), tương đối đắt và mệt não.

Artifact không kích thích trí tưởng tượng cho lắm, có lẽ vì vậy và mình bỏ game. Cũng nghĩ tại bản thân qua tuổi chơi game rồi, nhưng nếu không chơi game thì dễ phát điên lắm, game là thứ giúp chúng ta không phát điên và đi làm cách mạng mà.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


3 cụng ly

  • B - 07.12.2018

    Bài viết gợi nhiều cảm xúc. T luôn thắc mắc bản thân mình sau này độ 30t thì có chán game không. Và thậm chí còn không hiểu tại sao người lớn lại có cái “qua độ tuổi chơi game”. Vì t rất thích chơi game. Bên cạnh mục đích giải trí thì t cũng học được nhiều thứ từ game. Bah vẫn còn nhiều thứ muốn bàn nhưng có lẽ để sau nhỉ. 1 ly bia “đắng” nhưng cái gì càng đậm thì càng nhớ lâu.


  • PhongKim - 07.12.2018

    Đúng là cái hộp “chơi” mình, xem gameplay Artifact ức chế nhất mấy vụ random tướng, lính, đồ để mua. Cảm giác turn nào cũng phải khấn éo vui tí nào =.=


  • Lazzzy boy - 13.12.2018

    Mình mới qua mốc 30.
    Cũng chỉ mới chơi game từ hồi cấp II.
    Mỗi loại chơi 1 chút, và đều gà mờ cả.
    Vài năm gần đây, chơi game gì cũng chỉ dc vài hôm là chán.
    Mua tai nghe mic về chơi PUBG dc vài hôm thì bỏ. Toi tiền mic.
    Không tưởng tượng nổi là đã từng có thời gian mình cày game hăng đến thế?!
    Nói nghiêm túc thì, với mình bây giờ, chơi gái vui hơn.