Machinarium: Tưởng cũ kĩ mà vừa hiện đại lại vừa thanh bình

Chủ xị

  

Có lẽ cái cuốn “Lối sống tối giản của người Nhật” của Sasaki Fumio chỉ có tác dụng một nửa đối với tôi trong công việc dọn dẹp, một phần là lười và còn lại là những kỉ niệm, không chỉ là đồ vật mà còn con người. Và nói đến dọn dẹp, không chỉ là không gian ngôi nhà mà còn là không gian cho bộ nhớ cái máy tính cà tàng mà tôi vẫn đang sử dụng để gõ những dòng này. Một số game nhìn đã cũ như Megaman X8 tuy không chiếm quá nhiều bộ nhớ nhưng có lẽ đến lúc thay đổi, và có lẽ trước khi đưa về Library trong xó, tôi nghĩ nên để một bài viết ở đây với Machinarium cũ kĩ và bụi bặm này.

Một khung cảnh bao quát toàn bộ thế giới tàn tạ.

Khá lạ với tôi khi game có một cái tên viết bằng tiếng Anh không giống với mấy từ tôi được học, tuy cấu trúc thay đổi nhưng một điều chắc chắn rằng cái tên tựa game liên quan đến máy móc rồi (cái này ai chẳng nghĩ ra, vậy nên thank you Captain Obivious).

Vào thẳng lề chính, game được ra mắt vào ngày 16 tháng 10 năm 2009, là tựa game đầu tiên của nhà phát triển kiêm phát hành Amanita Design, mà sau này chính hãng cũng đưa ra những tựa game cùng thể loại như series Samorost, Botanicula, CHUCHEL và mới nhất là Pilgrims vào tháng 10 năm ngoái. Nhìn chung về các con game đều thuộc thể loại indie, giải đố, point-and-click pha thêm sự phiêu lưu giữa các khu vực khác nhau trong một thế giới riêng biệt. Điều đặc biệt hơn là Machinarium đã đạt giải thưởng Game phiêu lưu độc lập của năm (the award-winning independent adventure game), từ đó tạo bước đà cho các game sau của hãng.

“Một game mà các fan của dòng point-and-click nên chơi”IGN

Không chỉ IGN (dạo này tôi thấy mấy ông ấy đánh giá hơi cảm quan cá nhân nhưng chắc vẫn ổn), trên chính trang Steam của game luôn đạt lượng người chơi đánh giá cực kì tích cực từ những người đã chơi từ những ngày đầu ra mắt cũng như những người chơi gần đây. “Old but gold” là từ mà có thể nói lên con game giải đố thuộc những năm xưa cũ, gợi cái khoảng thời gian tôi với mấy đứa em họ hàng cùng nhau chơi Khỉ Buồn trên mấy website chơi free.

Chỉ với nhấn con trỏ vào các đồ vật hiện lên màn hình và giải đố các câu hỏi, nhưng xa hơn là sự tương tác của nhân vật chính Josef của chúng ta với các người máy và đồ vật khác trong tầm với, khiến các hoạt động đều mang một tính logic và không khiến người chơi có não phải quá to để nghĩ quá xa các khung cảnh mà chỉ cần nhớ các chi tiết cần thiết ngay trên màn chơi.

Các hành động chỉ trỏ của chúng ta bị giới hạn về khoảng cách nhưng không giới hạn về cách thức vận hành.

Xuyên suốt quá trình của game, không có bất cứ đoạn hội thoại bằng chữ nào nhưng chúng ta vẫn chơi và vẫn có thể xâu chuỗi những sự kiện của game thông qua hình vẽ, mà thực tế những đoạn hội thoại được vẽ bằng tay cũng đã thay phần toàn bộ những cuộc nói chuyện đó, cho thế giới này một thứ ngôn ngữ riêng chứ không phải là người ngoài hành tinh nói tiếng Anh hay người Đức người Nga nói tiếng Nhật mạch lạc như người bản địa được.

Cốt truyện có thể tóm tắt như sau:

“Mở đầu khung cảnh Machinarium là một thành phố cũ kĩ hiện rõ giữa khung cảnh mông quạnh, không có một chút cây cỏ sự sống, bởi lẽ dĩ nhiên đây là thành phố của máy móc và thế giới máy móc, đi sau đó là một con ruồi máy to lớn đi đến bãi tập kết phế liệu để thải ra những thứ đã không còn sử dụng. Tuy nhiên, nhân vật chính của chúng ta Josef (được đặt tên theo như Josef Capek, cha đẻ của thuật ngữ “robot”) vẫn còn hoạt động được, tìm những bộ phận của bản thân khi bị tách rời và tìm đường ra khỏi bãi phế thải để tiến vào thành phố.

Đi ké cái anh ơi

Hãy chú ý khung cảnh xung quanh để có thể giải câu đố

Sau khi vào thành phố, nhân vật chính phát hiện ra kế hoạch gài bom nổ tung tòa tháp của bộ 3 anh em mũ đen (Black Cap Brotherhood theo bản tiếng Anh), tuy nhiên sau đó anh bị phát hiện và tống vào tù. Bằng một vài mánh lới đã được gợi ý, Josef đã thoát ra khỏi nhà ngục.

Trong tù không dầu cũng không ốc vít, chỉ có giải đố bớt sầu

Đi vào sâu hơn thị trấn, anh giúp đỡ những người dân ở đây, ít nhiều người trong số đó là nạn nhân của băng anh em mũ đen, điển hình như bộ 3 anh em ban nhạc trước quán bar bán dầu hay một con robot ngồi xe lăn mong muốn một bình nước chiết xuất từ hạt hướng dương. 

Hội anh em bay lak vinahey bạn ei

Và một lần nữa, người chơi điều khiển Josef và khiến cho băng mũ đen ấy một bài học bằng cách cho căn phòng chúng đang ngồi ngập nước. Sau đó, anh phát hiện ra cô bạn gái Berta đang bị nhốt trong phòng bếp và bắt nấu ăn. Trải qua các hành động khác nhau trước khi cứu bạn gái, Josef đã thành công trong việc gỡ bom, đồng thời khôi phục trí nhớ cho một con robot có một cấu trúc não to lớn mà có thể gọi là người đứng đầu thị trấn ấy, gợi nhớ những gì trước khi câu chuyện bắt đầu.

Hóa ra ba người bọn họ đã sống hạnh phúc cho đến khi một thành viên băng mũ đen đến và làm robot não to kia tàn tật. Trong lúc nhấn nút khẩn cấp kêu gọi con ruồi robot đầu game xử lí tên mũ đen trước khi bị mất ý thức, thật kém may mắn nhân vật chính bị hút đi, còn tên mũ đen đã bắt cóc Berta, bỏ lại con robot não to. Đến lúc này, người chơi có thể giải cứu Berta trong nhà bếp, trừng phạt băng mũ đen bằng cách cho căn phòng ngập nước chảy xuống cống ngầm, và rồi Josef và Berta thoát khỏi thành phố bằng chiếc phi cơ trên đỉnh nóc nhà của con robot đầu to”.

Một cốt truyện đơn giản xoay quanh chàng hiệp sĩ người sắt cứu giúp dân lành và giải cứu những người bạn của mình khỏi ách thống trị của những tên độc ác nhưng lại đặt cảnh quang trong một thế giới hậu tận thế với loài robot còn sống sót (chắc không còn loài người nào sống sót ở nơi cằn cỗi này đâu). Mô típ đơn giản dễ nắm bắt và không plot twist này đã thành công trong việc dẫn dắt người chơi chu du cùng anh chàng robot thấp cổ bé họng đi giải những câu đố vừa thách đố trí tưởng tượng, vừa giải trí như khu vực trò chơi điện tử cũ kĩ yêu cầu bạn cần đạp cái xe đạp để nạp ắc quy cho từng thùng máy Arcade.


Có thể nói rằng game indie đơn giản về cốt truyện và gameplay này lại cuốn hút những người hoài niệm những dòng game cũ hơn, hoặc những người mong muốn trải nghiệm con game có khối lượng thời gian chơi ngắn sau những ngày làm việc căng thẳng hoặc bội thực game AAA.

Đi bên lề một chút, tôi là người không giỏi trong những trò chơi yêu cầu tốc độ cao hoặc khả năng phối hợp tốt, tầm thực lực ở mức trung bình, dù thế tôi vẫn muốn tôi luyện khả năng phản xạ của bản thân mà không ngừng cày cuốc. Nhưng đến một lúc nào đó, khi trong tình trạng ngộ độc game rồi, tôi lại mong muốn tìm về mấy cái cũ cũ bình thường thôi. Và Machinarium đáp ứng tôi với nét vẽ đơn giản mà giàu trí tưởng tượng từ Jakob Dvorský cùng đội ngũ thiết kế làm nên một tác phẩm đơn giản mà ẵm được giải Game indie của năm 2009 của Gamasutra và VGCharzt. Không chỉ hình ảnh mà phần âm thanh tuyệt vời (game cũng đạt giải Best Soundtrack 2009) đã hài hòa không khí yên bình của trò chơi với người chơi, đem đến sự thoải mái trong từng phút giây suy tư giải đố cùng Josef.

Lâu lâu chill bằng cờ ca rô cho thư giãn đầu óc

Về phần kết, tôi nghĩ đây là một con game cũ kỹ, không quá nặng, và không yêu cầu quá mức cấu hình cao bởi hiển nhiên đây là một con game indie, và tôi yêu thể loại game này. Hãy trải nghiệm nó nếu bạn cảm thấy mệt mỏi bởi biết đâu bạn lại yêu nó.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • Thu Thám - 29.03.2020

    Game này có thấy anh Độ chơi một lần rồi, thấy đơn giản mà đồ họa vẫn đẹp.