Những intro dấu yêu

Huyền thoại ★

  

Một trong những điều đầu tiên khi bạn mở bất kỳ một con game gì lên thì chắc chắn là sẽ có hai thứ nổi bật nhất đập vào mắt: Thứ nhất là một tràng những logo của nhà phát hành – studio các kiểu, và thứ hai chính là một intro giới thiệu về game trong dạng CGI render hoặc là nhá hàng những hình ảnh về game tựa như một trailer để tạo đà hưng phấn cho người chơi vậy (và cũng có thể là sẽ có intro sau khi chúng ta vào Menu chính và bắt đầu game, cái này hên xui). Và suốt những năm tháng chơi game đã qua thì tui cũng tự thân tập hợp được một vài intro xem cực kỳ đã mắt đã tai như thế, và có lẽ tui cũng sẽ còn thiếu sót một vài intro tuyệt hảo nào nữa chăng? Trước mắt, cùng tui luyện những intro này đã nào.

Tenchu: Wrath of Heaven

Nói đến tuổi thơ của những ai từng ôm PlayStation (PS) và PS2, thì ở Việt Nam rất khó để tìm một ai đã qua những thời kỳ đó mà không mê mẩn Tenchu. Kể từ năm 1998 với Tenchu: Stealth Assassins, Tenchu có thể nói là một trong những tựa game tiên phong của lối chơi lén lút – theo kiểu lén lút là điều tiên quyết nên làm chứ giáp lá cà thì sẽ mất vui hoặc tệ hơn là bỏ mạng, mở đường cho sự trỗi dậy của cả một dòng game. Với bối cảnh là thời phong kiến Nhật Bản, ta vào vai hai ninja làm các nhiệm vụ ám sát là Rikimaru và Ayame với cái lối chơi lén lút “cứng thôi rồi”, thậm chí là khó chịu luôn. Tui cũng thừa nhận là chưa bao giờ chơi cho trọn vẹn lẫn “đúng đắn” Tenchu khi còn nhỏ, nhưng Tenchu vẫn mãi là một phần không thể thiếu của tuổi thơ những ngày chưa thể sắm PS hoặc PS2 mà phải ra quán chơi với 2.000- 4.000 đồng/ tiếng tùy loại máy (tui hay trả 10.000 và do quen nên được chơi PS2 tới 3 tiếng). Và dù phải chắt chiu đến từng phút, thì mỗi khi mà tui boot đĩa Tenchu: Wrath of Heaven – phiên bản Tenchu thật sự hay cuối cùng lên thì tui sẽ không bao giờ bỏ qua đoạn phim mở đầu cực kỳ badass về hình ảnh của Rikimaru và Ayame chiến với Onikage ở mái nhà trên nền nhạc Sadame với những pha kéo dây đàn cực đã tai. Mỗi khi mà nói đến intro mở đầu của video game thôi, đây chính là intro tui nghĩ đến đầu tiên hết thảy.

*Tèo téo téo teo teo teo tèo teo téo teooooo*

Onimusha 3: Demon Siege

Tui chưa bao giờ thật sự chơi cho đủ và trọn vẹn Onimusha 3, vẫn còn nhớ lí do là hệ thống lock on quá cứng dù các combo và critical chain rất là đã tay nên chơi được khoảng vài tiếng là tui bỏ cuộc (một phần do tui chơi Dawn of Dreams đã cải tiến camera và cử động nhân vật mượt hơn nên quay lại hơi khó khăn). Nghĩ lại cũng tiếc với cái bối cảnh du hành xuyên thời không giữa Paris hiện đại và Nhật Bản thời Chiến Quốc không đủ kéo tui ở lại chỉ vì chưa làm quen với cơ chế điều khiển, hy vọng ngày nào đó sẽ vượt qua mà chơi cho đàng hoàng. Thế nhưng tui vẫn sẽ luôn nhớ hoài cái CG intro của Samanosuke Akechi do Kim Thành Vũ thủ vai tả xung hữu đột giữa lũ Genma đã khiến tui phải há hốc ngồi xem một cách say mê quên cả thời gian. Đã vậy, đoạn cuối lại còn solo với Oda Nobunaga Genma và hóa Oni cực ngầu nữa… Oh dear… Video game ơi, xin hãy cứ mãi tuyệt vời với những intro như vậy đi.

Final Fantasy VIII

Còn nhớ cái trend “Hình ảnh có tiếng động” không? Tui dám chắc luôn đây là một intro sẽ khiến cho bất cứ ai từng chơi qua Final Fantasy VIII (FFVIII) hiểu rất rõ cảm giác đó mỗi khi nhìn thấy bất kỳ một bãi biển có sóng đánh vào.

Fethos… Lusec… Wecos… Vinosec…

Bản nhạc Liberi Fatali nổi lên trong hình ảnh một bãi biển và rồi kéo dài đến một cánh đồng hoa, những dòng chữ tha thiết hiện lên cho thấy cả game sẽ xoay quanh một câu chuyện tình, rồi xen lẫn là hình ảnh một chiếc lông vũ và trận chiến gunblade giữa hai thanh niên Squall và Seifer (khi vào game rồi mới biết), chiếc lông vũ và những cánh hoa xoay quanh một cô gái là Rinoa và rồi là những cut về phù thủy Edea. Kết thúc là hai nhát chém tạo ra hai cái sẹo nổi tiếng của cặp đối thủ truyền kiếp và cái ôm giữa Squall và Rinoa. Tất cả mọi thứ diễn ra ở một tốc độ và sự chuyển giao rất mượt mà và gay cấn, khiến cho ta muốn tìm hiểu thêm ngay, game rồi sẽ bắt đầu gần như ngay sau việc Squall và Seifer tập luyện gay gắt đến đả thương nhau như thế, và ta sẽ đào sâu vào thêm để biết tại sao. Đó có thể nói là sự thành công của intro khi khiến người chơi bị “dính” vào ngay lập tức.

Onimusha: Dawn of Dreams

Onimusha: Dawn of Dreams (DoD) là tựa game Onimusha đầu tiên tui biết đến, và nó có tổng cộng là hai video mở đầu. Cái đầu tiên là sự tổng hợp của các đoạn CG cutscene khá bắt mắt với nền nhạc bắt tai của bài Startin’ của Ayumi Hamasaki, nhưng cái tui muốn bàn với các bạn chính là cái opening intro ngay sau khi chúng ta nhấn new game. DoD diễn ra ở thời kỳ mà Toyotomi Hideyoshi đã “thống nhất” Nhật Bản, thế nhưng sự cám dỗ sức mạnh của Genma cũng đã khiến hắn đi theo con đường của Oda Nobunaga. Đoạn intro bắt đầu bằng trận chiến giữa Mitsunari Ishida bị Genma nhập cùng với một nhân vật bí ẩn là Tenkai (thật ra quen lắm). Ngay sau đó intro dẫn đến một khu vực thành thị ở Nhật Bản khi lũ Genma khổng lồ xuất hiện để phá làng phá xóm theo phong cách Attacks on Titan, và rồi một vị anh hùng xuất hiện, đó là Soki cứu một đứa trẻ khỏi bọn Genma lâu la rồi hóa Black Oni và bắt đầu lao vào chiến lũ Genma khổng lồ. Cha mẹ ơi nó đã cái gì đâu.

Onimusha ơi biến mất sao mà lâu quá vậy.

Bonus: End credit của game này là Rainy Day cũng do Ayumi Hamasaki trình bày.

Kingdom Hearts

Thật sự mà nói là hoàn toàn có thể bỏ bất kỳ cái intro nào của Kingdom Hearts (KH) vào. Nền nhạc remix của những bản như Simple and Clean, My Sanctuary hay Face My Fears của Utada Hikaru và cả các CG rendered intro của series KH (các bản chính) đều luôn luôn rất kỳ ảo và tạo ra không khí cho người chơi muốn nhào vào ngay lập tức. Những intro của các hậu bản sẽ đa phần là tổng hợp nhẹ những cảnh đã diễn ra ở các phần trước, và đa số sẽ luôn có những cảnh tất cả tụ họp và tấn công và đặc biệt luôn có những cảnh Sora như rơi vào cõi mộng… Nhưng với cá nhân thì có lẽ intro của KH2 sẽ luôn là cái mà tui thích nhất cho đến hiện tại. Khá nóng lòng chờ ngày mua PS4 chiến KH3, hy vọng sớm thôi.

Tomb Raider (2013)

Tomb Raider sau một vài thất bại, cũng như quá trình reboot lần một không thật sự quá thành công, khi về tay Square Enix thì họ đã bắt đầu thêm một công cuộc reboot nữa, và nó đã thành công mỹ mãn cho đến hiện tại. Đoạn intro này gây ấn tượng không chỉ ở việc hình tượng (cả về hình ảnh sử dụng lẫn tính cách) Lara Croft đã thay đổi hoàn toàn, mà nó còn như tạo nên được sự nghẹt thở và khó khăn mà bối cảnh game rồi sẽ đem đến cho người chơi: những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, những pha hành động đầy chất điện ảnh… Và là Lara kỳ này sẽ trâu đến cỡ nào khi mà ngộp nước, té thuyền, đá rơi, sắt đâm xuyên bụng vẫn không chết =))

Yakuza 0

*Tèo téo tèooooo rétttttttttt*


Quả kéo guitar đầu intro và những hình ảnh từ cutscene của game được cắt ra làm như trailer với những pha đánh đấm lẫn những hình ảnh giới thiệu các nhân vật và tình huống gay cấn được Yakuza 0 làm quá tuyệt vời. Theo như lời một thành viên của HSBT, nó quá “stylish”, đúng y hệt như cơ chế và animation chiến đấu của Kiryu và Majima trong game này vậy. Cho đến giờ, Yakuza 0 vẫn là một game mà tui chả biết phải review theo kiểu gì bởi vì nó quá hay và quá quái.

Okami

Đây có lẽ sẽ là cái intro êm ái nhẹ nhàng nhất, thậm chí là chán nhất trong cả cái list này, theo một nghĩa nào đó. Okami bắt đầu bằng việc cái giọng nói léo nhéo của các nhân vật game này kể câu chuyện về quái vật 8 đầu Orochi đã từng ám cả Nhật Bản thế nào, và sức mạnh của thần sói Shiranui đã phong ấn Orochi thế nào theo kiểu vẽ tranh của Nhật, để rồi chuyển qua hình ảnh trong game là Amaterasu với nền đồ họa độc lạ đặc trưng gắn liền với thương hiệu của tựa game cult classic huyền thoại này. Okami đã và vẫn luôn là một trong những tựa game tui yêu thích nhất, và tui luôn nhớ về cái intro này, nhưng lại chẳng phải theo kiểu thích thú chi cho lắm :))

Shadow of Colossus

Thú thực chưa bao giờ chơi game này, hồi đó có lần thử ở PS2 nhưng mà nhỏ dại nên không biết bản thân đã bỏ lỡ một siêu phẩm. Tuy nhiên cái intro với âm nhạc du dương và cách xây dựng hình ảnh thì trên cả tuyệt vời. Không muốn tả nhiều, hãy xem sẽ rõ, bạn sẽ không biết rằng cái intro này rồi sẽ dẫn đến một câu chuyện thảm thương đen tối thế nào đâu.

Các độc giả có những video game intro nào đáng nhớ với bản thân không?

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


1 cụng ly

  • - 14.08.2019

    Ah yeah
    Back in the glory days of Ayumi Hamasaki
    Now it gone…. Forever…