Oxenfree – không hay như mong đợi

Khách quen

  

Biết đến Oxenfree là vì bạn của tôi rất thích nó. Nên nó đã nằm trong list của tôi từ đó, đến Tết năm nay tôi mới chơi.

Oxenfree kể câu chuyện của nhóm 5 bạn trẻ lên tàu tới một hòn đảo hẻo lánh để tổ chức tiệc tùng. Thế nhưng do tò mò mà một biến cố khủng khiếp đã xảy ra – vết nứt không thời gian xuất hiện kéo theo sự thức giấc của các thế lực siêu nhiên đang ngủ yên trên hòn đảo. Người chơi nhập vai một cô gái tên là Alex, phải chống chọi với các hồn ma để cứu các bạn của mình và thoát khỏi hòn đảo này an toàn.

OK. Nói ngay từ đầu luôn đây là game tôi… thấy nó không hay như kì vọng. Mặc dù bạn tôi rất thích nó nên kéo theo tôi có tâm lí cũng rất muốn thích nó. Nhưng khi chơi đến 1/2 game thì lại thấy nó… không hay như mình nghĩ. Chơi đến hết game thì thấy đúng là nó không hay thật, mặc dù dạo một vòng review trên mạng thì thấy khen nhiều, và bạn tôi cũng thích lắm. Đến đây tôi sẽ trình bày những ưu điểm và nhược điểm của Oxenfree. Tôi chỉ chơi Oxenfree có 1 lần, sau đó lên mạng đọc và xem thêm các ending còn lại. Tôi thật sự không có động lực chơi đến lần 2 và theo tôi, trải nghiệm chơi lần đầu là rất quan trọng.

Những ưu điểm của Oxenfree

Ưu điểm của Oxenfree đầu tiên là lồng tiếng tốt. Các nhân vật nói giọng chuẩn ghê luôn, lại còn phát âm rõ ràng nữa, cứ như đang nghe một cuốn audio book để học tiếng Anh vậy. Lời thoại cũng được viết tốt, hài hước dí dỏm, tuy nhiên một số lại có phần hơi kịch, ngoài đời chắc chả ai nói như thế.

Ưu điểm thứ hai, Oxenfree là một câu chuyện li kì hồi hộp, đôi lúc còn giật gân nữa. Phần âm thanh được làm rất xuất sắc. Game yêu cầu bạn thường xuyên sử dụng radio mà cái tiếng rè rè và tiếng bộ đàm nghe qua radio nó ám ảnh cực kì. Đoạn lần đầu tiên mở ra cánh cổng hình tam giác đúng WTF, hình ảnh và âm thanh kết hợp với nhau làm cảm xúc như bị kéo căng rồi sau đó rung lên bần bật theo những sóng xung động trên màn hình vậy.

Ưu điểm thứ tư là nhịp độ của game bình bình lúc tản bộ nhưng bất chợt biến đổi gấp gáp lúc sự cố xảy ra. Làm người chơi thất thần hoảng sợ. Mang lại cho người chơi những cảm xúc đúng như đang xem một bộ phim ma, hồi hộp và khó hiểu.

Ưu điểm thứ năm, đó là time loop. Concept này ít gặp ở video game, có thể nói là một concept hiếm. Rất thú vị. Nó mang lại cái cảm giác bất lực vì đã chứng kiến rồi nhưng không thể làm gì được, cảm thấy bức bối vì bị các hồn ma đùa giỡn trong một vòng lặp không thể thoát khỏi. Sau cùng phải đưa ra quyết định khó khăn là có hy sinh Clarissa, giao Clarissa cho bọn ma để cả nhóm có thể thoát khỏi hòn đảo hay không.

Ưu điểm thứ sáu là các lựa chọn có ảnh hưởng sâu sắc tới cốt truyện. Hậu quả của lựa chọn thể hiện rõ ràng về sau, làm bạn cảm thấy thật sự hối hận vì đã chọn trước đó. Và game cũng có nhiều ending dựa vào các lựa chọn trong quá trình chơi.

Ưu điểm thì cũng nhiều đấy nhưng đáng tiếc nhược điểm lại làm tôi khó chịu hơn.

Cơ chế lựa chọn hội thoại của Oxenfree muốn biểu đạt tính thực tế nhưng thực sự không hoạt động tốt

Đầu tiên là cái cơ chế chọn lựa chọn của Oxenfree. Đa số lựa chọn thời gian quá nhanh và gấp gáp. Cho dù là những đoạn mà tiếng Anh không khó, tôi đọc hiểu với tốc độ ngang bằng với tiếng Việt thì nó vẫn nhanh hơn mức cần thiết. Nó xuất hiện chỉ có vài giây ngắn ngủi rồi biến mất, nhất là trong khi chúng ta đang nghe nhân vật nói dở thì cảm giác càng gấp gáp vì chúng ta muốn nghe kĩ, nghe cho hết nhân vật nói gì để chọn lựa câu trả lời cho phù hợp. Thậm chí một vài đoạn tôi còn chưa kịp đọc kĩ những lựa chọn nữa.

Tôi ước chừng có khoảng 20% lần chọn của tôi bị “thất bại”: thất bại ở đây là tôi không kịp chọn, hay chọn bừa, không suy nghĩ thấu đáo vì thời gian quá ngắn. Cho dù trình độ tiếng Anh của tôi là OK, đủ để hiểu đa số các câu thoại đang nói gì nhưng việc vừa chọn vừa phải lắng nghe người nói, suy diễn ý đồ câu thoại rồi đối chiếu với các lựa chọn làm tôi cảm thấy rất “bận bịu”. Chưa hết, hầu hết các lựa chọn khi chọn câu trả lời sẽ làm ngắt lời người nói (!?), làm tôi cảm thấy mình đã phạm phải một điều bất lịch sự.

Thế là tôi bắt đầu suy nghĩ lí do, dụng ý cho việc giới hạn thời gian ngắn hơn mức cần thiết và cơ chế ngắt lời của game. Tôi bắt đầu tìm kiếm trên mạng. Và không ngoài dự đoán, không ít người ở Steam và Reddit có cùng phàn nàn, rằng các bóng thoại biến mất quá nhanh. Tiếp theo tôi tìm được bài viết này, nêu lí do tại sao các bóng thoại lại biến mất nhanh và việc lựa chọn sẽ ngắt lời người ta:

https://www.gamesradar.com/interrupt-dialogue-in-oxenfree-makes-conversations-feel-natural/

Đại khái nói rằng việc ngắt lời sẽ làm các cuộc hội thoại trở nên tự nhiên hơn. Bong bóng lời nói của Alex thường xuất hiện trước khi người kia nói xong, và giống như trong cuộc sống thực, một ý nghĩ thường sẽ xuất hiện trong đầu bạn khi bạn còn đang lắng nghe. Đôi khi các bong bóng lời nói biến mất trước khi người ta nói xong – nếu bạn muốn Alex nói lên suy nghĩ đó, bạn nên ngắt lời. Việc ngắt lời có thể có tiêu cực nhưng đó là một phần tự nhiên của sự tương tác giữa người với người. Đôi khi chúng ta ngắt lời vì không muốn ý nghĩ thoáng chốc đó sẽ vụt qua. Đôi khi chúng ta ngắt lời vì muốn ngăn cuộc trò chuyện chuyển sang chiều hướng xấu. Đôi khi người khác vui mừng vì ta ngắt lời bởi vì họ chỉ cố nói chuyện cho vơi bớt im lặng. Oxenfree đại diện cho tất cả các sự kiện này.

Okay……. Nhưng cách làm của Oxenfree tôi thấy nó vẫn kì cục thế nào ấy.

Đúng là có những khi người ta chưa nói xong thì là bạn đã có suy nghĩ trong đầu và muốn nói ra suy nghĩ đó ngay, bạn ngắt lời vì sợ ý nghĩ thoáng chốc đó sẽ vụt qua nhưng trong thực tế thì đó chỉ là một ý nghĩ duy nhất. Còn khi trình bày trong game thì đó lại là nhiều lựa chọn và bạn phải đọc kĩ các lựa chọn, xem xét lựa chọn nào phù hợp với cảm xúc, suy nghĩ của bản thân nhất và chọn nó. Vì vậy, việc phân vân có ngắt lời người khác bằng một ý nghĩ thoáng chốc hay không lại bị “biến chất” thành một việc khó xoay xở, đó là phải xét duyệt hết các lựa chọn và gấp gáp chọn ra một lựa chọn, một câu nói phù hợp với cảm xúc/suy nghĩ nhất. Nếu đặt thời gian quá gấp thì việc xem xét này sẽ không kĩ càng, thậm chí dẫn đến chọn bừa vì sắp hết thời gian (không ít lần tôi chọn bừa chứ không kịp suy nghĩ là tôi muốn chọn cái nào :|).

Việc ngắt lời là thực tế nhưng cũng không hẳn là nó hoạt động đúng như đời thực khi đưa vào game. Bởi vì người chơi luôn có tâm thế muốn hoàn thành game mà không miss một lựa chọn nào. Người chơi luôn có suy nghĩ việc chọn các lựa chọn chắc hẳn sẽ ảnh hưởng đến tiến trình câu chuyện theo một cách nào đó, chúng sẽ ảnh hưởng đến các sự kiện sau này. Một mặt khác, khi game đã trình bày ra các lựa chọn, có nghĩa là game đã mời người chơi tương tác, thà rằng việc im lặng được thể hiện bằng một lựa chọn [giữ im lặng] thì còn được, đằng này thì không, Oxenfree không có lựa chọn giữ im lặng, vì thế việc để cơ hội trôi qua bị người chơi mặc định hiểu là đã bỏ lỡ một lần tương tác có hệ quả, là một lần thất bại.

Bởi vì thế, người chơi sẽ muốn chọn 100% các lựa chọn chứ không bỏ qua. Mà việc ngắt lời lại là cơ chế chung ở Oxenfree nên bạn đã… ngắt lời người khác rất rất rất nhiều lần. Như thế là quá bất lịch sự. Nó không hoạt động đúng với thực tế ở điểm đó. Ở thực tế, tôi không ngắt lời vì tôi muốn người đó nói tiếp, tôi thấy nó hợp lí và không có hậu quả gì cả. Còn ở game, không ngắt lời là một lần bỏ qua tương tác, việc đó sẽ có hậu quả xấu vì game không cho tôi thấy dấu hiệu nào của việc giữ im lặng được game ghi nhận là một hướng tương tác cả.


Oxenfree đã dính một lỗi cơ bản trong trải nghiệm của người dùng là vậy. Bản năng người chơi là muốn tương tác, Oxenfree bày ra các lựa chọn thì tức là mời người chơi tương tác, cộng thêm không có dấu hiệu nào cho thấy giữ im lặng là “đã tương tác theo hướng giữ im lặng” thì chúng ta không thể bằng lòng việc giữ im lặng không chọn gì được. Chứ không ai hiểu giữ im lặng là sẽ tốt theo một cách nào đó cả. Nên thành thử lựa chọn nào cũng… ngắt lời. Mà như thế thì không thực tế, bởi vì thực tế tôi đâu có ngắt lời nhiều như vậy đâu, ở game tôi sợ bỏ lỡ tương tác nên tôi mới ngắt lời thôi, và tôi cũng không hẳn là thích Alex ngắt lời bằng câu đó nữa, tôi không muốn chọn câu nào cả nhưng vì không muốn bỏ lỡ tương tác nên đành chọn đại một câu.

Tóm lại cái cơ chế lựa chọn của Oxenfree nó… thế nào ấy. Tôi không ủng hộ chút nào. 🙁

Câu chuyện của Oxenfree thể hiện yếu ớt vì là một game indie

Câu chuyện của Oxenfree lúc đầu game thể hiện rất kịch tính, li kì hồi hộp. Nhưng sau đó việc bị ma nhập có vẻ đã đi theo lối mòn, nó không còn gây ngạc nhiên hay giật mình nữa vì đã thấy nhiều rồi. Còn về câu chuyện của Oxenfree, lúc đầu thật sự thấy hứng thú vì muốn giải đáp những bí ẩn. Nhưng sau đó mạch chuyện lại trở nên rời rạc, khó nắm bắt vì nhiều thông tin được bày ra mà lại hầu như chỉ được thể hiện qua chữ nghĩa, khiến bạn khó có thể xâu chuỗi được các sự kiện bởi vì đơn giản là bạn không còn nhớ kĩ những câu thoại đã nói gì.

Ngay cả vậy, những tình tiết được trình bày trong game vẫn không đầy đủ để ghép lại một bức tranh tổng thể. Mà cần phải nhờ vào một thứ nhạt nhẽo đó là các bức thư (haiz). Khi chơi xong Oxenfree, và so sánh với Life is Strange thì tôi đã nhận ra lí do tại sao cách trình bày câu chuyện trong Oxenfree lại nhạt nhẽo và lủng củng hơn nhiều so với Life is Strange, đó là vì Oxenfree là một… game indie, game kinh phí thấp.

Khác với LIS, thể hiện các tình tiết, phát triển mối liên hệ giữa các nhân vật một cách sinh động bằng các cutscene đậm tính điện ảnh cùng model nhân vật biểu đạt ngôn ngữ hình thể, biểu cảm khuôn mặt, nghĩa là không chỉ câu thoại mà yếu tố điện ảnh cũng hỗ trợ rất tốt cho việc truyền tải câu chuyện. Thì ở Oxenfree do kinh phí thấp nên không cho phép họ làm Oxenfree thành một game 3D đầy sức sống như LIS. Họ chỉ có thể làm Oxenfree là một game 2D màn hình ngang, cảnh quan môi trường chung quanh là phẳng, không gây ấn tượng gì nhiều. Nhân vật thì bé tí, không nhìn rõ mặt mũi, không thể hiện được sắc thái khuôn mặt, những animation thì lại nghèo nàn mang tính “minh họa”. Nên Oxenfree xây dựng mối liên hệ giữa các nhân vật chủ yếu chỉ bằng các câu thoại.

Sự nghèo nàn về mặt hình ảnh thật sự làm Oxenfree bị thua kém so với LIS. Cùng là những game chú trọng cốt truyện, xây dựng mối liên kết giữa các nhân vật, chú trọng lựa chọn hội thoại, nhưng ở LIS thì giàu hình ảnh làm bạn rất quan tâm đến các nhân vật thì ở Oxenfree cái làm bạn quan tâm tới các nhân vật chỉ là những câu thoại. Nó quá đơn điệu trong cách xây dựng nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật.


Thậm chí vì kinh phí eo hẹp, không cho phép làm nhiều cutscene nên nó còn giản lược các tình tiết. Thay vì việc kể các tình tiết, sự kiện được làm bằng cutscene sinh động thì giờ chúng lại bị biến thành những lá thư. Nên thành thử cách trình bày câu chuyện trong Oxenfree lủng củng và thiếu thú vị và việc truy ra đầu đuôi câu chuyện bằng thư thế này làm một người lười như tôi không hứng thú chút nào cả.

Có một cái mà tôi thật sự thấy… chán vô cùng. Đó là đôi lúc sau khi Alex trả lời, người kia sẽ biểu thị một cái mặt của người đó, của Alex, hay của ai đó đang đề cập tới. Vấn đề ở đây là: đến bây giờ tôi vẫn chẳng hiểu việc hiện lên cái mặt này có ý nghĩa gì nữa. Bởi vì thật sự cái mặt này nó bé quá và tôi không thể xác định được đó là mặt vui hay mặt buồn! Tôi chơi game trên laptop màn hình đủ to nhé. Tóm lại, việc hiện lên cái mặt này làm tôi chả hiểu là game muốn nói cái gì cả, chỉ có thể suy luận là người đó phản ứng với mức độ cảm xúc cao hơn một câu trả lời không có mặt.

Hay thà làm như Golden Sun, hiện ra một cái icon mặt vui, icon mặt buồn thì còn rõ ràng rằng người đó trả lời với cảm xúc vui, buồn đằng này Oxenfree hiện ra một cái mặt chân dung nhưng lại bé tí, người chơi chẳng thể xác định được cái mặt đó có ý nghĩ gì cả, không rõ là vui hay buồn, không rõ nếu trả lời với cái mặt đó thì tức là sao?? => WTF??

Cái mặt này là sao vậy?? Là vui hay buồn đây??

Việc chơi lại trong Oxenfree là không đáng

Với một game có multi choice multi ending thì chơi lại để hiểu game hơn, để thấy được hệ quả khác của những lựa chọn có phải là một điều nên được xem là dễ chấp nhận? Well, còn tùy nha. Việc “chơi lại multi choice” của LIS rất dễ dàng nhờ vào cơ chế tua ngược thời gian. LIS cũng chia theo từng tập rất gọn gàng, và còn thống kê các lựa chọn bạn đã chọn gì, bỏ gì. Còn Oxenfree không hề như thế, chỉ có một save duy nhất, không có chức năng tua lại lựa chọn, không có thống kê. Muốn chọn các lựa chọn khác, xem ending khác thì phải chơi lại từ đầu.

Mà như thế thì không đáng chút nào. Bạn phải bỏ 4-5 tiếng chỉ để trải nghiệm các lựa chọn khác và một ending khác. Về khoản khuyến khích chơi lại để xem ending khác thì Oxenfree thua xa Catherine. Catherine rất có giá trị chơi lại đấy, không chỉ để thấy một ending khác mà còn để giải đố platform xếp hộp mà cái này thì có nhiều cách giải khác nhau, cùng với 3 độ khó khác nhau mỗi độ khó trình bày 3 cấu trúc màn chơi khác nhau. Còn Oxenfree là game thuần visual novel, ngoài visual novel ra chẳng có gameplay nào khác cả, giá trị chơi lại là quá ít. LIS cũng kiểu visual novel nhưng rất giàu về mặt hình ảnh và âm nhạc phong phú nên trải nghiệm lại thêm lần 2, lần 3 là hoàn toàn đáng time.

Tóm lại Oxenfree không hề có công cụ nào hỗ trợ tái lựa chọn. Động lực chơi lại cũng quá ít. Nên tôi thấy Oxenfree đã khá là… tự phụ khi xây dựng nhiều ending, giấu hàng quá nhiều ở những lần chơi sau mà giá trị chơi lại lại quá thấp. Thế thì xin lỗi nhé, ai chơi lại thì chơi lại đi chứ tôi xem youtube. 😐 Tôi thấy hoàn toàn không đáng. Mà việc xem youtube cũng chẳng thể gọi là một cách trải nghiệm đúng đắn của một trò chơi. Nên Oxenfree cũng toang ở phần truyện khi mà cốt truyện chả biết hay đến đâu nhưng bị cắt bớt cho lần sau mà lại không có giá trị chơi lại.

Oxenfree – không hay như kì vọng

Tổng kết thì… Haiz. Oxenfree theo tôi là một game không hay lắm, nó đúng là có điểm đặc biệt do đó được dân tình tâng bốc quá đà. Cốt truyện OK, lời thoại, giọng lồng tiếng rất OK, concept độc và hay, mấy đoạn ma xuất hiện khá đặc sắc. Nhưng cách thiết kế lựa chọn tồi. Từ nửa sau game thì game nhạt dần vì tình tiết đi theo lối mòn. Game ngắn content ít. Đã content ít còn không có save, bắt chơi lại từ đầu nữa chứ. Game không phát huy được tiềm năng do làm đơn giản hóa vì không có kinh phí. Theo tôi nó là một game khá được, tầm 6 điểm. Mọi người có thể thử chơi và vẫn có thể hài lòng. Nhưng cá nhân tôi lại thấy thất vọng.

Tiếc quá Gà ơi, tớ lại không thích game mà cậu thích rồi. 🙁

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


4 cụng ly

  • VNTPSam2 - 13.04.2020

    hay


  • Guang Wu - 13.04.2020

    Oh well, everyone has their own taste I guess. Vì toàn bộ 3 nhược điểm mà bạn nói thì mình lại hoàn toàn thấy nó là ưu điểm.
    Thứ nhất việc bóng thoại nhanh vì bạn sẽ phải chơi 2-3 lần để có được true ending, và lúc đấy thì bạn có thể chọn những lựa chọn khác nhau. Như mình ở lần 1 toàn chọn bóng 1 và cứ thế sang lần 2, lần 3.
    Thứ hai thì bạn chê cốt truyện Oxenfree nghèo nàn thì … mình không biết là bạn chơi không để ý tới nội dung hay sao mà lại nói như thế … Oxenfree có thể chê cái gì chứ mình chưa hề thấy ai chê story và plot của nó cả. Việc bạn so nó với LiS thì oh well, cá nhân mình thấy nó khập khiễng lắm, vì tuy cùng genre nhưng từ story tới graphic của cả 2 đều khác nhau hoàn toàn. Và đương nhiên 1 game từ nph lớn như LiS sẽ ăn đứt Oxenfree về mọi mặt rồi ấy 😐
    Thứ ba chuyện nó không có giá trị chơi lại thì, ờm … chắc bạn không đủ kiên nhẫn, vì quả thật gameplay của Oxenfree chán phèo, 1 cái walking stimulator (thấy lạ là đa phần đều chê cái này mà sao bạn lại không chê haha). Nhưng quả thật nếu kiên nhẫn quay lại vòng lặp, chú ý những điểm ở lần 1 mình chưa chú ý, xem lại quyết định của mình cũng là 1 cái thứ vị.
    Anw cái này cũng chỉ là ý kiến cá nhân của mình thôi 🙂 có lẽ bạn đặt standard cho Oxenfree cao quá nên lúc chơi mới bị thất vọng 😀 Cheer!


  • Hoursea - 13.04.2020

    Chào bạn. Rất vui vì bạn đã comment quan điểm của bạn về game này. 😀 Cá nhân mình nghĩ thế này nha:

    – Cốt truyện Oxenfree nghèo nàn: Mình ko đào sâu tìm hiểu (vì ko có hứng thú) nên trải nghiệm của mình chỉ là bề mặt. Mình đồng ý là kịch bản của Oxenfree có thể hay thật. Nhưng cách thể hiện của nó thì lại nghèo nàn. Bây giờ nếu lục lại xem trải nghiệm câu chuyện của Oxenfree có gì đắt giá thì cá nhân mình chỉ thấy có vỏn vẹn là vài đoạn ma và time loop từ đầu game tới giữa game là ấn tượng, đặc sắc. Sau đó thì rập khuôn theo lối mòn không à. Và còn bị giản lược các cutscene thành các lá thư nữa chứ. Oxenfree không phải là 1 cuốn truyện chữ, mà được thể hiện bằng loại hình visual novel, tức là truyền tải bằng điện ảnh (có tương tác) mà tính điện ảnh ở Oxenfree lại khá nhạt. Nếu nhắm làm game kinh phí thấp, tính điện ảnh ko thể cao thì nên đầu tư vào phần gameplay để game thêm thú vị. Đằng này Oxenfree chỉ là 1 visual novel, không có gameplay luôn. Có thể mình hơi khắt khe ở khoản này nhưng mình thật sự cho rằng Oxenfree là 1 ví dụ cho thấy giá trị cốt lõi của 1 game bị suy yếu bởi chính giới hạn kinh phí của game indie.

    – Chuyện không có giá trị chơi lại: cái này thì ko có gì để nói thêm. Tùy quan điểm mỗi người thôi. Quan điểm của mình là Oxenfree không có gameplay, động lực chơi lại chỉ để thấy lựa chọn khác, ending khác là quá ít ỏi.

    “Thứ nhất việc bóng thoại nhanh vì bạn sẽ phải chơi 2-3 lần để có được true ending, và lúc đấy thì bạn có thể chọn những lựa chọn khác nhau. Như mình ở lần 1 toàn chọn bóng 1 và cứ thế sang lần 2, lần 3.”
    – Xin lỗi mình hoàn toàn không đồng tình với cách nghĩ của bạn. Bóng thoại nhanh là làm hỏng trải nghiệm của người chơi và bạn nói mục đích của việc đó là để “khuyến khích người chơi chơi lại lần 2,3”? Cố ý làm khó người chơi để “tăng giá trị chơi lại” thì mình thật không thể chấp nhận được. Ý bạn là bạn cho phép họ chơi không đẹp để chúng ta chơi lại lần 2? Tại sao lại không nói rằng hãy cho tôi thấy việc tôi chọn lựa chọn đó sẽ mang lại 1 trải nghiệm thú vị và thỏa mãn, và tôi kì vọng những lựa chọn khác cũng sẽ thú vị và thỏa mãn như thế nên tôi sẽ chơi game lại lần 2? Cái đó là bênh vực game 1 cách mù quáng và vô tình làm thấp tư cách của người chơi.
    Tiếp theo ý này, việc chơi lại lần 2, lần 3 nó mang ý đồ khác hẳn so với lần 1. Lần 1 là bạn muốn chọn theo ý muốn của bạn, lần chơi sau thì bạn đã loại cái ý muốn ban đầu của bạn ra khỏi list rồi. Trải nghiệm các lần chơi sau không phải là “trải nghiệm trung thực” nữa. Nó chỉ là trải nghiệm thứ cấp. Mình cho rằng bất cứ 1 nhà làm game nào đều không nên lược bỏ tinh hoa của lần chơi đầu tiên, hay cố ý làm khó core gameplay để “tăng giá trị chơi lại” cả.

    Nhưng mình công nhận là mình đã áp đặt tiêu chuẩn hơi cao với game này. Chủ yếu do bạn mình thích game này lắm nên mình hớn hở chơi mà lại thấy hụt hẫng vì không hay như mong đợi.


  • Knight - 30.01.2022

    Chắc bạn chơi chỉ một lần và với tâm thế kỳ vọng cao. Nên bạn thấy khó chịu với chuyện bóng thoại xuất hiện và biến mất quá nhanh không kịp hiểu rõ mà chọn. Nhưng chắc bạn không biết, “không nói gì” trong trò chơi này cũng là một lựa chọn theo thiết kế của trò chơi đấy. Mình biết chắc chuyện này vì mình đang được đọc phần kịch bản gốc của trò chơi đây. Rất rất nhiều chỗ bạn không trả lời gì cả đều sẽ có phản hồi/trả lời tương ứng từ nhân vật khác.
    Cái nữa, bóng thoại nhanh vì đối tượng chính họ nhắm đến là “người trẻ biết tiếng Anh như người bản xứ”, cụ thể là thanh thiếu niên ở Mỹ, nên họ canh theo tốc độ đọc hiểu như thế. Các nhân vật đều là thanh thiếu niên 17-18 tuổi người Mỹ trong một bối cảnh giả tưởng cũng ở Mỹ luôn. Bản thân mình làm về chuyên ngành ngôn ngữ nên tuy là người Việt nhưng vẫn dễ thấy từ cách diễn đạt, dùng từ, những cái idiomatic expression (kiểu diễn đạt thông thường/thành ngữ/câu cửa miệng) cho đến tiếng lóng đều rất hợp với giới trẻ, nên hầu như mình không gặp khó khăn nào trong việc nghe-đọc-hiểu cả.
    Nếu có thể, mình vẫn mong bạn có thể tạm bỏ qua và quay trở lại chơi để tìm hiểu thêm với tâm thế một người chơi để trải nghiệm đơn thuần chứ không phải để review cho áp lực.
    Hãy thử không chỉ lựa chọn bóng thoại khác hoặc không chọn bóng thoại luôn, đến hành động khác. Bạn đọc đúng rồi đấy, không chỉ chọn thoại không đâu, mà “thứ tự” và lựa chọn “có/không” làm gì đó cũng đều có ảnh hưởng đến cốt truyện chung cả. Hy vọng lúc đó bạn sẽ hiểu được những gì nhà làm game muốn gửi gắm.