Tổng quan về Pixel Art – Phần 2: Giới thiệu sơ lược (Ep.2)

Khách quen

  

Hình dung và phân biệt

Nghe qua cái tên pixel art, người nào không biết rất có thể sẽ cho rằng tất cả những thứ gì có chứa pixel đều được coi là pixel art. Tuy vậy, không phải bức tranh hay ảnh nào hiển thị trên màn hình máy tính cũng là pixel art.

Bức ảnh này được hình thành bởi pixel, nhưng không phải pixel art.

Rồi. Ảnh không được tính là pixel art. Vậy nếu tôi làm art trên máy tính, thì liệu đó đã là pixel art chưa?

Vẫn chưa. Pixel art là một phân loại phụ rất cụ thể của digital art. Pixel art không được xác định bởi cái vật chất hay nội dung hình thành nên nó, mà pixel art được xác định bởi cách nó được hình thành.

Ví dụ, bức digital painting này được làm trên máy tính, và nó cũng được cấu thành bởi pixel, nhưng nó không phải là pixel art.

Nếu một bức tranh pixel art đánh mất đi giá trị quan trọng của những pixel cấu thành nó, thì tôi không nghĩ đó là pixel art. Chỉ khi từng hạt pixel đơn lẻ đều nắm giữ một vai trò quan trọng đối với bản chất của tác phẩm, pixel art mới được định nghĩa đúng.

Không phải loại hình Digital Art nào cũng là Pixel Art

Pixel art được tách biệt với các loại hình digital art khác bởi sự nhấn mạnh của nó lên quyền điều khiển (control) và độ chuẩn xác (precision). Người họa sĩ pixel phải nắm giữ quyền điều khiển bức tranh tới tận cấp độ pixel, và tất cả pixel phải được đặt xuống một cách có chủ đích.

Khi pixel art được thực hiện một cách có chủ đích, việc thay đổi một vài pixel sẽ gây hiệu ứng đáng kể lên bức tranh.

Đặc điểm của con vẹt thay đổi đáng kể, mặc dù chỉ khác có một vài pixel

Các loại hình digital art khác sử dụng rất nhiều các công cụ mà pixel art không cho phép. Lý do các hoạ sĩ pixel không sử dụng các công cụ này là bởi chúng đặt các pixel xuống theo một cách mà người hoạ sĩ không thể xác định được trước. Các công cụ tự động này có thể làm mờ, bôi, hay pha lẫn các pixel vào với nhau. Bất kỳ công cụ nào mà đặt các pixel xuống một cách tự động (có nghĩa là máy tính sẽ quyết định xem các pixel nên được đặt ở đâu và ra sao chứ không phải là người hoạ sĩ) thường không được tin dùng (tuy nhiên mệnh đề này gần đây đã bị thách thức bởi một số hoạ sĩ, tôi sẽ nhắc đến chuyện này trong một số bài sau). Hãy nhớ rằng, pixel art có nghĩa là bạn phải nắm được quyền điều khiển toàn bộ bức tranh.

Một công cụ tự động đã làm mờ các cạnh của khối màu xám này

Bạn sẽ thường nghe thấy người ta kêu ca rằng “Bức này nhiều màu quá, không phải pixel art!” Việc này không phải bởi vì có một loại luật bất thành văn nào đó trong pixel art bắt buộc người ta phải sử dụng X số màu thì mới được coi là pixel art. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng bao nhiêu màu tuỳ thích. Lý do chính mà người ta kêu ca về số lượng màu là bởi một lượng màu lớn thường có nghĩa rằng người hoạ sĩ đã sử dụng các công cụ “bẩn” (bẩn theo nghĩa làm mất đi sự tinh khiết của pixel chứ không phải theo nghĩa xúc phạm). Các công cụ “bẩn” tự động tạo ra rất nhiều các màu mới để đạt được các hiệu ứng làm mờ, pha màu hay trong suốt. Người ta cũng nhắc đến số lượng màu bởi một bảng màu (palette) lớn cũng tỷ lệ thuận với độ khó khi điều khiển bức tranh. Chúng ta sẽ bàn về vấn đề này sau.

Công cụ cũng không xác định Pixel Art

Vậy nếu tôi không sử dụng bất kỳ bộ lọc hay công cụ làm mờ nào, thì đó là pixel art, phải không? Bất cứ thứ gì tôi vẽ ra trong MS Paint cũng là pixel art?

Không hề. Công cụ cũng không phải thứ xác định nên pixel art, mà phải là cái cách bức tranh được tạo ra.

Ví dụ, bức tranh dưới đây được làm trong MS Paint, và không sử dụng bất kỳ một công cụ hiện đại nào cả.

Nhưng đây lại không phải là pixel art. Đây là cái mà người ta gọi là oekaki. Nếu bạn làm pixel art mà lại không phải zoom vào sâu trong bức tranh, thì khả năng cao đó không phải là pixel art. Nếu hầu như bạn chỉ sử dụng các công cụ line và bucket để đổ màu, thì có nghĩa là bạn không đặt quá nhiều sự tập trung vào giá trị của từng pixel riêng lẻ, mà bạn chỉ quan tâm đến những đường nét và những hình thể mà các pixel tạo thành. Tương tự với những bức phác hoạ sơ sài sử dụng các công cụ pencil hay brush. Các phương thức vẽ này hầu như bỏ qua tầm quan trọng của việc sắp đặt các pixel riêng lẻ một cách cẩn thận và có chủ đích.

Tất nhiên, mặc dù đa phần những sự hiểu lầm về pixel art thường đến từ việc định nghĩa pixel art một cách quá quá lỏng lẻo, thì cũng có một số người định nghĩa pixel art một cách chặt chẽ đến cực đoan, dẫn đến làm giới hạn tính sáng tạo của các hoạ sĩ trẻ.


Bạn không nhất thiết phải tự đặt thủ công từng pixel một

Việc của người hoạ sĩ pixel không phải là đặt thủ công từng pixel một trong một bức tranh có đến hàng trăm nghìn pixel. Không ai đòi hỏi bạn phải click từng pixel một trên một khu vực lớn như một con robot. Công cụ bucket không sao. Công cụ line cũng không vấn đề. Điều quan trọng ở đây là người hoạ sĩ phải nắm giữ được quyền điều khiển bức tranh ở cấp độ pixel mọi lúc mọi nơi, chứ không phải là bạn phải click từng pixel một.

Vậy tôi bắt đầu từ đâu?

Trung tâm của pixel art là pixel – không có gì đơn giản hơn thế nữa. Tất cả những lời khuyên này đều hướng cho bạn đến một mục đích chung: đảm bảo rằng sự tập trung của bạn được đặt lên trên các pixel.

  • Khởi đầu với một bức tranh nhỏ. Bức tranh càng lớn, thì công sức và thời gian bạn phải bỏ ra để hoàn thành nó sẽ càng nhiều. Hãy bắt đầu với một bức tranh nhỏ thôi, chứ đừng tự làm khó mình. Điều kì diệu của pixel art là nó có thể thể hiện được rất nhiều thông tin chỉ với một kích cỡ nhỏ xíu, nên bạn sẽ phải bất ngờ khi nhận thấy rằng bạn cần ít không gian như thế nào với pixel art, một khi bạn đã điều khiển được các pixel một cách thành thục đó.
  • Dùng bảng màu nhỏ. Nếu bạn không thể vẽ được một cái sprite cho ra hồn với 4 màu, thì đừng tự hại mình bằng cách sử dụng 40 màu. Việc sử dụng một bảng màu nhỏ đặc biệt đối với người mới là rất quan trọng, bởi nó bắt bạn phải dành hết sự tập trung vào việc sắp xếp các pixel và các mối quan hệ giữa các nhóm pixel sao cho hợp lý nhất. Bảng 4 màu của hệ máy Gameboy đời đầu là một sự lựa chọn không tồi cho người mới, bởi bạn sẽ không cần phải quan tâm đến giá trị độ sáng (luminosity) của các màu, thay vì độ đậm (saturation) hay sắc thái (hue) của màu.
  • Phần mềm. Có rất nhiều các chương trình có thể sử dụng được để làm pixel art, và rất nhiều trong số đó hoàn toàn free. Như tôi thường sử dụng Graphics Gale, nhưng các chương trình như Photoshop, PaintDotNet, PyxelEdit, Aseprite hay thậm chí là MS Paint vẫn thường được người ta lựa chọn để làm. Một số chương trình có giao diện người dùng và chức năng phù hợp với pixel art hơn (ví dụ như để dành các phím hotkey cho các công cụ chuyên dùng cho pixel art, hay chức năng click chuột phải để pick màu), vì thế nên nếu bạn quyết định gắn bó lâu dài với pixel art và muốn cải thiện hiệu quả làm việc của mình, bạn nên lưu ý đến những tiêu chí này.
  • Loại file. Một lỗi rất thường gặp của các hoạ sĩ mới, đó là họ thường lưu các bức tranh của họ dưới định dạng JPEG/JPG, hoặc upload thẳng lên các nơi chỉ hỗ trợ định dạng JPEG/JPG như Facebook cá nhân. Định dạng này tuy không phải là vấn đề quá lớn với các bức ảnh thông thường hay tranh của các loại hình art khác, nhưng về cơ bản, thì nó là một loại định dạng dùng để nén file ảnh,do đó làm hỏng chất lượng màu gốc, và tạo ra rất các pixel nhiễu (noise). Qua đó phá hỏng gần như hoàn toàn chất lượng của một bức tranh pixel art. Tuyệt đối không bao giờ được sử dụng định dạng JPEG/JPG. Thay vào đó, hãy sử dụng định dạng PNG hay GIF. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là một số chương trình như MS Paint cũng không hoàn toàn hỗ trợ lưu file dưới định dạng GIF, và vẫn có thể làm hỏng bức tranh của bạn.

Nhưng tôi bắt đầu vẽ thực sự như thế nào?

Cái này thực ra… tùy bạn. Thông thường có hai cách cơ bản mà đa số các hoạ sĩ sử dụng để làm pixel art. Khá giống với các loại hình art khác, cả truyền thống lẫn digital, đó là bạn sẽ đi line trước, rồi sau đó mới đổ màu lên các khu vực kín.

Một cách khác mà các hoạ sĩ có kinh nghiệm hơn sử dụng, đó là tư duy qua các khối đơn màu thay vì tư duy qua line. Họ sẽ bắt đầu bằng cách đổ các khối đơn màu lên bức tranh trước bằng công cụ brush cỡ to, rồi sau đó mới đi vào tinh chế và mài dũa để cho bức tranh đạt được chi tiết và chất lượng ở cấp độ pixel.

Cả hai phương thức này đều hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Quan trọng là bạn chọn được phương thức nào mà bạn cảm thấy thoải mái sử dụng nhất, hoặc cũng có thể tùy thuộc vào yêu cầu của bức tranh hay của dự án. Đi line có thể tiện hơn nếu bạn đang căn ke (trace) một bức tranh sẵn có nào đó và chuyển thể nó thành pixel art. Nhưng nếu bạn tự bắt đầu vẽ một bức tranh pixel art của riêng mình, thì bắt đầu bằng việc đổ các khối đơn màu với công cụ brush sẽ hiệu quả hơn.

***


Qua hai bài giới thiệu sơ lược về pixel art vừa rồi, chúng ta đã phần nào hình dung được lịch sử, vị trí trong hội hoạ hiện tại của pixel art, và cách phân biệt và định hình pixel art. Trong phần sau của loạt bài về pixel art, chúng ta sẽ đi vào tìm hiểu các kỹ thuật cụ thể hơn của pixel art, và các lỗi rất thường gặp của các hoạ sĩ pixel art mới.

Một lần nữa cảm ơn bạn đã đón nhận và theo dõi loạt bài này. Rất hy vọng được lắng nghe những lời bình luận và chia sẻ thú vị của bạn.

Vô cùng cảm ơn ViNA Ludens đã cho phép HSBT đăng lại các bài viết cực kỳ ý nghĩa này. Mời các bạn theo dõi ViNA Ludens tại đây.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện