Quả trứng của dê đen nở ra, thế giới sụp đổ, Kafka thân đầy máu hé mắt nhìn trời

Khách quen

  Thợ sửa ống nước

Gửi Triết Trắng,

Hy vọng con đọc truyện này khi 20+, cái tuổi mà đứa trẻ nhiều bạn bè nhất cũng thấy cô đơn.

Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày con virus Gỗ Thâm* xuất hiện, cục diện thế giới xoay chuyển nhanh như định hướng của sếp và ý thích của khách hàng. Hoa Kỳ từ siêu cường số 1 thế giới bất ngờ vươn lên vị trí dẫn đầu vũ trụ khi chính sách “thân ai nấy lo” của Tổng thống Donald Duck phát huy tác dụng khiến tỉ lệ tử vong của người già yếu và bệnh tật được giữ ở ngưỡng 98,6% trong 3 năm liên tục.

Và khi kịch bản phim The Purge (Thanh Trừng) trở thành sự thật, gánh nặng chăm sóc y tế gần như bằng 0 cùng với việc người dân lao đầu vào làm việc online ngày đêm không nghỉ vì sợ nghèo, sợ chết, sợ đủ thứ không tên đã khiến kinh tế đất nước tăng trưởng chóng mặt như giá khẩu trang thời Mask Calimity (Loạn Khẩu Trang, một giai đoạn lịch sử ngắn kéo dài 20 tháng, khi giá khẩu trang tăng đến 2 triệu nhân dân đồng/ounce, giá nước rửa tay thô lúc đỉnh điểm đạt 89 cô ca cô la một thùng, các cổ phiếu chủ đạo của thị trường là PEOPLE – 19 và HUMANITARIAN – 23 đồng loạt chạm đáy, trong khi giá của TOILETCHUI tăng vọt, biến công ty giấy vệ sinh Đau Lòng của xứ Đông Lào trở thành công ty có giá trị vốn hóa cao nhất toàn cầu, vượt qua cả những tên tuổi lớn như Táo, Sung và Mềm Nhỏ).

Những người bất mãn với chính sách có vẻ vô nhân đạo của Tổng thống nhanh chóng kéo xuống đường biểu tình mà không hề vấp phải bất kỳ sự ngăn cản nào của giai cấp cầm quyền. Và như một hệ quả tất yếu, lũ virus đã giải quyết phần còn lại, nhân lực vật lực tiêu tốn cho các cuộc đàn áp hầu như chỉ là tiền thuê các anh nhà đòn.

Đó là chuyện ở xứ người, còn ở chốn này, mọi chuyện vẫn trôi qua như vậy. Ban ngày người ta vẫn thức dậy đi làm, tối tối lại về, bầu không khí chỉ hơi căng thẳng hơn xưa một chút khi mọi liên lạc giao tiếp với nước ngoài đều thông qua Internet, còn các tiếp xúc vật lý và các chuyến bay chở khách tới lui đã không còn. Thời bây giờ, máy bay chỉ ưu tiên vận chuyển hàng hóa, con người – nay đã ngang hàng với chó và các động vật khác – hầu như bị cấm tiệt không cho lên máy bay. Dĩ nhiên, kinh tế nước nhà vẫn vậy, người già vẫn sống, bọn trẻ vẫn vui chơi đùa giỡn, các chú giao thức ăn vẫn nhân lúc trời tối (hoặc không) đứng đái cạnh bờ tường,… Đông Lào kiểm soát dịch tốt đến mức chả có thay đổi gì lớn lao xảy ra trong lòng xã hội, ngoài 3 cột mốc chính:

  1. Bộ Giáo dục được giải thể sau một năm lẻ hai tháng in cùng một công văn với nội dung y hệt nhau, chỉ có ngày tháng nhập học trở lại được sửa đổi bổ sung.
  2. Khẩu hiệu “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn ở nhà vì chúng tôi” được đổi thành “Chúng tôi đi làm vì miếng ăn và trách nhiệm, bạn ở nhà vì sức khỏe của bạn và gia đình” để phù hợp hơn với thực tế.
  3. Số lượng thành viên trên 18 tuổi mang IP Việt Nam đã chính thức vượt quá tổng dân số Việt Nam, theo số liệu của MindGeek.

Mọi thứ vẫn vậy, nghĩa là cuộc sống vẫn tẻ nhạt như thường ngày. Một chuỗi các công việc cứ lặp đi lặp lại ngày qua ngày, đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ xem p*rn đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ xem p*rn đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi vệ sinh đi ngủ đi làm đi ăn đi về đi vệ sinh đi ngủ đi làm đi ăn đi ngủ.

Rồi tình cờ, tôi đọc lại một manga cũ trước đây từng bỏ dở, thật may là bây giờ bộ truyện đã hoàn thành, không còn phải ngóng chap mới mỗi tuần hay lật bàn mỗi khi tác giả than đau răng hay tiêu chảy, kèm theo một thông báo to đùng từ nhóm dịch: “Tuần này nghỉ.” Tôi bắt đầu đi làm trễ hơn, ra về sớm hơn, và xen giữa chuỗi đi làm đi ăn đi về và đi ngủ quen thuộc, nhẹ nhàng như một khúc lươn len giữa khoanh bạc hà và cọng rau nhút trong nồi lẩu chua sôi ùng ục, tôi bắt đầu có thêm một hoạt động mới mỗi tối: ngấu nghiến manga. Không biết đây có phải việc đáng tự hào không, nhưng cuộc sống chán phèo trước đây của tôi đã sang một trang mới, thay vì chán phèo đơn thuần, nay đã thêm phần sa đọa. Tôi quay lại chuỗi ngày thức đêm đọc manga.

Tokyo Ghoul của tác giả Sui Ishida là bộ manga kéo dài trong bảy năm, từ 2011 đến 2018, được chia làm 2 phần là Tokyo Ghoul gồm 143 chương và Tokyo Ghoul: re gồm 179 chương (tôi sẽ gọi tắt là phần 1 và phần 2 cho gọn). Bảy năm nghe có vẻ khá dài, nhưng so với thời gian Conan – sát thủ đại tài ngồi lại lớp 1 hay một số manga kỳ cựu khác thì con số này không khác gì một lần chớp mắt vươn vai. Ở Việt Nam, ngoài cái tên Tokyo Ghoul, truyện có vài tên gọi khá hay ho như Ngạ quỷ Tokyo, Tokyo Kushu hay Đông Kinh thực chủng. Với tôi, Ghoul và thực chủng giàu sức gợi hơn, vì tôi tiếp xúc nhiều với tiếng Anh và thích nghe tiếng Hán.

Câu chuyện bắt đầu ở Tokyo (dĩ nhiên), xoay quanh nhân vật chính là Kaneki Ken, một cậu trai năm nhất đại học nhút nhát, hiền lành, mê sách và có phần ẻo lả. Cậu phải lòng một cô gái dễ thương vô tình gặp ở quán cà phê, một người dịu dàng, yêu sách nhưng không yêu sách, Rize Kamishiro. Ông trời có mắt, Rize cũng có cảm tình với Kaneki, và buổi hẹn hò đầu tiên của hai người suôn sẻ đến mức khó tin. Trớ trêu thay, thế giới màu hồng của Ken bắt đầu rạn nứt khi cậu nhận ra lý do Rize thích mình là vì… thịt của cậu mềm và dễ ăn.

Rize không phải người, cô là một ghoul (quỷ ăn thịt), một chủng loài có hình dạng tương tự như con người với sức mạnh thể chất vượt trội cùng khả năng phục hồi thương tổn nhanh hơn cả Rejoice phục hồi tóc hư tổn. Điểm khác biệt lớn nhất giữa ghoul và người là ghoul không thể ăn và tiêu thụ các thực phẩm của con người, nguồn sống duy nhất của ghoul là thịt người và thứ bình thường duy nhất mà ghoul dùng được là… cà phê. Lúc sắp lên dĩa theo đúng nghĩa đen, một tai nạn bất ngờ xảy ra khiến Rize mất mạng còn Kaneki bị trọng thương. Trong cơn nguy kịch, một bác sĩ tên Kanou đã cấy ghép một phần nội tạng của Rize cho Kaneki. Khi cậu bình phục và trở lại cuộc sống thật, bi kịch bắt đầu.

Kaneki không còn là người, cũng chẳng phải một con quỷ thuần chủng. Giai đoạn đầu của phần 1 là những dằn vặt, cắn rứt, những mặc cảm tội lỗi của một kẻ từng-là-người. Căm hận bản thân khi bị hấp dẫn bởi mùi xác người; bỏ mặc cho cái đói dẫn dắt khi phần quỷ lấn át phần người; nửa hoan hỉ, nửa rùng mình khi tỉnh dậy sau một đêm đói khát, vui vì cơn đói đã dịu đi, còn lo sợ vì không biết trong cơn thèm khát điên cuồng hôm trước có vô tình cướp đi sinh mạng của ai không. Dần dà, Kaneki phải học cách sống của quỷ ăn thịt, len lỏi giữa xã hội loài người như những bóng ma.

May mắn thay, cậu không phải đối diện với mọi chuyện một mình. Như một sự sắp đặt của số phận, cậu được Kuzen Yoshimura, một quỷ ăn thịt “về hưu”, cũng là ông chủ quán cà phê đầy duyên nợ Anteiku (nơi cậu gặp Rize) nhận vào làm. Ngoài việc là một quán cà phê để ghoul tụ tập, dưới sự dẫn dắt của ông chủ Yoshimura, Anteiku còn hoạt động như một trại tế bần, một nơi chuyên giúp đỡ những ghoul có hoàn cảnh khó khăn cũng như kiềm hãm và ngăn cản những ghoul “ăn quá nhiều”.

Quán cà phê quỷ ăn thịt của quận 20 có thể xem như một Utopia (thế giới không tưởng), nơi chào đón cả con người và ghoul đến thưởng thức cà phê, một nơi được ra đời với lý tưởng con người và quỷ chung sống trong hòa bình. Cũng tại nơi đây, espresso đắng chát bắt đầu để lại chút vị ngọt nơi đầu lưỡi, khi Ken gặp được Touka, lý do chính để tôi đọc bộ truyện này.

Tóc che mắt em mà ngỡ trời xanh mờ tối

Song song với sự tồn tại của ghoul là CCG (Commission of Counter Ghoul – Ủy ban Chống Ghoul), một tổ chức chuyên điều tra và thanh trừng quỷ ăn thịt để bảo vệ sự bình yên cho loài người. Các thanh tra chống quỷ ăn thịt được phe quỷ gọi là “bồ câu”, và có thể xem như những người thực thi công lý. Nếu quỷ ăn thịt sử dụng kagune (vuốt quỷ – một dạng cơ bắp lỏng có thể thay đổi hình dạng tùy vào khả năng và sức sáng tạo của mỗi con quỷ) làm vũ khí, thì các thanh tra sử dụng quinque, vũ khí được chế tạo từ các kagune của quỷ từng bị tiêu diệt để chống lại chính loài quỷ. Từ đây, nội tâm của Ken lại một lần nữa chịu dằn xé khi cậu phải lựa chọn giữa việc bảo vệ những quỷ ăn thịt mà mình yêu quý hay chiến đấu cùng các thanh tra để bảo vệ con người, bảo vệ thế giới mà cậu từng là một phần trong đó.

νεχ ποσσυμ τεχυμ ωιωερε, νεχ σινε τε – Ta không thể sống thiếu người, cũng không thể ở cùng người.

Thế giới trong Tokyo Ghoul là thế giới của những méo mó, nhục cảm và khát khao thầm kín đến từ hai phía người và quỷ. Cuộc sống trốn chui trốn nhủi ngoài vòng pháp luật, không biết đến ngày mai của những ghoul hiền lành muốn sống chung với con người. Vòng tròn hận thù lẩn quẩn của những đứa trẻ có cha mẹ là nạn nhân của ghoul, được CCG đào tạo để trở thành thanh tra diệt quỷ. Một thế giới tràn ngập sự bất lực như khi Hinami, một bé gái ghoul mồ côi thảng thốt “Em không muốn trả thù, em muốn cha mẹ quay về với em”; khi thanh tra diệt quỷ Amon Koutarou, hai hàm răng nghiến chặt, nước mắt chảy dài, “Đứa con này có lỗi khi yêu thương cha nó sao?”.

Kaneki Ken nhận ra không phải bên thanh tra sai, cũng không phải quỷ ăn thịt sai, mà thế giới này vốn dĩ đã là một sai lầm. Thế giới của tên cai ngục đam mê tra tấn quỷ, thế giới của tay tài xế taxi thích sưu tập phần thân phụ nữ hay thế giới của quý bà quỷ hoạn cả con nuôi của mình vì không muốn thằng bé dậy thì và mất đi vẻ ngây thơ, trong sáng (??!!).


Nguồn: Mangastream

“Con chim, chiến đấu để thoát khỏi quả trứng

Quả trứng là thế giới

Kẻ muốn được sinh ra

Trước hết phải phá hủy thế giới.”

Hermann Hesse, Demian.

Tokyo Ghoul là hành trình lột xác của Kaneki Ken, từ một người rụt rè, yếu đuối và có phần nhu nhược trở thành một con quái vật sẵn sàng làm mọi thứ vì cái đích cuối cùng. Nhưng dù có thay đổi đến đâu, cốt tủy cậu vẫn là một thằng bé thiếu thốn tình thương, khao khát được trở thành người quan trọng trong lòng kẻ khác. Mỗi lần trải qua khoảnh khắc thập tử nhất sinh, Kaneki lại đào sâu vào phần ẩn ức trong con người cậu, đối diện với những câu hỏi thẳng thừng và gai góc nhất để ngộ ra bản tính thật sự của chính mình:


“Hơn là kẻ gây tổn thương người khác, hãy là kẻ bị tổn thương”, cậu thật sự sống với suy nghĩ đó sao?

Mẹ tôi dạy như vậy, nên…

Nếu mẹ yêu cậu, bà ấy nên chọn cậu và để đứa mặc đứa em gái ngu ngốc của bà. Cậu có nghĩ thế không?

Mẹ, sao mẹ để con lại một mình. Con cô độc, con không muốn thế, con ước gì mẹ đã chọn con. Con muốn mẹ sống vì con.

Kể cả bỏ mặc cho dì của cậu chết?

Kể cả như thế.

Mẹ cậu không làm được, bà ấy chết vì cố gắng cứu cả hai. Đấy không phải là “tốt bụng”, đó chỉ là “yếu đuối”, bà ấy không có dũng khí bỏ rơi một trong hai.”

Đọc Tokyo Ghoul, tôi có cảm giác ích kỷ là tồn tại phổ biến nhất của con người. Chúng ta sinh ra ích kỷ, chết đi ích kỷ. Chúng ta tập trung thành từng đám đông ích kỷ. Chúng ta tìm được một cá thể ích kỷ khác phù hợp với mình, sống với họ, yêu thương bảo vệ họ, và vẫn giữ khư khư cái ích kỷ ấy cho riêng mình. Kẻ cô độc ghét sự ích kỷ, kẻ ích kỷ căm thù cô độc. Đến cuối cùng, Kaneki Ken nhận ra cậu cũng giống hệt như mẹ mình, cậu ôm đồm mọi thứ, cậu cố gắng chịu trách nhiệm cho tất cả mọi người vì sự ích kỷ của bản thân: cậu sợ bị bỏ lại một mình.

Một trong những điểm sáng của Tokyo Ghoul chính là tính kiên định của tác giả trong việc đặt ra và giải quyết các mâu thuẫn từ lúc bắt đầu bộ truyện. Nội dung truyện liền mạch, các nhân vật đều có liên hệ rõ ràng, plot truyện được sắp xếp hợp lý, càng về sau càng được làm sáng tỏ. Truyện không hề có (hoặc rất ít) những tình huống tổ lái vang danh sử sách như một cậu khỉ con ngây thơ miền sơn cước hóa ra mang trong mình dòng máu chiến binh cấp vũ trụ càng gồng càng khỏe hay một trong những người mạnh nhất bốn biển bị một con cá lìm kìm cạp mất tay rồi chữa ngượng bằng lý do “bet cả cánh tay cho thời đại mới”.

Tokyo Ghoul mở đầu là chuyện về quỷ ăn thịt và con người, kết thúc là chuyện giữa người và quỷ ăn thịt, không có một thế lực tóc trắng mắt to nào đó đến từ mặt trăng tự xưng là mẹ tổ muôn loài. Nhiều lúc tôi nghĩ, giá như những mangaka kỳ cựu như Tite Kubo tiên sinh không cố vẽ rắn thêm chân, để Ichigo đứng nhìn Rukia từ từ tan biến do mất sức mạnh tử thần sau khi đánh bại Aizen thì Bleach đã kết thúc đẹp biết nhường nào.

Bleach nên kết thúc thế này

Ngoài cốt truyện gọn gàng thì hệ thống nhân vật phụ thú vị cũng là một ưu điểm của truyện. Mỗi nhân vật dù xuất hiện ít hay nhiều đều có một vai trò nhất định trong mạch truyện, số lượng nhân vật bị thừa hầu như rất ít. Một số nhân vật đôi khi chỉ xuất hiện trong một vài ô tranh, nói vài câu thoại nhưng vẫn thể hiện được nét cá tính riêng.

Chúng ta có Hide Nagachika, người bạn nối khố luôn bên cạnh động viên Kaneki Ken, một chàng trai năng động và lạc quan với đầu óc nhạy bén và trực giác hơn người. Touka Kirishima, cô nhân viên Anteiku mạnh mẽ, bề ngoài lạnh lùng nhưng bên trong là một trái tim ấm áp. Irimi và Koma, hai nhân viên ghoul cộm cán của quán cà phê, cũng là hai nhân vật nếu không để ý kỹ sẽ dễ dàng quên mất sự tồn tại của họ. Lần đầu đọc truyện, đến khi hai người này có nhiều đất diễn hơn, tôi phải lật ngược lại những chap đầu để xem họ là ai. Amon Koutarou, thanh tra diệt quỷ từng là trẻ mồ côi được một quỷ ăn thịt giả làm cha xứ trong cô nhi viện nuôi dưỡng. Arima Kishou, tử thần của CCG hay Suzuya Juuzou, Jason của quận 13,… nếu phải kể ra hết những nhân vật để lại ấn tượng với tôi trong Tokyo Ghoul thì chắc cả ngày không hết.

Nguồn: @kanaruuuu17171, Twitter.com

Một điểm trừ của truyện là các cảnh chiến đấu, vốn chiếm một phần lớn thời gian truyện, quá khó nhìn. Sự chuyển biến và những xung đột nội tâm của nhân vật chính, Kaneki Ken luôn được tập trung miêu tả và phát triển xuyên suốt bộ truyện. Và có lẽ vì quá tập trung vào các yếu tố bên trong mà phần hành động của truyện cực kỳ… mù mắt. Trong nhiều phân cảnh đánh nhau, việc nhìn ra ai đánh với ai đã khó chứ đừng nói tới việc hình dung rõ ràng các chuyển động hay chiêu thức giao tranh. Nếu bạn trông chờ một sự cứu rỗi về mặt hình ảnh đến từ anime như những gì đã xảy ra với Attack on Titan hay Hunter x Hunter thì xin chia buồn, vì ngoài phần anime đầu tiên thì các phần anime sau đó đều là những cú trượt dài cả về mặt hình ảnh và nội dung.

Chuyện tình yêu cũng xuất hiện xuyên suốt tác phẩm, với các mối quan hệ tình cảm từ một chiều, hai chiều đến đa chiều với đủ mọi ghen tuông, hờn giận, ích kỷ, vị tha của tuổi mới lớn. Đôi khi tôi ước mình đọc hết bộ truyện này ở tuổi 20, lúc đó có lẽ những tình cảm vụng về này sẽ dễ dàng chiếm được sự đồng cảm của tôi hơn. Còn bây giờ, tôi chẳng khác gì một ông già xem mục Tình Yêu Ếch Con hay Gà Bông gì đó trên Mực Tím hay Hoa Học Trò.

Một khuyết điểm khác là kết thúc của :re có phần vội vã, cùng sự “nhẹ tay” từ phía tác giả cho các nhân vật của mình. Có thể đây chỉ là kỳ vọng của riêng tôi nhưng mở đầu đầy bi kịch với một cái kết đề huề, được nhiều mất ít có lẽ hơi khập khiễng. Ngoài ra, số phận của vài nhân vật tôi yêu thích và đóng vai trò quan trọng trong bộ truyện không được tiết lộ rõ ràng. Đỉnh điểm của việc này là một cặp đôi thanh tra với thời lượng xuất hiện dài ngoẵng lại biến mất trong chap cuối cùng, dù cho những nhân vật phụ ít nổi bật hơn lại có một dấu chấm hết viên mãn. Dẫu vậy, tôi sẵn sàng tha thứ tất cả mọi lỗi lầm của tác giả vì ông đã vẽ Tokyo Ghoul:re chap 125.

Đến đây thôi, chữ tôi đã cạn. Thật sự tôi rất lười viết, phần vì tôi viết dở, phần vì tôi LƯỜI. Nhưng rồi tôi vẫn viết, nếu không 5 năm, 10 năm sau nữa, đầu óc chằng chịt đủ mọi bộn bề, cái góc nhỏ cho những thường thức tinh thần nói chung và manga nói riêng của tôi teo như tóp mỡ, tôi còn lại gì?

*Virus Gỗ Thâm: Theo các dzáo xư đã tốt nghiệp khóa go pro của tổ chức Yte thế giới 1977, virus bắt nguồn từ một người mặc đồ bó hay la cà bên ngoài vào buổi tối tại thành phố Gotham. Do các lý do chính trị và chủng tộc, virus được đổi tên thành Gỗ Thâm để hạn chế nạn kỳ thị, phân biệt đối xử và chặn đánh những người thích hóa trang và giả giọng khàn.

Oreo<3

Khách quen

  Thợ sửa ống nước
Giữa nước lọc và bia không cần phải có cà phê.

Gửi bài cho HSBT!

Không cần là một người viết chuyên nghiệp, không cần văn trên 7 điểm. Tất cả những gì chúng tui cần là các bạn cứ thoải mái tâm sự về tựa game bạn yêu thích. Bài viết của bạn sẽ được đăng trên website với hơn 150.000 lượt xem mỗi tháng.

Trò chuyện


2 cụng ly

  • Nhím Lùn - 28.03.2020

    Mình đã đọc đến chap 20 của Tokyo Ghoul trước khi đọc bài này, nhưng mình chưa có động lực đọc tiếp mà thà chuyển sang đọc một quyển tiểu thuyết nhiều chữ còn hơn vì mỗi tội truyện vẽ quá khó nhìn khiến mình đọc rất mỏi mắt và dễ nản. Thêm nữa, nội dung ban đầu thấy cũng bình thường dễ đoán chưa có gì đặc biệt thu hút được mình! Nhưng sau bài này của bạn mình đã có động lực đọc hết bộ truyện.
    Hy vọng bạn bớt lười, viết thêm nhiều bài hay vào nhé ^^! Mình đã cười rất nhiều khi đọc bài này. Your writing make my day <3


  • Chúa - 30.03.2020

    Alter Ego là một game hay.
    Đây là một bài viết hay.
    Chúa không biết làm thơ.
    GG.